12 Bằng Chứng Hội Thánh Sẽ Được Cất Lên Trước Đại Nạn

Trần Đình Tâm

 


Có ít nhất 12 bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời có chương trình sẽ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Ngài đoán phạt thế giới bằng cơn đại nạn. Xin trình bày tóm tắt các bằng chứng ấy sau đây:

1. Cơn đại nạn được chỉ định cho dân Do Thái.

Đa-ni-ên 9:24-27 ghi lại chương trình của Đức Chúa Trời cho dân Do Thái gồm 70 tuần lễ, trong đó có tuần lễ thứ bảy mươi, là tuần lễ cuối cùng, gồm 7 năm đại nạn. Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên ban truyền cho tiên tri Đa-ni-ên biết chương trình như sau:

     “Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươithành thánh ngươi.”  (Đa-ni-ên 9:24)

Dân ngươi: Là dân Y-sơ-ra-ên; thành thánh ngươi: Chỉ về thành Giê-ru-sa-lem.

Đức Chúa Trời cho biết mục đích của Ngài: “đặng ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào” (câu 24b). Mục đích của Đức Chúa Trời là thanh tẩy dân Do Thái. Qua cơn đại nạn, dân Do Thái sẽ ăn năn và sẽ công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si. Chúng ta biết được lý do tại sao có sự thanh tẩy nầy trong câu 26: “Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi.Dân Do Thái đã không công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si của họ, họ đã loại trừ Ngài bằng cách hiệp với chính quyền La-mã để đóng đinh Chúa Jesus trên thập tự giá (Giăng 19:15). (Xin đọc bài “Lời Tiên Tri Về Bảy Mươi Tuần Lễ”)

Như vậy, cơn đại nạn (tuần lễ thứ 70) được chỉ định cho dân Do Thái chứ không được chỉ định cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời.  

2. Cơn đại nạn được chỉ định cho những người chống nghịch Chúa.

“Nầy, cơn bão của Đức Giê-hô-va, tức là cơn thạnh nộ của Ngài, đã phát ra một cơn bão lớn: nó sẽ phát ra trên đầu kẻ dữ. Sự nóng giận của Đức Giê-hô-va chẳng trở về cho đến chừng nào Ngài đã làm và đã trọn ý toan trong lòng Ngài. Trong những ngày sau rốt, các ngươi sẽ hiểu điều đó.”  (Giê-rê-mi 30:23,24)

“Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm: ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh hiển, sực tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời; còn ai có lòng chống trả, không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ. Sự hoạn nạn khốn khó giáng cho mọi người làm ác, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc.”  (Rô-ma 2:5-9)

“Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (wrath of God) là cụm từ được dùng rất nhiều lần trong Cựu Ước và Tân Ước để chỉ về các tai họa kinh khiếp mà Đức Chúa Trời sẽ đổ xuống trên thế giới trong 7 năm cuối cùng. Chúng ta thấy những người không tin Chúa Jesus, những người chống lại chân lý mà không ăn năn kịp thời, đều phải chịu cơn đại nạn.

3. Đức Chúa Trời không chỉ định cơn đại nạn cho người tin Chúa Jesus.

“Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.”  (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9)

Phao-lô viết thư cho các con cái Chúa tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, ông khẳng định Đức Chúa Trời không định cho “chúng ta” là những người đặt niềm tin sự chuộc tội của Chúa Jesus, phải chịu cơn đại nạn. Chúa Jesus sẽ giải cứu chúng ta ra khỏi cơn đại nạn bằng sự kiện chính Ngài sẽ giáng xuống trên không trung tiếp rước Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi cơn đại nạn đổ xuống. (Xin đọc bài “Sự Cất Hội Thánh Về Trời”)

4. Sự trông cậy hạnh phước của Cơ-đốc nhân.

“Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi. Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đang khi chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ.”  (Tít 2:9-11)

Chúng ta là con cái Chúa đang sống trong thế gian nầy, chúng ta đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước, hay chờ đợi niềm hy vọng hạnh phước (looking for that blesssd hope) đến với chúng ta, đó là giây phút chúng ta được gặp Chúa Jesus trong sự vinh hiển của Ngài, chắc chắn Ngài đến đem chúng ta ra khỏi cơn đại nạn. Nếu chúng ta phải trãi qua cơn đại nạn (theo quan điểm Hậu Nạn) thì rõ ràng không phải chúng ta đang chờ đợi niềm “hy vọng hạnh phước” như Lời Chúa phán mà đang chờ đợi … tai họa giáng xuống trên chúng ta!!

