SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA JESUS

Trần Đình Tâm

 Dẫn nhập.

Sự tái lâm của Chúa Jesus hay còn gọi là “sự trở lại lần thứ hai của Chúa Jesus” (The second coming of Christ) đã được các sách tiên tri trong Cựu Ước, và hầu hết các sách trong Tân Ước đề cập đến nhiều lần. Trong đêm Chúa Jesus bị bắt và bị xét xử tại nhà thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe, gồm có các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão, chính Chúa Jesus đã xác nhận Ngài sẽ trở lại thế giới nầy lần thứ hai:

“Ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 26:64)

Chúa Jesus đã nói lời trên với các lãnh đạo Do Thái, là những người đại diện cho toàn dân Do Thái lúc bấy giờ, Chúa Jesus muốn nói rằng chính các thế hệ sau nầy của dân Do Thái sẽ chứng kiến quang cảnh Ngài trở lại, vì lẽ tất nhiên khi Chúa tái lâm, những người lãnh đạo dân Do Thái nói trên đã qua đời rồi.

Trong tất cả những lời tiên tri trong Kinh Thánh, có thể nói lời tiên tri về sự trở lại lần hai của Chúa được xem là quan trọng nhất, đáng chú ý nhất và gây sự thu hút nhất đối với người nghiên cứu các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Sự tái lâm của Chúa có ý nghĩa rất quan trọng là làm cho ứng nghiệm lời tiên tri và hoàn thành chương trình của Đức Chúa Trời cho thế giới; có lẽ vì tầm quan trọng đó nên chúng ta thấy tổng số các lời tiên tri về sự Chúa đến trần gian lần hai nhiều hơn gấp 8 lần các lời tiên tri về sự Chúa đến trần gian lần thứ nhất (Chúa giáng sanh); cứ 25 câu Kinh Thánh Tân Ước thì có 1 câu nói về sự tái lâm của Chúa và có đến 23 sách trong số 27 sách Tân Ước có đề cập đến sự tái  lâm của Chúa.

Chúa Jesus đến trần gian lần thứ nhất trong hình hài một em bé, như một đầy tớ chịu khổ, như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, nhưng Chúa sẽ trở lại trần gian lần thứ hai với tư cách một vị Vua của muôn vua, với tất cả uy quyền và sự vinh hiển.

Qua sự nghiên cứu và suy gẫm cẩn thận các lời tiên tri, chúng ta ghi nhận được những bài học sau:

A. Thời điểm.

Lúc nào Chúa Jesus tái lâm? Có phải Chúa Jesus sẽ đến thình lình như kẻ trộm trong ban đêm như Ngài đã tuyên bố không (Ma-thi-ơ 24:44)? Có phải không ai biết được ngày hay giờ Chúa trở lại không (Ma-thi-ơ 24:36, 25:13)? Xin chú ý, Chúa Jesus nói những lời đó là nói về ngày hay giờ Chúa đến trên không trung để tiếp rước Hội Thánh, chứ không phải Chúa nói về sự trở lại của Ngài trên đất. Chúng ta không biết được lúc nào Chúa đến tiếp rước Hội Thánh nhưng chúng ta biết được lúc nào Chúa tái lâm trên đất. Chúng ta biết được thời điểm Chúa tái lâm nhờ căn cứ vào các phần Kinh Thánh sau đây:

+ Lời tiên tri về 70 tuần lễ trong Đa-ni-ên 9:24-27.
+ Lời tiên tri về trận chiến sau cùng trong Xa-cha-ri 14:1-4.
+ Cách nói mô tả đặc biệt chỉ về một khoảng thời gian nhất định trong Khải Huyền đoạn 6 đến 19: Một thì, các thì và nửa thì; bốn mươi hai tháng; một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.
+ Lời tiên tri về trận chiến giữa Antichrist và các quân đội đồng minh với Chúa Jesus ngay sau khi Ngài tái lâm trong Khải Huyền 19:11-21.

Qua sự nghiên cứu các lời tiên tri trên, chúng ta biết được Chúa tái lâm sẽ ở vào thời điểm cuối cùng của tuần lễ thứ bảy mươi, tức là vào lúc cơn đại nạn kết thúc, cũng là ba năm rưởi kể từ khi Antichrist hủy bỏ giao ước với dân Do Thái.

