KHẢI HUYỀN CHƯƠNG 5 (phần 2)

Trần Đình Tâm

 

Chiên Con Có Thẩm Quyền Mở Cuộn Sách 7 Ấn

 

5:5:

    “Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giu-đa,
      tức là Chồi của vua Đa-vít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra.”

Một trong các trưởng lão:

Trong lúc Giăng khóc dầm dề vì không có hy vọng tìm được ai để mở các ấn, thì một trong 24 trưởng lão lên tiếng nói với Giăng rằng “đừng khóc”, vì sẽ có một vị có đủ thẩm quyền để mở các ấn. Trước hết, chúng ta cần giải đáp câu hỏi: Tại sao phải là một trưởng lão mà không phải là một vị thiên sứ nào đó thông báo về một nhân vật có thể mở các ấn?

Chung quanh Ngôi có sự hiện diện của 24 trưởng lão. Các trưởng lão làm hình bóng về Hội Thánh, họ đại diện cho những người tin nhận Chúa Jesus đã được Chúa tiếp lên trời trước khi cơn đại nạn xãy ra trên thế giới, do đó họ đang hiện diện trước Ngôi của Đức Chúa Trời [Xin đọc bài “12 bằng chứng cho thấy Hội Thánh sẽ được cất lên trước đại nạn” ] Như vậy, các trưởng lão là người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi, họ biết rõ Đấng họ tin, họ biết rõ Đấng đã đem họ lên trước Ngôi, các thiên sứ không có trải nghiệm giống như các trưởng lão. Như vậy, các trưởng lão biết rõ một nhân vật duy nhất có thể tháo các ấn của cuộn sách, đó là Chúa Jesus. Vị trưởng lão nêu ra hai hình ảnh làm biểu tượng về Chúa Jesus:

1. Sư tử của chi phái Giu-đa (the Lion of the tribe of Judah).

2. Chồi của vua Đa-vít (the Root of David).

1. Sư tử của chi phái Giu-đa:

Hình ảnh “sư tử của chi phái Giu-đa” có nguồn gốc từ lời chúc mang tính “tiên tri” của Gia-cốp cho một trong mười hai con trai của ông là Giu-đa: “Hỡi Giu-đa! các anh em sẽ khen ngợi con, tay con sẽ chận cổ quân nghịch, các con trai cha sẽ quì lạy trước mặt con. Giu-đa là một sư tử tơ; Hỡi con! Con bắt được mồi rồi tha về.” (Sáng Thế Ký 49:8,9)

Sư tử được kể là “chúa tể sơn lâm”, vượt trội hơn các loài thú khác, sư tử có sức mạnh để cắn xé và tiêu diệt con mồi. Trong sách Khải Huyền, “sư tử” làm hình bóng về Chúa Jesus trên lãnh vực tranh chiến với các thế lực gian ác trong ngày sau rốt.

Trong lần đến thế giới loài người lần thứ nhất, Chúa Jesus đến như một Chiên Con để chịu chết như một sinh tế; nhưng trong lần đến thứ hai, Chúa Jesus sẽ đến trần gian như Sư Tử để tranh chiến với Kẻ chống lại Ngài: Antichrist, tiên tri giả, vua chúa thế gian cùng toàn bộ hệ thống cai trị thế giới do Sa-tan kiểm soát. Ngài sẽ chiến thắng chúng nó (Sự kiện nầy được trình bày trong Khải Huyền chương 19).

Sư tử của chi phái Giu-đa cũng là lời tiên tri Chúa Jesus ra đời từ chi phái Giu-đa theo gia phổ. Chi tiết nầy đã được ứng nghiệm hoàn toàn (Xem gia phổ của Chúa Jesus được ký thuật trong Ma-thi-ơ chương 1).

