HÒM GIAO ƯỚC Ở ĐÂU NGÀY NAY?

Trần Đình Tâm

 

 Một vấn đề thường gây sự tò mò cho những người nghiên cứu về thời kỳ sau cùng có liên quan đến việc dân Do Thái xây dựng lại đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, đó là Hòm Giao Ước (ark of The Covenant). Hòm Giao Ước từng được đặt trong nơi chí thánh của đền tạm thời Môi-se và nơi chí thánh trong đền thờ do vua Sa-lô-môn xây cất, hòm Giao Ước được xem là vật linh thiêng của người Do Thái. Ngày nay, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem không còn nữa, Kinh Thánh cho biết đền thờ sẽ được xây lại trong thời kỳ sau cùng. Nan đề được nêu ra là: đền thờ thì phải có hòm Giao Ước trong nơi chí thánh, thế nhưng ngày hôm nay, người ta cho rằng hòm Giao Ước đã bị thất lạc và không ai biết chắc nó ở đâu, cũng có những giả thuyết cho rằng hòm Giao Ước được giấu ở một nơi bí mật, để chờ thời điểm thích hợp sẽ được đem ra trưng bày. Đâu là sự thật?

1. Nguồn gốc hòm Giao Ước.

Hòm giao Ước còn được gọi là hòm Bảng Chứng (Ark of the Testimony / Xuất Ê-díp-tô Ký 25:16); hòm của Đức Chúa Trời (Ark of God / I Sa-mu-ên 4:11); hòm của Năng Lực Ngài (Ark of Your Strength / Thi Thiên 132:8); hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va (Ark of the Covenant of the Lord / Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:8)

Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-22 cho biết Đức Chú Trời truyền lệnh cho Môi-se làm một cái hòm, hay cái rương (ark) để chứa hai bảng Luật Pháp bằng đá (10 Điều Răn) (là giao ước của Đức Chúa Trời lập với dân Y-sơ-ra-ên), nên được gọi là rương Giao Ước hay hòm Giao Ước.

Hòm Giao Ước được đóng từ gỗ si-tim (shittim). Chiều dài 4 feet, chiều rộng 2 feet ½, chiều cao 2 feet ½ (tương đương 1.1 X 0.7 X 0.7 mét). Toàn bộ bên trong và bên ngoài hòm đều được bọc vàng ròng.

Nắp của hòm gọi là nắp thi ân (mercy seat) được làm từ vàng nguyên khối. Đặt bên trên nắp là hai tượng chê-ru-bin (cherubim) bằng vàng, xòe cánh ra và hai mặt chê-ru-bin đối nhau và cùng nhìn vào nắp thi ân.

Có bốn cái khoen bằng vàng gắn vào bốn góc hòm (hai cái gắn mỗi bên theo chiều dài hòm). Có hai cây đòn dài bằng cây si-tim bọc vàng, người ta xỏ cây đòn nầy vào các khoen ở hai bên của hòm (một cây bên nầy, một cây bên kia). Như vậy, hai cây đòn được xỏ vào bốn cái khoen nhằm mục đích để bốn người đàn ông thuộc chi phái Lê-vi có thể khiêng hòm bằng cách đặt cây đòn trên vai của mình. (Xem hình 1)

 

                           Hình 1: Hòm Giao Ước (mô phỏng theo Kinh Thánh)

Hòm Giao Ước tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, nên là vật chí thánh, nên hòm được Chúa chỉ định phải đặt trong nơi Chí Thánh của đền tạm hay đền thờ.

Không ai được phép nhìn vào bên trong hòm Giao Ước hay chạm tay vào.

2. Sơ lược lịch sử cuộc hành trình của hòm Giao Ước.

1. Trong thời Môi-se, hòm giao ước luôn đi theo đoàn dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng cho đến khi vào Ca-na-an.