5. Khải Huyền 3:1: Hội Thánh được tránh khỏi giờ thử thách.

“Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất.”  (Khải Huyền 3:10)

Trên đây là lời phán của Đấng cầm chìa khóa của Đa-vít, phán với Hội Thánh Phi-la-đen-phi, là Hội Thánh không bị Chúa quở trách điều gì. Chúa hứa sẽ giữ Hội Thánh khỏi giờ thử thách (keep thee from the hour of temptation). Chúng ta cần ghi nhận vài yếu tố sau:

+ “Giờ thử thách” có ý nghĩa gì? Nếu đối chiếu với các câu Kinh Thánh khác dùng thuật ngữ đặc biệt để chỉ về cơn đại nạn như: “Ngày thạnh nộ” (Sô-phô-ni 1:15a), “Ngày hoạn nạn” (Sô-phô-ni 1:15b), “Ngày tai vạ” (Giô-ên 1:15), “Ngày tối tăm” (Giô-ên 2:2), “Ngày báo thù” (Ê-sai 34:8), “Hoạn nạn lớn” (Ma-thi-ơ 24:21) v.v… thì dễ thấy rằng “Giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian” cũng chỉ về cơn đại nạn sẽ đến trên thế giới.

+ Một trong các Hội Thánh bị Chúa quở trách là Thi-a-ti-rơ. Chúa kêu gọi Hội Thánh nầy ăn năn, kèm theo lời cảnh cáo nghiêm khắc: “Nầy, ta quăng nó trên giường đau đớn, và phàm kẻ nào phạm tội tà dâm với nó, mà không ăn năn việc làm của nó, thì ta cũng quăng vào tai nạn lớn.” (Khải Huyền 2:22).

+ Hãy chú ý đến một Hội Thánh khác, là Hội Thánh Sạt-đe, bị Chúa quở trách là Hội Thánh chết. Chúa kêu gọi ăn năn cùng với lời cảnh báo: “Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình.” (Khải Huyền 3:3)

Bây giờ chúng ta đối chiếu 3 Hội Thánh nêu trên:

     -  Hội Thánh Sạt-đe: Chúa đến như kẻ trộm bắt họ thình lình (nếu không ăn năn).

     - Hội Thánh Thi-a-ti-rơ: Bị quăng vào tai nạn lớn (nếu không ăn năn).

     - Hội Thánh Phi-la-đen-phi: Được giữ khỏi giờ thử thách (vì không có lỗi lầm).

Chúng ta sẽ phải kết luận rằng Hội Thánh Phi-la-đen-phi được tránh khỏi cơn đại nạn sẽ đến trên thế giới (nếu họ vẫn giữ trung tín). Điều nầy chứng minh rằng có sự cất Hội Thánh lên trời trước cơn đại nạn.

Mặt khác, từ ngữ “giữ khỏi” (giữ khỏi giờ thử thách) theo nguyên ngữ Hy-lạp là “tereo ek” (động từ tereo = giữ = keep + giới từ ek = khỏi = from). “keep … from” có nghĩa là giữ cho khỏi bị đưa vào một tình huống nào đó, chứ không có nghĩa là giữ cho khỏi bị tác hại khi ở trong tình huống đó. Ví dụ: “the mother keep her little girl from falling” (người mẹ giữ đứa bé gái để nó không té ngã). Chúng ta hiểu rằng người mẹ sẽ không để con bà bị té ngã, chứ không phải bà mẹ sẽ để cho con bà té ngã rồi sẽ gìn giữ con trong lúc nó té ngã.

6. Hội Thánh không xuất hiện trong Khải Huyền đoạn 6 đến 18.

Khải Huyền 1:19 ghi lại bố cục sách Khải Huyền:

     “Vậy hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến.”

