Khải Huyền Chương 6 (Phần 3)

                                                              Trần Đình Tâm

 

                               ẤN THỨ TƯ: CON NGỰA VÀNG VÀNG (TÁI)

6:7,8 
“Khi Chiên Con mở ấn thứ tư, tôi nghe con sanh vật thứ tư nói: Hãy đến! Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa vàng vàng hiện ra. Người cỡi ngựa ấy tên là Sự Chết, và Âm Phủ theo sau người. Họ được quyền trên một góc tư thế gian, đặng sát hại dân sự bằng gươm dao, bằng đói kém, bằng dịch lệ và bằng các loài thú dữ trên đất.”

Con ngựa màu vàng vàng (màu tái):

Màu của con ngựa trong nguyên ngữ Hy-lạp không phải là màu “vàng vàng”.

Rất khó xác định màu của con ngựa cách chính xác. Nguyên ngữ Hy-lạp là clwros. Các bản Anh ngữ dùng từ “pale”. Gọi màu của con ngựa nầy là màu TÁI thì thích hợp nhất, vì đó là màu nhợt nhạt vì không đủ sắc màu nguyên thủy. Ngôn ngữ gốc cũng không giúp xác định được màu nguyên thủy là màu gì. Các bản Kinh Thánh Việt Ngữ dịch: “xanh xám” (Truyền Thống Hiệu Đính); “xanh xao” (Bản Dịch Mới); “lam” (Bản dịch 2011). Có lẽ cách tốt nhất để giúp chúng ta “thấy” được màu của con ngựa nầy  là căn cứ vào Ê-sai 29:22, mô tả trong thời kỳ sau cùng, dân Do Thái sẽ tin nhận Chúa Jesus, họ sẽ được phục hồi, tội họ sẽ được tha, Kinh Thánh dùng cách ví von là mặt của họ sẽ không còn tái nữa:Vậy nên, Đức Giê-hô-va, là Đấng đã chuộc Áp-ra-ham, có phán về nhà Gia-cốp như vầy: Gia-cốp sẽ không còn hổ thẹn, và mặt nó sẽ chẳng tái (pale) nữa.”

Như vậy, màu tái của con ngựa phải tương đương với màu của một người vừa mới qua đời! Tất cả chúng ta đều nhìn thấy người mới qua đời, da người đó trở nên táikhông còn sự sống nữa. Đó cũng chính là màu của con ngựa trong ấn thứ ba. Hơn nữa, văn mạch cho thấy tên của người cỡi ngựa là “Sự Chết”, điều nầy phù hợp với màu tái của con ngựa.

Người cỡi ngựa tên là Sự Chết (Death):

Đây là một chi tiết rất đáng chú ý: Ba người cỡi ngựa trong ba ấn đầu tiên không có tên, nhưng người cỡi ngựa trong ấn thứ tư có tên là SỰ CHẾT. Thật ra, cả 4 người cỡi ngựa đều là cùng một nhân vật, nhưng có những lãnh vực hoạt động khác nhau, đến con ngựa thứ tư, tên người cỡi ngựa mới được tiết lộ.

Đa số các nhà giải nghĩa Khải Huyền đều đồng ý con ngựa nầy tượng trưng cho “sự chết”, vì đúng với cái tên được đặt cho người cỡi ngựa, hơn nữa câu 8 kế tiếp mô tả khung cảnh chết chóc rất rõ ràng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chi tiết người cỡi ngựa được mang tên “Sự Chết” chắc hẳn hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt cần được khám phá, vì trên một phương diện, khi chúng ta đọc câu 8, chúng ta thấy rõ cảnh chết chóc, nên Kinh Thánh không cần phải nói tên của người cỡi ngựa là “Sự Chết”, nếu như không ngầm chứa một ý nghĩa khác. Người cỡi ngựa được đặt tên chính là một yếu tố quan trọng giúp nhận diện người cỡi ngựa. Nếu người cỡi ngựa chỉ về một cá thể thì người nầy là ai? Vẫn không ai khác hơn là Antichrist. Antichrist có tên là Sự Chết vì là nhân vật đại diện cho Sa-tan, Hê-bơ-rơ 2:14 cho biết kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ. Antichrist tương phản với Chúa Jesus: Antichrist là Sự Chết tương phản với Chúa Jesus là Sự Sống: Chúa Jesus là “sự sống lại và sự sống.” (Giăng 11:25); Chúa Jesus là “đường đi, lẽ thật và sự sống” (Giăng 14:6); Chúa Jesus là "bánh của sự sống" (Giăng 6:48); Chúa Jesus là "ánh sáng của sự sống" (Giăng 8:12). Antichrist đem đến sự chết, Chúa Jesus đem đến sự sống: “Ta đến hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.”