2. Trong xứ Ca-na-an, hòm Giao Ước được đặt tại Si-lô (Shiloh) trong thời của thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li (I Sa-mu-ên 1:3;2:14)

3. Trong trận chiến giữa dân Y-sơ-ra-ên và dân Phi-li-tin tại Ê-bên Ê-xe, dân Y-sơ-ra-ên đem hòm Giao Ước từ Si-lô đến Ê-bên Ê-xe nhằm hy vọng nhờ có sự hiện diện của hòm Giao Ước, họ sẽ đánh thắng dân Phi-li-tin (I Sa-mu-ên 4:3)

3. Dân Phi-li-tin đánh thắng dân Y-sơ-ra-ên. Hòm Giao Ước bị dân Phi-li-tin cướp lấy tại Ê-bên Ê-xe và đem đặt vào trong đền thờ thần Đa-gôn ở tại Ách-đốt. Người Phi-li-tin chứng kiến cảnh tượng thần Đa-gôn của họ nằm sấp mặt xuống đất trước hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời, đầu và cách tay của tượng tách rời ra khỏi thân. Sau đó, Đức Chúa Trời còn giáng bệnh trĩ lậu (emerods) trên dân Ách-đốt. Hòm Giao Ước chỉ ở tại Ách đốt được 7 tháng (I Sa-mu-ên 5:1-6)

4. Vì cớ tai họa, dân Phi-li-tin di chuyển hòm Giao Ước đến Gát (I Sa-mu-ên 5:8)

5. Sau đó, hòm Giao Ước lại được chuyển đến Éc-rôn (I Sa-mu-ên 5:10).

6. Dân Phi-li-tin sắp đặt hai con bò kéo xe để chuyển hòm Giao Ước từ Éc-rôn đến Bết-sê-mết để chính thức trao trả lại cho dân Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 6:10-12). Tại đây, dân Bết-sê-mết (Beth-Shemesh) có nhìn vào bên trong hòm nên bị Đức Chúa Trời hình phạt bằng một tai vạ rất nặng. Dân Bết-sê-mết không muốn hòm Giao Ước ở tại đất mình nên thỉnh cầu người Ki-ri-át-Giê-a-rim đem đi.

7. Hòm Giao Ước được di chuyển đến Ki-ri-át-Giê-a-rim (Kirjath-jearim) và được đặt trong nhà của A-bi-na-đáp. Hòm Giao Ước ở tại đây suốt 20 năm (I Sa-mu-ên 7:2) cho đến thời trị vì của Đa-vít.

8. Vua Đa-vít tổ chức di chuyển hòm Giao Ước từ nhà A-bi-na-đáp đến Giê-ru-sa-lem, người ta chở hòm Giao Ước trên một cái xe mới do đôi bò kéo. Tuy nhiên, trong khi di chuyển hòm Giao Ước, những con bò bị vấp ngã, một người con trai của A-bi-na-đáp là U-xa, giơ tay ra nắm lấy hòm Giao Ước, U-xa liền bị Đức Chúa Trời hành hại đến chết ngay tại bên hòm (II Sa-mu-ên 6:1-7). Vua Đa-vít sợ hãi, không muốn dời hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem nữa, bèn ra lệnh để hòm trong nhà của Ô-bết Ê-đôm, tại Gát (II Sa-mu-ên 6:10-11). Hòm Giao Ước ở tại nhà của Ô-bết Ê-đôm 3 tháng. Đức Chúa Trời ban phước cho cả nhà Ô-bết Ê-đôm.

9. Nhận thấy Đức Chúa Trời ban phước dư dật cho nhà Ô-bết Ê-đôm, vua Đa-vít bèn cho di chuyển hòm Giao Ước đến Giê-ru-sa-lem, đặt tại một chổ do vua xây dựng sẵn dành cho hòm Giao Ước (II Sa-mu-ên 6:12-17; I Sử Ký 15:1)

10. Sau khi vua Sa-lô-môn xây xong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, hòm Giao Ước được đặt trong nơi Chí Thánh của đền thờ (I Các Vua 8:6). Hòm Giao Ước ở tại đây trong thời vua Sa-lô-môn, trải qua các đời trị vị của các vua Giu-đa, cho đến khi vua Ba-by-lôn đánh chiếm Giê-ru-sa-lem, đốt phá toàn bộ đền thờ. 

