Khải Huyền Chương Bốn (Phần 3)

                                                                   Trần Đình Tâm

 

                                                    Sự Thờ Lạy Đấng Ngự Trên Ngôi

 

4:6b-8a:

“chính giữa và chung quanh Ngôi có bốn con sanh vật, đằng trước đằng sau chỗ nào cũng có mắt.

Con sanh vật thứ nhất giống như sư tử, con thứ nhì như bò đực, con thứ ba mặt như mặt người, con thứ tư như chim phụng hoàng đang bay.

Bốn con sanh vật ấy mỗi con có sáu cánh, chung quanh mình và trong mình đều có mắt.”

Chính giữa (center) và chung quanh (around) ngôi có bốn con sinh vật.

Sau khi Giăng mô tả Ngôi, Đấng ngồi trên Ngôi và 24 trưởng lão ngồi chung quanh ngôi (4:2-6a), bây giờ, Giăng nhìn thấy 4 con sinh vật (creature). Chúng ta cần chú ý đến vị trí của bốn con sinh vật và 24 trưởng lão so với Ngôi của Đức Chúa Trời:

+ Ngôi của Đức Chúa Trời chiếm vị trí trung tâm.

+ Chung quanh ngôi và cận kề với Ngôi hơn hết là sự hiện diện của 4 sinh vật. Mỗi sinh vật trấn giữ mỗi phía của Ngôi. Bốn sinh vật chiếm giữ bốn phía Đông, Tây, Nam Bắc của Ngôi.

+ Vòng ngoài cùng có sự hiện diện của 24 trưởng lão, tạo thành vòng tròn bao chung quanh 4 con sinh vật và trung tâm là Ngôi.

Bốn con sinh vật là gì?

Khải Huyền 4:6 là câu đầu tiên trong Tân Ước nói về 4 con sinh vật. Bốn con sinh vật là gì?

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời tạo dựng nên ba thần (being spirit) khác nhau để tôn thờ và phục vụ Ngài: 

1/ Các thiên sứ (angel)

2/ Chê-ru-bim (Cherubim)

3/ Sê-ra-phim (Seraphim)

Chúng ta thấy thiên sứ xuất hiện rất nhiều lần xuyên suốt cả Kinh Thánh. Sách Khải Huyền là sách thiên sứ xuất hiện nhiều nhất.

Chê-ru-bimSê-ra-phim không phải là thiên sứ, nhưng người ta thường gọi là “thiên sứ Chê-ru-bim” hay “thiên sứ Sê-ra-phim” để cho dễ hình dung mặc dù gọi như vậy thì không đúng.

a) Chê-ru-bim được mô tả trong Ê-xê-chi-ên 1:5-14; 10:14,21, bao gồm những đặc điểm sau:

+ Có 4 Chê-ru-bim.

+ Mỗi Chê-ru-bim có 4 mặt: Mặt người; mặt sư-tử; mặt bò và mặt chim phượng
hoàng (hay chim ưng)

+ Mỗi Chê-ru-bim có 4 cánh.

b) Sê-ra-phim được mô tả ở Ê-sai 6:2,3:

+ Mỗi Sê-ra-phim có 6 cánh: Hai cánh che mặt; hai cánh che chân; hai cánh để bay.

+ Không nói có bao nhiêu Sê-ra-phim.

+ Không nói Sê-ra-phim có bao nhiêu mặt và cũng không mô tả hình dạng mặt.

+ Các Sê-ra-phim nói: Thánh thay, thánh thay, thánh thay (3 lần)

c) Các con sinh vật mà Giăng thấy ở Khải Huyền 4:6-8 được mô tả như sau:

+ Có 4 con sinh vật.

+ Mỗi con sinh vật có 6 cánh.

+ Mỗi con sinh chỉ có một mặt: Con thứ nhất giống sư-tử; con thứ hai giống bò; con thứ ba giống người; con thứ tư giống chim phượng hoàng.

