Khải Huyền Chương 5 (Phần 1)

                                                                    Trần Đình Tâm

 

                                                              Cuộn sách có bảy ấn

Sự kiện trong Khải Huyền chương 5 nối tiếp với sự kiện của chương 4, tiếp tục trình bày cảnh tượng xãy ra tại ngôi Đức Chúa Trời. Trong chương 4, sứ đồ Giăng nhìn thấy quang cảnh trên trời gồm Ngôi và Đấng ngồi trên Ngôi, chung quanh Ngôi có sự hiện diện của 4 con sanh vật cùng 24 trưởng lão. Đấng ngồi trên Ngôi nhận sự thờ lạy của các con sanh vật (Sê-ra-phim) và các trưởng lão. Trong chương 5, Giăng hướng tâm trí chúng ta đến hai hình ảnh quan trọng xuất hiện tại Ngôi, được xem như hai chủ đề mở đầu dẫn đến tất cả các sự kiện khác liên quan đến thời kỳ sau cùng. Hai hình ảnh khiến chúng ta phải chú tâm và suy gẫm là:

1. Cuộn sách (scroll).

2. Chiên Con (Lamb).

5:1

    “Rồi tôi thấy trong tay hữu Đấng ngồi trên ngôi một quyển sách viết cả trong lẫn ngoài, có đóng bảy
      cái ấn.”

Quyển sách: 

Quyển sách mà Giăng nhìn thấy, không giống sách chúng ta có ngày nay, đó là một cuộn được làm bằng da thú (Parchment) hay được làm từ một loại cây chỉ thảo (Papyrus). Người ta viết đến đâu, cuộn nó lại đến đó, nên gọi là cuộn sách (scroll), khi cần đọc thì mở nó ra. Đây là phương tiện người thời xưa dùng để ghi chép các văn kiện: “Hãy lấy một cuốn sách (scroll), chép vào đó mọi lời ta đã phán cùng ngươi nghịch cùng Y-sơ-ra-ên, Giu-đa, và các dân ngoại, từ ngày ta khởi phán cùng ngươi, từ đời Giô-si-a, cho đến ngày nay.” (Giê-rê-mi 36:2).

 

         

    Cuộn sách có 1 ấn                            Hình minh họa: Cuộn sách có 7 ấn

Cuộn sách mà Giăng nhìn thấy rất đặc biệt, chúng ta thấy có 3 đặc điểm sau: 1/ Có bảy ấn; 2/ Viết cả trong lẫn ngoài; 3/ Được cầm trong tay hữu của Đấng ngồi trên ngôi. Chúng ta khảo sát từng đặc điểm một:

1. Có bảy ấn:

Khi hoàn tất một văn bản quan trọng nào đó, người ta dùng một miếng sáp để dán, tức là niêm phong cuộn sách, còn gọi là ấn (seal), nhằm mục đích giữ kín nội dung bên trong, bảo đảm không ai được mở ra đọc. Khi cần viết tiếp một nội dung khác trên cùng một cuộn sách, người ta tiếp tục viết và niêm phong cái ấn thứ 2 sau khi hoàn tất. Một cuộn sách có thể có nhiều ấn, khi muốn đọc tất cả các nội dung, người ta lần lượt mở từng ấn để đọc. Như vậy, một cuộn sách có niêm phong, hay có ấn là cuộn sách chứa đựng nội dung quan trọng và bảo mật. Ấn chỉ có thể được mở ra bởi một người có thẩm quyền mà thôi.

Ngoài ra, ấn trên cuộn sách còn cho thấy nội dung bên trong là chắc chắn, được bảo đảm thi hành, không thể thay đổi được. Chúng ta hiểu được điều nầy qua vài câu chuện trong Cựu Ước:

Ê-xơ-tê 8:8: “Vậy, hai ngươi cũng hãy nhân danh vua mà viết về dân Giu-đa điều gì vừa ý hai ngươi, rồi lấy chiếc nhẫn của vua mà ấn dấu. Vì một tờ chiếu chỉ nào viết nhân danh vua và ấn dấu với chiếc nhẫn của vua không thể bãi được.”

Đa-ni-ên 6:17: “Người ta bèn đem đến một hòn đá chận nơi cửa hang, và vua đóng ấn (seal) mình cùng ấn các đại thần nữa, hầu cho không có điều gì thay đổi được về Đa-ni-ên.”

Nội dung cuộn sách bảy ấn:

Vì là cuộn sách có đến bảy ấn, nên tất nhiên câu hỏi quan trọng cần được giải đáp: Cuộn sách bảy ấn chứa đựng những gì?

Sau đây là vài ý kiến của các nhà giải nghĩa Khải Huyền:

+ Cuộn sách bảy ấn chứa đựng sự mầu nhiệm không ai biết được chắc chắn cho đến khi được thi hành.

