Khải Huyền Chương 6 (Phần 4)

                                                                 Trần Đình Tâm

 

                         ẤN THỨ NĂM: CÁC LINH HỒN TUẬN ĐẠO

 

6:9:
“Khi Chiên Con mở ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có những linh hồn của kẻ đã chịu giết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã làm.”

Tại ấn thứ năm, chúng ta không thấy con sanh vật lên tiếng giới thiệu và cũng không thấy xuất hiện con ngựa nào nữa, bộ 4 con ngựa thuộc 4 ấn đầu tiên đã chấm dứt. Cảnh tượng đột ngột thay đổi như sau: Các khải tượng về 4 con ngựa thuộc 4 ấn đầu tiên diễn ra trên mặt đất, nhưng khải tượng thuộc ấn thứ năm diễn ra trên trời.

Bên dưới bàn thờ (under altar):

Giăng nhìn thấy các linh hồn những người bị giết ở bên dưới bàn thờ. Bàn thờ (altar) là một vật dụng trong đền thờ (temple), đây không phải là bàn thờ ở dưới đất nhưng là đền thờ nguyên mẩu ở trên trời (theo Hê-bơ-rơ 9:24). Điều nầy chứng minh khung cảnh diễn ra trên trời. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se dựng đền tạm, Sa-lô-môn xây đền thờ đều theo khuôn mẩu đền thờ nguyên bản ở trên trời.
Trong đền thờ, có 2 loại bàn thờ khác nhau:

1. Bàn thờ dâng sinh tế (Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8): Đặt tại hành lang của đền thờ, là nơi các thầy tế lễ giết các con sinh tế, xả thịt nó ra, để trên bàn thờ và dùng lửa đốt dâng cho Đức Chúa Trời.

2. Bàn thờ xông hương (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:1-9): Đặt trong nơi thánh, đối diện với bức màn ngăn cách nơi thánhnơi chí thánh. Thầy tế lễ dâng hương trên bàn thờ nầy mỗi ngày 2 lần.

Bàn thờ Giăng nhìn thấy thuộc loại bàn thờ nào? Có 2 ý kiến khác nhau:

Một số nhà giải nghĩa Khải Huyền cho rằng Giăng thấy bàn thờ xông hương. Họ cho rằng vì câu tiếp theo (câu 10), nói đến các linh hồn đang cầu nguyện với Chúa, và theo Khải Huyền 8:3 “Đoạn, một vị thiên sứ khác đến, đứng bên bàn thờ, người cầm lư hương vàng, và được nhiều hương để dâng hương ấy trên bàn thờ bằng vàng ở trước ngôi với các lời cầu nguyện của mọi thánh đồ. Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước mặt Đức Chúa Trời, với những lời cầu nguyện của các thánh đồ.” Bàn thờ thiên sứ dâng hương cùng với lời cầu nguyện của các thánh đồ là bàn thờ xông hương, do đó, các nhà giải nghĩa kết luận bàn thờ Giăng nhìn thấy phải là bàn thờ xông hương.

Tuy nhiên, chúng ta nhận biết nội dung chính yếu của ấn thứ năm không nhấn mạnh vào lời cầu xin của các linh hồn bị giết, nhưng đặt trọng tâm vào chính sự chết của họ vì Danh Chúa, vốn là một trong những biến cố quan trọng xãy ra trong 7 năm đại nạn, Ma-thi-ơ 24:9 cho thấy rõ: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh ta.”  Do đó, chúng tôi tin rằng Giăng nhìn thấy bàn thờ dâng sinh tế chứ không phải bàn thờ xông hương.

Ngoài ra, Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 29:11,12 cho biết một đặc điểm của loại bàn thờ dâng sinh tế: “Ngươi hãy giết bò đực trước mặt Đức Giê-hô-va, tại nơi cửa hội mạc; rồi lấy huyết bò đó, nhúng ngón tay vào, bôi các sừng của bàn thờ, và đổ huyết đó bên dưới chân bàn thờ. Khi dâng tế lễ, các thầy tế lễ lấy huyết bôi các sừng ở 4 góc bàn thờ rồi đổ huyết của con sinh tế bên dưới bàn thờ. Huyết đổ ra bên dưới bàn thờ cho thấy sự hy sinh chịu chết của con sinh tế, cũng vậy, các linh hồn bên dưới bàn thờ cho thấy họ là những người bị giết chết, họ hy sinh mạng sống của mình (không phải để chuộc tội) vì Đạo Chúa và lời chứng của họ. Như vậy, rõ ràng đây là bàn thờ dâng sinh tế. Còn bàn thờ trong Khải Huyền 8:3 mới chính là bàn thờ xông hương, vì liên quan trực tiếp đến lời cầu nguyện của các thánh đồ.