B. Những biến động báo hiệu.

Kinh Thánh cho chúng ta biết có một loạt các biến động đặc biệt sẽ xãy ra ngay trước thời điểm Chúa tái lâm:

1. Chiến trận Ha-ma-ghê-đôn:

Vào giai đoạn cuối cùng của 7 năm đại nạn trên đất (Khải Huyền 16:14,16 và 17:12,13) lúc ấy trên thế giới đang diễn ra trận chiến Ha-ma-ghê-đôn (Armageddon). Đây sẽ là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch loài người và mang tầm cở thế giới vì có rất nhiều nước tham chiến. Cuộc chiến đang tiến đến giai đoạn quyết liệt nhất thì Chúa Jesus tái lâm. Trận chiến nầy do Kẻ Chống Chúa (Antichrist) cầm đầu, hắn triệu tập các quân đội của 10 nước đồng minh để đánh dân Do Thái nhằm tiêu diệt dân Do Thái.

2. Những biến động trong thiên nhiên:

Một loạt các hiện tượng thuộc về cõi thiên nhiên sẽ xãy như sau:

     “Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao” (Lu-ca 21:25)

Điềm lạ” là gì? Chúng ta hiểu được nhờ sự giải thích ở Ma-thi-ơ đoạn 24:

“Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động.” (Ma- thi-ơ 24:29)

Cựu Ước cũng cho biết trước những hiện tượng trên sẽ xãy ra:

“Khi ta giập tắt ngươi, thì ta sẽ che các từng trời và làm tối các ngôi sao; dùng mây bao bọc mặt trời, và mặt trăng sẽ không chiếu sáng nữa.” (Ê-xê-chi-ên 32:7)

“Vì các ngôi sao và các đám sao trên trời sẽ chẳng chiếu sáng nữa; mặt trời mọc lên thì mờ tối; mặt trăng không soi sáng đâu”.  (Ê-sai 13:10)

Cũng xãy ra những hiện tượng lạ ngoài biển:

     “còn dưới đất, dân các nước sầu não rối loạn vì biển nổi tiếng om sòm và sóng đào” (Lu-ca 21:25)

 Những hiện tượng khác thường trong thiên nhiên khiến cho người ta hoang mang, sợ hãi:

“Người ta nhơn trong khi đợi việc hung dữ xãy ra cho thế gian, thì thất kinh mất vía, vì các thế lực trên trời sẽ rúng động”  (Lu-ca 21:26)

Như vậy, một loạt các hiện tượng lạ lùng trong thiên nhiên mà từ trước cho đến thời điểm đó chưa từng xãy ra: Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao mất đi nguồn sáng tự nhiên, sóng biển gầm thét kỳ lạ, thế lực các từng trời rúng động… khiến cho nhân loại kinh hoàng.

Chúng ta nên tin rằng những hiện tượng bất thường trong thiên nhiên nêu trên là những hiện tượng thực sự xãy ra trong thiên nhiên mà con người sẽ nhìn thấy tận mắt, chứ không mang ý nghĩa tượng trưng hay làm hình bóng cho một điều gì như một số nhà giải kinh giải thích.

Những biến động trên dọn đường cho sự xuất hiện của Chúa Jesus.

C. Sự xuất hiện của Chúa Jesus.

“Khi ấy điềm (sign, nên dịch là “dấu hiệu”) Con Người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây mà xuống”  (Ma-thi-ơ 24:30)

“Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cỡi ngựa ấy gọi là ĐẤNG TRUNG TÍN và CHÂN THẬT; Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu. Mắt Ngài như ngọn lửa; trên đầu có nhiều mão triều thiên, lại có đề một danh, ngoài Ngài ra không ai biết được. Ngài mặc áo nhúng trong huyết, danh Ngài xưng là LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI. Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài. Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng. Trên áo tơi và trên đùi Ngài, có đề một danh là: VUA CỦA CÁC VUA và CHÚA CỦA CÁC CHÚA”  (Khải Huyền 19:11-16)

