KHẢI HUYỀN CHƯƠNG BỐN (Phần 1)

Trần Đình Tâm

Cái cửa mở ra trên trời

4:1:

Kế đó, tôi nhìn xem, nầy, một cái cửa mở ra trên trời; và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rền như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến.

Kế đó, sau nầy:

Trước hết, chúng ta cần lưu ý đến 2 cụm từ chỉ thời gian trong câu trên: “kế đó” và “sau nầy”. Bản Kinh Thánh Truyền Thống 1926 và bản Truyền Thống Hiệu Đính đều dịch không chính xác (nhất là cụm từ “sau nầy”) khiến người đọc không nhận thấy được sự kết nối đặc biệt giữa những sự kiện trước đó (chương 2 và 3) và sự kiện ngay sau đó (khởi đầu chương 4). “Kế đó” và “sau nầy” có cùng nguyên ngữ Hy-lạp là “meta tauta” (Μετὰ ταῦτα), các bản Anh Ngữ đều dịch chính xác là “after this” hay “after these things” có nghĩa là “sau những việc nầy” hay “sau những điều nầy”, chúng ta có thể dịch lại chính xác hơn như sau:

Sau những điều nầy (after these things), tôi nhìn xem, nầy, một cái cửa mở ra trên trời; và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rầm như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy đến sau những điều nầy (after these things).

Cụm từ “sau những điều nầy” được lập lại đến hai lần, cho thấy tầm quan trọng của sự kiện xãy ra ngay sau cụm từ đó. Câu hỏi cần được giải đáp “những điều nầy” là điều gì? Là những gì Giăng đã ghi chép trong chương 2 và chương 3 ngay trước đó. Khải Huyền chương 2 và 3 trình bày bảy Hội Thánh trong sứ A-si. Hầu hết các nhà giải nghĩa Khải Huyền đều đồng ý con số 7 chỉ ra thời đại Hội Thánh gồm bảy giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn 30-100 AD:Hội Thánh Ê-phê-sô làm đại diện (Hội Thánh thời Các Sứ Đồ)

2. Giai đoạn 100-312 AD: Hội Thánh Si-miệc-nơ làm đại diện (Hội Thánh bị bắt bớ bởi các hoàng đế La-mã).

3. Giai đoạn 312-600 AD: Hội Thánh Bẹt-găm làm đại diện (Hội Thánh dưới thời Constantine).

4. Giai đoạn 600-1520 AD: Hội Thánh Thi-a-ti-rơ làm đại diện (Hội Thánh dưới thời các giáo hoàng La-mã).

5. Giai đoạn 1520-1750 AD: Hội Thánh Sạt-đe làm đại diện (Hội Thánh sau cuộc cải chánh).

6. Giai đoạn 1750-1900 AD: Hội Thánh Phi-la-đen-phi làm đại diện (Hội Thánh trong cuộc truyền giáo).

7. Giai đoạn 1900 AD cho đến lúc Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh: Hội Thánh Lao-đi-xê làm đại diện (Hội Thánh ngày nay).

Ngoài ra, con số 7, là con số tượng trưng cho sự “đầy trọn”, cũng cho thấy sau khi 7 giai đoạn lịch sử Hội Thánh trên đất được đầy trọn, thời đại của Hội Thánh sẽ chấm dứt.

Như vậy, cụm từ chỉ thời gian: “sau những điều nầy” có nghĩa: sau khi kết thúc thời đại Hội Thánh, hay thời đại Hội Thánh chấm dứt.

Sau khi thời đại Hội Thánh kết thúc, thì điều gì xãy ra, Giăng nhìn thấy gì? Những gì Giăng nhìn thấy có ý nghĩa gì?

Tôi nhìn xem, nầy, một cái cửa mở ra trên trời:

Giăng nhìn lên trời và thấy một cái cửa mở sẵn (standing open).