Cái tên “Sự Chết” bày tỏ bản chất của Antichrist, số phận của Antichrist cùng với những người chấp nhận Antichrist: Đó sự chết đời đời của cả thân thể và linh hồn trong hồ lửa chẳng hề tắt. Trong thời kỳ đại nạn, Antichrist và những người đi theo Antichrist, là những người thờ phượng con thú và chấp nhận ghi dấu của con thú trên trán hay trên cách tay sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt đời đời trong hồ lửa: “Khói của sự đau đớn chúng nó bay lên đời đời. Những kẻ thờ lạy con thú và tượng nó, cùng những kẻ chịu dấu của tên nó ghi, thì cả ngày lẫn đêm không lúc nào được yên nghỉ.” (Khải Huyền 14:11)

Âm phủ theo sau người:

Âm phủ đi theo sau người cỡi ngựa mang tên Sự Chết, cũng có nghĩa âm phủ theo sau sự chết.

Âm phủ (hades) có vài ý nghĩa hơi khác nhau nên dễ khiến chúng ta nhầm lẫn, chúng ta cần căn cứ vào văn mạch hay văn cảnh để xác định ý nghĩa đúng nhất.

Âm Phủ là nơi ở của linh hồn các thánh đồ qua đời trong thời Cựu Ước (Sáng Thế Ký 42:38; Gióp 7:9; Thi Thiên 30:3). Tuy nhiên, Âm Phủ hàm chứa ý nghĩa quan trọng hơn: Đó là nơi chốn mà kẻ ác sẽ đi đến sau khi chết và sẽ chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 9:17; Châm Ngôn 5:5; Lu-ca 16:23). Những linh hồn hư mất nầy tạm trú trong âm phủ cho đến sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, sẽ sống lại để chịu phán xét trước tòa án trắng của Đức Chúa Trời. Sau đó, những người nầy sẽ bị quăng vào hồ lửa, đó là sự chết thứ hai (Khải Huyền 20:11-15).

Khải Huyền cho biết “Âm Phủ” đi theo sau người cỡi ngựa, người cỡi ngựa có tên “Sự Chết”. Nói cách khác, Âm Phủ theo sau Sự Chết.

Sự Chết và Âm Phủ thường đi chung với nhau. Chúng thấy điều nầy qua các câu Kinh Thánh sau đây:

Thi Thiên 49:14: Chúng nó bị định xuống Âm Phủ như một bầy chiên; Sự Chết sẽ chăn giữ chúng nó.”
Thi Thiên 89:48: “Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy Sự Chết? Ai sẽ cứu linh hồn mình khỏi quyền Âm Phủ?”
Châm Ngôn 7:27: “Nhà nàng là con đường của Âm Phủ, dẫn xuống các phòng của Sự Chết.”
Ê-sai 28:15: “Vì các ngươi nói rằng: Chúng ta đã kết ước với Sự Chết, và giao ước cùng nơi Âm Phủ.”

Sự Chết và Âm Phủ đi đôi với nhau trong sách Khải Huyền, nhưng theo thứ tự: Sự Chết đi trước, Âm Phủ theo sau. Chúa Jesus tuyên bố Ngài là “Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chếtâm phủ.” (Khải Huyền 1:18). “Đoạn, Sự ChếtÂm Phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 20:14). Đây là sự chết của những người ở ngoài ơn Cứu Rỗi của Chúa Jesus ngay trong đời nầy và trong thời đại nạn (khác với sự chết của những người ở trong Chúa Jesus.)