Khải Huyền đoạn 1 ghi lại những gì Giăng “đã thấy”; đoạn 2 và 3 ghi lại lời Chúa phán với 7 Hội Thánh, là việc “hiện có”; đoạn 4 đến 22 ghi lại những việc “sẽ đến” gồm các khải tượng mà Giăng thấy trong thời kỳ cuối cùng. Từ đoạn 1 đến 3, “Hội Thánh” (Church) được nhắc đến 17 lần. Tuy nhiên, “Hội Thánh” không xuất hiện từ đoạn 6 đến 18 là các đoạn mô tả cơn đại nạn. Hội Thánh xuất hiện trở lại ở Khải Huyền 22:16. Giải thích cho sự vắng mặt Hội Thánh trong cơn đại nạn là vì Hội Thánh đã được Chúa cất lên trước đó.

Trong Khải Huyền 13:7 nói đến Antichrist bắt bớ các thánh đồ (saint), cũng như trong 16:6; 17:6 và 18:24 nói đến các thánh đồ bị giết trong cơn đại nạn. Có thể hiểu những thánh đồ nầy là những người tin Chúa trong cơn đại nạn (người Do Thái hoặc ngoại bang), sự hiện diện của các thánh đồ nầy là kết quả của 3 đợt giảng Tin lành trong cơn đại nạn: từ 144.000 người Do Thái được đóng ấn trở nên tôi tớ của Đức Chúa Trời (7:3,4); từ hai chứng nhân (11:3) và từ một vị thiên sứ (14:6).

Ngoài ra, hãy so sánh 3 câu Kinh Thánh sau đây:

+ Ma-thi-ơ 11:5: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe.” (Chưa nói đến Hội Thánh)

+ Khải Huyền 3:22: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh!”

+ Khải Huyền 13:9: “Ai có tai, hãy nghe!” (không nói đến Hội Thánh)

Chúng ta có nhận xét như sau: Ma-thi-ơ 11:5 ở trong giai đoạn Hội Thánh chưa thành lập; Khải Huyền 3:22 là thời kỳ Hội Thánh được thành lập trên đất; Khải Huyền 13:9 là thời kỳ 7 năm đại nạn.

7. Sự hiện diện của 24 trưởng lão trước ngôi trong Khải Huyền đoạn 4.

Đoạn 4 của Khải Huyền mô tả cảnh tượng diễn ra trên trời; đoạn 5 nói về cuộn sách có 7 ấn và chỉ có Chiên Con là có thẩm quyền mở các ấn; đoạn 6 tường thuật Chiên Con lần lượt mở 7 ấn, sự mở ấn là khởi đầu của 7 năm đại nạn diễn ra trên mặt đất.

Mở đầu đoạn 4, sứ đồ Giăng nhìn thấy một cái cửa mở ra trên trời, có tiếng phán ông Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến.” (câu 1). Sau đó, Giăng được nhìn thấy ngôi của Đức Chúa Trời chúng ta chú ý đến câu 4:

“Chung quanh ngôi lại có hai mươi bốn ngôi; trên những ngôi ấy tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng.”

Chúng ta hãy nhận diện 24 trưởng lão bằng cách khảo sát tất cả các yếu tố có liên quan:

a. Ngồi trên ngôi: Chúa hứa với Hội Thánh Lao-đi-xê “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài.” (Khải Huyền 3:21). Được ngồi trên ngôi là vinh dự Chúa hứa sẽ ban cho các con cái Chúa tại Hội Thánh Lao-đi-xê nếu họ đắc thắng cho đến thời điểm Chúa đến.

b. Mặc áo trắng: Chúa hứa với Hội Thánh Sạt-đe “Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy.” (Khải Huyền 3:5).

