Khải Huyền Chương 6 (Phần 2)

                                                                Trần Đình Tâm

 

                                 ẤN THỨ HAI: CON NGỰA ĐỎ

6:3,4 

“Khi Chiên Con mở ấn thứ nhì, tôi nghe con sanh vật thứ nhì nói: Hãy đến! Liền có con ngựa khác sắc hồng hiện ra. Kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau; và có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn.”

Con ngựa màu đỏ (red):

Dễ thấy màu đỏ là màu của máu, màu của sự chết chóc, cũng không khó để xác nhận ý nghĩa của người cỡi ngựa đỏ của ấn thứ hai chỉ về chiến tranh. “Ngày sau dân Mô-áp chổi dậy thật sớm; khi mặt trời mọc soi trên nước, dân Mô-áp thấy trước mặt mình nước đỏ như máu, thì la lên rằng: Ấy là máu! Chắc ba vua ấy đã tranh chiến nhau, đánh giết lẫn nhau.” (II Các Vua 3:22,23).

Phần còn lại của câu chứng minh rõ ràng điều ấy: “Kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau.”

Kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau:

Chúng ta đều biết lịch sử nhân loại từ ngàn xưa đến nay, đều ghi chép lại đủ loại chiến tranh khác nhau: Những cuộc nội chiến, cuộc chiến giữa các nước, cuộc chiến giữa các chủng tộc, cuộc chiến giữa các nhóm quốc gia với nhau (Thế chiến thứ I và thứ II), cuộc chiến giữa các nhóm khác nhau về tín ngưỡng (tôn giáo chiến). Chiến tranh không phải là điều gì mới lạ trên thế giới, nhưng cuộc chiến tranh trong thời đại nạn vượt trội hơn tất cả các cuộc chiến trước đó. Cho dù ngày nay nhân loại vẫn không ngừng bắn giết lẫn nhau, nhưng chúng ta phải công nhận rằng còn rất nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa có chiến tranh, nhiều vùng đất trên thế giới người ta vẫn sống trong hòa bình, tuy nhiên, trong thời đại nạn, hòa bình sẽ bị lấy đi khỏi thế giới, sẽ không có hòa bình trên toàn thế giới, sẽ không có nơi nào mà không có chiến tranh, không có nơi nào trên thế giới lúc đó mà người ta có thể chạy đến để tìm kiếm sự yên ổn. 

Có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn (great sword):

Trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của thanh gươm. “Gươm” có nhiều ý nghĩa khác nhau như: Sự hủy diệt bởi Đức Chúa Trời (Ê-sai 34:5); “thanh gươm” từ miệng Chúa Jesus sẽ hủy diệt các đạo binh trong ngày Chúa tái lâm (Khải Huyền 19:15); Gươm của Đức Thánh Linh là Lời Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:17). Theo ý nghĩa tiên tri của sách Khải Huyền, “gươm” có thể gồm hai ý nghĩa sau:

1/ Gươm biểu thị cho sự hủy diệt: “Ta sẽ bẻ gãy và làm cho biến mất khỏi đất nầy những cung, những gươm, và giặc giã; và sẽ khiến dân sự được nằm yên ổn” (Ô-sê 2:18); “Nên bây giờ, gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi đã khinh ta, cướp vợ U-ri, người Hê-tít, đặng nàng làm vợ ngươi” (II Sa-mu-ên 12:10); I Sử Ký 21:12: “hoặc ba năm đói kém, hoặc bị thua ba tháng tại trước mặt cừu địch ngươi, và phải gươm của kẻ thù nghịch phá hại, hay là bị ba ngày gươm của Đức Giê-hô-va, tức là ôn dịch ở trong xứ.”

2/ Gươm biểu thị cho thẩm quyền (authority): Rô-ma 13:4: cho biết các cấp chính quyền trong một nước được Chúa lập nên để duy trì trật tự trong xã hội, có thẩm quyền đưa ra những chính sánh hay những luật lệ. Họ như là người cầm gươm: “vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ.” Ê-sai 41:2: “Ai đã khiến người kia dấy lên từ phương đông, lấy sự công bình gọi người đến kề chân mình? Ngài phó các dân tộc trước mặt Người, khiến người cai trị các vua, phó họ như bụi cho gươm người, giống như rác rến bị gió thổi cho cung người.”

