Nghiên cứu sách Khải Huyền

                                                                  Trần Đình Tâm

 

Có phải sách Khải Huyền bị bỏ quên?

Kinh Thánh gồm tổng cộng 66 sách, nhưng chỉ có một nội dung chính yếu chạy xuyên suốt cả 66 quyển sách, vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời ban cho loài người cho nên nội dung chủ yếu phải là: “Chương trình của Đức Chúa Trời cho nhân loại”. Chương trình đó được trình bày qua những diễn biến lịch sử có liên quan chặc chẽ với nhau: Sự sáng tạo vũ trụ và con người; sự sa ngã của con người và sự lan truyền của tội lỗi; sự chọn lựa một dân tộc mà qua đó Đấng cứu thế ra đời; sự giáng sinh và đời sống giảng dạy của Chúa Jesus; sự chết của Chúa Jesus trên thập giá và sự sống lại của chúa Jesus; sự trở về trời của Chúa Jesus và sự giáng lâm của Đức Thánh Linh để thành lập Hội Thánh; sự rao truyền Tin Lành cho thế giới; và cuối cùng là sự trở lại của Chúa Jesus để hoàn tất chương trình của Đức Chúa Trời. Chương trình của Đức Chúa Trời cho loài người được khởi đầu với sách Sáng Thế Kýhoàn tất với sách Khải Huyền. Nếu chúng ta lấy sách Khải Huyền ra khỏi Kinh Thánh, chúng ta sẽ có một câu chuyện có khởi đầu mà không có kết thúc. Nếu chúng ta không học hỏi sách Khải Huyền giống như khi chúng ta học hỏi các sách khác, chúng ta không thật sự hiểu về kế hoạch của Chúa trong thời kỳ cuối cùng.

Mặc dù biết rõ tầm quan trọng của sách Khải Huyền, nhưng sách Khải Huyền là sách thường bị bỏ quên! Ngoại trừ Khải Huyền chương 2 và chương 3 thường được giảng dạy, hầu như tất cả 19 chương còn lại đã không được nghiên cứu, họi hỏi, suy gẫm một cách nghiêm túc. Có rất nhiều tín đồ đã tin Chúa hàng chục năm, nghe biết bao nhiêu bài giảng ngày Chủ Nhật, học rất nhiều khóa học Kinh Thánh do Hội Thánh tổ chức, nhưng chưa thật sự có cơ hội nghiên cứu sách Khải Huyền. Một số con cái Chúa có cơ hội đọc sách Khải Huyền, nói cho đúng hơn là bị bắt buộc phải đọc vì đang theo một chương trình đọc Kinh Thánh xuyên suốt năm. Đọc một sách khó hiểu như Khải Huyền một cách qua loa vì bị buộc phải đọc như thế, thường khiến người đọc nản chí vì thấy sách nầy quá khó hiểu và khô khan. Nếu không hiểu những gì chúng ta đọc, chúng ta sẽ không nhận được những lợi ích cho đời sống tâm linh chất chứa trong sách Khải Huyền.

Lý do sách Khải Huyền bị bỏ quên cũng rất dễ nhận ra: Sách Khải Huyền rất khó hiểu. Khó hiểu đối với người tín đồ đã đành, nhưng cũng khó giải nghĩa đối với những người giữ công tác giảng dạy.  

Chúng ta có thể hiểu được sách Khải Huyền không?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng Khải Huyền cũng giống như 65 sách khác, là Lời của Đức Chúa Trời được ban cho chúng ta để chúng ta học hỏi và vâng giữ. Thật rõ ràng, Chúa ban sách Khải Huyền cho chúng ta để chúng ta có thể hiểu được. Chúa không ban cho chúng ta sách Khải Huyền để chúng ta bỏ qua vì không thể hiểu được!!