+ Các con sinh vật nói: Thánh thay, thánh thay, thánh thay (4:8)

Chúng ta hãy so sánh Chê-ru-bim và Sê-ra-phim nêu trên với các con sinh vật ở Khải Huyền 4:6-8, để xác định các con sinh vật mà Giăng thấy là Chê-ru-bim hay Sê-ra-phim? Sau khi đối chiếu cẩn thận, chúng ta phải thành thật mà công nhận rằng rất khó xác định được. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về kết luận các con sinh vật trong Khải Huyền là Sê-ra-phim hơn là Chê-ru-bim, vì:

+ Giăng thấy bốn con sinh vật ngay trước Ngôi của Đức Chúa Trời, Ê-sai cũng thấy Sê-ra-phim ngay trước Ngôi        của Đức Chúa Trời (Ê-sai 6:1). Các Sê-ra-phim luôn hiện chung quanh Ngôi, chi tiết nầy giúp phân biệt với
  Chê-ru-bim và các thiên sứ khác. Các thiên sứ và Chê-ru-bim được Chúa sai đi khắp nơi (Sáng Thế Ký 3:24;
   Đa-ni-ên 9:21 v.v…)

+ Bốn con sinh vật đều có 6 cánh giống như Sê-ra-phim cũng có 6 cánh (Ê-sai 6:2).

+ Bốn con sinh vật cũng như các Sê-ra-phim mà Ê-sai thấy đều nói giống nhau 3 lần: “Thánh thay, thánh thay,
  thánh thay” (Ê-sai 6:3).

+ Mỗi Chê-ru-bim có 4 mặt (Ê-xê-chi-ên 1:6), các con sinh vật trong Khải Huyền chỉ có 1 mặt, nên không thể là
  Chê-ru-bim.

Con sanh vật thứ nhất giống như sư tử, con thứ nhì như bò đực, con thứ ba mặt như mặt người, con thứ tư như chim phụng hoàng đang bay.

Bốn Sê-ra-phim có bốn hình dạng khác nhau: Sư tử, bò, người và chim phượng hoàng. Chắc chắn các hình dạng nầy phải hàm chứa ý nghĩa nào đó, vì là bốn tạo vật thượng đẳng của Đức Chúa Trời. Đây là một trong số các yếu tố rất khó giải thích trong sách Khải Huyền. Có nhiều ý kiến được nêu ra, nhưng hầu như không có cách giải nghĩa nào đủ sức thuyết phục. Xin kể ra vài cách giải thích:

a) Nhiều nhà giải kinh nêu lên bốn hình dạng của bốn Sê-sa-phim bày tỏ bốn phương diện của bốn sách Phúc Âm Tin Lành nói về Chúa Jesus: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng:

+ Sư tử (lion): Là vua của tất cả cầm thú. Sách Ma-thi-ơ trình bày Chúa Jesus là Vua.

+ (ox): Là loài gia súc phục vụ cho con người. Sách Mác trình bày Chúa Jesus là Đầy Tớ.

+ Người (man): Là loài tạo vật cao nhất. Sách Lu-ca trình bày Chúa Jesus là Con Người.

+ Chim phượng hoàng đang bay (flying eagle): Là “vua” của tất cả loài chim bay trên bầu trời. Sách Giăng trình
  bày Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời.

b) Bốn Sê-ra-phim với bốn hình dạng mặt khác đại diện cho toàn bộ các sinh vật sống động trên trái đất mà Đức
   Chúa Trời dựng nên:

+ Sư tử: Đại diện cho tất cả loài cầm thú.

+ Bò: Đại diện cho tất cả loài gia súc.

+ Người: Đại diện cho con người.

+ Chim phượng hoàng: Đại diện cho tất cả loài chim bay trên trời.

c) Một số nhà giải kinh cho rằng Bốn Sê-ra-phim đại diện cho dân Do Thái. Ý kiến nầy căn cứ vào quang cảnh bốn Sê-ra-phim hiện diện chung quanh Ngôi tương đồng với quang cảnh 12 chi phái Y-sơ-ra-ên đóng trại chung quanh đền tạm trong khi họ ở đồng vắng (Dân Số Ký chương 2). Có 4 chi phái đại diện cùng với ngọn cờ của mình đóng trại chung quanh đền tạm:

+ Trại của chi phái Giu-đa (Sư tử): Đóng tại hướng đông (Dân Số Ký 2:3).

