4 Quan Điểm Về Sự Tiếp Rước Hội Thánh và Cơn Đại Nạn

Trần đình Tâm

Sự nghiên cứu các lời tiên tri trong Kinh Thánh về sự kiện Chúa Jesus đến tiếp rước Hội Thánh có liên quan như thế nào với cơn đại nạn, là một vấn đề tranh luận sôi nỗi giữa các nhà Thần Học. Có đến bốn quan điểm khác nhau như sau:

Dẫn nhập:

1. Hội Thánh được cất lên TRƯỚC cơn đại nạn (Pre-Tribulation). Gọi tắt là “tiền nạn”.

2. Hội Thánh được cất lên GIỮA cơn đại nạn (Mid-Tribulation). Gọi tắt là “trung nạn”.

3. Hội Thánh được cất lên TRƯỚC CƠN THẠNH NỘ (Pre-Wrath).

4. Hội Thánh được cất lên SAU cơn đại nạn (Post-Tribulation). Gọi tắt là “hậu nạn”.

Sơ đồ sau đây cho chúng ta cái nhìn tổng quát về 4 quan điểm nêu trên:

1. Hội Thánh được cất lên sau cơn đại nạn (Post-Tribulation).

Theo quan điểm nầy, sự tiếp rước Hội Thánh (Rapture) và sự tái lâm của Chúa Jesus (the Second Coming) là hai mặt của một sự kiện duy nhất. Quan điểm nầy cho rằng, vào thời điểm cuối cơn đại nạn, Hội Thánh sẽ được cất lên và gặp Chúa trong đám mây nơi không trung, rồi ngay sau đó sẽ cùng với Chúa Jesus trở lại trên đất để cùng trị vì với Chúa trong Vương Quốc Ngàn Năm. Như vậy, Hội Thánh sẽ phải trãi qua 7 năm đại nạn trên thế giới cùng chung với những người không tin Chúa. Sau đây là những chứng cứ mà những người theo quan điểm trên đưa ra:

a.  Sự tập trung những người được chọn trong Ma-thi-ơ 24:29-31:

Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. 30 Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. 31 Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia.”

Những người ủng hộ quan điểm nầy căn cứ vào diển biến “sự tai nạn (tribulation: cơn đại nạn) của những ngày đó vừa mới qua, …” để kết luận rằng: Ngay sau cơn đại nạn vừa kết thúc, Chúa Jesus tái lâm giữa đám mây cách hiển nhiên, tất cả mọi người trên thế giới đều chứng kiến, Chúa Jesus sai thiên sứ của Ngài tập trung tất cả những người được chọn trên khắp tiếp thế giới.

b. Ẩn dụ về lúa mì và cỏ lùng:

Ẩn dụ “lúa mì và cỏ lùng” trong Ma-thi-ơ 13:24-30 củng cố thêm cho lý luận về Hội Thánh được cất lên sau cơn đại nạn:

Đức Chúa Jêsus phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Nhưng đang khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. 26 Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra. 27 Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? 28 Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng? 29 Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. 30 Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.”

Trong ẩn dụ trên, lúa mì là người tin Chúa, cỏ lùng là người không tin Chúa, ruộng là thế gian, mùa gặt là ngày tận thế, con gặt là các thiên sứ (12:38). Sự phân chia lúa mì ra khỏi cỏ lùng trong mùa gặt chỉ về sự phân chia hai hạng người tin Chúa và không tin Chúa trong ngày Chúa tái lâm. Ẩn dụ nầy không đề cập gì đến cơn đại nạn, nhưng sự kiện người không tin sẽ bị hình phạt trong hồ lửa và người tin bước vào sự sống vĩnh cữu (cỏ lùng bị đốt trong lửa và lúa mì được thâu trử vào kho) xãy ra ngay sau khi Chúa tái lâm; ngoài ra, diển biến các sự kiện trong ẩn dụ không cho thấy có bất cứ một khoảng thời gian đặc biệt nào (ám chỉ 7 năm đại nạn) chen vào giữa sự kiện Chúa tái lâm và sự kiện Chúa phán xét. Do đó, những người theo thuyết nầy kết luận rằng Chúa tái lâm và Chúa cất Hội Thánh là hai sự kiện cùng xãy ra một lúc chứ không cách nhau 7 năm.

c. Lý thuyết về sự sống lại thứ nhất trong Khải Huyền 20:4,5:

“Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm. 5 Còn những kẻ chết khác chẳng được sống cho đến khi đủ một ngàn năm. Ấy là sự sống lại thứ nhất.”