Tân Ước có đề cập đến nhiều “loại” cửakhác nhau: Cửa cơ hội phục vụ Chúa (I Cô-rinh-tô 16:9; II Cô-rinh-tô 2:12); Cửa giảng Tin lành (Cô-lô-se 4:3); Cửa đức tin (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:27). Trong sách Khải Huyền, Chúa Jesus mở cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi một cái cửa không ai đóng được (3:8) và Chúa Jesus đứng bên ngoài cái cửa của Hội Thánh Lao-đi-xê mà gõ (3:20).

Tuy nhiên, cái cửa mà Giăng thấy không giống với bất cứ cái cửa nào bên trên, đây là cái cửa mở ra trên trời, là cái cửa đưa Giăng đến tầng trời thứ ba, là cái cửa đem Giăng đến Ngôi của Đức Chúa Trời.

Khi Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh, không phải ai cũng được quyền đi đến Ngôi của Đức Chúa Trời đâu, chỉ có những ai tin Chúa Jesus mà thôi, vì Chúa Jesus là cửa cứu rỗi: “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi.” (Giăng 10:9), Chúa Jesus là cái cửa dẫn con người vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rền như tiếng loa.

Khi Sứ đồ Giăng vừa nghe tiếng nói, ông nhận ra ngay tiếng nói ấy của ai, vì ông đã từng một lần nghe tiếng ấy: Chúa Jesus đang nói với ông. Trước đó, trong Khải Huyền 1:10, Chúa Jesus cũng đã nói với ông, tiếng nói ấy cũng vang lên như tiếng loa (hay tiếng kèn): “Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa.” (Khải Huyền 1:10).

Tại sao tiếng của Chúa Jesus được diễn tả như tiếng loa (hay tiếng kèn)? [Điều nầy sẽ được dẫn giải trong phần trình bày về bảy tiếng loa ở Khải Huyền chương 8]

Hãy lên đây.

Sau khi Giăng thấy một cái cửa mở ra trên trời, ông nghe tiếng Chúa Jesus nói vang rền như tiếng kèn, Ngài kêu gọi: “Hãy lên đây”. Giăng đang ở trên trần gian, lời kêu “hãy lên đây” cho thấy Giăng được gọi ra khỏi trần gian để đi lên trời (tầng trời thứ ba). Sự chuyển cảnh từ trên đất để lên trời của Giăng làm hình bóng về sự sự kiện Hội Thánh sẽ được Chúa Jesus đem ra khỏi thế gian. Tiếng của Chúa Jesus vang rền như tiếng kèn, khiến chúng ta nhớ lại lời của Phao-lô nói: “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16,17)

Từ ngữ “Hội Thánh” xuất hiện 18 lần trong Khải Huyền chương 1 đến 3, nhưng “Hội Thánh” không còn được nhắc đến từ chương 6 đến chương 18, là các chương mô tả các tai họa trên đất trong bảy năm đại nạn. Điều nầy chứng minh rằng Hội Thánh đã được đem ra khỏi thế giới trước khi đại nạn xãy ra. Đến chương 19, là lúc kết thúc bảy năm đại nạn, chúng ta thấy lại hình ảnh của Hội Thánh qua “lễ cưới và tiệc cưới của Chiên Con” (19:7,9); qua “đạo binh mặc vải gai mịn trắng và sạch” (19:14); qua biểu tượng “vợ mới, là vợ của Chiên Con” (21:9) và từ ngữ “Hội Thánh” xuất hiện trong 22:16.

Lúc nào Chúa Jesus trở lại tiếp rước chúng ta? Chúa Jesus đã nói trước: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả.” (Ma-thi-ơ 24:36). Vì chúng ta không biết được lúc nào Chúa Jesus trở lại tiếp rước chúng ta, do đó, đời sống của chúng ta phải là một đời sống tỉnh thứcchực cho sẵn như Lời Chúa dạy: “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến … Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.” (Ma-thi-ơ 24:42,44)

Ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy đến sau những điều nầy (after these things).

