Khải Huyền Chương 6 (Phần 1)

                                                                      Trần Đình Tâm

                                                                  Ấn Thứ Nhất

Chúng ta đã biết, bố cục tổng quát của sách Khải Huyền căn cứ vào Khải Huyền 1:19, gồm 3 phần chính:

1. Chương1: Những sự “đã thấy”:Bao gồm phần mở đầu, là phần giới thiệu sách và khải tượng về Chúa Jesus.

2. Chương 2,3: Những sự “đang có”: Gồm 7 bức thư gửi cho 7 Hội Thánh.

3. Chương 4 đến 22: Bao gồm những việc “sau sẽ đến”. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung của chương 4 đến 22,
   chúng ta có thể chia phần nầy làm 3 phần nhỏ:

  a) Chương 4 và 5: Trình bày khải tượng xãy ra chung quanh Ngôi của Đức Chúa Trời; Cuộn sách có 7 ấn và chỉ
    một mình Chúa Jesus có thẩm quyền để mở cuộn sách.

  b) Chương 6 đến 18: Trình bày nội dung của cuộn sách bảy ấn.

  c) Chương 19 đến 22: Trình bày khải tượng Chúa Jesus tái lâm, sự hình thành Vương Quốc và Trời mới Đất mới.

Như vậy, chương 4 và 5 trình bày cảnh tượng xãy ra trên trời; chương 6 là bước ngoặc quan trọng, từ cảnh tượng xãy ra trên trời chuyển sang cảnh tượng xãy ra trên đất. Có thể nói Khải Huyền chương 6 là một chương rất quan trọng, vì:

+ Sáu ấn đầu tiên của cuộn sách bảy ấn được mở ra, nội dung của cuộn sách được tiết lộ, Lời Chúa giúp chúng ta biết được những gì sẽ xãy ra trong thời kỳ sau cùng của thế giới.

+ Sau khi Hội Thánh được Chúa Jesus tiếp rước lên trời (sự kiện nầy đã được nghiên cứ trong chương 4), còn lại tất cả những người khước từ ơn cứu rỗi trong Chúa Jesus sẽ phải ở lại trên đất để gánh chịu “cơn thạnh nộ” của Đức Chúa Trời. Khải Huyền chương 6 là chương mở màn cho cơn đại nạn diễn ra trên đất kéo dài 7 năm. Tiên tri Ê-sai gọi giai đoạn nầy là “Ngày báo thù của Đức Chúa Trời” (Ê-sai 61:2); Giê-rê-mi gọi là “kỳ tai hại của Gia-cốp” (Giê-rê-mi 30:7); Ê-xê-chi-ên gọi là “Kỳ của các dân tộc” (Ê-xê-chi-ên 30:3); Đa-ni-ên gọi là “Kỳ sau rốt của sự thạnh nộ” (Đa-ni-ên 8:19); Sô-phô-ni gọi là “Ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va” (Sô-phô-ni 2:3); Chúa Jesus gọi là “Kỳ các dân ngoại bang” (Lu-ca 21:24).

 

                                                    Ấn thứ nhất: Con ngựa màu trắng:

6:1:

“Tôi nhìn xem, khi Chiên Con mở ấn thứ nhất trong bảy ấn thì tôi thấy một con trong bốn con sanh vật nói tiếng như sấm rằng: Hãy đến!”

Nói như tiếng sấm (thunder):

Trong thiên nhiên, tiếng sấm là dấu hiệu cho biết sắp có mưa giông lớn. Khi Chiên Con mở ấn thứ nhất, một trong bốn con sanh vật cất tiếng vang rền như tiếng sấm, đây là điềm báo hiệu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên thế giới chống nghịch Ngài sẽ sớm được thi hành: “Kẻ nào chống cãi Đức Giê-hô-va sẽ bị phá tan! Từ trên trời cao, Đức Giê-hô-va sẽ sấm sét cùng chúng nó. Ngài sẽ đoán xét bốn phương của đất.” (I Sa-mu-ên 2:10)

Hãy đến:

Có bốn Sê-ra-phim ở chung quanh Ngôi, cứ mỗi lần một Sê-ra-phim nói “hãy đến” (câu 1, 3, 5 và 7) thì mỗi lần Giăng thấy xuất hiện một con ngựa màu sắc khác nhau cùng với người cỡi ngựa. Mặc dù Sê-ra-phim và Giăng đang ở trên trời, nhưng Giăng được chỉ cho trông thấy khải tượng xãy ra trên đất tương tự như Giăng đang xem một đoạn phim vậy.