Linh hồn (soul):

Con người được tạo thành bởi sự phối hợp giữa nguyên tố thấy được là thể xác (body) và nguyên tố không thấy được là linh hồn (soul). Thể xác mà không có linh hồn là thể xác chết (Gia-cơ 2:26).

Ngày nay, những người tin Chúa Jesus sau khi chết, thân xác ở lại trần gian rồi sẽ trở thành bụi đất, linh hồn được ở với Chúa ngay: Chúa Jesus quả quyết với người tội phạm bị đóng đinh bên cạnh Ngài: “Đêm nay ngươi sẽ ở với Ta trong nơi Pa-ra-đi” (Lu-ca 23:43); Phao-lô tâm tình với anh em: “Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn.” (II Cô-rinh-tô 5:8); Chấp sự Ê-tiên trước khi chết nói: “Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:59) Ngày Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh, các thân xác chết sẽ sống lại hiệp nhất với linh hồn bởi quyền phép mầu nhiệm của Đức Chúa Trời để thành thân thể vinh hiển giống như thân thể Chúa Jesus sau khi sống lại (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16,17)

Tuy nhiên, khác với chúng ta ngày nay, linh hồn (soul) của những người bị giết chết trong kỳ đại nạn sẽ ở một nơi đặt biệt trên trời, tức là bên dưới bàn thờ, để chờ ngày hiệp nhất với thân thể trong ngày sống lại. Khải Huyền 20:4 xác định rõ các linh hồn nầy sẽ sống lại vào cuối 7 năm đại nạn.

Linh hồn của kẻ đã chịu giết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã giữ:

Trong 7 năm đại nạn, có rất nhiều người chết do chiến tranh, dịch lệ, nạn đói, thú dữ, bạo lực v.v… đã được luận đến ở các ấn trước, nhưng những người chết trong ấn thứ năm là những người chết vì đạo Chúa (Word of God) và vì những lời làm chứng họ đã giữ (testimony they had maintained).

+ Họ chịu chết vì Đạo Chúa hay Lời Chúa (Word of God): Trong thời đại nạn, Đạo Chúa sẽ được rao giảng bởi 144.000 người Do Thái được chọn từ trong 12 chi phái Israel. Những người tin Đạo qua các cuộc truyền giảng sẽ bị bắt bớ và bị giết chết.

+ Họ chịu chết vì lời chứng họ đã giữ (testimony they had maintained): Những người nầy một lòng trung tín, chấp nhận cái chết chứ không chối bỏ niềm tin của mình, giống như chấp sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:59,60) và An-ti-ba (Khải Huyền 2:13) đã bị giết vì quyết cầm giữ đức tin của mình.

Xin chú ý về sự khác biệt giữa Lời Chúa (Word of God) và lời chứng (testimony) mà các thánh đồ chịu chết: Lời Chúa là Lời đến từ Chúa và được rao giảng ra; còn lời chứng là sự đáp ứng, hay sự trải nghiệm của người nghe Lời đó và trung tín giữ Lời đó.

Trong thời kỳ Ân Điển, từ khi Chúa Jesus chết, sống lại, thăng thiên và ban Đức Thánh Linh thành lập Hội Thánh cho đến ngày hôm nay, các tín đồ của Chúa Jesus ở một số nơi trên thế giới đã trải qua những cuộc bắt bớ vì Đạo Chúa, họ bị tù, bị chết vì Danh Chúa. Tuy nhiên, cơn bắt bớ Đạo Chúa trong thời kỳ cuối cùng (7 năm đại nạn) tàn bạo hơn bội phần, đó sẽ là cuộc tàn sát kinh hoàng và đẫm máu (The Holocaust) có một không hai trong lịch sử nhân loại, đúng theo lời tiên tri Đa-ni-ên đã viết: “Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ.” (Đa-ni-ên 12:1)

Ai giết họ và giết vào thời điểm nào?

Có 2 câu hỏi cần được giải đáp: Ai chịu trách nhiệm về cái chết của những người tuận đạo nêu trên? Biến cố đó xãy ra vào thời điểm nào trong 7 năm đại nạn? Chúng ta có câu giải đáp trong sách Đa-ni-ên và sách Khải Huyền:
Khải Huyền 13:5: “Nó (Con thú hay Antichrist) được ban cho cái miệng nói những lời kiêu ngạo phạm thượng; và nó lại được quyền làm việc trong bốn mươi hai tháng.”