Tên của sách “Khải Huyền” cũng chứng minh rằng chúng ta có thể hiểu được sách khó hiểu nầy. “Khải Huyền” (apocalypse) có nghĩa là “tiết lộ” (revealing) điều mà trước đó còn bị che kín. Thật vậy, qua sách Khải Huyền, Thiên Chúa tiết lộ cho chúng ta thấy điều mà trước đó được giữ kín. Những vấn đề thuộc về thế giới tương lai luôn được xem là bí mật, huyền nhiệm. Biết được những gì sẽ xãy ra trong tương lai vốn là một đề tài hấp dẫn con người mọi thời đại. Trong lịch sử nhân loại, có những nhà tiên tri chuyên đoán những biến cố xãy ra trên thế giới như Nostradamus (1503-1566), Jean Dixon (1904-1997), Vanga (1911-1996), Khổng Minh Gia Cát Lượng v.v… Những lời “tiên tri” của họ không giúp ích gì cho tâm linh của chúng ta, vì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ ban cho những người đó khả năng nhìn thấy tương lai. Thiên Chúa chỉ bày tỏ cho nhân loại về ngày sau cùng (end time) cho những người được Chúa chọn lựa để được biên chép qua Kinh Thánh và chỉ qua Kinh Thánh mà thôi.

Chúng ta thật phải cảm ơn Chúa, vì Ngài không giấu kín sự bí mật, nhưng tiết lộ cho chúng ta biết chương trình của Ngài qua sách Khải Huyền.

Công tác giải nghĩa sách Khải Huyền.

Tuy nhiên, dù Chúa ban cho chúng ta sách Khải Huyền, nhưng tất cả mọi người đều phải công nhận sách Khải Huyền là sách khó hiểu nhất trong cả Kinh Thánh, vì ngôn ngữ sách Khải Huyền được viết theo thể loại tiên tri (prophecy), bao gồm nhiều biểu tượng (symbol) và chứa đựng nhiều câu rất bí nhiệm.

Chắc quý vị có thể đặt câu hỏi: Chúa ban sách Khải Huyền cho chúng ta để chúng ta có thể hiểu được, thế nhưng tại sao Chúa không bày tỏ chương trình của Ngài bằng một lối diễn tả dễ hiểu, rõ ràng, nhưng lại dùng biểu tượng làm chúng ta bối rối và khó hiểu? Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời có ý định của Ngài, và chúng ta cũng cần phải tìm hiểu … ý định đó của Chúa như là bước khởi đầu trong sự khám phá sách Khải Huyền!!

Vì sách Khải Huyền rất khó hiểu, nên các phần trong sách Khải Huyền cần phải được làm cho sáng tỏ hay giải thích (interpret) mới có thể hiểu được. Từ đó, công việc giải nghĩa sách Khải Huyền trở nên cần thiết. Tuy nhiên, công tác nầy không hề dễ dàng, không phải ai cũng có khả năng giải nghĩa cuốn sách mầu nhiệm nầy. Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời kêu gọi một số ít người và ban ơn cho những người đó để họ thực hiện công tác giải nghĩa sách Khải Huyền. Đó là ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng thấy ý định đó của Chúa trong thời Cựu Ước, Chúa chọn lựa các thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi và chỉ định họ làm công tác đọc luật pháp và giải nghĩa luật pháp cho dân chúng hiểu:

    “Họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ
    đọc
.”
(Nê-hê-mi 8:8)

Ma-la-chi cho biết công tác của thầy tế lễ đối với Lời Chúa: “Vì môi miếng của thầy tế lễ nên giữ sự thông biết, người ta tìm luật pháp trong miệng nó, vì nó là sứ giả của Đức Giê-hô-va vạn quân.” (Ma-la-chi 2:7). Trong thời đại Hội Thánh, Đức Thánh Linh ban ân tứ (spiritual gift) giải nghĩa Lời Chúa cho một số người để giúp gây dựng Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:28; Ê-phê-sô 4:11). Như vậy, giải nghĩa Kinh Thánh và giảng dạy Kinh Thánh là một trong các ân tứ Chúa ban cho một số người thuộc Hội Thánh của Chúa, và trong số những người nầy, Chúa lại kêu gọi một số để dấn thân vào công tác giải nghĩa Khải Huyền.