6:2:

“Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều thiên, và người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng.”

Ý nghĩa tổng quát của bốn “Con ngựa”:

Các câu 2,3,5 và 7 cho thấy khải tượng về bốn con ngựa với màu sắc khác nhau cùng với đặc điểm của người cỡi ngựa. Nhưng trước hết, chúng ta chỉ chú ý đến hình ảnh “con ngựa” (horse) mà thôi và tìm hiểu ý nghĩa của nó. Tại sao Khải Huyền dùng “con ngựa” mà không phải con thú khác trong nội dung của cuộn sách bảy ấn?

Theo ý nghĩa thông thường, ngựa dùng để tranh chiến: “Ngựa sắm sửa về ngày tranh chiến.” (Châm Ngôn 21:31), vì Giê-rê-mi 12:5 cho thấy ngựa có sức mạnh và nhanh nhẹn: “Nếu ngươi chạy thi với kẻ chạy bộ, mà còn mỏi mệt, thì làm sao thi được với ngựa.”. Tuy nhiên, theo ý nghĩa tiên tri, ngựa chỉ về sự chiến thắng, hay sự chinh phục bởi sức mạnh. Chúng ta học được ý nghĩa ấy trong Giê-rê-mi 8:16: “Về phía thành Đan, nghe tiếng thét của ngựa nó; nghe tiếng ngựa chiến nó hí lên, khắp đất đều run rẩy; vì chúng nó đã đến; nuốt đất và mọi vật trong nó, nuốt thành và dân cư nó.”, và trong Gióp 39:22-24: “Có phải ngươi ban sức lực cho ngựa, … Há có phải ngươi khiến nó nhảy búng như cào cào chăng? Tiếng kêu hí có oai của nó, thật đáng sợ. Nó đào đất trong trũng, vui mừng về sức lực mình; Nó xông tới đón quân cầm binh khí.”

Tùy vào nhân vật cỡi ngựa mà chúng ta biết được sự chinh phục hay chiến thắng đến từ một thế lực xấu xa, gian ác (người cỡi 4 con ngựa của 4 ấn đầu tiên), hay đến từ một cội nguồn tốt lành (Chúa Jesus cỡi ngựa, Khải Huyền 19:11).

Chúng ta sẽ thấy 4 cái ấn được Chiên Con mở ra và xuất hiện bốn con ngựa màu sắc khác nhau cùng với người cỡi ngựa. Điều nầy cho thấy người cỡi ngựa chinh phục trong các lãnh vực khác nhau.

Nhận diện người cỡi con ngựa trắng của ấn thứ nhất.

Tất nhiên, con ngựa và người cỡi ngựa phải mang ý nghĩa hình bóng, điều quan trọng là cần xác định người cỡi con ngựa trắng làm hình bóng về AI?

Có nhiều cách giải nghĩa khác nhau về nhân vật cỡi ngựa trắng, sau đây là 4 cách giải thích thông thường:

1/ Căn cứ vào hình ảnh người cỡi ngựa cầm “cái cung”, là loại vũ trí dùng trong chiến trận và người ấy “đi đến đâu thắng đến đó”, một số nhà giải nghĩa cho rằng người cỡi ngựa trắng làm hình bóng về chiến tranh lan tràn trên thế giới.

Cách giải thích trên không đủ bằng chứng để thuyết phục. Ngoài ra, chúng ta sẽ thấy chiến tranh là nội dung của ấn thứ hai, không thể cả hai ấn cùng có chung một ý nghĩa.

2/ Căn cứ vào màu sắc trắng của con ngựa, và cụm từ “đi đến đâu thắng đến đó” , một số người cho rằng người cỡi ngựa trắng làm hình bóng về sự truyền bá Phúc Âm trên toàn thế giới.