3. Đền thờ thứ hai không có hòm Giao Ước.

Khoảng 70 năm sau khi vua Nê-bu-cát-nết-sa đốt phá đền thờ và bắt dân Giu-đa lưu đày ở Ba-by-lôn, Vua Ba-tư là Sy-ru (Cyrus the Great) cho phép dân Giu-đa trở về quê hương để xây lại đền thờ. Đền thờ được hoàn tất vào năm 515 BC trong đời trị vì của vua Đa-ri-út Đệ Nhất (Darius I). Đền thờ xây lại lần nầy không có hòm Giao Ước.

Thắc mắc được nêu ra: Nếu hòm Giao Ước được đem cất giấu ở một nơi bí mật để tránh khỏi bị phá hủy bởi vua Ba-by-lôn, thì tại sao trong đền thờ thứ hai, người ta không đem ra khỏi chổ cất giấu và đặt trong nơi Chí Thánh của đền thờ? Phải chăng hòm Giao Ước thật sự “biến mất” nên không một ai biết hòm ở đâu? Có vài hiền triết Do Thái tuyên bố rằng dù dân Do Thái được trở về quê hương xây lại đền thờ, họ vẫn chưa phải là một dân tộc thật sự độc lập, họ vẫn ở dưới sự cai trị của đế quốc Ba tư, rồi đến La-mã, do đó hòm Giao Ước vẫn phải được cất giữ cho đến thời điểm thuận tiện. Liệu lời kết luận ấy thốt ra từ miệng của những người thật sự biết rõ nơi cất giấu hòm Giao Ước hay đó đơn thuần chỉ là một kết luận cho qua vấn đề mà họ không biết rõ cũng giống như bao nhiêu người khác?

3. Hòm Giao Ước ở đâu ngày nay?

II Sử Ký 35:3 là lần cuối cùng, hòm Giao Ước được Kinh Thánh nói đến: “Người (vua Giô-si-a) phán cùng những người Lê-vi vẫn dạy dỗ cả Y-sơ-ra-ên, và đã biệt mình riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, mà rằng: Hãy để hòm thánh (holy ark) tại trong đền mà Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, đã xây cất; các ngươi không cần còn khiêng hòm ấy trên vai. Bây giờ, hãy phục sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi và giúp việc cho Y-sơ-ra-ên là dân sự của Ngài.”

Lần cuối cùng, Kinh Thánh đề cập đến hòm Giao Ước là trong thời vua Giô-si-a. Sau đó, Kinh Thánh không còn nói đến hòm Giao Ước nữa (không kể Hê-bơ-rơ 9:4 luận về hòm Giao Ước và Khải Huyền 11:19 trình bày hòm Giao Ước trên trời). Không ai biết chắc hòm Giao Ước hiện nay ở đâu.

Kinh Thánh cho biết khi vua Nê-bu-cát-nết-sa đánh chiếm Giê-ru-sa-lem và đốt phá đền thờ, họ không hủy phá tất cả mọi thứ trong đền thờ nhưng tịch thu tất cả những vật dụng bằng vàng, bằng bạc và bằng đồng dùng trong đền thờ để đem qua Ba-by-lôn. Các câu Kinh Thánh liệt kê các vật dụng quý giá trong đền thờ mà quân đội ba-by-lôn lấy đi thì không thấy có hòm Giao Ước:

II Các Vua 24:13;25:14,15: “Người (Nê-bu-cát-nết-sa) lấy hết thảy những bửu vật của đền Đức Giê-hô-va và những bửu vật của cung vua, đập bể các khí dụng bằng vàng mà Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên, đã làm cho đền thờ của Đức Giê-hô-va … Chúng nó cũng đem đi những nồi đồng, vá, dao, chén, và hết thảy những khí dụng bằng đồng dùng vào việc thờ phượng. Lại quan thị vệ ấy (của vua Ba-by-lôn) đem đi những lư hương, chậu, và các vật bằng vàng, bạc.”