2. Chồi của vua Đa-vít:

Chồi của Đa-vít làm hình bóng về Chúa Jesus, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa như sau:

Ê-sai 11:1: “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai: Trong mối quan hệ gia đình, “Chồi” chỉ về cội nguồn. Có một chồi  sẽ ra từ gốc Y-sai, chúng ta biết chồi đó là Đa-vít, vì Đa-vít là con trai của Y-sai. Sau đó, Đa-vít làm vua dân Do Thái. Chúa Jesus được gọi là “con cháu vua Đa-vít” (Ma-thi-ơ 20:30; 21:9) hay “chồi của vua Đa-vít”, vì theo phổ hệ, Chúa Jesus ra đời từ dòng dõi vua Đa-vít (Ma-thi-ơ 1:20; Lu-ca 2:4)

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc trọn Ê-sai chương 11, là chương nói về Vương Quốc của Chúa Jesus, sẽ thấy rõ Ê-sai 11:1 là lời tiên tri về Đấng Mê-si (Messiah) là chồi của vua Đa-vít sẽ trở lại thế gian nầy lần thứ hai để thiết lập Vương Quốc của Ngài, Ngài sẽ làm Vua trên toàn thế giới. Câu 11 cho biết điều nầy: “Xảy ra trong ngày đó, rễ (root) Y-sai đứng lên làm cờ cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài, nơi an nghỉ của Ngài sẽ được vinh hiển.”

Giê-rê-mi 23:5: “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ dấy lên cho Đa-vít một Nhánh công bình. Ngài sẽ cai trị làm vua, lấy cách khôn ngoan mà ăn ở, làm sự chánh trực công bình trong đất.”

Tóm lại, cả 2 biểu tượng chỉ về Chúa Jesus mà vị trưởng lão nêu lên: Sư tử của chi phái Giu-đaChồi của vua Đa-vít chỉ về 2 công tác Chúa Jesus sẽ hoàn thành trong ngày sau cùng: Chúa đến tranh chiến với Antichrist và đồng minh của nó, chúng bị bắt và quăng bị vào hồ lửa. Sau đó, Chúa thành lập Vương Quốc của Ngài trên đất trong một ngàn năm (Khải Huyền 20:1-3).

Đã thắng:

Một điều kiện thiết yếu để xác nhận Chiên Con có đủ thẩm quyền để mở cuộn sách bảy ấn là ĐÃ THẮNG. Chúa Jesus, là sư tử của Giu-đa và chồi của Đa-vít đã thắng. Động từ “thắng” ở thì quá khứ, điều nầy cho thấy Chúa Jesus đã thắng trong quá khứ trước khi Chúa Jesus lên trời và hiện diện trước Ngôi. Kẻ thù nghịch của Chúa Jesus là Sa-tan luôn tìm mọi cơ hội để phá hủy chương trình của Đức Chúa Trời cho thời kỳ sau cùng. Lúc bắt đầu thi hành chức vụ, Chúa Jesus đã thắng Sa-tan trong 3 đợt cám dỗ; lúc Phi-e-rơ can ngăn Chúa lên thập giá, Chúa phán “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta.” (Ma-thi-ơ 16:23); Chúa Jesus thắng sự chết, Ngài bứt đứt dây trói của sự chết, sự chết không có quyền gì trên Ngài: “Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người (Chúa Jesus) sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:24); I Cô-rinh-tô 15:54 cho biết: “sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng.”

Như vậy, chúa Jesus đã thắng Sa-tan, thắng sự chết, Ngài sống lại và nói với các sứ đồ: “Tất cả thẩm quyền trên trời và dưới đất đã giao cho ta”.  Sau khi Chúa thăng thiên và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, Phao-lô giải luận: “Ngài (Đức Chúa Cha) đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa.” (Ê-phê-sô 1:21). Chỉ có Chúa Jesus mới có thể mở cuộn sách 7 ấn, vì Ngài đã chiến thắng và Ngài có đủ thẩm quyền để mở nó.

5:6:

    “Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sanh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở
      đó như đã bị giết; Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt, là bảy vì thần của Đức Chúa Trời sai xuống
      khắp thế gian.”

Chiên Con:

Hình ảnh nổi bậc nhất trong quang cảnh Giăng thấy chính là CHIÊN CON (Lamb). Đây là lần đầu tiên từ ngữ “Chiên Con” xuất hiện trong sách Khải Huyền. Biểu tượng “Chiên Con” xuất hiện tất cả 35 lần trong sách Khải Huyền, nhiều hơn bất cứ sách nào khác trong Kinh Thánh. Xin nêu ra các chủ đề về “Chiên Con” trong Khải Huyền:

Huyết của Chiên Con (7:14)

Cơn giận của Chiên Con (6:16)

Sách sự sống của Chiên Con (13:8)

Danh của Chiên Con (14:1)

Danh Cha của Chiên Con (14:1)

Bài ca của Chiên Con (15:3)

Lễ cưới của Chiên Con (19:7)

Tiệc cưới của Chiên Con (19:9)

Mười hai sứ đồ của Chiên Con (21:14)

Ngôi của Chiên Con (22:1)

Vợ của Chiên Con (21:9)

Tại sao “Chiên Con” (Lamb) mà không phải là “con chiên” (sheep) làm hình bóng về Chúa Jesus?

