Ngày của Đức Giê-hô-va và ngày của Chúa Jesus Christ

Trần Đình Tâm

 

Kinh Thánh dùng 2 thành ngữ (expression) đặc biệt là “Ngày của Đức Giê-hô-va”“Ngày của Chúa Jesus Christ” chỉ về thời kỳ sau cùng. Tuy hai thành ngữ có vẻ tương đồng nhưng thật ra lại chứa đựng ý nghĩa rất khác nhau, liên quan đến hai sự kiện khác nhau.

1. Ngày của Đức Giê-hô-va:

Trong ngày sau cùng, Kinh Thánh Cựu Ước dùng cụm từ “Ngày của Đức Giê-hô-va” (Day of The Lord) để chỉ về thời điểm Đức Chúa Trời giáng cơn thạnh nộ của Ngài trên thế giới loài người. Khi nghiên cứu lời tiên tri về ngày sau cùng trong các sách tiên tri trong Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy “ngày của Đức Giê-hô-va”; “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” và “cơn đại nạn” liên quan chặt chẽ với nhau:  

           NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA  + CƠN THẠNH NỘ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA + ĐẠI NẠN

Cựu Ước cũng dùng những cụm từ như “ngày lớn” (Ma-la-chi 4:5), “ngày ấy” (Xa-cha-ri 14:6); “ngày báo thù” (Ê-sai 63:4); “ngày tai nạn” (Áp-đia 12); “ngày thạnh nộ” (Ca Thương 2:22) đều chỉ về cùng một ngày: “Ngày của Đức Giê-hô-va”.

Những phần Kinh Thánh sau giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của “Ngày của Đức Giê-hô-va”:

a) Ngày của Đức Giê-hô-va là ngày Chúa đổ cơn thạnh nộ trên những người có tội:

“Nầy, ngày Đức Giê-hô-va đến, là ngày hung dữ, có sự thạnh nộ và nóng giận để làm đất nầy nên hoang vu, và diệt những kẻ có tội khỏi đó. Ta sẽ phạt thế gian vì sự độc ác nó, phạt kẻ dữ vì tội lỗi chúng nó, làm cho kẻ kiêu hết kiêu, hạ sự tự cao của kẻ bạo ngược” (Ê-sai 13:9,11)

“Vì sẽ có một ngày của Đức Giê-hô-va vạn quân đến trên mọi vật kiêu căng, ngạo mạn, tự cao; nó sẽ bị hạ xuống.” (Ê-sai 2:12)

b) Ngày của Đức Giê-hô-va là thời kỳ Chúa giáng các tai nạn kinh khiếp trên thế giới loài người:

“Các ngươi khá than khóc! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần: ngày đó đến như cơn tai nạn đến bởi Đấng Toàn năng. Vậy nên mọi tay đều yếu đuối, lòng người đều tan chảy. Chúng đều kinh hoàng, bị sự đau đớn thảm sầu bắt lấy, quặn thắt như đàn bà đang đẻ; hắc hơ hắc hãi nhìn nhau, mặt như mặt ngọn lửa!” (Ê-sai 13:6-8)

Ngày của Đức Giê-hô-va có tiếng động; bấy giờ người mạnh dạn sẽ kêu khóc đắng cay. Ngày ấy là ngày thạnh nộ, ngày hoạn nạn và buồn rầu, ngày hủy phá và hoang vu, ngày tối tăm và mờ mịt, ngày mây và sương mù.” (Sô-phô-ni 1:14,15)

c) Ngày của Đức Giê-hô-va là Ngày Chúa bày tỏ quyền năng qua các hiện tượng trong thiên nhiên:

 “Nầy, ngày Đức Giê-hô-va đến, là ngày hung dữ, có sự thạnh nộ và nóng giận để làm đất nầy nên hoang vu, và diệt những kẻ có tội khỏi đó. Vì các ngôi sao và các đám sao trên trời sẽ chẳng chiếu sáng nữa; mặt trời mọc lên thì mờ tối, mặt trăng không soi sáng đâu.” (Ê-sai 13:9,10)

“Vậy nên, ta sẽ khiến các tầng trời rung rinh, đất bị day động lìa khỏi chỗ mình, vì cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va vạn quân, trong ngày Ngài nổi giận dữ.” (Ê-sai 13:13)

d) Ngày của Đức Giê-hô-va là ngày Chúa đổ các tai nạn trên các dân tộc chống nghịch Chúa cùng với hệ thống lãnh đạo của chúng do Sa-tan điều khiển:

“Thật vậy, ngày ấy gần rồi, phải, là ngày của Đức Giê-hô-va; ngày có mây, kỳ của các dân tộc.” (Ê-xê-chi-ên 30:3)

“Xảy ra trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ phạt các cơ binh nơi cao ở trên trời, phạt các vua thế gian ở trên đất.” (Ê-sai 24:21)

e) Ngày của Đức Giê-hô-va là ngày Chúa sẽ trực tiếp đánh bại và tiêu diệt các đạo binh của các nước thù ghét dân Do Thái và đang tấn công Do Thái:

“Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ làm Đấng bảo hộ của dân cư Giê-ru-sa-lem, và trong ngày đó kẻ rất yếu trong chúng nó sẽ như Đa-vít, nhà Đa-vít sẽ như Đức Chúa Trời, sẽ như thiên sứ của Đức Giê-hô-va ở trước mặt chúng nó. Xảy ra trong ngày đó ta sẽ tìm cách hủy diệt hết thảy những nước nào đến đánh Giê-ru-sa-lem.” (Xa-cha-ri 12:8,9)