II Các Vua 25:13-15: “Quân Canh-đê đập bể những trụ đồng, táng đồng, và cái biển bằng đồng ở trong đền thờ của Đức Giê-hô-va, rồi đem đồng ấy về Ba-by-lôn. Chúng nó cũng đem đi những nồi đồng, vá, dao, chén, và hết thảy những khí dụng bằng đồng dùng vào việc thờ phượng. Lại quan thị vệ ấy đem đi những lư hương, chậu, và các vật bằng vàng, bạc.”

Giê-rê-mi 52:17-19: “Quân Canh-đê phá tan các cột đồng trong nhà Đức Giê-hô-va, cả đến đế tảng và biển đồng trong nhà Đức Giê-hô-va, rồi đem những đồng đó về Ba-by-lôn. Những nồi, vá, kéo, chậu thìa, cùng hết thảy khí mạnh bằng đồng về việc thờ phượng, chúng nó cũng đều đem đi nữa. Quan đầu thị vệ, lại khuân đi cả những chén, lư hương, chậu, nồi, chân đèn, thìa, và bát, phàm những đồ gì làm bằng vàng thì lấy vàng, đồ gì làm bằng bạc thì lấy bạc.”

Có điều chắc chắn là vua Ba-by-lôn không đem Hòm Giao Ước qua Ba-by-lôn vì các món đồ có vẻ không quan trọng cũng được liệt kê rất chi tiết, trong khi hòm Giao Ước là vật quan trọng bằng vàng ròng nhưng không được nhắc đến. Hơn nữa, Kinh Thánh cũng không nhắc đến hòm Giao Ước trong Đa-ni-ên chương 1 đến 4, là phần liên quan đến sự trị vì của Nê-bu-cát-nết-sa ở Ba-by-lôn. Chỉ thấy rằng sau nầy, vua Bên-xát-sa đã lấy những vật dụng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã lấy trong đền thờ đem ra ăn uống trong một bữa tiệc tại triều đình, không một lần nhắc đến hòm Giao Ước: “Vua Bên-xát-sa dọn tiệc lớn đãi một ngàn đại thần mình, và vua uống rượu trước mặt họ. Vua Bên-xát-sa đang nhấm rượu, truyền đem những khí mạnh bằng vàng và bạc mà vua Nê-bu-cát-nết-sa, cha mình, đã lấy trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, hầu cho vua và các đại thần, cùng các hoàng hậu và cung phi vua dùng mà uống. Người ta bèn đem đến những khí mạnh bằng vàng đã lấy từ trong đền thờ của nhà Đức Chúa Trời, tại Giê-ru-sa-lem; và vua cùng các đại thần, các hoàng hậu và cung phi mình dùng mà uống. Vậy họ uống rượu và ngợi khen các thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá.” (Đa-ni-ên 5:1-4).

Chúng ta có thể quả quyết rằng quân đội Ba-by-lôn không có lấy đi hòm Giao Ước.

Như vậy, đã xãy ra một trong hai trường hợp sau:

a) Hoặc hòm Giao Ước đã bị tiêu hủy cùng với đền thờ như II Sử Ký 36:19 chép: “Chúng (quân Ba-by-lôn) đốt đền Đức Chúa Trời” hay II Các Vua 25:9: “Người (Nê-bu-cát-nết-sa) thiêu đốt đền thờ Đức Giê-hô-va”.

b) Hoặc hòm Giao Ước đã được đem ra khỏi đền thờ  trước khi đền thờ bị thiêu đốt, và được cất giấu tại một nơi bí mật nào đó. Nhiều người cho rằng hòm Giao Ước tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, là vật chí thánh nên Chúa không để hòm bị tiêu hủy bởi vua Ba-by-lôn, nhưng bằng cách nào đó, hòm được đem cất giấu để chờ đến thời điểm thích hợp Đức Chúa Trời cho phép, lúc ấy địa điểm cất giấu sẽ được tiết lộ và mọi người trên thế giới sẽ biết.

Dĩ nhiên, sự kiện hòm Giao Ước được giấu kín ở chổ bí mật nào đó trên thế giới, nếu thật có, đã trở thành đề tài thú vị cho những ai có đầu óc tò mò muốn tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: Hòm Giao Ước đang cất giấu ở đâu?