+ Trại của chi phái Ru-bên (Người): Đóng tại hướng nam (Dân Số Ký 2:10).

+ Trại của chi phái Ép-ra-im (Bò): Đóng tại hướng tây (Dân Số Ký 2:18).

+ Trại của chi phái Đan (Chim phượng hoàng): Đóng tại hướng bắc (Dân Số Ký 2:25).

Có một câu Kinh Thánh dường như ủng hộ cho cách giải nghĩa trên: Còn Chúa là thánh, Ngài là Đấng ngự giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 22:3). Đền tạm chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng 12 chi phái Y-sơ-ra-ên.

d) Cách giải thích sau đây căn cứ vào ý tưởng Sê-ra-phim là các thần được Chúa tạo dựng để phục vụ và tôn thờ        Ngài:

+ Sư tử: Là loài thú mạnh mẽ, nên chỉ về tinh thần mạnh mẽ trong sự phục vụ. Kẻ ác chạy trốn dầu không ai
  đuổi theo; Nhưng người công bình mãnh dõng như một sư tử.”
(Châm Ngôn 28:1); “Sư tử, mạnh hơn hết trong     các loài vật. Chẳng lui lại trước mặt loài nào cả.” (Châm Ngôn 30:30)

+ : Là loài gia súc phục vụ, nên chỉ về tinh thần bền bĩtrung thành trong sự phục vụ. Đâu không có bò, đó
  máng cỏ trống không; Nhưng nhiều hoa lợi do nơi sức bò đực mà ra.”
(Châm ngôn 14:4)

+ Người: Là loài được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên chỉ về sự khôn ngoan, thông sáng trong sự
  phục vụ. Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng. Chúa ban
  cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, Khiến muôn vật phục dưới chân người.”
(Thi Thiên 8:5)

+ Chim phượng hoàng: Là loài chim rất nhanh nhẹn. Chỉ ra sự nhanh nhẹn trong sự phục vụ. “Nầy, nó sẽ lên như
   một đám mây, xe cộ nó dường cơn gió lốc, ngựa nó lẹ như chim ưng. Khốn cho chúng ta, vì bị hủy diệt!”
(Giê-
   rê-mi 4:13); “Kẻ đuổi theo chúng ta thật lẹ hơn con chim ưng trên trời.” (Ca Thương :19)

Bốn con sanh vật ấy mỗi con có sáu cánh.

Mỗi Sê-ra-phim có 6 cánh. Ê-sai cho biết công dụng của các cánh như sau: “Mỗi Sê-ra-phin có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay.” (Ê-sai 6:2). Sê-ra-phim được tạo dựng đặc biệt hơn Chê-ru-bim hay thiên sứ, là mãi mãi kề bên Ngôi và Đấng ngồi trên Ngôi, nên không có gì lạ khi Sê-ra-phim có 6 cánh. Chúng ta hãy đối chiếu sự kiện hai nhân vật Cựu Ước là Ê-sai và Môi-se trong sự đối mặt với Đức Chúa Trời: Môi-se đối mặt với Chúa trong đồng vắng tại bụi gai cháy, Ê-sai đối mặt với Chúa tại đền thờ, qua đó chúng ta học được ý nghĩa của các cánh của Sê-ra-phim.

+ Hai cánh để che mặt: Sê-ra-phim dùng hai cánh để che mặt vì luôn phải đối diện với sự VINH HIỂN của Đấng ngồi trên ngôi. Sự vinh quang của Đấng tạo hóa hẳn phải khiến cho tất cả loài thọ tạo phải che mặt lại.

Khi Môi-se đối diện với Đức Giê-hô-va tại bụi gai cháy, ông lấy tay che mặt mình vì sợ nhìn đến Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6). Ê-sai đã thốt lên khi đối diện với Chúa: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! … bởi mắt tôi đã thấy Vua.” (Ê-sai 6:5).

+ Hai cánh để che chân: Sê-ra-phim lấy hai cánh che chân vì sự THÁNH KHIẾT của Đấng ngự trên Ngôi.