Gươm của người cỡi ngựa trong ấn thứ hai có ý nghĩa nào trong hai ý nghĩa trên? Nhiều nhà giải kinh đều cùng kết luận “gươm” ở đây chỉ về chiến tranh vì văn mạch đề cập rõ ràng đến chiến tranh. Tuy nhiên, có ba chi tiết sau đây liên quan đến người cỡi ngựa:

1/ Người nầy có thẩm quyền cất lấy hòa bình ra khỏi thế giới.

2/ Người nầy được ban cho thanh gươm.

3/ Thanh gươm nầy là thanh gươm lớn.

Căn cứ vào các chi tiết trên, chúng ta có thể kết luận “gươm” chỉ về “thẩm quyền” hơn là chỉ về “chiến tranh”. Vì người cỡi ngựa cầm thanh gươm có nghĩa là người nầy có thẩm quyền, nhưng có thẩm quyền về lãnh vực gì? Văn mạch Kinh Thánh nói rõ: người cỡi ngựa được thẩm quyền “cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau.” Như vậy, người cỡi ngựa được ban cho thẩm quyền để xóa bỏ hòa bình và phát động chiến tranh trên thế giới. Hơn nữa, người nầy được ban cho thanh gươm lớn (great sword) cho thấy thẩm quyền của người nầy rất lớn, người nầy có thẩm quyền không phải chỉ trong một nước hay một khu vực nhưng thẩm quyền của người trải rộng khắp toàn cầu. Chưa hết, người cỡi ngựa nầy còn được ban cho thanh gươm. Ai ban cho người cỡi ngựa thanh gươm lớn? Không ai khác hơn là Sa-tan, chính Sa-tan ban thẩm quyền cho người cỡi ngựa. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn trong Khải Huyền chương 13.

 

                             2. ẤN THỨ BA: CON NGỰA ĐEN

6:5,6:

“Khi Chiên Con mở ấn thứ ba, tôi nghe con sanh vật thứ ba nói: Hãy đến! Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa ô. Kẻ ngồi trên ngựa tay cầm cái cân. Tôi lại nghe ở giữa bốn con sanh vật như có tiếng nói rằng: Một đấu lúa mì bán một đơ-ni-ê, ba đấu mạch nha bán một đơ-ni-ê, còn dầu và rượu chớ đụng đến.”

Màu đen:

Theo Kinh Thánh, màu đen mang ý nghĩa đau buồn, khốn khổ và đượm màu chết chóc: “Giu-đa đang sầu thảm, cửa thành suy bại, chúng nó đều mặc áo đen ngồi trên đất.” (Giê-rê-mi 14:2); “Nay mặt đen hơn than: chẳng ai nhận biết trong đường phố; còn xương bọc lấy da; khô ran như khúc gỗ.” (Ca Thương 4:8).

Chúng ta đã biết con ngựa màu đỏ của ấn thứ hai tượng trưng cho CHIẾN TRANH, tất cả các cuộc chiến tàn khốc đều đưa đến tình trạng khan hiếm lương thực.

Nhiều nhà giải nghĩa Khải Huyền cho rằng con ngựa đen của ấn Thứ Ba chỉ về “nạn đói”, tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy “nạn đói” thật sự xuất hiện trong ấn kế tiếp, là ấn Thứ Tư. Không thể nào cả hai ấn đều có cùng ý nghĩa. Suy gẫm cẩn thận câu 5 và 6 của ấn thứ ba, chúng ta sẽ thấy ấn thứ Thứ Ba không liên quan đến nạn đói kém, nhưng ngụ ý nói về SỰ KHAN HIẾM THỰC PHẨM.

Cái cân:

Hình ảnh CÁI CÂN chỉ về sự phân phối thực phẩm và đồng thời nói lên sự giới hạn số thực phẩm mà người dân cần mua. Cựu Ước cho thấy người ta cân bánh khi thực phẩm trở nên khan hiếm: “Khi ta dẫn sự đói kém đến, mười người nữ sẽ nướng bánh của các ngươi trong một lò, cân bánh trao lại cho các ngươi; các ngươi sẽ ăn mà không no.” (Lê-vi Ký 26:26). Xin lưu ý: Trong nguyên ngữ, câu Kinh Thánh nầy không có ý nói Chúa đem sự “đói kém” (famine) đến, nhưng nói Chúa làm cho “khan hiếm lương thực” (cut off your supply of bread). Ê-xê-chi-ên 4:16 cũng cho thấy tình trạng khan hiếm thực phẩm tương tự: “Đoạn, Ngài lại phán: Hỡi con người, nầy, ta sẽ bẻ gãy bánh (cut off the food supply) trong Giê-ru-sa-lem đi; chúng nó sẽ cân bánh mà ăn, và sợ hãi, lường nước mà uống, và sững sờ.”. Trong thời đại nạn, thực phẩm trở nên khan hiếm, người ta không thể tự do mua thực phẩm nhưng được phân phối bởi một chế độ nắm quyền phân phối thực phẩm cho người dân.