Có nhiều giả thuyết được đưa ra về địa điểm cất giấu, chỉ xin nêu vài giả thuyết thông thường nhất:

1. Có giả thuyết cho rằng tiên tri Giê-rê-mi đã đem giấu hòm Giao Ước trong một hang động bí mật tại núi Nê-bô (Nebo) (thuộc nước Jordan ngày nay) trước khi Nê-bu-cát-nết-sa đốt phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Giê-rê-mi làm chức vụ tiên tri trong thời vua Giô-si-a và Giê-hô-gia-kim. Ông được Đức Chúa Trời cho biết vua Ba-by-lôn sẽ thôn tính Giê-ru-sa-lem và bắt dân Giu-đa làm phu tù trong 70 năm (Giê-rê-mi 25:8-11). Có thể Giê-rê-mi biết được vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ đốt phá đền thờ nên ông đã bí mật đem giấu hòm Giao Ước để bảo toàn.

2. Giả thuyết khác cho rằng vào tháng 4, năm 1992, hai vị giáo sư Do Thái là Shlomo Goren và Yehuda Getz tuyên bố hòm Giao Ước ngày nay được chôn giấu trong một căn phòng bí mật, ngay bên dưới nơi Chí Thánh của đền thờ. Sau đó, một vị giáo sư khác Chaim Richman cũng tuyên bố tương tự. Hòm được chôn giấu trước khi Nê-bu-cát-nết-sa thiêu đốt đền thờ. Hiện nay, địa điểm nơi Chí Thánh trong đền thờ lúc chưa bị hủy phá được cho là ngay bên dưới Dome of the Spirit, gần bên Dome of the Rock (Hình 2). Tất nhiên, các cấp lãnh đạo của người Hồi Giáo không cho phép người Do Thái đào bới để tìm kiếm hòm Giao Ước.

                          

      Hình 2: Dome of the Spirit (kiến trúc nhỏ phía trước). Phía sau là Dome of the Rock.

3. Vendyl Jones, là nhà thám hiểm, cho rằng có thể lần ra dấu vết của hòm Giao Ước bằng các tài liệu tìm thấy tại hang động Qumran số 3 ở Biển Chết. Tài liệu nầy lẫn lộn trong các tư liệu khác của “cuộn Biển Chết” (Dead Sea Scrolls). Tuy nhiên, đây là không phải là nơi cất giấu hòm Giao Ước.

4. Có giả thuyết cho rằng hòm Giao Ước ngày nay đang được cất giấu trong một nhà nguyện (chapel) Saint Mary of Zion tại Axum, ở Ê-thi-ô-pi (Ethiopia) (Xem hình 3). Truyền thuyết kể rằng hoàng tử Menelik (người con của vua Sa-lô-môn và nữ hoàng Sê-ba) và Azarius (con của thầy tế lễ Xa-đốc) đã đánh cắp hòm Giao Ước trong đền thờ rồi đem qua Ethiopia.

                                Description: C:\Users\Tam Tran\Downloads\adventure-pilgrimage-092.jpg

                                   Hình 3: Nhà nguyện Saint Mary of Zion

5. Có giả thuyết cho rằng hòm Giao Ước được cất giấu tại mái vòm của tòa thánh Vatican ngày nay.

6. Ngày 31 tháng 10 năm 1981, một người Mỹ tên Tom Croster cùng với cộng sự viên đã tuyên bố tìm thấy hòm Giao Ước trong khi đào xới gần núi Pisgah ở Jordan. Ông cho biết có chụp nhiều tấm hình về hòm, nhưng chỉ chọn ra một tấm duy nhất và chỉ đưa ra cho một số ít người xem thấy mà thôi (?).