Chúa bảo Môi-se phải cởi giầy ra vì chổ ông đang đứng là đất thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5). Tội của Ê-sai phải được thanh tẩy khi đối diện với Đấng Thánh: “Bấy giờ một sê-ra-phin bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn thờ, để trên miệng ta, mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi.” (Ê-sai 6:6,7)

+ Hai cách dùng để bay: Sê-ra-phim được tạo dựng để phục vụ mọi sai phái của Đấng ngự trên Ngôi. Hai cánh của Sê-ra-phim sẵn sàng để bay đi để thi hành mệnh lệnh.

Môi-se được Chúa sai phái: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10). Ê-sai cũng được Chúa sai đi: “Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi.” (Ê-sai 6:8).

Chung quanh mình và trong mình đều có mắt.

“Mắt” (eye) có rất nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo văn mạch và văn cảnh của Kinh Thánh. Ở đây các Sê-ra-phim có nhiều mắt chung quanh bày tỏ khả năng nhìn thấy một cách thông suốt và quán triệt, nhờ đó hiểu biết được sự việc thấu đáo. Có thể đây là một khả năng đặc biệt mà Chúa ban cho Sê-ra-phim để phục vụ Ngài. Chúng ta hãy suy gẫm câu nói của Gióp để hiểu được phần nào ý nghĩa của “mắt”: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:5,6), và lời phán của Chúa Jesus: “Con mắt là đèn của thân thể.” (Ma-thi-ơ 6:22)

4:8b,9:

“… ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Còn Đến! Khi các sanh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quí, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời.”

Ngay sát bên và chung quanh Ngôi là sự hiện diện của bốn Sê-ra-phim, vòng bên ngoài là sự hiện diện của 24 trưởng lão. Chúng ta chú ý đến những gì đang xãy ra chung quanh Ngôi: Các Sê-ra-phim đang làm gì và 24 trưởng lão làm gì?

Thánh thay, thánh thay, thánh thay.

“Thánh thay, thánh thay, thánh thay” là lời chúc tụng của các Sê-ra-phim dâng lên cho Đấng ngự trên Ngôi. Bốn Sê-ra-phim được tạo dựng để được đứng ở một vị trí đặc biệt hơn so với các Chê-ru-bim và các thiên sứ khác: Ấy là vị trí của Sê-ra-phim gần với Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng (Almighty) hơn, tức là gần với Đấng Thánh Khiết (Holy One). Đó là lý do tại sao các Sê-ra-phim ngày đêm không dứt nói: “Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay!”

Tại sao phải lập lại đến 3 lần “Thánh thay”? Chắc hẳn 3 lần cho thấy Chúa là Đấng Thánh TUYỆT ĐỐI, nói một lần hai hai lần cũng chưa thấy đủ! Nói 3 lần trong một đợt cũng chưa đủ mà phải nói suốt ngày đêm! Một vài nhà thần học cho rằng 3 lần “Thánh thay” hàm ý đến Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Sách Lê-vi-Ký là sách có rất nhiều chữ “Thánh”. Đặc biệt cũng có 3 câu cho biết Đức Chúa Trời là Đấng Thánh, và Ngài muốn dân sự của Ngài cũng phải nên thánh, đó là các câu:

Lê-vi Ký 11:44: “Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh.”

Lê-vi Ký 19:2: “Hãy truyền cho cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh.”

Lê-vi Ký 20:26: “Đối cùng ta các ngươi hãy nên thánh, vì ta, Đức Giê-hô-va, là thánh.”

Đấng Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Còn Đến! (who is and who was and who is to come)

Mệnh đề trên đã được Giăng nhắc đến hai lần ở chương 1:4 và 1:8: “Đấng Hiện Có, Đã Có Và Còn Đến.” Tuy thứ thự có khác một ít nhưng ý nghĩa chỉ có một. Bản dịch Truyền Thống 1926 nêu trên không chính xác khiến người đọc hiểu không đúng ý nghĩa thật sự, chúng ta nên đọc lại cho đúng như sau: Đấng Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Sẽ Đến! hoặc Đấng Đã Có, Hiện Có và Đang Đến! (Bản Truyền Thống Hiệu Đính).