Khải Huyền 13:7: “Nó lại được phép giao chiến cùng các thánh đồ và được thắng.”

Đa-ni-ên 9:27: “Người (Antichrist) sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ (tương đương 7 năm), và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”

Khải Huyền 20:4: “Kế đó, tôi thấy linh hồn những người đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay.”

Căn cứ vào các câu trên, chúng ta có thể kết luận: Vào thời điểm giữa của 7 năm đại nạn, tức là bắt đầu 3 năm rưỡi sau cùng, Kẻ chống Chúa (Antichrist) sẽ phát động chiến dịch bắt bớ và giết hại những người trung tín với Đạo Chúa và đồng thời họ cũng là những người từ chối thờ phượng Antichrist, từ chối thờ hình tượng con thú và từ chối nhận ấn của con thú. Chấp nhận ghi ấn của con thú trên thân thể của mình là đồng nghĩa với sự chối bỏ đức tin nơi Chúa và chấp nhận thờ lạy Antichrist. Chiến dịch tàn sát của Antichrist kéo dài 42 tháng, tương đương với 3 năm rưỡi sau cùng của 7 năm đại nạn.

6:10:
“Chúng đều kêu lên lớn tiếng rằng: Lạy Chúa là Đấng thánh và chân thật, Chúa trì hoãn xét đoán và chẳng vì huyết chúng tôi báo thù những kẻ ở trên đất cho đến chừng nào?”

Đấng thánh và chân thật (holy and true): 

Theo Khải Huyền 3:7: “Nầy là lời phán của Đấng Thánh và Chân Thật …”, chúng ta biết đó Đấng đó chính là Chúa Jesus.
Các linh hồn những thánh đồ tuận đạo trong giai đoạn đầu cơn đại nạn, họ đã bị giết cách tàn nhẫn, chiến dịch bắt bớ ngày càng dữ dội mà không có dấu hiệu suy giảm. Trước hoàn cảnh tuyệt vọng đó, họ đã lớn tiếng kêu vang với Chúa Jesus, khẩn xin Ngài thi hành công lý mà xét đoán và trừng phạt những người đã gây ra cuộc đổ máu cho những người vô tội.

Những kẻ ở trên đất:

Cụm từ “những kẻ ở trên đất” hay “dân cư trên đất” được nhắc lại nhiều lần trong sách Khải Huyền (3:10; 6:15; 8:13; 11:10; 13:8; 13:14; 17:8) chỉ về những người đang sống trên trần gian trong thời đại nạn, họ là những chống nghịch Chúa và đang ở dưới sự đoán phạt của Chúa. Ngoài ra, lời kêu van của những linh hồn bị giết bên dưới bàn thờ nói về những người giết hại họ “đang ở trên đất” cho thấy linh hồn những người nầy đang ở trên trời.

Tại sao họ cầu xin được báo thù?

Có người thắc mắc: Tại sao các linh hồn tuận đạo cầu xin Chúa báo thù những kẻ gây ra cái chết cho họ? Điều nầy phải chăng mâu thuẫn với lời dạy phải tha thứ cho kẻ thù nghịch và kẻ bắt bớ mình như Ma-thi-ơ 5:44 đã nói: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”, hay Ma-thi-ơ 6:14: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi.”? Chúa Jesus đã cầu nguyện xin Cha Ngài tha thứ cho những người đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34) và Ê-tiên cũng đã cầu xin Chúa tha thứ cho kẻ ném đá mình đến chết: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:30).

Chúng ta đừng quên thời điểm thi hành ấn thứ năm thuộc về 7 năm đại nạn, đây là thời kỳ của sự đoán phạt trên đất. Nói cách khác, không còn là thời kỳ ân điển nữa, nhưng bước qua thời kỳ báo thù, như Lu-ca đã nói trong Lu-ca 21:22 "Vì những ngày đó là ngày báo thù". Trong giai đoạn nầy, Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tự do thao túng trên thế giới, Antichrist được tự do bắt bớ những người tin đạo trong thời đại nạn, điều nầy đã được Chúa báo trước: “Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi.” (Ma-thi-ơ 24:9). Nên nhớ rằng thời kỳ ân điển đã chấm dứt, Hội Thánh chân thật đã được Chúa đem ra khỏi thế gian. Kẻ ác sẽ bị Chúa đoán phạt nặng nề trong giai đoạn nầy. Do đó lời cầu xin của những linh hồn tử đạo là hợp lẽ.