Phương cách duy nhất để nhân loại thoát khỏi sự chết đời đời trong hồ lửa là công nhận Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời, Ngài đã đến thế giới loài người, mang thân xác của loài người để chịu chết trên thập tự giá. Bởi sự chết và sự sống lại của Ngài mà “Sự Chết” và “Âm Phủ” không còn quyền gì trên những ai tin nhận Ngài: Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền lực của âm phủ, và chuộc chúng nó ra khỏi sự chết. Hỡi sự chết, nào tai vạ mầy ở đâu? Hỡi âm phủ, nào sự hủy hoại mầy ở đâu?” (Ô-sê 13:14). Tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã ban cho chúng ta sự đắc thắng, nhờ Đức Chúa Jesus Christ.

Họ được quyền trên một phần tư thế gian (earth):

“Họ”, số nhiều, chỉ về “Sự Chết” và “Âm Phủ”. Sự Chết và Âm Phủ có quyền trên thế giới chống nghịch lại Chúa: Quyền của Âm Phủ (Thi Thiên 89:48); Quyền của Sự Chết (Hê-bơ-rơ 2:14). Tại sao “Sự Chết” và “Âm Phủ” lại có quyền? Vì Sa-tan chính là kẻ cầm quyền của Âm Phủ và Sự Chết.

Sự Chết và Âm Phủ có quyền trên một phần tư thế giới. Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tự do lộng hành trong thời đại nạn, nhưng Ngài cũng đặt giới hạn: Chỉ được phép hành động trên một phần tư mà thôi. Tính đến đầu năm 2017, dân số trên thế giới khoảng 7 tỷ 475 triệu người, nếu cơn đại nạn bắt đầu xãy ra đầu năm nay (2017), sẽ có khoảng 1 tỷ 868 triệu người bị ảnh hưởng.

Sát hại dân sự bằng gươm dao, bằng đói kém, bằng dịch lệ và bằng các loài thú dữ trênđất:

Antichrist được quyền hành hại dân cư của một phần tư trái đất bằng bốn tai họa sau: 1. Gươm dao, 2. Đói kém, 3. Bệnh dịch, 4. Thú dữ.

Bốn tai họa trên cũng được đề cập đến trong sách tiên tri Ê-xê-chi-ên 14:21: “Vậy, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ta lấy bốn sự đoán phạt nặng nề, tức là gươm dao, đói kém, thú dữ, và ôn dịch mà giáng cho Giê-ru-sa-lem.”

Ê-xê-chi-ên 5:15-17: “Ta sẽ bắn trên chúng nó những tên độc của sự đói kém làm cho chết, mà ta sẽ bắn để hủy diệt các ngươi; ta sẽ thêm sự đói kém trên các ngươi, và sẽ bẻ gậy bánh của các ngươi đi. Ta sẽ giáng sự đói kém cho các ngươi, và sai thú dữ đến làm cho ngươi cô độc. Ôn dịch và sự đổ máu sẽ trải qua giữa ngươi; ta lại sẽ sai gươm xuống trên ngươi nữa. Chính ta là Đức Giê-hô-va đã phán vậy!”

GƯƠM DAO: Gươm dao là hình ảnh của sự bạo lực và chết chóc, người ta giết hại lẫn nhau. Nhân loại từ xưa đến nay mỗi ngày phải chứng kiến bao nhiêu cảnh tượng đổ máu, chết chóc do bạo lực con người gây ra, nhưng mức độ tàn bạo chắc chắn không sánh được với mức độ tàn bạo trong thời kỳ sau cùng.

Xin chú ý một chi tiết sau: Hình ảnh “gươm dao” của ấn thứ tư (con ngựa tái) làm hình bóng về sự giết chóc lẫn nhau do lòng ghen ghét và hận thù, hàm chứa sự chết đến từ tình trạng đạo đức suy đồi tột cùng của loài người, chúng ta phân biệt với cảnh tượng nhân loại giết lẫn nhau do chiến tranh ở ấn thứ hai (con ngựa sắc đỏ). Sự chết ở ấn thứ tư do đạo đức suy đồi vì liên quan đến đặc điểm của người cởi ngựa tái: “Sự chết và âm phủ”; còn sự chết ở ấn thứ hai do chiến tranh vì liên quan đến đặc điểm của người cởi ngựa đỏ: “Người đó có quyền cất hòa bình ra khỏi thế gian”.