c. Đội mão triều thiên vàng: Chúa hứa với Hội Thánh Si-miệc-nơ “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.” (Khải Huyền 2:10)

d. Con số 24: Có ý kiến cho rằng con số 24 ám chỉ 12 chi phái Y-sơ-ra-ên của Cựu Ước và 12 vị Sứ đồ của Tân Ước và kết luận rằng 24 trưởng lão đại diện cho những người được chọn của Chúa trong mọi thời đại. Cách giải thích như thế khó chấp nhận, vì theo chương trình của Đức Chúa Trời cho ngày sau cùng, có sự phân biệt rõ rệt giữa dân Do Thái và Hội Thánh. Cách giải thích tốt hơn là căn cứ vào I Sử Ký 24, vua Đa-vít phân chia các thầy tế lễ gồm 24 ban thứ, mỗi ban có một thầy tế lễ đại diện, tức là có 24 thầy tế lễ đại diện cho toàn thể. Chủ điểm ở đây là đại diện (represent).

Từ sự khảo sát trên, chúng ta có thể kết luận rằng 24 trưởng lão đại diện cho Hội Thánh của Chúa, là những người đã thắng và giữ trung tín cho đến cuối cùng và đã nhận được những điều Chúa hứa. 24 vị trưỡng lão đang ở trước ngôi Đức Chúa Trời là bằng chứng cho thấy Hội Thánh được cất lên trước đại nạn.

8. Tiệc cưới Chiên Con trong Khải Huyền 19:6-9.

“Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!”  (Khải Huyền 19:7-9)

Tiệc cưới Chiên Con là sự kiện hiệp nhất vĩnh viễn giữa Chúa Jesus và Hội Thánh, là vợ Ngài, đúng như Lời Chúa đã hứa “Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó”. Tiệc cưới Chiên Con diễn ra trên trời (19:1) chứ không phải trên đất. Lúc tiệc cưới diễn ra, thì bên dưới đất diễn ra cơn đại nạn. Như vậy, Hội Thánh không phải trải qua cơn đại nạn.

9. Chúa Jesus tái lâm hiển nhiên cùng với các thánh đồ.

Khải Huyền 19:11-16 tường thuật quang cảnh Chúa Jesus tái lâm trên đất cách vinh quang vào cuối cơn đại nạn, chúng ta hãy chú ý đến đạo binh trên trời đi theo Chúa Jesus:

“Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài.”    (Khải Huyền 19:14)

Các đạo binh trên trời (the armies which were in heaven) là ai? Chúng ta nhận diện được họ dễ dàng nhờ vào trang phục của họ: vải gai mịn, trắng và sạch (fine linen, white and clean). Họ chính là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, là Tân phụ của Chúa Jesus trong tiệc cưới của Chiên Con xãy ra trước đó, trang phục của Vợ Ngài là “người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (fine linen, clean and white” (19:8)

Sự hiện diện của những người tin Chúa (Hội Thánh) cùng với Chúa Jesus trong ngày Chúa tái lâm chứng minh rằng Hội Thánh đã được cất lên trời trước đó. Như vậy, sự Chúa đến gồm hai giai đoạn: Chúa đến tiếp rước Hội Thánh trước cơn đại nạn, cuối 7 năm đại nạn, Chúa tái lâm hiển nhiên trên đất cùng với Hội Thánh.

Ngoài các đạo binh trên trời, chúng ta biết còn có các thiên sứ đi theo Chúa Jesus: “khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài …” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7), “Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương trời kia.” (Ma-thi-ơ 24:30,31)

10. Chúa đến cách thình lình và cơn đại nạn.

Có mối liên quan giữa sự đến một cách bất ngờ của Chúa Jesus và cơn đại nạn trong câu Kinh Thánh sau:

“Vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu.”  (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2,3)

Với một chút suy luận, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng:

+ Tai họa (chỉ về cơn đại nạn) KHÔNG  thể xãy ra TRƯỚC sự Chúa đến cách thình lình như kẻ trộm trong ban đêm được! nhưng phải xãy ra SAU; vì nếu tai họa xãy ra trước sự Chúa đến (theo quan điểm Hậu Nạn), thì sự Chúa đến không còn là bất ngờ nữa.