7. Công trình của Ron Wyatt: Có lẽ đây là công trình “đình đám” nhất, được nhiều người chú ý nhất và cũng tốn nhiều giấy mực để bình luận nhất so với các công trình khác. Tháng 1, năm 1982, Ron Wyatt, được xem là nhà khảo cổ học, được biết là một Cơ-đốc nhân mẫu mực (?), tuyên bố đã tìm thấy hòm Giao Ước trong một căn hầm bí mật ngay bên dưới thập tự giá của Chúa Jesus khi Ngài bị đóng đinh tại đồi Gô-gô-tha. Ron Wyatt còn cho biết đã thấy vết máu khô đọng trên nắp hòm (nắp thi ân), ông đã cho xét nghiệm máu nầy và tuyên bố đó là máu của Chúa Jesus. Ron Wyatt lý luận rằng máu Chúa chảy ra từ mạn sườn do bị giáo đâm và chảy xuống đất, xuyên qua khe đá nứt bởi cơn động đất và đọng lại trên nắp hòm chôn sâu bên dưới (?) (Xem hình 4)

                                   Description: C:\Users\Tam Tran\Downloads\Hinh 4.jpg

                      Hình 4: Hình minh họa sự giải thích của Ron Wyatt.

Công trình nghiên cứu và khai quật của Ron Watt trải qua nhiều năm tháng với nhiều cộng sự viên trợ giúp, có những “bằng chứng” bằng hình ảnh và Video trong suốt quá trình tìm kiếm, khai quật. Ron Watt có cả một trang web riêng để trình bày từng bước kế hoạch khám phá hòm Giao Ước cho đến khi nhìn thấy tận mắt v.v… Tuy nhiên, sau nầy người ta phát hiện tất cả những thông tin và những bằng chứng mà Ron Watt phổ biến đều là giả mạo, đó chẳng qua chỉ là trò lừa đảo để kiếm tiền qua việc bán hình ảnh và Video, kiếm tiền qua việc kêu gọi quyên góp ủng hộ công trình tìm kiếm. Mặc dù Ron Wyatt đã qua đời năm 1999 nhưng công trình của ông vẫn tiếp tục phổ biến và vẫn còn có nhiều người tin.

4. Sự liên quan giữa hòm Giao Ước và đền thờ.

Hòm Giao Ước đi đôi với đền thờ, vì hòm Giao Ước phải được đặt trong nơi Chí Thánh của đền thờ. Vì thế, khi đề cập đến hòm Giao Ước, chúng ta buộc phải đề cập đến đền thờ.

Chúng ta đã biết đền thờ của người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem ngày nay không còn nữa, đền thờ đã bị tướng La-mã Titus hủy phá hoàn toàn vào năm 70 AD. Ngày nay, vị trí của đền thờ đã bị chiếm giữ bởi ngôi đền thờ Hồi Giáo Dome of The Rock (được xây dựng vào năm 691 AD). Người ta cho rằng người Hồi Giáo đã xây dựng Dome of The Rock ngay trên nền của đền thờ Đức Chúa Trời của dân Do Thái. Người Do Thái đang chờ đợi cơ hội xây dựng lại đền thờ ngay trên nền của đền thờ mà tổ tiên của họ đã xây trước đây. Liệu người Do Thái có thể đạt được mục đích của họ hay không?

Có 3 lời tiên tri có liên quan đến đền thờ trong thời kỳ đại nạn:

a) Đa-ni-ên 9:27: “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ của lễ chay dứt đi.”

b) II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3,4: “Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời mà người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời.”

c) Khải Huyền 11:1,2: “Bấy giờ có người ban cho tôi một cây lau giống như cây gậy, và biểu tôi rằng: Hãy đứng dậy đo đền thờ Đức Chúa Trời, bàn thờ, và những kẻ thờ lạy tại đó. Còn sân ngoài đền thờ thì hãy để nó ra ngoài, đừng đo làm chi; vì chỗ đó đã phó cho dân ngoại, họ sẽ giày đạp thành thánh đủ bốn mươi hai tháng.”

Điều đáng chú ý là cả 3 câu trên đều cho có thấy có sự hiện diện của đền thờ, nhưng không nói đến hòm Giao Ước. Vậy, theo lời tiên tri, đền thờ sẽ được xây lại. Nhưng đền thờ đó sẽ có hòm Giao Ước không?