Giáo lý sai lầm về linh hồn người đã chết.

Có một quan điểm cho rằng sau khi chết, linh hồn con người trở nên vô ý thức (unconscious), ở trong trạng thái ngủ (sleep) để chờ ngày sống lại. Giáo lý về linh hồn ngủ(soul sleep) được giảng dạy bởi hệ phái Cơ-đốc Phục Lâm, Chứng Nhân Giê-hô-va và một vài tôn giáo phi Cơ-đốc Giáo.

Sự kiện các linh hồn của những người đã chết kêu cầu với Chúa cho thấy rõ họ có ý thức (conscious). Dù thể xác đã chết nhưng linh hồn vẫn sống động, có tình cảm, có ý thức rõ rệt. Tương tự câu chuyện Chúa Jesus thuật lại trong Lu-ca 16:19-31, có người nhà giàu chết rồi đi vào âm phủ, linh hồn người nầy cảm nhận được sự đau khổ trong âm phủ, ông ta ý thức được tình trạng của sự hư mất linh hồn, nên đã xin Áp-ra-ham sai La-xa-rơ đến nhà cha ông để làm chứng cho 5 người anh em của ông để họ không phải chịu số phận như ông. Điều nầy trái ngược với quan niệm cho rằng sau khi chết, linh hồn sẽ hoàn toàn mất ý thức, không còn nhận biết gì về hoàn cảnh chung quanh.

6:11:
“Có kẻ bèn cho họ mỗi người một cái áo trắng dài; và có lời phán rằng phải ở yên ít lâu nữa, cho đến khi được đủ số người cùng làm việc và anh em mình phải bị giết như mình vậy.

Áo dài trắng:

Được mặc áo trắng là hình ảnh thường xuất hiện trong sách Khải Huyền, chỉ dành cho những người chết trong Chúa Jesus: Những ai thắng sẽ được mắc áo trắng (3:5); 24 trưởng lão mặc áo trắng (4:4); đoàn người đông vô số đứng trước ngôi mặc áo trắng (7:9). Đây là loại áo của sự công nghĩa, áo của sự cứu rỗi mà Chúa ban cho những người đặt niềm tin nơi Chúa Jesus, là loại áo được phiếu trắng bởi huyết của Chiên Con: “Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta.” (Ê-sai 61:10)

Phải ở yên ít lâu nữa, cho đến khi được đủ số người cùng làm việc và anh em mình phải bị giết như mình vậy.

Lời khẩn xin của các linh hồn tuận đạo được hồi đáp:

a) Phải ở yên hay nghỉ ngơi (rest) ít lâu nữa: Hãy yên lặng và chờ đợi sự báo trả của Đức Chúa Trời, Đa-vít viết: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ. Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ.” Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, Hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác. Vì những kẻ làm ác sẽ bị diệt; Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp. Một chút nữa kẻ ác không còn.” (Thi Thiên 37:1,9,10)

Chúng ta biết kỳ đại nạn kéo dài 7 năm, chiến dịch tàn sát các thánh đồ trong thời kỳ nầy bắt đầu vào 3 năm rưỡi sau cùng. Rất có thể những người tử đạo nêu trên đã chờ đợi sự báo thù của Chúa một khoảng thời gian nào đó mà chưa thấy kết quả, họ tỏ ra nóng lòng và kêu van với Chúa Jesus. Câu trả lời cho họ là chờ đợi thêm “một ít lâu nữa”, có nghĩa là cơn cắt bớ chỉ giới hạn trong 3 năm rưỡi mà thôi.

b) Đức Chúa Trời có chương trình rõ rệt cho thời kỳ đại nạn, chẳng những cuộc tàn sát kéo dài 3 năm rưỡi, nhưng Chúa còn ấn định cả số người phải chịu chết nữa! Đó là những người cùng làm việc với họ (fellowservant) và cũng là anh em (brethren): với họ trong cơn đại nạn. Rất có thể những người “cùng làm việc” là những người cùng rao giảng Tin Lành; “anh em” chỉ về những người cùng chung một mục đích, cùng chung niềm tin; “anh em” cũng có thể chỉ về cộng đồng người Do Thái trong cơn đại nạn.

 

Tháng 1, 2019
tamtran1561@yahoo.com