+ Mặt khác, Ma-thi-ơ 24:29,30 cho chúng ta biết: “Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.” Trong trường hợp nầy, tai nạn xãy ra TRƯỚC khi Chúa Jesus đến, nhưng sự Chúa đến ở đây không phải như kẻ trộm trong ban đêm, tức là không mang yếu tố bất ngờ, vì xãy ra sau đại nạn, và có một loạt các biến động trong thiên nhiên báo trước: mặt trời tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao sa xuống…

Như vậy, chúng ta phải đi đến kết luận rằng sự Chúa Jesus đến gồm 2 chặn (hồi): 1/ Chúa đến cách thình lình. 2/ Chúa đến với những dấu hiệu báo trước. Giữa hai chặn là cơn đại nạn. Chúa đến lần đầu để đem Hội Thánh ra khỏi cơn đại nạn, sau cơn đại nạn, Chúa đến cùng với Hội Thánh để thành lập vương quốc ngàn năm trên đất.

11. Bài học từ cơn nước lụt trong thời Nô-ê và cơn mưa lửa trong thời Lót.

Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con Người đến cũng như vậy.”  (Ma-thi-ơ 24:37-39)

Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy, người ta ăn, uống, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng; đến này Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và diêm sinh, giết hết dân thành ấy. Ngày Con Người hiện ra cũng một thể nầy.”  (Lu-ca 17:28-30)

Hai câu chuyện lịch sử trên chứa đựng những bài học giống nhau liên quan đến ngày Chúa đến như sau:

a. Cơn nước lụt và cơn mưa lửa đều chỉ về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với nhân loại đắm chìm trong tội lỗi. Cũng vậy, 7 năm đại nạn được Kinh Thánh mô tả như cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời khi Ngài trút những tai họa trên thế giới (xem bằng chứng số 2).

b. Nếp sống tội lỗi, mê đắm thế gian của nhân loại sống trong thời Nô-ê và dân thành Sô-đôm xãy ra TRƯỚC sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Tân Ước cho chúng ta biết trong thời kỳ sau cùng, tình trạng đạo đức của nhân loại sẽ trở nên sa đọa (I Ti-mô-thê 4:1-2; II Ti-mô-thê 3:1-5; 4:3-4)

c. Nô-ê được vào tàu và Lót được ra khỏi Sô-đôm là những người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời được Ngài giải cứu ra khỏi tai họa. Cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ không để cho Hội Thánh của Ngài, là những người đã được chuộc bằng huyết của Chúa Jesus phải cùng chung số phận với những người không tin. Ngài sẽ đến để cất Hội Thánh đi trước khi đoán phạt thế giới bằng cơn đại nạn.

12. Hội Thánh được hứa sẽ tránh khỏi tai họa sẽ đến.

“Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con Người.”  (Lu-ca 21:34-36)

+ Các tai nạn: chỉ về các hoạn nạn Đức Chúa Trời sẽ trút xuống thế giới (Khải Huyền 6 đến 18)

+ Đứng trước mặt Con Người: Được trông thấy Chúa khi Ngài hiện đến và sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

Câu Kinh Thánh trên cũng như nhiều chổ khác trong Tân Ước, cảnh báo Cơ-đốc phải giữ mình, sống nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa dạy và luôn tỉnh thức để được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con Người.  Vì các tai nạn chỉ về cơn đại nạn nên Chúa sẽ đến cách thình lình để đem những người thuộc về Ngài ra khỏi thế giới để tránh cơn đại nạn sẽ giáng xuống. Tuy nhiên, lời hứa trên cũng là lời cảnh báo: Nếu người tin Chúa sống buông mình theo thế gian,  tiếp tục sống trong tội lỗi mà không ăn năn thì sẽ KHÔNG tránh khỏi các tai họa sẽ sẽ xãy đến, có nghĩa là sẽ bị bỏ lại (left behind) trong cơn đại nạn. Chúa Jesus phán:“Trong đêm đó, hai người nằm chung giường, một người sẽ được rước đi, còn một bị để lại. Hai người đàn bà xay chung cối, một người được rước đi, còn một bị để lại.”  (Lu-ca 17:34-35)

Về chi tiết sự kiện Chúa đến cất Hội Thánh trước cơn đại nạn, xin đọc bài “Sự Cất Hội Thánh Lên Trời”.


Tháng 6, năm 2011.