Một câu hỏi quan trọng thường được nêu ra: Có thể nào đền thờ sẽ được xây lại trong thời kỳ sau cùng (thời kỳ đại nạn) mà không có hòm Giao Ước trong nơi Chí Thánh?

Hãy trở lại đền thờ trong thời của Chúa Jesus, là đền thờ do Hê Rốt Đại đế xây dựng mở rộng từ đền thờ do Xô-rô-ba-bên xây cất. Xin chú ý là đền thờ nầy không có hòm Giao Ước! Tuy nhiên, những hoạt động nghi lễ trong đền thờ vẫn tiến hành bình thường mặc dù không có hòm Giao Ước: Xa-cha-ri thi hành chức tế lễ trong đền thờ (Lu-ca 1:1-8); Người Do Thái vẫn đến đền thờ hàng năm để giữ lễ Vượt Qua (Giăng 2:13), hay lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1,5); Chúa Jesus gọi đền thờ là nhà của Cha ta (my Father’s house) (Giăng 2:16) hay nhà Ta (my house) (Ma-thi-ơ 21:13) và Chúa Jesus đã đuổi ra khỏi đền thờ những người đổi bạc và những người buôn bán chiên, bò, bồ câu nhằm mục đích trục lợi để bảo vệ sự trong sạch trong đền thờ. Chúa bảo người phung đến đền thờ dâng tế lễ sau khi Ngài chữa lành cho người ấy (Mác 1:44).

Từ các bằng chứng trên, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: Không nhất thiết phải có hòm Giao Ước trong đền thờ sau nầy. Người Do Thái vẫn sẽ xây đền thờ mà không cần phải có hòm Giao Ước.

5. Hòm Giao Ước trên trời.

Khải Huyền 11:19 cho thấy trong thời kỳ sau rốt sẽ xuất hiện hòm Giao Ước trên trời:

Đền thờ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, hòm giao ước bày ra trong đền thờ Ngài, rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn.”

Câu Kinh Thánh đặc biệt trên khiến cho một số người đi đến kết luận: Hòm Giao Ước trong đền thờ thứ nhất không bị quân đội Ba-by-lôn tịch thu, không bị tiêu hủy bởi sự đốt phá đền thờ bởi vua Nê-bu-cát-nết-sa và cũng không có ai đem đi cất giấu đâu đó, nhưng được Đức Chúa Trời cất lên trời, nên hòm không còn ở trên đất nữa, nhưng hiện nay đang ở trên trời, đến thời kỳ sau cùng Đức Chúa Trời sẽ bày ra cho mọi người thấy như Khải huyền 11:19 đã đề cập. Tuy nhiên, sự xuất hiện hòm Giao Ước trên trời không có nghĩa là Đức Chúa Trời đem hòm Giao Ước từ dưới đất lên trời, chúng ta nên tin rằng Đức Chúa Trời không làm loại phép lạ như thế.

Nếu chú ý kỹ Khải Huyền 11:19, chúng ta sẽ thấy không phải chỉ có hòm Giao Ước xuất hiện trên trời nhưng còn có đền thờ nữa: Đền thờ mở ra và bên trong đền thờ có hòm Giao Ước. Đền thờ Sa-lô-môn xây cất đã bị tiêu hủy, đền thờ thứ hai do Ê-xơ-ra và Xô-rô-ba-bên xây cất và được Hê-rốt Đại Đế trùng tu cũng đã bị tiêu hủy. Các đền thờ nầy đều được xây dựng theo khuôn mẫu căn bản của Đền tạm mà Đức Trời đã truyền dạy cho Môi-se phải làm trong thời dân Y-sơ-ra-ên ở đồng vắng. Sách Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời truyền dạy Môi-se làm đền tạm trong đó có hòm Giao Ước là làm theo khuôn mẫu đền tạm và hòm Giao Ước trên trời, các câu sau đây là bằng chứng:

“Nhưng Đấng Christ đã hiện đến làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy; Ngài đã vượt qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy.” (Hê-bơ-rơ 9:11)

“Vả, Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người làm ra, theo kiểu mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 9:24).