Ma-thi-ơ 24:30 mô tả vắn tắt, còn Khải Huyền 19:11-16 mô tả chi tiết hơn cảnh tượng Chúa Jesus tái lâm. Chúng ta có thể ghi nhận những bài học sau từ hai phần Thánh Kinh trên:

+ Trời mở ra : Đây chính là “điềm (hay dấu hiệu) Con Người sẽ hiện ra trên trời” mà Ma-thi-ơ mô tả. Chúng ta có thể tượng ra quang cảnh bầu trời đang âm u, mờ tối vì mặt trời, mặt trăng, ngôi sao không phát sáng nữa (xãy ra như mô tả ở trên), bổng dưng “trời mở ra”, ánh sáng và vinh quang từ thiên đàng chói lòa rực rỡ xuống thế giới của loài người trên đất. Lúc nầy nhân loại đang chìm trong sự kinh hoàng của cơn đại nạn. Hào quang sáng chói từ trời xuống chắc chắn sẽ khiến cho tất cả mọi người trên thế gian lúc ấy phải ngẩn ngơ và bàng hoàng.

+ Có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cỡi ngựa ấy gọi là ĐẤNG TRUNG TÍN và CHÂN THẬT: Sau khi trời mở ra, có một con ngựa bạch xuất hiện. Nhân vật cỡi ngựa không ai khác hơn là Chúa Jesus. Chúng ta không nên hiểu Chúa Jesus thật sự sẽ cỡi một con ngựa màu trắng. Hình ảnh con ngựa chỉ là biểu tượng. Con ngựa làm hình bóng về sự chinh phục đem đến thắng lợi. Màu trắng tượng trung cho sự thánh khiết, trong sạch, trọn vẹn, nên có ý kiến cho rằng Chúa Jesus cỡi ngựa màu trắng cho thấy Ngài là Đấng thánh khiết, vô tội. Cũng có ý kiến cho rằng ngựa màu trắng là biểu tượng cho sự chiến thắng, vì Khải Huyền được viết ra trong bối cảnh của thế giới ở dưới sự thống trị của đế quốc La-mã, mà các vị tướng lãnh La-mã trở về trong chiến thắng thường cỡi ngựa bạch.

+ Đấng Trung Tín và Chân Thật: Chúa Jesus được gọi là Đấng Trung Tín (nên dịch là Đấng Thành Tín) có nghĩa là “Đấng giữ lời hứa”. Ngài thực hiện đúng theo những gì mà Ngài đã hứa về sự trở lại lần thứ hai của Ngài: Chúa Jesus còn được gọi là Đấng Chân Thật, có nghĩa là tất cả những gì nơi Ngài đều là chân thật. Nếu “Đấng Thành Tín” mang ý nghĩa đặc biệt đối với những người tin nhận Chúa Jesus trong cơn đại nạn trước đó, thì “Đấng Chân Thật” mang ý ngĩa đặc biệt đối với những kẻ không tin Chúa và chống nghịch Chúa trong cơn đại nạn, vì những thành phần nầy đã được nghe về đạo cứu rỗi của Chúa nhưng họ đã khước từ vì cho rằng đó chỉ là chuyện hoang đường, viển vông, những người nầy chẳng những từ chối Chúa nhưng còn nghe theo sự lừa dối của Kẻ Chống Chúa (Antichrist) mà tôn thờ hắn; tiếp tay với hắn mà bắt bớ những người tin Chúa trong cơn đại nạn. Vậy, khi Chúa Jesus hiện ra trong sự vinh quang, những kẻ chống nghịch Chúa lúc đó sẽ thấy rõ Ngài tận mắt, “Kìa Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy” (Khải Huyền 1:7), họ sẽ phải nhận rằng Chúa Jesus là “Đấng Chân Thật”, nhưng đã quá trễ cho họ, số phận của họ là sẽ phải ở trong hồ lửa đời đời. Dân Do Thái cũng sẽ được nhìn thấy tận mắt Đấng Mê-si mà các thế hệ trước họ đã từ chối Ngài và đóng đinh Ngài trên thập tự giá.