Đây là phần Kinh Thánh nói về những người  tin Chúa bị bắt bớ và bị giết trong cơn đại nạn, sau cơn đại nạn, họ được sống lại. Người theo quan điểm Hội Thánh được cất lên sau đại nạn căn cứ vào Kinh Thánh trên đây để lý luận rằng những tín đồ tuận đạo trong cơn đại nạn được sống lại sau cơn đại nạn, mà Kinh Thánh gọi đó là sự sống lại thứ nhất (the first resurrection), tức là trước thời điểm nầy, không thể có sự sống lại nào khác (không kể sự sống lại của Chúa Jesus, vì Ngài là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ”). Nếu cho rằng tín đồ được sống lại và được cất lên trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17) trước 7 năm đại nạn thì sự sống lại của những người tuận đạo sau 7 năm đại nạn (Khải Huyền 20:4,5) phải là sự sống lại thứ hai! Như vậy, sự sống lại của những người chết trong Đấng Christ và được cất lên trời như được tường thuật trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17 phải xãy ra sau cơn đại nạn.

d. Lời hứa cho những người được chọn sẽ chịu khổ nạn:

“Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh ta. 10 Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau. 11 Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ. 12  Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. 13  Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.”  (Ma-thi-ơ 24:9-13)

“Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33)

Phần kinh Thánh trên mô tả con cái Chúa sẽ bị hoạn nạn trong cơn đại nạn, những người theo thuyết “sau đại nạn” căn cứ vào đó mà kết luận rằng Hội Thánh sẽ phải chịu 7 năm đại nạn. Ngoài ra, họ lập luận rằng những người không tin Chúa sẽ phải trãi qua cơn đại nạn thì không có lý do gì mà người tín đồ của Chúa lại được miển trừ. Sự thử thách, chịu khổ của tín đồ nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời:

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. 13 Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.”  (IPhi-e-rơ 4:12,13)

e. Cách dùng thuật ngữ về sự tái lâm của Chúa Jesus.

Từ ngữ mô tả sự tái lâm hay sự đến (coming) của Chúa Jesus có guồn gốc Hy-lạp là parousia. Từ nầy có 2 nghĩa: 1/ Sự hiện diện (presence) và 2/ Sự xuất hiện hoặc đến (advent, coming). Từ ngữ parousia được dùng trong:

+ Các câu kinh Thánh nói về tín đồ được biến hóa thân thể và được cất lên không trung gặp Chúa: I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17; I Cô-rinh-tô 15:23.

+ Các câu Kinh Thánh nói về niềm hy vọng của tín đồ về ngày Chúa đến: I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19; 3:13; 5:23; II Phi-e-rơ 3:12; I Giăng 2:28.

+ Các câu Kinh Thánh nói về sự đến của Chúa Jesus sau cơn đại nạn: Ma-thi-ơ 24:3, 27; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8; II Phi-e-rơ 3:12.

parousia được duy nhất dùng để chỉ về sự tái lâm của Chúa Jesus trong các câu trên, nên những người theo quan điểm sau đại nạn kết luận rằng Chúa tái lâm hiển nhiên chỉ có một lần mà thôi, chứ không có trường hợp Chúa tái lâm ẩn nhiên lần nhất để tiếp rước Hội Thánh, rồi sau 7 năm đại nạn, Chúa lại tái lâm lần hai cách hiển nhiên.

g. Những yếu tố giống nhau trong các phần Kinh Thánh liên quan đến sự tái lâm.

Chúng ta biết Ma-thi-ơ 24:27-31 mô tả Chúa Jesus tái lâm sau cơn đại nạn, I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17 mô tả Chúa đến cất Hội Thánh cùng với sự sống lại của những người tin Chúa và I Cô-rinh-tô 15:51 mô tả thân thể tín đồ được biến hóa trong ngày Chúa đến. Ba phần Kinh Thánh nầy bao gồm những yếu tố giống nhau như sau:

 

Ma-thi-ơ: 24:27-31

I Tê-sa-lô-ni-ca: 4:15-17

I Cô-rinh-tô 15:52

1. Con Người đến
   parousia (c.27)

2. Con Người hiện ra trên trời
(c.30)

3. Ngự trên mây (c.30)

4. Sai thiên sứ (c.31)

5. Dùng tiếng kèn lớn (c.31)

6. ---

 