“Cũng như khi Môi-se gần dựng đền tạm, thì Đức Chúa Trời phán bảo rằng: Hãy cẩn thận, làm mọi việc theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi tại trên núi.” (Hê-bơ-rơ 8:5).

Như vậy, Môi se đã xây dựng đền tạm và làm hòm Giao Ước là làm theo kiểu mẫu của đền tạm và hòm Giao Ước trên trời. Nói cách khác, đền thờ (hay đền tạm) và hòm Giao Ước trong Khải Huyền 11:19 là đền thờ và hòm Giao Ước ở trên trời (không bởi tay người ta làm ra), không phải là hòm Giao Ước Môi-se đã làm mà ngày nay người ta không biết nó đang ở đâu.

6. Hòm Giao Ước trên đất không còn nữa.

Chúng tôi (tác giả bài viết nầy) tin rằng các đền thờ và hòm Giao Ước trên đất là bởi tay người ta làm (mặc dù làm theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời), các đền thờ lần lượt đã bị phá hủy, hòm Giao Ước có thể đã cùng chung số phận. Bởi tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên đã lên đến đỉnh điểm (II Các Vua chương 24), Đức Chúa Trời đã trừng phạt họ nặng nề bằng cách cho phép vua Ba-by-lôn đốt phá đền thờ (trong đó có hòm Giao Ước), hay có thể quân Ba-by-lôn đã phá hủy hòm Giao Ước sau khi nấu chảy để lấy đi lớp vàng bọc ngoài. Họ có lấy qua Ba-by-lôn nhiều vật dụng bằng vàng, nhưng nên nhớ những vật dụng bằng vàng họ lấy đi đều là các vật dụng dùng được trong sinh hoạt, còn đối với hòm Giao Ước thì họ không biết dùng để làm gì.

Chúng ta nên tin rằng hòm Giao Ước không còn nữa. Vì sau khi vua Nê-bu-cát-nết-sa đốt phá đền thờ, Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời không còn nói gì đến hòm Giao Ước nữa. Thật ra, không gì đáng phải cho là “bí mật” khi hòm Giao Ước không còn được đề cập đến, chỉ có loài người tự gán cho sự vắng mặt hòm Giao Ước là “bí mật” mà thôi. Nếu Đức Chúa Trời muốn bảo vệ hòm Giao Ước, Ngài đã bày tỏ điều nầy ra trong Lời của Ngài rồi. Đức Chúa Trời không cần loài người … giúp Ngài bằng cách tìm chổ bí mật chôn giấu để bảo vệ hòm Giao Ước giùm Ngài!! Đừng quên rằng Đức Chúa Trời đã hành phạt dân Phi-li-tin vì đánh cắp hòm, hình phạt dân Bết-sê-mết vì đã nhìn vào bên trong hòm, hình phạt U-xa vì đã chạm tay vào hòm. Tất cả những tài liệu tường thuật hòm Giao Ước đã được đem đi cất giấu ở đâu đó chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng của con người. Kể cả những cuộc đào bới tìm kiếm kèm với những thông tin hay hình chụp đều không đáng tin cậy. Chúng ta nhớ lại, khi hòm Giao Ước bị quân Phi-li-tin cướp lấy, Kinh Thánh chép: “Thật, sự vinh hiển của Y-sơ-ra-ên đã mất rồi, vì hòm của Đức Chúa Trời đã bị cướp lấy.” (I Sa-mu-ên 4:22). Hòm Giao Ước bị đánh cắp là một lời cảnh cáo cho dân Y-sơ-ra-ên. Về sau trong thời Các Vua, tội lỗi của Y-sơ-ra-ên càng nhiều hơn bội phần, Đức Chúa Trời cho phép hòm Giao Ước bị tiêu hủy cũng là điều hợp lý.

Tháng 9, 2013

Các nguồn tài liệu tham khảo:

http://www.levitt.com

http://www.arkdiscovery.com

http://www.lamblion.us

http://www.wyattmuseum.com

http://www.bibleplus.org