PHÂN BIỆT HAI SỰ KIỆN: CHÚA TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH VÀ CHÚA TÁI LÂM.

Trần Đình Tâm

 

Việc nghiên cứu cẩn thận các phần Kinh Thánh có liên quan đến sự trở lại của Chúa Jesus, chúng ta sẽ thấy sự trở lại của Ngài bao gồm hai giai đoạn như sau:

1. Chúa Jesus đến tiếp rước Hội Thánh (Rapture).

2. Chúa Jesus tái lâm (The second coming of Christ).

Trước hết, Chúa Jesus sẽ đến tiếp rước Hội Thánh ra khỏi thế giới nầy một cách bất ngờ, thế giới sau đó sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt bằng cơn đại nạn kéo dài 7 năm. Vào cuối cơn đại nạn, Chúa Jesus sẽ tái lâm trên đất.

Hai sự kiện trên hoàn toàn khác nhau vì bao gồm các diễn biến khác nhau và xãy ra ở hai thời điểm cũng khác nhau. Dựa vào các lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta có thể phân biệt hai sự kiện trên qua các sự so sánh sau đây:

a. Vị trí của Hội Thánh:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Hội Thánh đang còn ở thế giới nầy thì Chúa đến: “Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta.” (Giăng 14:3)

+ Chúa tái lâm: Hội Thánh đang ở trên trời cùng với các đạo binh thiên sứ, sẽ đi theo Chúa Jesus: “Kìa Chúa đến với muôn vàn đấng thánh (saints), đặng đoán xét mọi người” (Giu-đe 14)

b. Cách Chúa Jesus xuất hiện:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Chúa Jesus đến tại không trung để tiếp rước Hội Thánh: “Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17)

+ Chúa tái lâm: Chúa Jesus sẽ đến trên đất, ngay tại núi Ô-li-ve: “Trong ngày đó, chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông.” (Xa-xha-ri 14:4)

c. Những người sẽ nhìn thấy Chúa Jesus:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Chỉ có những ai tin nhận Chúa Jesus mới thấy Chúa mà thôi: “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.” (I Giăng 3:2)

+ Chúa tái lâm: Tất cả mọi người trên thế giới sẽ thấy tận mắt Chúa trở lại: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trong thấy.” (Khải Huyền 1:7)

d. Thời điểm xãy ra:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Chúa đến bất ngờ, không ai biết trước được: “Vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.” (Ma-thi-ơ 24:44)

+ Chúa tái lâm: Chúa đến vào thời điểm cuối của 7 năm đại nạn: “Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua…” (Ma-thi-ơ 24:29)

e.  Liên quan đến những biến động trong thiên nhiên:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Không có những biến động trong thiên nhiên báo trước: “Vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2)

+ Chúa tái lâm: Có những hiện tượng trong thiên nhiên báo trước: “Mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Khi ấy điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời…” (Ma-thi-ơ 24:29,30)

f.  Ảnh hưởng trên con người:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Đem niềm vui và phước hạnh đến cho những ai là con cái của Chúa: “…hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót” (I Phi-e-rơ 4:13); “Đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta…” (Tít 2:13)

+ Chúa tái lâm: Đem đến sự than khóc cho những người từ chối Chúa: “Hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài.” (Khải Huyền 1:7)

g. Mục đích:

+ Chúa đến tiếp rước Hội Thánh: Chúa giáng lâm giữa không trung để cứu Hội Thánh ra khỏi cơn đại nạn sẽ trút xuống thế gian: “Đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jesus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thạnh nộ ngày sau.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10)

+ Chúa tái lâm: Chúa giáng lâm trên mặt đất để thi hành sự phán xét đối với những người khước từ Ngài: “…khi Đức Chúa Jesus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-9).

Tháng 12 năm 2010