Cho dù có những người được Chúa cảm động để dấn thân vào công việc giải nghĩa Khải Huyền, không có nghĩa là người đó không cần phải học hỏi, nghiên cứu. Đức Chúa Trời không kêu gọi con người như là một bộ máy (robot) làm việc cho Chúa.

Chúa muốn chúng ta yêu mến sách Khải Huyền và thường xuyên suy gẫm sách ấy, như Đa-vít đã nói: “Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy.” (Thi Thiên 119:97).

Người giải nghĩa phải “vật lộn” với sách Khải Huyền cùng với niềm đam mê và lòng yêu mến cuốn sách mầu nhiệm nầy. Công việc nghiên cứu và giải nghĩa sách Khải Huyền đòi hỏi rất nhiều thời gian, trải qua nhiều năm tháng. Đó là công việc khó nhọc nhưng cũng đầy phước hạnh.

Ngoài công việc tự nghiên cứu tìm hiểu, người giải nghĩa sách Khải Huyền cần phải học hỏi ở những người người khác, là những người cũng được Chúa kêu gọi vào công tác giải nghĩa Khải Huyền như mình. Chúa không bày tỏ tất cả cho một người nào đó, nhưng bày tỏ một phần cho người nầy, một phần cho người kia, để những người nầy học hỏi lẫn nhau, chia sẻ cho nhau.

Công tác giải nghĩa Khải Huyền cần được thực hiện với tất cả tâm tình của một đầy tớ Chúa như Đa-ni-ên vậy. Đa-ni-ên là một tiên tri của Đức Chúa Trời giữa một thế giới thờ hình tượng, ông được người đương thời nhận xét: “Trong người (Đa-ni-ên) có linh tánh tốt lành, có sự thông biết và khôn sáng để giải được những điềm chiêm bao, cắt nghĩa được những câu kín nhiệm, và làm cho những sự hồ nghi tan chảy.” (Đa-ni-ên 5:12). Đa-ni-ên được Chúa bày tỏ cho những khải tượng về thời kỳ sau cùng. Ông đã có thái độ nào?

    “Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro
     mà tìm.”
(Đa-ni-ên 9:3)

    “Đoạn, người bảo ta rằng: Hỡi Đa-ni-ên, đừng sợ; vì kể từ ngày đầu mà ngươi đã chuyên lòng hiểu, hạ mình
     ngươi xuống trước mặt Đức Chúa Trời ngươi, thì những lời ngươi đã được nghe, và vì cớ những lời ngươi mà ta
     đã đến.”
(Đa-ni-ên 10:12)

Những ai dấn thân vào công tác giải nghĩa Khải Huyền, phải học tấm gương nơi Đa-ni-ên. Đa-ni-ên tìm kiếm sự trợ giúp của Chúa qua sự khấn nguyện, nài xin và ăn năn tội. Ngoài ra, ông hạ mình xuống trước mặt Chúa, mở lòng ra để tìm hiểu và đón nhận sự bày tỏ của Chúa. Điều chắc chắn là chúng ta không thể nương cậy vào bằng cấp, học vị hay sự khôn ngoan của con người để hiểu được sách Khải Huyền. Vua Đa-vít chẳng đã từng kêu cầu với Chúa “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Thiên 119:18) đó sao. Ê-li-sê cầu nguyện xin Chúa mở mắt cho người đầy tớ của mình, vì người nầy chỉ nhìn thấy đạo binh Sy-ri đang vây Sa-ma-ri mà không nhìn thấy ngựa và xe bằng lửa của Đức Giê-hô-va “Đức Giê-hô-va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê-li-sê.” (II Các Vua 6:17). Khi học sách Khải Huyền, nếu Chúa không mở mắt cho chúng ta, chúng ta sẽ không thấy được gì!