Đúng là trong thời kỳ bảy năm đại nạn, Tin Lành sẽ được truyền bá khắp thế giới như Chúa Jesus đã tuyên bố (Ma-thi-ơ 24:14), nhưng Khải Huyền cho chúng ta sẽ thấy dù Tin Lành có rao truyền, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người nghe Tin Lành đều chấp nhận. Ngoài ra, hình ảnh người cỡi ngựa cầm cái cung, có người ban cho  mão miệng thì không phù hợp với cách giải thích làm hình bóng cho sự rao giảng Tin Lành. Người cỡi ngựa phải ám chỉ về một nhân vật, vì chỉ có một nhân vật mới nhận mão triều thiên từ một nhân vật khác ban cho.

3/ Một số nhà giải nghĩa tin rằng người cỡi ngựa trắng làm hình bóng về Chúa Jesus. Vì màu trắng là màu của sự công nghĩa, của sự thánh khiết. Hơn nữa, trong Khải Huyền chương 19:11 cho thấy Chúa Jesus cỡi ngựa màu trắng trong ngày Chúa tái lâm trên đất. Ngoài ra, Chúa Jesus có đội mão triều thiên (19:12), người cỡi ngựa trong ấn thứ nhất cũng đội mão triều thiên.

4/ Nhiều nhà giải nghĩa Khải Huyền tin rằng người cỡi ngựa trắng làm hình bóng về Antichrist.

Chúng tôi chọn cách giải thích sau cùng (số 4), vì những đặc điểm ở người cỡi ngựa cho thấy không ai khác hơn là Antichrist. Có 4 đặc điểm sau đây:

1. Cỡi ngựa trắng (white):

Màu trắng là màu của sự thánh khiết (Đa-ni-ên 7:9); màu của sự tinh khiết (Ê-sai 1:18; Thi Thiên 51:7); màu của sự công chính (Khải Huyền 7:9). Chính Chúa Jesus cỡi ngựa màu trắng ở Khải Huyền 19:11. Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung chú ý đến người cỡi ngựa, vì điều nầy quan trọng bội phần hơn màu sắc của con ngựa. Người cỡi ngựa màu trắng cho thấy bản chất lừa dối ở mức độ tinh vi và chuyên nghiệp của người cỡi. Phao-lô cho biết “Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng.” (II Cô-rinh-tô 11:14). Chúa Jesus cảnh báo trong ngày sau cùng, kẻ lừa dối có thể làm phép lạ, dấu lạ để lừa dối cả những người được chọn (Ma-thi-ơ 24:24). Chúng ta đừng quên bản chất của Sa-tan là nói dối, Sa-tan được kể là “cha của sự nói dối” (Giăng 8:44).

2. Có cây cung (bow):

Người cỡi ngựa trắng có cầm cái Cung (bow). Cung thường phải đi đôi với tên (arrow) để tạo thành vũ khí. Thời Cựu Ước, cung là loại vũ khí thông dụng để đi săn hoặc chiến đấu với quân thù. Đại đa số nhà giải nghĩa Khải Huyền cho rằng người cỡi ngựa trong ấn thứ nhất chỉ có cung nhưng không có tên, do đó họ kết luận rằng Antichrist chinh phục thế giới không phải bằng chiến tranh, nhưng bằng loại hòa bình giả tạo. Tuy nhiên, quan điểm nầy không được hổ trợ một cách thuyết phục bởi những phần Kinh Thánh có liên quan: Không có câu Kinh Thánh nào chỉ rõ Antichrist cai trị thế giới bởi thứ hòa bình giả tạo, rồi sau đó Antichrist trở mặt, gây chiến tranh trên thế giới! Có vẻ như có 2 phần Kinh Thánh có liên quan đến cách giải thích ấy, nhưng nội dung của 2 phần Kinh Thánh nầy thì không hề có ý nói đến “hòa bình giả tạo”. Xin trưng dẫn 2 câu Kinh Thánh như sau:

a) Đa-ni-ên 9:27: “Người (chỉ Antichrist) sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”