+ Mắt Ngài như ngọn lửa: Mắt Ngài toát ra “lửa”, cho thấy Chúa Jesus đến với “cơn nóng giận” của Ngài, Ngài tái lâm để thi hành sự đoán phạt Antichrist và đạo quân của Antichrist.

“Nầy Đức Giê-hô-va sẽ đến với lửa, và xe cộ Ngài giống như gió lốc, hầu cho cơn giận của Ngài thêm nóng nảy, và sự quở trách của Ngài biến thành ngọn lửa hừng. Đức Giê-hô-va sẽ lấy lửa và gươm làm sự xét đoán Ngài trên mọi xác thịt, và số những kẻ phải chết bởi Đức Giê-hô-va là nhiều lắm.” (Ê-sai 66:25,26)

+ Trên đầu có nhiều mão triều thiên: Mão triều thiên ở đây là “diadèma” là mão triều thiên dành cho vua, khác với mão triều thiên mà người cỡi ngựa bạch đội ở Khải Huyền 6:2, là “stephanos” là mão triều thiên dành cho người chiến thắng. Chúa Jesus có nhiều mão triều thiên cho thấy Ngài là Vua của muôn vua và Chúa của muôn chúa, như đã được mô tả ở câu 16. Chúa Jesus đến trần gian lần thứ nhất như một đầy tớ, chịu khổ và chịu chết, nhưng Ngài đến trần gian lần thứ hai với tư cách là vị vua đầy uy quyền và Ngài sẽ làm vua trong Vương quốc Ngàn Năm Bình An.

+ Lại có đề một danh, ngoài Ngài ra không ai biết được: Trên mão triều thiên có đề một danh (tên), đó là một tên bí mật mà chỉ có Chúa biết mà thôi. Vì Thánh Kinh nói rõ không có ai biết được tên đó là gì thì chúng ta không nên cố gắng tìm hiểu hay suy đoán làm gì vô ích. Có vài nhà giải nghĩa Kinh Thánh cố nêu ra vài cái tên, tuy nhiên chúng ta không nên tin, nếu cố gắng tìm hiểu tức là đã chống lại Lời Chúa rồi!

+ Ngài mặc áo nhúng trong huyết: Đây không phải là hình bóng về huyết của Chúa Jesus tại thập tự giá để cứu nhân loại như một số người giải thích, nhưng là hình bóng về huyết của những kẻ chống nghịch Ngài mà Ngài đến để tiêu diệt họ. Ê-sai có nói tiên tri về sự kiện nầy như sau:

“Áo ngươi có màu đỏ, áo xống của ngươi như của người đạp bàn ép rượu là vì sao? Chỉ một mình ta đạp bàn ép rượu, trong vòng các dân chẳng từng có ai với ta. Trong cơn giận ta đã đạp lên; đương khi thạnh nộ ta đã nghiền nát ra: máu tươi họ đã vảy ra trên áo ta, áo xống ta đã vấy hết”   (Ê-sai 63:2,3)

+ Danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời: Điều nầy có nghĩa đặc biệt đối với những người chống lại Chúa từ trước cho đến thời điểm Ngài trở lại. Trước đó Tin Lành cứu rỗi đã được rao giảng cho họ, họ chống đối lại lời của Đức Chúa Trời, tức là họ đã chống lại chính Ngài.

+ Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng cây gậy sắt: Lưỡi gươm bén từ miệng Ngài không có gì khác hơn là Lời của Ngài. Lời của Ngài có quyền năng, có sức mạnh lạ lùng. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Jesus tại vườn Ghết-sê-ma-nê, khi quân lính đến bắt Chúa, Chúa chỉ phán với họ một câu “chính ta đây” thì nhóm người đó thối lui lại và té xuống đất (Giăng 18:6). Lời phán của Chúa có năng lực đánh bại kẻ thù trong ngày chiến trận sau cùng.