Chúng ta cần lưu ý đến một chi tiết sau: Chiên Con (Lamb) luôn luôn làm hình bóng về Chúa Jesus; nhưng con chiên (sheep) làm hình bóng về chúng ta, là môn đồ của Chúa Jesus. Chúa Jesus là người chăn, chúng ta là chiên (sheep) của Ngài, như Giăng 10:14 mô tả: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta.”

Chiên con (lamb) là con chiên còn nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Khi nó hơn 12 tháng tuổi, người ta không gọi là “lamb” nữa, nhưng gọi là “sheep”. Bản tính của chiên con được thể hiện trong Ê-sai 53:7: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.” Qua câu nầy, chúng ta biết bản tính của chiên con là hiền lành, nhu mì và vô tội. Bản tính nầy hoàn toàn thích hợp với Chúa Jesus. Đó là lý do tại sao chiên con làm hình bóng về Chúa Jesus.

 

     

   Chiên con (lamb)                           Chiên (sheep)

 

Chiên Con như đã bị giết:

Trong thời Cựu Ước, Ngày 14 tháng Nisan, là ngày Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, trong đêm đó, Đức Chúa Trời chỉ định cho mỗi nhà dân Do Thái phải giết chiên con, rồi lấy huyết của chiên con đó bôi lên ngạch cửa, làm đúng như vậy họ sẽ thoát khỏi sự hủy diệt của thiên sứ của Chúa. Hằng năm, người Do Thái giữ ngày 14 tháng Nisan là Ngày Lễ Vượt Qua, để kỷ niệm con cháu của họ được giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai-cập. Đức Chúa Trời cũng truyền dạy dân Y-sơ-ra-ên phải dâng chiên con làm sinh tế để chuộc tội cho họ. Chiên con bị giết trong Cựu Ước làm hình bóng về Chúa Jesus chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại.

Khi Giăng Báp-tít nhìn thấy Chúa Jesus lúc Chúa bắt đầu thi hành chức vụ trên mặt đất, ông nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29).

Sau khi Chúa Jesus chết trên thập giá, sống lại và về trời, Phao-lô nói về Chúa Jesus như sau: “Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi.” (I Cô-rin-tô 5:7)

Hình ảnh “Chiên Con đã bị giết” cho thấy Chúa Jesus đã hoàn tất sự chuộc tội cho nhân loại trên thập tự giá.

Ngoài ra, cũng xin lưu ý đến cách sử dụng động từ “giết” (slain) trong câu “Chiên Con như đã bị giết”: Động từ nầy cũng được dùng trong trường hợp Ca-in giết (slew) A-bên (I Giăng 3:12), chỉ về hành động giết một cách bạo lực (slay). Chiên Con đã bị giết trên thập tự giá cho thấy tấm lòng cứng cõi và đầy thù hằn của giới lãnh đạo Do Thái trong âm mưu giết Chúa Jesus.

Chiên Con có bảy sừng:

                                    

                  Sừng (horn)

 

“Sừng” (horn) là hình ảnh được lấy ra từ Cựu Ước. Sừng là một cơ quan của một số loài thú dùng để chiến đấu với kẻ thù và cũng để biểu dương sức mạnh đối với đồng loại. Do đó, đa số nhà giải kinh cho rằng “sừng” làm biểu tượng cho sức mạnh (strength), có thể ý nầy rất đúng, tuy nhiên, nếu suy gẫm cẩn thận những câu Kinh Thánh nói về “sừng”, chúng ta thấy “sừng” còn hàm chứa một ý nghĩa hơn cả “sức mạnh” nữa:

Thi Thiên 75:10: “Tôi sẽ chặt hết thảy các sừng kẻ ác; Còn các sừng của người công bình sẽ được ngước lên.”