Câu trên là lời tiên tri sẽ xãy đến trong 7 năm đại nạn: Antichrist lập giao ước với dân Do Thái và các nước chống Do Thái để dân Do Thái được tự do xây lại đền thờ. Đến giữa 7 năm, Antichrist phá bỏ giao ước, làm ô uế đền thờ, giết hại dân Do Thái và những người tin Chúa trong cơn đại nạn. Chúng ta thấy rõ, Antichrist chỉ lập giao ước với một số nước mà thôi và có liên quan đặc biết với dân Do Thái, chứ không chủ trương thiết lập hòa bình giả tạo trên toàn thế giới. Hơn nữa, sau khi Hội Thánh chân chính của Chúa được cất lên trời, thế giới sẽ dành cho 7 năm đại nạn, sẽ không có hòa bình chi cả, cho dù là hòa bình giả tạo!

b) I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2,3: “vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến …”

Nếu đặt câu trên trong văn mạch kể từ chương 4 đến hết chương 5, sẽ nhận thấy “hòa bình và an ổn” nếu có thì xãy ra trước khi Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh, chứ không phải “hòa bình an ổn” trong thời đại nạn do Antichrist thiết lập.

Chúng tôi cho rằng người cỡi ngựa có cái cung không có nghĩa là chỉ có cung mà thôi (không có mũi tên), lý do rất đơn giản: cungtên luôn đi với nhau, do đó, Kinh Thánh chỉ cần nêu lên cái cung là đủ. Ví dụ: súng (gun) là vũ khí để chiến đấu, khi ta nói câu “người lính cầm súng chiến đấu”, thì chúng ta hiểu rằng súng ấy có đạn, không cần phải nói “người lính cầm súng và đạn chiến đấu”. Những câu Kinh Thánh sau đây chứng minh điều đó:

“Trong ngày đó, ta sẽ bẻ cung của Y-sơ-ra-ên trong trũng Gít-rê-ên.” (Ô-sê 1:5);

“Ta sẽ bẻ gãy và làm cho biến mất khỏi đất nầy những cung, những gươm, và giặc giã; và sẽ khiến dân sự được nằm yên ổn.” (Ô-sê 2:18);

“Vì tôi chẳng nhờ cậy cung tôi, thanh gươm tôi cũng sẽ chẳng cứu tôi đâu.” (Thi Thiên 44:6);

“Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu cùng trái đất, bẻ gảy các cung, chặt các giáo ra từng miếng, và đốt xe nơi lửa.” (Thi Thiên 46:9);

“Chúng nó thảy đều cầm cung và giáo, thật là dữ tợn, chẳng có lòng thương xót. Tiếng chúng nó rống lên như biển, họ đều cỡi ngựa; ai nấy sắp hàng như người lính chiến mà nghịch cùng ngươi” (Giê-rê-mi 6:23)

“Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu cùng trái đất, Bẻ gảy các cung, chặt các giáo ra từng miếng, Và đốt xe nơi lửa.” (Thi Thiên 46:9)

Tất cả những câu Kinh Thánh vừa nêu bên trên, dù chỉ nói đến “cung” mà thôi, nhưng chúng ta đều công nhận bao gồm cả “tên” nữa. Nếu thật sự có cung mà không có tên (vì mục đích tạo nên hòa bình giả tạo) thì Kinh Thánh sẽ nhấn mạnh đến ý tưởng “chỉ có cái cung mà thôi”.

cung là loại khí cụ dùng trong chiến đấu, nhưng nếu đọc và suy gẫm cẩn thận các câu trích dẫn về “cung” nêu trên, chúng ta sẽ thấy “cung” không biểu tượng cho “chiến tranh” trong ấn thứ nhất như cách giải thích của nhiều người. Cách tốt nhất để hiểu ý nghĩa của cung (và tên), là căn cứ vào ý nghĩa của các câu Kinh Thánh nói về “cung” như sau:

Gióp 29:20: “Vinh hiển ta mới mẻ với ta luôn, cung ta được cứng mạnh lại trong tay ta.”

Sáng thế ký 49:24: “Nhờ tay Đấng toàn năng của Gia-cốp, nên cung người vẫn bền-chắc.”

Gióp 30:11: “Bởi vì Đức Chúa Trời đã làm dùn dây cung tôi, và sỉ nhục tôi.”

Giê-rê-mi 49:35: “Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Nầy, ta sẽ bẻ cung của Ê-lam, là sức mạnh thứ nhất của nó.