“Ngài sẽ đánh thế gian bằng cái gậy của miệng mình, và lấy hơi thở nơi môi mà giết kẻ ác”  (Ê-sai 11:4)

“Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó, Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm”  (Thi Thiên 2:9)

Các dân mà Chúa Jesus sẽ dùng Lời phán từ môi miệng Ngài để đánh là quân đội của 10 nước thuộc Liên minh Châu Âu và có thể gồm quân đội của nhiều quốc gia khác nữa, những đạo quân nầy đang vây đánh dân Do Thái nhằm tiêu diệt dân của Đức Chúa Trời.

+ Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng: Nói đến sự đoán phạt của Chúa Jesus giáng xuống những người chống đối Ngài trong ngày Ngài tái lâm:

“Ta đã giày đạp các dân trong cơn giận; đã khiến chúng nó say vì sự thạnh nộ ta, và đã đổ máu tươi chúng nó ra trên đất.” (Ê-sai 63:6)

+ Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu: Một trong những mục đích Chúa Jesus tái lâm là ngài sẽ xét đoán (dịch đúng hơn là “phán xét”) và chiến đấu với các thế lực trần gian bằng sự công chính. Khi Chúa Jesus đến trần gian lần thứ nhất, Chúa cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, con lừa tượng trưng cho sự hòa bình, Chúa đến không phải để gây chiến hay lên án nhưng để yêu thương và cứu giúp tội nhân, không phải bằng bạo lực nhưng bằng tình yêu. Nhưng lần nầy Chúa Jesus cỡi ngựa đến; ngựa tượng trưng cho sự chinh phục bởi chiến tranh, Chúa đến để tiêu diệt các thế lực quân sự của Kẻ Chống Chúa cũng như các đồng minh của hắn và quăng Kẻ Chống Chúa và Tiên Tri Giả vào hồ lửa đời đời.

“Tôi thấy con thú và các vua thế gian cùng những quân đội mình nhóm lại đặng tranh chiến với Đấng cỡi ngựa, và với đạo binh của Ngài. Nhưng con thú bị bắt và tiên tri giả là kẻ làm phép lạ trước mặt con thú, cả hai đều đương sống bị quăng xuống hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng”   (Khải Huyền 19:19,20)   

D. Các đạo binh trên trời.

Khi Chúa Jesus tái lâm trên đất, Ngài không đến một mình, nhưng có một đạo binh trên trời đi theo Ngài.

“Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài” (Khải Huyền 19:14)

1. Đạo binh trên trời gồm các thiên sứ (Angel):

“…Khi Đức Chúa Jesus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7)

     “Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh” (Ma-thi-ơ 25:31)

2. Đạo binh trên trời cũng có các thánh đồ (Saint): Gồm những người tin nhận Chúa Jesus, đã được Chúa đến trên không trung tiếp rước trước cơn đại nạn, bây giờ họ sẽ đi theo Chúa Jesus trở lại trần gian để cùng sống trong vương quốc ngàn năm bình an ngay trên đất.

“Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh (saints)…”  (Giu-đe 15)

“Bấy giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời (chỉ về Chúa Jesus) ta sẽ đến, hết thảy các thánh sẽ ở cùng người”   (Xa-cha-ri 14:5)

Đạo binh trên trời bao gồm thiên sứ và Hộii Thánh của. Chúng ta không thể nói chính xác có bao nhiêu thiên sứ và thánh đồ đi theo Chúa Jesus, nhưng con số phải lớn lắm, chỉ riêng thiên sứ thôi thì ít nhất cũng có 12 đạo thiên sứ, dựa theo Ma-thi-ơ 26:53, Khải Huyền 5:11 cho biết số thiên sứ có đến hàng muôn hàng ngàn (ten thousand times ten thousand, and thousands of thousands.)

E. Phản ứng của nhân loại.

Chúng ta biết Chúa Jesus sẽ tái lâm trong lúc thế giới đang trong cơn hoảng loạn, Thánh kinh cho chúng ta biết được đôi điều về thái độ của con người khi nhìn thấy cảnh tượng Chúa Jesus xuất hiện từ trên trời với sự vinh hiển của thiên đàng:

“Mọi dân tộc dưới dất sẽ đấm ngực (nên dịch là than khóc (mourn) thì đúng hơn), và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây mà xuống”  (Ma-thi-ơ 24:30)

“Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài.”   (Khải Huyền 1:7)

Khi Chúa Jesus đến trần gian lần thứ nhất, giới lãnh đạo Do Thái muốn giết Chúa Jesus nhưng họ không có quyền đó, họ đã âm mưu giao Chúa cho chính quyền La-mã để người La-mã xét xử và đóng đinh Chúa Jesus. Giăng thuật lại một tên lính La-mã đã lấy giáo đâm vào sườn Chúa Jesus khi Chúa đã chết trên thập tự.