Ngoài ra, sự chết chóc do gươm đao còn đến từ ý đồ của Antichrist, cũng là một trong những chủ đề quan trọng của thời kỳ sau cùng: Antichrist sẽ bắt bớ và tàn sát tất cả những người nhận Tin Lành trong cơn đại nạn, là những người không chấp nhận dấu của con thú, và cũng là những người trung tín với Chúa cho đến ... chết.

Khải Huyền 13:7 xác nhận kế hoạch của Antichrist: “Nó lại được phép giao chiến cùng các thánh đồ và được thắng."

Khải Huyền 12:11 cho thấy những người bị Antichrist giết hại: “Chúng đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình; chúng chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết.”

NẠN ĐÓI: Nạn đói là hậu quả của mọi cuộc chiến tranh tàn khốc. Nhưng nạn đói có thể đến từ một nguyên nhân khác, chúng ta ghi nhận các nạn đói xãy ra trong thời Cựu Ước thường có liên quan đến hạn hán: Nạn đói khiến Gia-cốp phải mua lúa tại Ai-cập; cơn đói kém trong thời các quan xét khiến gia đình Na-ô-mi di tản đến Mô-áp; cơn đói kém trong thời Ê-li vì trời không mưa trong ba năm rưỡi; nạn đói kém trong thời tiên tri Ê-li-sê. Đặc biệt, sách Khải Huyền cho biết sẽ có cơn hạn hán trong thời 7 năm đại nạn (Khải Huyền 11:6).

BỆNH DỊCH: Đức Chúa Trời đã từng trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên bằng dịch lệ (I Sử Ký 21:14). Bệnh dịch còn là hậu quả của nạn đói. Bệnh dịch trên thân thể con người trong cơn đại nạn chắc hẳn sẽ kinh hoàng hơn bội phần.

Ngoài ra, bệnh dịch có thể đến từ lối sống vô đạo đức của con người. Các mầm bệnh, các loại vi khuẩn và các biến thể của nó phát sinh và gieo rắc từ người nầy qua người kia mà con người không còn khả năng kiểm soát được nữa. Trong kỳ đại nạn, chắc chắn con người không thể chế tạo ra các loại thuốc điều trị hay thuốc chủng ngừa nào.

THÚ DỮ: Nếu ba tai họa trên (gươm dao, đói kém, dịch lệ) sẽ xãy ra theo nghĩa văn tự, thì tai họa “thú dữ” cũng phải được hiểu theo nghĩa văn tự. Có thể thú dữ các loại từ môi trường chung quanh hay từ trong rừng đổ ra để cắn xé con người.

Thật ra, việc thú dữ cắn xé con người không phải là điều mới mẽ, thỉnh thoảng xãy ra đây đó trong cuộc sống, II Các Vua 2:23,24 ghi lại câu chuyện Đức Chúa Trời cho phép 2 con gấu cái cắn 42 đứa trẻ thuộc lứa tuổi vị thành niên. Dân Y-sơ-ra-ên cũng được cảnh cáo sẽ bị thú dữ ăn thịt nếu họ phạm tội với Chúa: “Ta sẽ sai những thú dữ  đến tha con cái các ngươi đi, ăn hại súc vật, diệt số người ra ít; và đường nẻo các ngươi sẽ vắng tanh.” (Lê-vi Ký 26:22). Có nhà giải nghĩa Khải Huyền cho rằng “thú dữ” có thể chỉ về loài chuột (rat), loài chuột sinh sản rất nhanh và khi đạt đến số lượng nào đó, chúng sẽ tàn phá hoa màu, ngũ cốc, khiến cho lương thực vốn khan hiếm càng trở nên khan hiếm trầm trọng hơn, trong cơn đói khát, chúng có thể tấn công con người. Loài chuột còn mang trong cơ thể chúng hơn 30 loại vi khuẩn gây bệnh, đó cũng là một trong các nguyên nhân gây bệnh dịch cho con người trong thời đại nạn.

Chúng ta có thể hình dung khi cả bốn tai họa nêu trên cùng xãy ra, cuộc sống con người thật sự rơi vào tình trạng hổn loạn và khốn đốn cùng cực.

Tháng 1, 2017
tamtran1561@yahoo.com