Giê-rê-mi 51:56: Thật, kẻ tàn hại đã áo đến trên Ba-by-lôn. Những kẻ mạnh mẽ của nó bị bắt, cung chúng nó bị gãy

Tóm lại, cung ám chỉ sức mạnh, uy lực của người cầm nó.

Như vậy, uy lực, sự mạnh mẽ được thể hiện rõ trong nhân cách của Antichrist, đặc tính nầy khiến Antichrist có sức thu hút quần chúng, được nhiều người ngưỡng mộ. Chính cá tính mạnh mẽ của Antichrist đem đến sự thành công trong vai trò lãnh đạo.

3. Đội mão miện (crown):

Người đội mão triều thiên (hay mão miện) là người được tôn trọng, được tôn cao, được vinh dự do nhiều nguyên do khác nhau. Kinh Thánh cho biết thầy tế lễ thượng phẫm đội mão miện (Lê-vi Ký 8:9); Vua đội mão miện (II Các Vua 11:12); Hoàng hậu Ê-xơ-tê được đội mão miện (Ê-xơ-tê 2:7); Mạc-đô-chê được vua A-suê-ru cho đội mão miện, mặc áo triều, ngồi trên ngựa và diển hành qua các đường phố vì vua muốn bày tỏ sự tôn trọng Mạc-đô-chê (Ê-xơ-tê 6:8,9). “Người đàn bà nhân đức là mão triều thiên cho chồng nàng.” (Châm ngôn 12:4). Một khi mão miện bị mất vì lý do nào đó, đều nầy có nghĩa niềm vinh dự hay sự tôn cao không còn nữa, chỉ có sự sỉ nhục mà thôi. Những câu sau đây giúp chúng ta hiểu điều ấy: Mão triều rơi khỏi đầu chúng tôi, khốn cho chúng tôi, vì chúng tôi phạm tội!” (Ca thương 5:16); “Chúa đã gớm ghê giao ước kẻ tôi tớ Chúa. Và quăng mão triều người xuống bụi đất mà làm nó ra phàm.” (Thi Thiên 89:39); “Hãy tâu cùng vua và thái hậu rằng: Xin hãy hạ mình, mà ngồi dưới đất; vì mão triều thiên vinh hiển trên đầu đã rớt xuống rồi.” (Giê-rê-mi 13:18)

Mão miện người cỡi ngựa trắng đội, là stefanos (theo nguyên ngữ Hy-lạp), là mão miện dành cho người chiến thắng.

4. Được ban cho mão miện:

Chúng ta hãy chú ý chi tiết: Người cỡi ngựa được ban cho mão miện. Ai ban cho người nầy mão miện? Chúng ta biết khi Chúa Jesus trở lại, Ngài sẽ ban thưởng cho con cái Ngài các loại mão miện (II Ti-mô-thê 4:8; I Cô-rinh-tô 9:25; Gia-cơ 1:12; I Phi-e-rơ 5:4), nhưng đối với Antichrist, ai là người có thẩm quyền ban mão miện cho Antichrist? Lời giải đáp: Chính Sa-tan sẽ ban mão miện cho người cỡi ngựa. Chúng ta sẽ hiểu thêm về vấn đề nầy khi nghiên cứu Khải Huyền chương 13.

5. Đi đến đâu thắng đến đó (he came out conquering, and to conquer):

Người cỡi ngựa trắng đi đến đâu thắng đến đó, động từ “conquer” bày tỏ sự chiến thắng, sự chế ngự hay chinh phục không những trên lãnh vực chiến tranh mà còn trên các lãnh vực khác.  Điều nầy cho thấy tầm ảnh hưởng rất sâu rộng của Antichrist trên toàn thế giới. Các chiến lược, sách lược của Antichrist nêu ra đều thành công. Tuy nhiên sự thành công đến từ đường lối lãnh đạo độc tài, tàn bạo do Sa-tan điều khiển. Antichrist sẽ là nhân vật có tài lãnh đạo, có tài hùng biện, có tài ngoại giao, thông minh xuất chúng nên sẽ là người thống trị toàn cầu trên lãnh vực quân sự, kinh tế và chính trị.