Vậy, dân Do Thái đã phối hợp với chính quyền La-mã để tử hình Chúa Jesus, là Đấng Mê-si của họ. Dù tên lính La-mã đâm Chúa Jesus đã chết, các lãnh đạo tôn giáo người Do Thái kết tội Chúa không còn, nhưng người lính đó cũng như chính quyền La-mã thời đó và giới lãnh đạo Do Thái lúc đó được Chúa xem là những người đại diện cho các thế hệ về sau, nên Thánh Kinh cho biết khi Chúa tái lâm, những kẻ đã đâm Chúa cũng trông thấy Chúa. Người Do Thái sẽ than khóc khi nhìn thấy Chúa Jesus, vì lúc ấy họ nhìn thấy tận mắt Đấng Mê-si của họ mà họ thế hệ trước của họ đã giết và họ than khóc về những gì họ đã làm. Các chính quyền ngoại bang mà chính quyền La-mã làm đại diện sẽ than khóc khi nhìn thấy Chúa Jesus là Đấng mà họ đã đâm, họ than khóc vì đã giết đấng công bình và vô tội, quan tổng đốc của họ đã chẳng từng nói 3 lần về Chúa Jesus rằng “ta không tìm thấy người có tội lỗi chi” đó sao. Các dân tộc khác cũng than khóc khi họ tận mắt nhìn thấy Chúa Jesus, là Đấng cứu rỗi mà họ đã khước từ bấy lâu nay, họ không muốn Ngài bước vào cuộc đời của họ, bây giờ họ chỉ có thể than khóc mà thôi.

G. Địa điểm Chúa Jesus giáng lâm.

Địa điểm Chúa Jesus sẽ từ trời giáng xuống trong ngày Chúa tái lâm đã được tiên tri Xa-cha-ri cho biết:

“Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông; và núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa về phía đông và phía tây, đến nỗi thành ra một trũng rất lớn; phân nửa núi dời qua phương bắc, phân nửa dời qua phương nam.”  (Xa-cha-ri 14:4)

Địa điểm Chúa giáng lâm cũng được thiên sứ loan báo cho các môn đồ và hàng trăm người khác trong ngày Chúa Jesus thăng thiên:

“Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Jesus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi thấy Ngài lên trời vậy. Bấy giờ các người đó từ núi gọi là Ô-li-ve trở về thành Giê-ru-sa-lem.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:11,12)

Thiên sứ cho biết Chúa Jesus sẽ trở lại “giống như cách Chúa lên trời”, lúc đó Chúa Jesus đứng trên núi Ô-li-ve (Olives), từ địa điểm nầy Ngài được cất lên trời thì Chúa cũng sẽ giáng xuống ngay tại núi Ô-li-ve. Núi Ô-li-ve nằm về phía đông của thành Giê-ru-sa-lem.

Khi Chúa Jesus tái lâm, Ngài đặt chân lên núi Ô-li-ve, sẽ xãy ra trận động đất rất lớn đến nỗi núi bị xé ra làm hai (Xa-cha-ri 4:4). Vào khoảng năm 1980, người ta gửi một nhóm gồm những kỹ sư xây dựng và các nhà địa chất học đến Giê-ru-sa-lem để thực hiện dự án xây một khách sạn trên đỉnh núi Ô-li-ve, sau khi khảo sát địa điểm cẩn thận, các nhà khoa học đi đến kết luận là không thể xây khách sạn trên núi Ô-li-ve được, vì núi ô-li-ve nằm ngay trung tâm địa chấn, điều nầy có nghĩa là chỉ cần một cơn động đất là đủ làm sập cả khách sạn.


Tháng 1, 2010