Người cỡi ngựa cầm cái cân:

Người cỡi ngựa không ai khác hơn là Antichrist. Hình ảnh người cỡi ngựa cầm cân làm hình bóng về Antichrist cầm quyền cai trị trên lãnh vực kinh tế. Antichrist và hệ thống cầm quyền của Antichrist trên toàn thế giới sẽ độc quyền kiểm soát lương thực và nắm quyền phân phối lương thực cho người dân. Đặc biệt thực phẩm chỉ cung cấp cho những người dân nào chấp nhận dấu của con thú (Khải Huyền 13:17), tức là cho những người thờ phượng Antichrist.

Một đấu lúa mình bán một đơ-ni-ê, ba đấu mạch nha bán một đơ-ni-ê:

Đơ-ni-ê (denarius) là đơn vị tiền của La-mã được lưu hành trong thời Chúa Jesus. Đó là loại tiền bằng bạc, có in hình hoàng đế đang trị vì.

                     Đồng tiền “Đơ-ni-ê”

Trong thời Sứ đồ Giăng, 1 đơ-ni-ê tương đương với tiền công của một người làm việc trong một ngày (Ma-thi-ơ 20:2). Một đấu (quart) tương đương với 0.945 lít.

Lúa mì đắt tiền hơn lúa mạch, và lúa mì chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn lúa mạch, nên 1 đơ-ni-ê mua được 1 đấu lúa mì (wheat) hoặc mua được 3 đấu lúa mạch (barley). Trong thời của Giăng, 1 đơ-ni-ê mua được số lương thực gấp 10 lần hơn số lương thực mua được trong thời đại nạn.

Một đấu lúa mì là phần ăn của một người trong một ngày. Như vậy, tiền lương của một người làm cả ngày chỉ có thể mua đủ lương thực cho bản thân mình (nếu mua lúa mì); hoặc mua vừa đủ cho một gia đình nhỏ (nếu mua lúa mạch). Như vậy, trong thời đại nạn, tiền kiếm được trong ngày chỉ đủ để mua lương thực tối thiểu mà thôi, chứ không đủ để chi tiêu cho những nhu cầu khác.

Dầu và rượu chớ đụng đến: (do not harm the oil and wine)

Lúa mì hay lúa mạch là loại nhu yếu phẩm, còn dầu (oil) và rượu (wine) không phải là hạng nhu yếu phẩm, dầu và rượu là các mặt hàng xa xỉ. Người ta chỉ dùng dầurượu với mục đích làm cho cuộc sống thêm hương vị, phong phú: Rượu nho, là vật khiến hứng chí loài người, Và dầu để dùng làm mặt mày sáng rỡ.” (Thi Thiên 104:15). Người ta bày tiệc đặng vui chơi; rượu khiến cho đời vui.” (Truyền Đạo 10:19); “Khá hằng mặc áo trắng, chớ thiếu dầu trên đầu ngươi.” (Truyền Đạo 9:8).

Dầu và rượu không được đụng đến, hay nói đúng hơn là “đừng làm tổn hại dầu và rượu” cho thấy vẫn có dầu và rượu trong giai đoạn khó khăn (Xin đọc thêm Khải Huyền 18:11-16 để hiểu thêm hoàn cảnh của những người buôn bán mặt hàng xa xỉ trong thời kỳ đại nạn trong đó có dầu và rượu). Nhưng trong cơn khan hiếm thực phẩm, người ta phải vật lộn với sự sống mỗi ngày để có miếng ăn cho ngày hôm đó, như thế làm sao họ có thể nghĩ đến những thứ xa xỉ hơn cho cuộc sống! Hơn nữa, dưới một thể chế nắm quyền cung cấp lương thực cho người dân, không phải bất cứ ai cũng có thể “đụng đến” dầu và rượu.

 

Tháng 1, 2017

tamtran1561@yahoo.com