7. Nhóm lại những người được
chọn (c.31)

1. Chúa đến
parousia  (c.15)

2. Chúa trên trời giáng
xuống (c.16)

3. Giữa đám mây (c.17)

4. Tiếng của thiên sứ (c.16)

5. Tiếng kèn của Đức Chúa
Trời (c.16)

 

6. Người chết trong Chúa
sống lại (c.16)

7. Cùng nhau được cất lên
(c.17)

 1. Ngày Chúa đến
 parousia (c.23)

2. ---


3. ---

4. ---

5. Tiếng kèn chót (c.52)

6. Kẻ chết sống lại (c.52)

7. ---

 

Từ những điểm tương đồng được liệt kê trong bảng so sánh trên, những người theo thuyết hậu nạn kết luận rằng Hội Thánh được cất lên và Chúa tái lâm là một sự kiện duy nhất.

h. Sự hiện diện của các thánh đồ trong cơn đại nạn.

Khải Huyền đoạn 13 cho biết Antichrist bắt bớ các thánh đồ trong cơn đại nạn, điều nầy chứng tỏ rằng người tin Chúa phải chịu 7 năm đại nạn.

“Nó lại được phép giao chiến cùng các thánh đồ (saint) và được thắng. Nó cũng được quyền trị mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và mọi nước.”  (Khải Huyền 13:7)

Trong Ma-thi-ơ 24:21-22, Chúa Jesus cho biết trong cơn đại nạn, vì cớ những người tin Chúa (người được chọn) nên sự hoạn nạn sẽ được giảm bớt.

“Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ những người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.”  (Ma-thi-ơ 24:22)

Quan điểm hậu nạn lý luận rằng sự hiện diện của các thánh đồ trong thời đại nạn là bằng chứng cho thấy người tin Chúa không thể được cất lên trước cơn đại nạn nhưng phải trãi qua cơn đại nạn.

i. Lý giải về Ngày của Chúa (Day of The Lord).

Những người tin theo hậu nạn giải thích về “Ngày của Chúa” (dùng trong Tân Ước) hay “Ngày của Đức Giê-hô-va” (dùng trong Cựu Ước) như sau:

Thứ nhất, Ngày của Chúa liên quan đến sự kiện Hội Thánh được cất lên trời:

“Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em; 2 vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa (Day of The Lord) sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.” (I Tê- sa-lô-ni-ca 5:1-2)

“Luận về sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, 2 thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoảng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày của Chúa đã đến.”  (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-2)

Thứ hai, Ngày của Chúa cũng liên quan đến các biến động trong thiên nhiên:

“Nầy, ngày Đức Giê-hô-va (Day of The Lord) đến, là ngày hung dữ, có sự thạnh nộ và nóng giận để làm đất nầy nên hoang vu, và diệt những kẻ có tội khỏi đó. 10 Vì các ngôi sao và các đám sao trên trời sẽ chẳng chiếu sáng nữa; mặt trời mọc lên thì mờ tối, mặt trăng không soi sáng đâu.”  (Ê-sai 13:9-10)

Và trong Ma-thi-ơ 24:29-31, Chúa Jesus cho biết ngay sau cơn đại nạn kết thúc, các biến động trong thiên nhiên như Ê-sai đã mô tả ở trên (cũng xin đọc thêm trong Giô-ên 2:30-31) xuất hiện:

Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua (cơn đại nạn), thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động.30 Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.”  (Ma-thi-ơ 24:29-30)

Ngày của Chúa đến sau cơn đại nạn, và Ngày của Chúa cũng là ngày Hội Thánh được cất lên, như vậy, Hội Thánh được cất lên sau đại nạn.


2. Hội Thánh được cất lên giữa cơn đại nạn (Mid-Tribulation).

Quan điểm nầy tin rằng Hội Thánh sẽ được cất lên giữa cơn đại nạn, tức là vào thời điểm cuối cùng của 3 năm rưỡi đầu của tuần lễ thứ bảy mươi của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9:24-27). Sau đây là những luận cứ mà thuyết nầy đưa ra:

a. Cơn đại nạn khởi đầu từ ba năm rưỡi sau cùng của tuần lễ thứ bảy mươi.

“Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”  (Đa-ni- ên 9:27)

Tuần lễ cuối cùng gồm 7 năm, được chia làm hai giai đoạn bằng nhau, mỗi giai đoạn là 3 năm rưỡi. Vì đến giữa tuần, Antichrist phá bỏ giao ước và bắt đầu chiến dịch bắt bớ dữ dội những người tin Chúa, nên 3 năm rưỡi sau cùng mới thật sự là cơn đại nạn (great tribulation).

I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10, cho chúng ta biết “… Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jesus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau.”. Chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời sẽ không để cho những người tin theo Ngài phải trãi qua cơn đại nạn và Ngài hứa sẽ giải cứu ra khỏi. Như vậy, Hội Thánh sẽ được cất lên giữa tuần lễ thứ 70.

b. Thời điểm chính giữa tuần lễ thứ 70 thường được nhắc đến nhiều lần.

Như đã nói ở trên, tuần lễ thứ bảy mươi trong khải tượng của Đa-ni-ên gồm 7 năm, được chia làm hai phần bằng nhau, mỗi phần là 3 năm rưỡi. Sách Khải huyền nhiều lần nói đến sự phân chia nầy để làm nổi bậc các sự kiện xãy ra vào ngay thời điểm giữa tuần lễ thứ 70, hay giữa 7 năm.

     “Một kỳ, những kỳ và nửa kỳ”  (Đa-ni-ên 25)

     “Một thì, các thì và nửa thì”  (Khải Huyền 12:14)

     “Bốn mươi hai tháng”  (Khải Huyền 11:2; 13:5)

     “Một ngàn hai trăm sáu mươi ngày”  (Khải Hyền 11:3; 12:6)

Tất cả cách diễn tả trên đều chỉ cùng một khoảng thời gian như nhau: Một kỳ (hay một thì) tương đương với 1 năm; những kỳ (hay những thì) tương đương 2 năm; nửa kỳ (hay nửa thì) tương đương nửa năm, tổng cộng là 3 năm rưỡi, tương đương với 42 tháng hoặc 1,260 ngày. Thời điểm giữa cơn đại nạn được đặc biệt chú ý đến.

c. Hai chứng nhân được cất lên trời trong Khải Huyền 11:12.

“Ta sẽ cho hai người làm chứng ta mặc áo bao gai đi nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày … Hai người nghe một tiếng lớn ở từ trên trời đến phán cùng mình rằng: Hãy lên đây! Hai người bèn lên trời trong đám mây và những kẻ thù nghịch đều trông thấy.”  (Khải Huyền 11:3,12)

Theo Khải Huyền 11, ngay khởi đầu tuần lễ cuối cùng, Đức Chúa Trời sai hai chứng nhân của Ngài nói tiên tri trong 3 năm rưỡi, đến giữa cơn đại nạn, Antichrist giết hai chứng nhân (11:7), sau 3 ngày rưỡi, hai chứng nhân sống lại và được cất lên trời. Những người theo thuyết “giữa đại nạn” cho rằng hai chứng nhân đại diện cho tất cả người tin Chúa sẽ được cất lên để tránh cơn đại nạn trong 3 năm rưỡi sau cùng.

d. Tiếng loa thứ bảy trong Khải Huyền và tiếng kèn chót trong I Cô-rinh-tô 15:52.

“nhưng đến ngày mà vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và thổi loa, thì sự mầu nhiệm Đức Chúa Trời sẽ nên trọn, như Ngài đã phán cùng các tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.”  (Khải Huyền 10:7)

“Vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời.”       (Khải Huyền 11:15)

“Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn (loa) chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.”  (I Cô-rinh- tô 15:52)

Những người tin theo quan điểm “giữa đại nạn” suy diễn rằng hai chứng nhân được cất lên trời sau khi nói tiên tri được 3 năm rưỡi ở Khải Huyền 11:2, sự kiện nầy xãy ra giữa hai câu nói về tiếng kèn thứ bảy là đoạn 10:7 và 11:15; mà tiếng kèn chót trong I Cô-rinh-tô 15:52 lại liên quan đến sự kiện tín đồ được biến hóa thân thể để được cất lên không trung gặp Chúa, như vậy họ kết luận rằng con cái Chúa sẽ được cất lên giữa cơn đại nạn.


3. Hội Thánh được cất lên trước cơn thịnh nộ (Pre-Wrath).

Quan điểm nầy cho rằng Hội Thánh sẽ được Chúa cất lên vào thời điểm giữa ấn thứ sáu và ấn thứ bảy trong sách Khải Huyền, tức là Hội Thánh sẽ trãi qua khoảng hai phần ba thời gian của tuần lễ thứ 70 của Đa-ni-ên (2/3 cơn đại nạn). Sau đây là những lập luận của quan điểm nầy:

a. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và cơn thạnh nộ của Sa-tan.