Chúng ta hãy so sánh điều Chúa Jesus phán với Giăng lần thứ nhất (Khải Huyền 1:11 và lần thứ hai tại đây (Khải Huyền 4:1):

Trong lần thứ nhất Giăng nghe tiếng chúa, Chúa Jesus phán dạy: Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê” (1:11). Giăng đã ghi chép Khải Huyền chương 2 và 3 (bảy lá thư gửi cho bảy Hội Thánh) đúng theo sự hướng dẫn Chúa.

Bây giờ, trong lần thứ hai, Chúa Jesus phán dạy: “Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy đến sau những điều nầy.” (4:1). Chúng ta biết rõ Giăng đã ghi chép Khải Huyền chương 6 đến 22, tương ứng với “điều phải xãy đến”.

Sự so sánh trên một lần nữa cho thấy rõ bố cục của sách Khải Huyền do Chúa Jesus chỉ định (khác với bố cục của các sách khác trong Kinh Thánh do các nhà nghiên cứu Kinh Thánh sắp xếp theo ý của mỗi người).

Ngoài ra, có một sự kiện quan trọng xãy ra giữa “điều Giăng thấy” (thời đại Hội Thánh) và “điều phải xãy đến” (Khải Huyền chương 6 đến 22) là: HÃY LÊN ĐÂY. Hội Thánh sẽ được Chúa Jesus tiếp rước ra khỏi thế giới nầy, đúng như lời Chúa đã hứa: “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2,3)

Một số nhà thần học không công nhận sự kiện Chúa kêu gọi Giăng “hãy lên đây” làm hình bóng về Hội Thánh được Chúa đem ra khỏi thế gian, vì họ chủ trương Hội Thánh phải trải qua bảy năm đại nạn rồi mới được Chúa cất lên. Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy Hội Thánh được đem ra khỏi thế gian để không phải chịu đại nạn [Xin đọc bài “12 bằng chứng Hội Thánh sẽ được cất lên trước đại nạn”]. Nếu Hội Thánh phải ở lại trần gian để chịu đại nạn, Chúa Jesus không cần phải kêu Giăng “hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy đến sau những điều nầy.” Giăng vẫn có thể cứ ở lại trên đất để viết tiếp phần còn lại của sách Khải Huyền.

4:2:

“Tức thì tôi được Thánh Linh cảm hóa; thấy một ngôi đặt tại trên trời, trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó.”

Tức thì, tôi được Thánh Linh cảm hóa:

Trong sách Khải Huyền, có 4 lần Giăng kinh nghiệm được “Thánh Linh cảm hóa” (in Spirit) hay “trong tâm linh” (in spirit) để thấy những khải tượng, và những khải tượng nầy được Giăng nhìn thấy từ những địa điểm khác nhau:

1) Giăng thấy Chúa Jesus và nhận mệnh lệnh viết bảy lá thư gửi cho bảy Hội Thánh.  Địa điểm: Đảo Bát-mô (1:10).

2) Giăng thấy cảnh tượng chung quanh Ngôi. Địa điểm: Tầng trời thứ ba (4:2).

3) Giăng thấy người đàn bà cỡi con thú. Địa điểm: Đồng vắng (17:3).

4) Giăng thấy thành thánh. Địa điểm: Hòn núi cao lớn (21:10).

Một lần nữa, chúng ta cần tìm hiểu nguyên từ của từ “Thánh Linh” mà bản Kinh Thánh Việt Ngữ dùng. Từ ngữ “Thánh Linh” (Đức Thánh Linh) trong câu trên có nguyên ngữ là “pneuma” (Πνεύμα). “pneuma” có nhiều nghĩa khác nhau: “Đức Thánh Linh”; “thần” (chỉ về bản thể vô hình của Thiên Chúa hay của ma quỷ); “tâm linh” hay “tâm thần” (chỉ về nguyên tố vô hình trong con người, cùng với linh hồn và thân thể) v.v… Để chọn nghĩa chính xác để dịch “pneuma” sang Việt Ngữ, người dịch Kinh Thánh phải nghiên cứu văn mạch, ngữ cảnh để quyết định. Tuy nhiên, đối với Khải Huyền 4:2 thì không đơn giản như những nơi khác.