Sách Khải Huyền cần được giải nghĩa như thế nào?

Sau đây là vài gợi ý cho những ai muốn bước vào công việc nghiên cứu sách Khải Huyền:

1. Sách Khải Huyền chứa đựng rất nhiều hình ảnh hay sự kiện mà chúng có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng (symbol), hoặc cũng có thể hiểu theo nghĩa văn tự (literal). Do đó, khi giải nghĩa, chúng ta cần phân biệt hình ảnh hay sự việc đó cần phải hiểu theo nghĩa nào, nghĩa bóng (nghĩa biểu tượng) hay nghĩa đen (nghĩa văn tự).

2. Các con số trong Khải Huyền cũng cần phải xác định chúng là con số trên thật tế hay chỉ có tính biểu tượng.

3. Hầu hết các biểu tượng đều có nguồn gốc từ Cựu Ước. Do đó, chúng ta cần hiểu toàn bộ Cựu Ước, cần chú ý đặc biệt đến các sách tiên tri, nhất là sách Đa-ni-ên.

4. Biểu tượng rất ít dùng trong Tân Ước, nhưng Tân Ước có một số phân đoạn và một số câu riêng lẽ rất cần thiết để làm sáng tỏ Khải Huyền, do đó chúng ta cần nghiên cứu các phần Tân Ước có liên quan đến Khải Huyền.

5. Cách giải nghĩa an toàn nhất là dùng Kinh Thánh để giải nghĩa Kinh Thánh, Khải Huyền cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Nhưng đối với Khải Huyền thì có phần khó khăn hơn, nên phải cẩn thận. Đặc biệt, sách Khải Huyền có nhiều chi tiết có liên quan với nhau, nhưng chúng nằm rải rác khắp nơi trong sách Khải Huyền, do đó, cần phải đọc và suy gẫm Khải Huyền rất nhiều lần để tìm ra những chi tiết liên quan nầy. Những chi tiết nầy là những “chìa khóa” quý giá để giải nghĩa Khải Huyền. Nói cách khác, chúng ta dùng Khải Huyền để giải nghĩa Khải Huyền.

6. Một điều cần thiết khi giải nghĩa Khải Huyền, là cần xác định thời điểm mà một sự kiện quan trọng nào đó xãy ra. Không nhất thiết các sự kiện phải xãy ra theo thứ tự của các chương, có chương xen vào để trình bày một vấn đề đã qua. Chương 1 đến chương 3 dễ xác định khung thời gian; chương 19 đến 22 thì tương đối dễ dàng; khó khăn nhất là xác định các biến cố xãy ra từ chương 4 đến chương 18. Cần tìm hiểu kỹ về bảy ấn, bảy tiếng kèn và bảy chén thạnh nộ và so sánh với lời tiên tri trong Đa-ni-ên, điều nầy sẽ giúp chúng ta xác định được khung thời gian.

7. Có những phần trong Khải Huyền rất khó giải thích. Mỗi nhà giải nghĩa Kinh Thánh có thể đưa ra những sự giải thích khác nhau. Không ai dám khẳng định cách giải thích của mình đúng 100%. Trong những trường hợp nầy, chúng ta chỉ có thể chọn cách giải nghĩa nào “hợp lý” hơn mà thôi, tức là cách giải nghĩa được nhiều chổ khác trong Kinh Thánh chứng minh.  

8. Vì sách Khải Huyền rất sâu nhiệm, nên chúng ta phải chấp nhận dù có cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể hiểu hoàn toàn sách nầy. Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời cũng giữ lại cho Ngài những bí mật mà Ngài không muốn bày tỏ cho chúng ta. Chúa không muốn chúng ta biết cho đến khi chúng ta gặp mặt Chúa: “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:29)

 

Tháng 5, 2016

tamtran1561@yahoo.com