Những lời lẽ của Sê-ra-phim thốt lên như là một bản tuyên ngôn quan trọng về Đức Chúa Trời: Ngài hiện hữu từ trước vô cùng, Ngài đang hiện hữu và đang kiểm soát đường lối và mưu định của nhân loại trên trần thế, và Ngài sẽ trở lại trần gian để đoán phạt thế giới chống nghịch Ngài và ban thưởng cho những người trung tín: Đối với những người trung thành với Chúa, đầy là niềm hy vọng hạnh phước (Tít 2:13); đối với những người khước từ ơn cứu rỗi qua Chúa Jesus, đây là lời cảnh bảo để họ ăn năn kịp thời, vì hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi (II Cô-rinh-tô 6:2).

Ngoài ra, nội dung lời tuyên bố của các Sê-ra-phim rất trịnh trọng và song hành với lời của Chúa Jesus nói với Giăng ở Khải Huyền 1:19: “Vậy hãy chép những việc ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến.” Chúng ta ghi nhận sự song hành như sau:

                Khải Huyền 1:19                                               Khải Huyền 4:8b

              Những việc ngươi đã thấy  -------------------------   Đấng trước đã có

              Những việc nay hiện có  ---------------------------    Đấng nay hiện có

              Những việc sau sẽ đến  ----------------------------    Đấng sau sẽ đến

4:10,11:

“hai mươi bốn trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời; rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.”

Trong lúc các Sê-ra-phim dâng sự vinh hiển, tôn quý và cảm tạ cho Đấng ngự trên Ngôi, thì 24 trưởng lão cũng bày tỏ thái độ của mình trước Ngôi:

a) Các trưởng lão sấp mình thờ lạy: Hãy chú ý đến thái độ của các trưởng lão khi thờ phượng: Họ sấp mình xuống: Hành vi nầy bày tỏ sự hạ mình hoàn toàn trước sự cao cả tột bật của Đấng Hằng Sống. Khi Chúa Jesus giáng sanh, các nhà thông thái tìm gặp Ngài và sấp mình xuống mà thờ lạy Chúa (Ma-thi-ơ 2:11); một người phung được Chúa chữa lành đến sấp mình xuống đất mà tạ ơn Chúa (Lu-ca 16).

b) Các trưởng lão quăng mão triều thiên trước Ngôi: Mão triều thiên (stephanous) trên đầu các trưởng lão là loại mão triều thiên dành cho người trung tín và chiến thắng (Khải Huyền 2:10). Bây giờ họ đang giữ địa vị cao quý là được vinh dự đứng trước Ngôi với mão miện quý giá đội trên đầu, tuy nhiên họ nhận ra rằng sự vinh hiển mình nhận được: “Nhờ sự giải cứu của Chúa, người được vinh hiển lớn thay; Chúa mặt cho người sự sang trọng oai nghi.” (Thi Thiên 21:5) thì không xứng đáng so với tình yêu cao cả mà Chúa dành cho họ, nên họ quăng mão miện của mình trước Ngôi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nhân vì sự nhân từ và sự chân thật Ngài, Sự vinh hiển chớ về chúng tôi, chớ về chúng tôi, bèn là đáng về danh Ngài.” (Thi Thiên 115:1). Vua Đa-vít đã phải thốt lên Sự vinh hiển Ngài trổi cao hơn trái đất và các từng trời.” (Thi Thiên 148:13)

c) Các trưởng lão chúc tụng Chúa:

+ Họ xưng danh Chúa: Họ xưng Đấng ngự trên Ngôi là Đức Chúa Trời (God); là Chúa (Lord).

+ Họ quy cho Chúa ba điều: Vinh hiển (glory); tôn quý (honor) và quyền lực (power).

+ Họ nêu lý do: Vì Chúa là Đấng Sáng Tạo. Bởi ý muốn Chúa mà mọi vật được tạo dựng và hiện hữu. 

Tóm lại, Khải Huyền chương 4:8-11 là lần thứ nhất trình bày quang cảnh Đấng ngự trên Ngôi nhận sự thờ lại của các Sê-ra-phim và 24 trưởng lão. Chương 5 cũng mô tả sự thờ phượng chung quanh Ngôi, nhưng cảnh tượng thờ phượng ở chương 5 có những điểm khác so với chương 4.

 

Tháng 8, 2016

tamtran1561@yahoo.com