Câu hỏi đặt ra là: Trong Thánh Linh (in the Spirit) hay trong tâm linh (in the spirit) Giăng được đem lên tầng trời thứ ba? Chúng ta khảo sát hai cách dịch như sau qua bản dịch tiếng Anh:

a) “I was in the Spirit” (bản NIV, ESV …): Hầu hết các bản Việt Ngữ chọn “Đức Thánh Linh” để dịch “pneuma”: “Tôi được Thánh Linh cảm hóa” (Bản Truyền Thống 1926; Truyền Thống Hiệu Đính; Bản Dịch Mới 2008) hay tôi được ở trong Ðức Thánh Linh” (Bản 2011).

Cách dịch trên dễ được nhiều người chấp nhận, vì cho thấy đó là công việc của Đức Thánh Linh làm trên Giăng. Nhưng cách dịch trên có phần gượng ép, vì động từ “was” không có nghĩa là “cảm hóa”.

Có ý kiến khẳng định phải dịch là “trong Đức Thánh Linh”, vì có mạo từ “the” đi trước “Spirit”. Thật ra, trong nguyên ngữ Hy-lạp không có mạo từ “the” đi trước “spirit”. Những người chuyển ngữ thêm “the” trước “spirit” và “S” được viết hoa vì người dịch cho rằng đó là Đức Thánh Linh.

b) “I was in the spirit” (bản KJV): Nếu chọn “tâm linh” để dịch chữ “pneuma”, có nghĩa là trong tâm linh Giăng được đem lên tầng trời thứ ba. Theo I Tê-sa-lô-ni-ca
5:23, con người gồm 3 phần: thân thể (body), linh hồn (soul) và tâm linh (spirit), điều đáng chú ý là I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 là câu liên quan đến Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh: Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần (spirit), linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!”. Cách dịch nầy giúp giải thích rõ cách thức mà Giăng được đem lên trời: tâm linh là nguyên tố vô hình trong con người mà qua đó con người (đã được tái sanh) nối kết và tương giao với Thiên Chúa, được Chúa cho thấy những khải tượng. Phao-lô cũng đã một lần được đem lên tầng trời thứ ba, ông nói: “Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết)” (II Cô-rinh-tô 12:4). Như vậy, cách dịch “trong tâm linh” có phần chi tiết và rõ nghĩa hơn.

Tóm lại, có một điều chắc chắn là thân xác (body) của Giăng (cũng như Phao-lô) không thể được đem lên trời vì còn ở trên đất, nên Khải Huyền 4:2 cho biết phần tâm linh (spirit) được đem lên trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng đó là công việc của Đức Thánh Linh. Vì Công Vụ Các Sứ Đồ 8:39,40 kể lại chấp sự Phi-líp được Đức Thánh Linh đem đi từ địa điểm ông làm báp-têm cho hoạn quan Ê-thi-ô-bi đến thành A-xốt: “Khi ở dưới nước lên, thì Thánh Linh (Spirit) của Chúa đem Phi-líp đi; hoạn quan chẳng thấy người nữa.”. Trong Cựu Ước, tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng được Đức Thánh Linh đem đi từ nơi nầy đến nơi khác: “Vả lại, Thần (Spirit) cất ta lên và đem đến cửa đông nhà Đức Giê-hô-va, là cửa ở về phía đông.” (Ê-xê-chi-ên 11:1). Tuy nhiên, cũng nên phân biệt rõ: Khác với Giăng, Phi-líp hay Ê-xê-chi-ên được Đức Thánh Linh đem cả thân thể đi từ nơi nầy đến nơi khác nhưng vẫn trên mặt đất, còn Giăng thì được đem lên trời trong tâm linh nhưng thân thể vẫn còn trên đất; và Kinh Thánh không dùng cụm từ “in spirit” cho trường hợp của Phi-líp hay Ê-xê-chi-ên.

 

Tháng 5, 2016

tamtran1561@yahoo.com