“Vả, nầy sẽ là tai vạ mà Đức Giê-hô-va dùng để phạt mọi dân tranh chiến cùng Giê-ru-sa-lem: Ngài sẽ lam cho ai nấy khi chơn đương đứng thì thịt mục nát ra, mắt mục trong vành nó, lưỡi mục trong miệng nó. Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ gieo sự rối loạn lớn trong chúng nó; vì ai nấy sẽ nắm tay kẻ lân cận mình, và tay người nầy sẽ giá lên nghịch cùng tay người kia.” (Xa-cha-ri 14:12,13)

f) Ngày của Đức Giê-hô-va không còn xa, ngày ấy rất gần. Đây là lời cảnh báo cho con người ăn năn tội mà quay trở về với Ngài:

“Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy thổi vang ra trên núi thánh ta! Hết thảy dân cư trong đất khá đều run rẩy! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đến, ngày ấy đã gần.” (Giô-ên 2:1)

“Hãy nín lặng ở trước mặt Chúa Giê-hô-va! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần.” (Sô-phô-ni 1:7)

Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp.” (Sô-phô-ni 1:14)

 

2. Ngày của Chúa Jesus Christ:

Thành ngữ “Ngày của Chúa Jesus Christ” (the day of the Lord Jesus Christ; the day of Christ) chỉ xuất hiện trong Tân Ước là chỉ liên quan đến những người tin nhận Chúa Jesus:

I Cô-rinh-tô 1:8: “Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.”

Phi-líp 1:6: “Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.”

Phi-líp 1:9-11: “Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày của Đấng Christ, được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 1:9-11)

Phi-líp 2:15,16: “Hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian; cho đến nỗi tới ngày của Đấng Christ, tôi có thể khoe mình rằng chẳng đã chạy vô ích và khó nhọc luống công.”

II Ti-mô-thê 4:8: “Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”

Các câu Kinh Thánh nêu trên đều có một điểm chung: khuyên dạy con cái Chúa vâng giữ Lời Chúa để hiểu biết Chúa càng hơn, đức tin được vững vàng, nếp sống được tinh sạch nhằm sẵn sàng cho sự trở lại của Chúa Jesus. Do đó, Chúng ta dễ dàng kết luận rằng “Ngày của Chúa Jesus” chính là ngày Chúa Jesus trở lại để tiếp rước Hội Thánh. Ngày nầy được Phao-lô dẫn giải trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18.

 

3. So sánh “Ngày của Đức Giê-hô-va” và “Ngày của Chúa Jesus”.

Sau đây là sự so sánh giữa “Ngày của Đức Giê-hô-va” và “Ngày của Chúa Jesus” để chúng ta thấy hai ngày nầy có ý nghĩa rất khác nhau:

 

              Ngày của Đức Giê-hô-va                                         Ngày của Chúa Jesus

   1. Chỉ định cho những người chống nghịch Chúa.             1. Chỉ định cho những người tin Chúa Jesus.

   2. Ở lại trần gian chịu các tai họa.                                   2. Được đem lên trời và ở cùng Chúa.

   3. Ngày của sự phán xét.                                               3. Ngày của sự cứu rỗi.  

   4. Ngày kinh khiếp, sợ hãi.                                             4. Ngày vui mừng, phước hạnh.

   5. Xãy ra sau “Ngày của Chúa Jesus”.                            5. Xãy ra trước “Ngày của Đức Giê-hô-va”.

 

4. “Ngày của Đức Giê-hô-va” xãy ra cách “ngày của Chúa Jesus” bao lâu?

Có nhiều nhà nghiên cứu về thời kỳ sau cùng thường nêu câu hỏi: “Ngày của Đức Giê-hô-va” xãy ra cách “ngày của Chúa Jesus” bao lâu? Chúng ta có thể đặt câu hỏi một cách khác: Sau khi Hội Thánh được đem ra khỏi thế gian, thì trong bao lâu, thế giới bắt đầu bước vào bảy năm đại nạn, tức là tuần lễ cuối cùng của 70 tuần lễ? Không có chổ nào trong Kinh Thánh tiết lộ về khoảng thời gian nầy, nên không ai biết được. Tuy nhiên, một khi Chúa Jesus đến cất Hội Thánh về trời xong rồi thì không còn lý do gì nữa để kéo dài khoảng thời gian nầy: Những người được Chúa đem đi thì đã đi rồi; những người ở lại thì cũng không còn cơ hội thay đổi để được đem đi, nhưng phải ở lại gánh chịu cơn đại họa. Như vậy, khoảng thời gian giữa hai sự kiện ấy không còn ý nghĩa gì nữa đối với quyết định của con người về Chúa Jesus.

Đa-ni-ên 9:27 cho biết tuần lễ cuối cùng bắt đầu khi nào:

    “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của
     lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu,
     cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”

Tuần lễ cuối cùng chỉ bắt đầu kể từ ngày Antichrist lập hòa ước giữa dân Do-Thái và khối các nước lân cận với Do Thái (các nước Hồi Giáo). Chúng ta không biết được sau khi Hội Thánh được đem ra khỏi thế gian thì ngày nào hòa ước nầy được ký kết. Các nhà học giả Kinh Thánh đều đồng ý khoảng thời gian nầy rất ngắn, chỉ vài tháng là tối đa, nhưng đó chỉ là sự phỏng đoán.

Tháng 6, 2016

tamtran1561@yahoo.com