+ Có vị cho rằng cuộn sách chứa đựng “bằng khoán của thế giới”.

+ Một số khác căn cứ vào Giê-rê-mi 31:31-33, Rô-ma 11:25,26, cũng như ở nhiều chổ khác trong các sách tiên tri, cho rằng cuộn sách chứa đựng Giao Ước Mới của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên.

+ Có vị cho rằng cuộn sách chứa đựng mục đích của Đức Chúa Trời cho thế giới.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu cẩn thận sách Khải Huyền, sẽ thấy lời giải đáp thật đơn giản: Như tên sách “Khải Huyền” đã chỉ ra (Khải Huyền có nghĩa là “tiết lộ”, hay bày tỏ ra cho thấy điều trước đó đã được che khuất hay giữ kín). Chúng ta sẽ thấy trong chương 6, cuộn sách bảy ấn bắt đầu được mở ra từng ấn một cho đến ấn thứ sáu. Mỗi lần mở ấn nào thì nội dung của ấn đó được tiết lộ. Ấn thứ bảy là ấn cuối cùng được mở ra ở chương 8.

Tuy nhiên, ấn thứ bảy lại bao gồm bảy tiếng kèn; Khải Huyền 10:7 cho biết trước về tiếng loa (hay tiếng kèn) thứ bảy (tiếng kèn cuối cùng) như sau: “Nhưng đến ngày mà vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và thổi loa (tiếng loa thứ bảy), thì sự mầu nhiệm Đức Chúa Trời sẽ nên trọn.” Đến Khải Huyền 11:15 thì thiếng kèn thứ bảy mới thật sự được thổi lên: “Vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta. Ngài sẽ trị vì đời đời.” Khải Huyền đã tiết lộ cho chúng ta biết rõ như sau: Sau khi những tai họa cuối cùng giáng xuống thế giới bởi tiếng kèn thứ bảy, thì cơn đại nạn chấm dứt, mở đầu cho thời trị vì của Chúa Jesus.

Như vậy, nội dung của cuộn sách bảy ấn chứa đựng những diễn biến xãy ra trên thế giới loài người và sự đoán phat của Đức Chúa Trời trên thế gian trong thời hạn bảy năm, khởi đầu từ lúc mở ấn thứ nhất kéo dài cho đến sau tiếng kèn thứ bảy, là lúc khởi đầu của Vương Quốc Đấng Christ. Sau một loạt bảy tiếng kèn được thổi, Khải huyền chương 16 trình bày bảy cái chén. Khi nghiên cứu các chương nầy một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy nội dung của bảy tiếng kèn đi song song với các tai nạn của bảy cái chén, tức là xãy ra cùng lúc.

Ngoài ra, chúng ta nhận thấy “cuộn sách 7 ấn” tương quan với “7 năm đại nạn” trong lời tiên tri về 70 tuần lễ của Đa-ni-ên (vì có cùng con số BẢY), có nghĩa là nội dung của cuộn sách bảy ấn trình bày các biến cố trải dài nhưng giới hạn trong phạm vi bảy năm. Điều nầy được chứng minh qua Khải Huyền chương 6 đến 18: Các biến cố thật sẽ xãy ra đúng bảy năm!

Tóm lại, nội dung của cuộn sách bảy ấn bao gồm những biến cố xãy ra trên thế giới được tiết lộ từ chương 6 đến chương 18 của sách Khải Huyền. Phần còn lại của sách Khải Huyền, gồm sự tái lâm của Chúa Jesus, Giao Ước với dân Y-sơ-ra-ên được thực hiện qua Vương Quốc Ngàn Năm; sự phán xét cuối cùng tại Tòa Án Trắng; sự hình thành trời mới đất mới v.v… là những nội dung không bao gồm trong cuộn sách bảy ấn.

2. Viết cả trong lẫn ngoài:

Thông thường, các cuộn sách chỉ viết có một mặt mà thôi, là mặt bên trong. Cuộn sách Giăng thấy rất đặc biệt, vì được viết cả 2 mặt, bên trong và bên ngoài. Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy một cuộn sách giống như vậy: “Ta bèn xem, nầy, có một cái tay giơ đến ta, cầm một bản sách cuốn. Bản ấy giở ra trước mặt ta, có chữ đã chép, cả trong và ngoài; ấy là những lời ca thương, than thở, khốn nạn đã chép vào đó.” (Ê-xê-chi-ên 2:9,10). Chúng tôi tin rằng cuộn sách bảy ấn trong Khải Huyền cũng là một với cuộn sách mà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã thấy, vì:

+ Cùng được chép cả mặt trong và mặt ngoài.

+ Cùng chứa đựng những lời ca thương, than thở, khốn nạn.