Quan điểm nầy phân biệt giữa cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (wrath of God) và những tai họa do Sa-tan đổ xuống trên con người (cơn thạnh nộ của Sa-tan) và cho rằng Đức Chúa Trời chỉ hứa sẽ cứu Hội Thánh ra khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

“Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!”  (Rô-ma 5:9)

“đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau.”  (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10)  

b. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời xãy ra sau ấn thứ sáu:

     Ấn thứ nhất: Antichrist xuất hiện (Khải Huyền 6:1-2)     

     Ấn thứ hai: Chiến tranh  (Khải huyền 6:3-4)     

     Ấn thứ ba: Nạn đói  (Khải Huyền 6:5-6)     

     Ấn thứ tư: Cơn đại nạn  (Khải Huyền 6:7-8)

     Ấn thứ năm: Tử đạo  (Khải Huyền 6:9)

     Ấn thứ sáu: Các biến động trong thiên nhiên (Khải Huyền 6:12-17)

“Tôi nhìn xem, khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, thì có một cơn động đất lớn; mặt trời bèn trở nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt trăng trở nên như huyết. 13 Các vì sao trên trời sa xuống đất, như những trái xanh của một cây vả bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống. 14  Trời bị dời đi như quyển sách cuốn tròn, và hết thảy các núi các đảo bị quăng ra khỏi chỗ mình.” (Khải Huyền 6:12-14)

Sau những biến động của ấn thứ sáu, là bắt đầu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời:

“Các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi, 16 chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! 17ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?”  (Khải Huyền 6:15-17)

Như vậy, Quan điểm nầy cho rằng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời chỉ thực sự bắt đầu sau khi các biến cố của ấn thứ sáu kết thúc.

c. Sự hiện diện của đoàn người trước Ngôi Đức Chúa Trời.

“Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là.”  (Khải Huyền 7:9)

Vì sự kiện đoàn người đông vô số hiện diện trên trời của Khải huyền đoạn 7 nằm ngay sau ấn thứ sáu (Khải Huyền 6:12-17) và trước ấn thứ bảy (Khải Huyền 8:1) nên những người theo quan điểm trên kết luận rằng: Hội Thánh chính là đoàn người đông vô số được cất lên sau ấn thứ sáu và trước ấn thứ bảy.  


4. Hội Thánh được cất lên trước cơn đại nạn (Pre-Tribulation).

Quan điểm nầy tin rằng Chúa Jesus sẽ đến bất ngờ để tiếp rước Hội Thánh trước cơn đại nạn, sau 7 năm đại nạn kết thúc, Chúa sẽ tái lâm cách hiển nhiên trên đất. Về các bằng chứng trong Kinh Thánh, xin đọc bài “Các Bằng Chứng Về Chúa Cất Hội Thánh Trước Đại Nạn".

                                                           PHẦN KẾT LUẬN

Chúng ta đã thấy có đến 4 quan điểm khác nhau về sự cất Hội Thánh lên trời liên quan đến 7 năm đại nạn. Cả 4 quan điểm đều căn cứ trên Kinh Thánh. Quan điểm nào đúng nhất và phù hợp với Kinh Thánh nhất?  Điều quan trọng mà con cái Chúa cần biết là: Chúng ta được cứu trong ngày cuối cùng không phải vì chúng ta khám phá ra quan điểm đúng và tin theo quan điểm ấy hoặc sẽ bị hư mất vì đã chọn quan điểm sai, nhưng do chính nếp sống của chúng ta trong hiện tại có tỉnh thức đối với Ngày của Chúa không? Chúa Jesus cảnh báo chúng ta “Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên.” (Lu-ca 12:35), “Hãy chực cho sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.” (Lu-ca 12:40)


Tháng 5, năm 2011.

                                            Tài liệu tham khảo

+ William Arnold III. The Post-Tribulation Rapture.
+ Dr. Renald Showers. The Pre-Wrath Rapture View.
+ J.Dwight Pentecost. Things To Come.
+ Ron Rhodes. The Popular Dictionary Of Bible Prophecy.
+ Bryan P. Mistele. The Truth About Prophecy In The Bible.