Thi Thiên 112:9: Sừng người sẽ được ngước lên cách vinh hiển.”

Ca Thương 2:3: “Trong cơn nóng giận, Ngài chặt hết sừng của Y-sơ-ra-ên.”

A-mốt 6:13: “Các ngươi ưa thích sự hư không, và nói rằng: Há chẳng phải nhờ sức mạnh chúng ta mà chúng ta đã được sừng sao?”

Mi-chê 4:23: “Vậy, hỡi con gái Si-ôn, hãy chổi dậy, khá giày đạp! Vì ta sẽ làm cho sừng ngươi nên sắt, vó ngươi nên đồng; ngươi sẽ nghiền nát nhiều dân.”

Xa-cha-ri 1:18,19: “Đoạn, ta ngước mắt lên, ta nhìn xem, nầy, có bốn cái sừng. Ta bèn nói cùng thiên sứ đương nói với ta rằng: Những vật ấy là gì? Người đáp cùng ta rằng: Ấy là những sừng đã làm tan tác Giu-đa, Y-sơ-ra-ên, và Giê-ru-sa-lem.”

Như vậy, “sừng” không chỉ đơn thuần làm biểu tượng cho sức mạnh, nhưng còn bao hàm cả quyền thế (power) nữa.

Chiên Con có bảy sừng: Số bảy là con số chỉ về sự toàn vẹn, Chiên Con có bảy sừng cho thấy uy quyền và sức mạnh trọn vẹn của Chúa Jesus, vì Ngài là Đức Chúa Trời.

Ngoài ra, “sừng” làm biểu tượng cho “vua” (người cai trị), đây là ý nghĩa mang tính tiên tri. Ví dụ: Số sừng trên đầu của một con thú chỉ về số vua cai trị một nước: “Mười cái sừng là mười vua …” (Đa-ni-ên 7:24)

Chiên Con có bảy mắt, là bảy vị Thần của Đức Chúa Trời sai xuống khắp thế gian:

Văn mạch của Khải Huyền đã giải thích rõ “bảy mắt” của Chiên Con: Ấy là bảy linh của Đức Chúa Trời (không phải bảy Đức Thánh Linh) sai xuống khắp thế gian. “Con mắt” chỉ về sự dò xét, bảy con mắt là bảy linh của Chúa sai xuống khắp thế gian để dò xét công việc, ý tưởng và mưu định của con người sống trên khắp thế giới thuộc mọi thời đại: Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, Xem xét kẻ gian ác và người lương thiện.” (Châm Ngôn 15:3); “Bảy con mắt Đức Giê-hô-va trải đi qua lại khắp đất.” (Xa-cha-ri 4:10). Sự phán xét của Chúa là sự phán công bình tuyệt đối, vì Ngài nhìn thấy rõ sự bí mật của lòng người, Ngài thấu triệt mọi đường lối của con người. Con người chống nghịch Chúa không thể biện luận gì được cho mình trước sự đoán phạt của Chúa trong ngày sau cùng. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cảnh báo tất cả mọi người: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.” (Hê-bơ-rơ 4:13)

5:7:

“Chiên Con bước tới, lấy sách ở tay hữu đấng ngự trên ngôi.”

Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Chúa Cha là Đấng hoạch định chương trình cho thời kỳ sau cùng của nhân loại, nhưng Chúa Jesus là Đấng nắm giữ quyền thi hành chương trình đó, như Khải Huyền 1:1 đã chép: “Sự mặc thị (khải huyền) của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài”. Cuộn sách chứa nội dung về “tuần lễ cuối cùng” đã được Đức Chúa Cha soạn thảo và đã được đóng bảy ấn. Bây giờ, Chúa Jesus, là Chiên Con có đủ thẩm quyền để tháo các ấn ra và tiết lộ nội dung bên trong.

Như vậy, chung quang Ngôi của Đức Chúa Trời, diễn ra một quang cảnh thật long trọng: Chiên Con bước tới, lấy cuộn sách ở tay hữu Đấng ngự trên ngôi. Chúng ta có thể cảm nhận được mức độ quan trọng của sự kiện Chúa Jesus nhận lấy cuộn sách từ tay hữu của Đấng ngự trên Ngôi như thế nào.

 

Tháng 3, 2016

tamtran1561@yahoo.com