Ngoài ra, chúng ta tìm thấy cuộn sách được viết cả hai mặt trong câu sau:

Xa-cha-ri 5:1-3: “Đoạn, ta lại ngước mắt nhìn xem, nầy có một cuốn sách bay. Người nói cùng ta rằng: Ngươi thấy gì? Ta trả lời rằng: Tôi thấy một cuốn sách bay, bề dài nó hai mươi cu-đê, bề ngang mười cu-đê. Người bảo ta rằng: Ấy là sự rủa sả tràn ra trên khắp mặt đất: hễ ai trộm cướp sẽ bị dứt đi theo chữ trên mặt nầy của cuốn sách nầy; hễ ai thề sẽ bị dứt đi theo chữ trên mặt kia của cuốn sách nầy.”

Đặc biệt, 2 bảng đá chép 10 Điều Răn cũng được chính ngón tay của Đức Chúa Trời ghi chép cả 2 mặt:

Xuất Ê-díp-tô Ký 32:15: “Đoạn, Môi-se ở trên núi trở xuống, tay cầm hai bảng chứng; hai bảng chứng có viết hai bên, mặt nầy và mặt kia.”

Khi đọc các câu trên, chúng ta cần chú ý đến sự kiện văn bản được viết ra một cách khác hơn bình thường: Khi Kinh Thánh nói “được chép cả hai mặt, bên trong và bên ngoài hay mặt bên nầy và mặt bên kia”, điều nầy chắc chắn hàm chứa ý nghĩa nào đó?  Viết cả 2 mặt hàm ý nội dung được viết ra là hoàn toàn đầy đủ, KHÔNG CÓ CHỔ TRỐNG để thêm vào bất cứ điều gì! Con người thường có khuynh hướng bỏ bớt Lời Chúa hay thêm ý mình vào Lời Chúa! Do đó nên Khải Huyền 22:18 đã cảnh báo: “Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy.”

Không riêng gì đối với sách Khải Huyền mà đối với các sách khác trong Kinh Thánh cũng vậy, toàn bộ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, là Lời đã được thét luyện đến 7 lần: “Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch, dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần.” (Thi Thiên 12:6), nên Lời Kinh Thánh đủ để hướng dẫn chúng ta trong mọi lãnh vực thuộc đời sống tâm linh. Điều đáng buồn là Hội Thánh ngày nay đặt ra nhiều điều lệ, nội quy theo ý của con người, nhưng lại không phù hợp với những nguyên tắc thuộc linh trong Tân Ước. Phao-lô đã cảnh cáo chúng ta: “Chớ vượt qua Lời đã chép” (I Cô-rinh-tô 4:6).

3. Đấng ngồi trên Ngai cầm quyển sách trong tay hữu:

“Tay hữu của Đức Chúa Trời” cho thấy Đức Chúa Trời nắm trong tay thẩm quyền tối cao trên mọi sự:

Thi Thiên 118:16: Tay hữu Đức Giê-hô-va giơ cao lên. Tay hữu Đức Giê-hô-va làm việc cả thể.”

Thi Thiên 89:13: “Chúa có cánh tay quyền năng. Bàn tay Chúa có sức mạnh, và tay hữu Chúa giơ cao lên.”

Hình ảnh Đấng ngự trên Ngai cầm quyển sách có 7 ấn trong tay hữu nêu lên ý nghĩa quan trọng: Đức Chúa Trời là Đấng soạn thảo nội dung trong cuộn sách bảy ấn. Ngài tể trị tuyệt đối các biến cố trong ngày sau rốt, Ngài có quyền điều động để các biến cố xãy ra vào thời điểm nào và xãy ra như thế nào.

5:2:

    “Tôi cũng thấy một vị thiên sứ mạnh mẽ cất tiếng lớn kêu rằng: Ai đáng mở quyển sách nầy và tháo
      những ấn nầy?”

Vị thiên sứ mạnh sức:

Thiên sứ giữ vai trò rất nổi bật trong sách Khải Huyền, thiên sứ xuất hiện trong sách Khải Huyền nhiều hơn bất cứ sách nào khác trong Kinh Thánh. Thiên sứ có thứ bậc khác nhau và nhiệm vụ khác nhau (Giu-đe 6). Chỉ có hai thiên sứ được kể tên: Gáp-ri-ên (Đa-ni-ên 9:21); Mi-chen (Khải Huyền 12:7). Mi-chen là thiên sứ trưởng (Đa-ni-ên 12:1). Thiên sứ Giăng nhìn thấy là thiên sứ mạnh mẽ hay mạnh sức (mighty angel), điều nầy cho thấy có sự phân biệt với các thiên sứ khác, và giữ thứ bậc quan trọng hơn các thiên sứ không được kể tên. Thiên sứ mạnh mẽ xuất hiện ba lần trong sách Khải Huyền: 5:2; 10:1 và 18:21.