Đa-ni-ên 8:23-25 là phần Kinh Thánh tiết lộ những sự thành công nhất định của Antichrist trong ngày sau rốt, qua đó chúng ta thấy sự thành công của Antichrist không thể do khả năng của con người, nhưng phải đến từ cội nguồn của điều ác: Đó là Sa-tan: Đến kỳ sau rốt của nước chúng nó, khi số những kẻ bội nghịch đã đầy, thì sẽ dấy lên một vua, là người có bộ mặt hung dữ và thấu rõ những lời mầu nhiệm. Quyền thế người sẽ lớn thêm, nhưng không phải bởi sức mình. Người làm những sự tàn phá lạ thường; và được thạnh vượng, làm theo ý mình, hủy diệt những kẻ có quyền và dân thánh. Người dùng quyền thuật làm nên chước gian dối mình được thắng lợi. Trong lòng người tự làm mình nên lớn, và trong lúc dân ở yên ổn, người sẽ hủy diệt nhiều kẻ; người nổi lên chống với vua của các vua, nhưng người sẽ bị bẻ gãy chẳng bởi tay người ta.”

Antichrist cũng “thắng” trong cuộc bắt bớ chống lại các thánh đồ: Ta nhìn xem, cái sừng đó tranh chiến cùng các thánh đồ, và thắng trận.” (Đa-ni-ên 7:21) Giăng cũng thấy khải tượng giống như Đa-ni-ên: “Nó được phép giao chiến cùng các thánh đồ và được thắng” (Khải Huyền 13:7). Các thánh đồ chỉ về những người Do Thái và những người chấp nhận Tin Lành trong cơn đại nạn.

Có thể nào người cỡi ngựa trắng làm hình bóng về Chúa Jesus?

Một số nhà giải nghĩa Khải Huyền cho rằng người cỡi ngựa trắng của ấn thứ nhất cũng là một với người cỡi ngựa trắng trong Khải Huyền 19:11. Do đó,  người cỡi ngựa của ấn thứ nhất làm hình bóng về Chúa Jesus chứ không phải Antichrist. Tuy nhiên có nhiều yếu tố cho thấy hai nhân vật nầy không thể là một nhưng hoàn toàn khác nhau: Xin dẫn chứng một số điểm khác biệt như sau:

1. Nên nhớ rằng nhân vật có nhiệm vụ mở ấn phải khác với nhân vật cỡi ngựa: Chính Chiên Con, là Chúa Jesus, là Đấng mở ấn. Vậy Chúa Jesus không thể nào là nhân vật vừa mở các ấn, lại cũng chính Ngài là nhân vật cỡi ngựa của ấn thứ nhất cũng như của các ấn khác.

2. Người cỡi ngựa trắng được ban cho mão miện; trong Khải Huyền 19, Chúa Jesus đội mão miện không do ai ban cho.

3. Người cỡi ngựa trắng trong ấn thứ nhất chỉ có một mão miện, Chúa Jesus đội nhiều mão miện (Khải Huyền 19:12).

4. Mão miện mà người cỡi ngựa của ấn thứ nhất là loại mão miện của sự chiến thắng (victory), tiếng Hy-lạp: stefanos. Mão miện Chúa Jesus đội là mão miện của vương quyền (sovereignty), tiếng Hy-lạp: diadem. Hai mão miện có ý nghĩa khác nhau.

5. Người cỡi ngựa có “cây cung”; Chúa Jesus có “thanh gươm” bén từ miệng Ngài. Khi tìm hiểu ý nghĩa của cung (đã dẫn giải bên trên), chúng ta thấy rõ hình ảnh người cỡi ngựa cầm cung không thể là hình ảnh của Chúa Jesus.

6. Không phải chỉ có một người cỡi ngựa, nhưng có đến bốn ấn trình bày bốn người cỡi ngựa với bốn màu ngựa khác nhau. Chúng ta sẽ thấy có sự liên kết giữa bốn người cỡi ngựa với nhau khi nghiên cứu các ấn. Không có điều gì tốt đẹp đến từ ba người cỡi ngựa của ba ấn tiếp theo sau, như vậy, rất khó chấp nhận người cỡi ngựa của ấn thứ nhất là Chúa Jesus.

 

Tháng 6, 2015

tamtran1561@yahoo.com