Ai đáng mở cuộn sách và tháo các ấn ra?

Câu hỏi trên được nêu lên không phải bởi một thiên sứ thường nhưng bởi một vị thiên sứ mạnh mẽ và có tiếng nói lớn, cho thấy 2 nhu cầu cấp bách:

a) Cuốn sách đóng ấn cần phải được mở ra, nội dung cần phải được bày tỏ, và cần được thi hành, vì nó chứa đựng chương trình của Chúa cho thế giới loài người. Thế giới hỗn loạn, nhiểu nhương của nhân loại cần phải đi đến chổ kết thúc, sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời cần được thi hành.

b) Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là ai có đủ điều kiện, ai có đủ thẩm quyền để tháo các ấn ra?

5:3,4:

    “Dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất, không ai có thể mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa. Vì
      không có ai đáng mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa, nên tôi khóc dầm dề.”

Dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất:

Trong thế giới sáng tạo của Đức Chúa Trời, vật thọ tạo nằm trong ba phạm vi:

a) Trên trời: Gồm các thiên sứ với các thứ bậc, nhiệm vụ khác nhau đang phục vụ Đức Chúa Trời ở tầng trời thứ ba. Tất nhiên, cũng phải kể đến Sa-tan và các quỷ sứ của nó, chúng đang hoạt động ở tầng trời thứ hai và chung quanh chúng ta (Ê-phê-sô 2:2; 6:12)

b) Trên mặt đất: Gồm tất cả con người sinh sống trên mặt đất trải qua mọi thời đại..

c) Bên dưới đất: Ám chỉ âm phủvực sâu không đáy. Âm phủ là nơi ở tạm thời của linh hồn người gian ác đã qua đời, và vực sâu không đáy là nơi các thiên sứ phạm tội trọng đang bị giam giữ.

Ê-phê-sô 2:10,11 có đề cập đến ba phạm vi trong sự sáng tạo: “Hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”

Không ai có thể mở cuộn sách hay tháo ấn ra:

Vị thiên sứ mạnh mẽ liền trả lời cho Giăng câu hỏi mà chính vị thiên sứ nêu lên: Trong tất cả loài thọ tạo ở trên trời, dưới đất, bên dưới đất thuộc mọi thời đại, không một ai có đủ phẩm chất hay tư cách để mở ấn cuộn sách. Các thiên sứ trên trời, kể cả vị thiên sứ mạnh sức, thiên sứ trưởng Mi-ca-ên, thiên sứ Gáp-ri-ên … cũng không có quyền mở. Còn trên mặt đất thì không một người nào xứng đáng, vì “chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không” (Thi Thiên 14:3).

Giăng khóc dầm dề:

Tại sao Giăng khóc? Chúng ta chỉ có thể suy luận để tìm hiểu nguyên do tại sao Giăng khóc. Vì không ai có thể tháo ấn của cuộn sách, nên Giăng đã khóc dầm dề! như thế, có thể theo cách suy luận của Giăng, nếu không một ai trong cả vủ trụ có thể mở ấn, có nghĩa là cuốn sách sẽ bị đóng lại vĩnh viễn, điều nầy đưa đến một hậu quả rất nghiêm trọng cho toàn thể nhân loại: chương trình của Đức Chúa Trời chứa đựng trong cuốn sách có 7 ấn không thể thực hiện được. Kể từ khi A-đam và Ê-va phạm tội, tội lỗi đã lan truyền vào dòng dõi loài người từ lúc đó cho đến ngày nay, nhân loại ngày càng chìm đắm trong tội và chết mất trong tội lỗi: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” (Rô-ma 5:12). Kinh Thánh cho biết vì “cả thế gian đều phục dưới quyền của ma quỷ”  (I Giăng 519), nên chúng ta thấy tội ác ngày càng gia tăng và dường như ngày càng thắng thế trong xã hội loài người. Thế giới ngày nay ngày càng suy đồi về đạo đức, số người theo Chúa ngày ít hơn số người theo tôn giáo. Thế giới nầy rồi sẽ phải đi đến hồi chung kết, sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời sẽ phải được thi hành. Đức Chúa Trời có chương trình để kết thúc thế giới hiện tại của loài người mà Sa-tan đang nắm quyền điều khiển (dù vẫn ở dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời). Chương trình đó chứa đựng bên trong cuộn sách 7 ấn mà Giăng thấy. Đó là lý do tại sao Giăng khóc dầm dề khi vị thiên sứ mạnh mẽ tuyên bố rằng không một ai có đủ thẩm quyền tháo các ấn và mở cuộn sách ra.

 

Tháng 3, 2016

tamtran1561@yahoo.com