Khải Huyền Chương 5 (Phần 3)

                                                                      Trần Đình Tâm

 

                                                      Sự Thờ Phượng Chiên Con

 

Chương 4 của sách Khải Huyền trình bày quang cảnh bốn sinh vật (Sê-ra-phim) và 24 trưởng lão thờ phượng Đấng ngự trên Ngôi, là Đấng tạo dựng nên muôn vật. Trong chương 5, chúng ta chứng kiến một sự thờ phượng khác, cũng diễn ra chung quanh Ngôi, nhưng có thêm những đặc điểm khác so với cuộc thờ phượng trong chương 4 như sau:

+ Sự thờ phượng ở chương 5 hướng về CHIÊN CON, là Chúa Jesus Christ (5:9,12,13).

+ Ngoài bốn sê-ra-phim24 trưởng lão (5:8), còn có sự tham dự của tất cả các thiên sứ trên trời (5:11) và toàn thể tạo vật (5:13), tạo thành những vòng tròn đồng tâm mà Ngôi ở chính giữa. Hình sau đây minh họa sự tổ chức cuộc thờ phượng Đấng ngự trên Ngôi và Chiên Con:

 

 

 

5:8:

“Khi lấy sách, bốn con sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con, mỗi người cầm một cây đàn cầm và những bình vàng đầy hương; đó là những lời cầu nguyện của các thánh đồ.”

Nguyên nhân dẫn đến sự thờ phượng được chi phối bởi sự kiện quan trọng xãy ra trước đó trong câu 7: “Chiên Con bước tới, lấy cuộn sách ở tay hữu Đấng ngự trên ngôi.” Như vậy, chúng ta thấy thời điểm bắt đầu cuộc thờ phượng trên thiên đàng là lúc Chiên Con nhận lấy cuộn sách có bảy ấn.

 

Trong chương 4, các Sê-ra-phim và 24 trưởng lão sấp mình xuống trước Đấng ngự trên Ngôi, nhưng lần nầy họ sấp mình xuống trước Chiên Con để thờ lạy. Có 3 điều liên quan đến sự thờ phượng của các trưởng lão mà chúng ta cần chú ý:

1. Đàn cầm.

2. Chén vàng đựng đầy hương.

3. Bài ca mới.

Đàn cầm (harp) (κιθάραν):

Đàn cầm còn gọi là đàn hạc, đây là một loại nhạc khí được nói đến nhiều hơn các loại khác trong Cựu Ước. Đàn cầm được sử dụng từ lâu đời trong thời của Gióp: “Hát múa theo tiếng trống nhỏ và đàn cầm, và vui mừng theo tiếng kèn sáo.” (Gióp 21:12). Dân Y-sơ-ra-ên thường dùng đàn cầm và các loại nhạc cụ khác trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời (I Sử Ký 16:5; II Sử Ký 20:28; Nê-hê-mi 12:27; Thi Thiên 33:2).

Vua Đa-vít chơi đàn cầm rất hay, ông thường dùng đàn cầm để ngợi khen Chúa: “Bấy giờ tôi sẽ đi đến bàn thờ Đức Chúa Trời, tức đến cùng Đức Chúa Trời, là sự rất vui mừng của tôi: Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ lấy đàn cầm mà ngợi khen Chúa.” (Thi Thiên 43:4)

Mỗi khi vua Sau-lơ bị ác thần nhập vào, Đa-vít đánh đàn cầm cho vua nghe, thì ác thần liền ra khỏi Sau-lơ: “Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ, thì Đa-vít lấy đàn (đàn cầm) và gảy. Sau-lơ bèn được an ủi, lành mạnh, và ác thần lìa khỏi người.” (I sa-mu-ên 16:23)

Đặc biệt, trong thời vua Đa-vít, một số người phục vụ trong đền thờ dùng đàn cầm hổ trợ cho sự nói tiên tri: “Về con trai của Giê-đu-thun có Ghê-đa-lia, và Si-mê-i, là sáu người đều ở dưới quyền cai quản của cha chúng, là Giê-đu-thun, dùng đàn cầm mà nói tiên tri.” (I Sử Ký 25:3)

Có lẽ vì những lý do trên, mà chúng ta thấy đàn cầm giữ một vị trí quan trọng hơn hết so với các loại nhạc khí khác, đàn cầm là nhạc cụ duy nhất được nói đến trong sự thờ phượng trên thiên đàng. Trong sách Khải Huyền, đàn cầm được đề cập đến 3 lần trong sự thờ phượng Chúa: 5:8; 14:2; 15:2. Khải Huyền 15:2 cho biết đàn cầm dùng trên thiên đàng là đàn cầm của Đức Chúa Trời (harps of God). Khải Huyền 18:22 có nói đến đàn cầm, nhưng đây là đàn cầm do con người chế tạo, không phải đàn của thiên đàng.

                 

          Đàn cầm thời Cựu Ước                                       Đàn cầm hiện đại

Ngoài ra chúng ta cần lưu ý rằng chỉ có các trưởng lão dùng đàn cầm để thờ phượng Chúa mà thôi; các Sê-ra-phim, Chê-ru-bim và tất cả các thiên sứ khác đều không dùng đàn cầm để tôn vinh Chúa. Do đó, các tranh vẽ thiên sứ cầm đàn cầm trong tay mà chúng ta thường thấy trong sách báo, thiệp … là hoàn toàn không đúng Kinh Thánh.

           

Hình vẽ thiên sứ cầm đàn cầm là không đúng theo Kinh Thánh.

Chén vàng (golden bowl) đựng đầy hương, đó là những lời cầu nguyện của các thánh:

Các trưởng lão cầm chén vàng (bowl) chứ không phải bình vàng như bản dịch Kinh Thánh dùng.

Hương (Incense) là khói có mùi thơm dễ chịu tỏa ra từ một vật liệu có mùi thơm được đốt lên. Chính trong câu nầy của Khải Huyền cũng giải thích rõ ý nghĩa của hương đựng trong chén vàng làm biểu tượng cho lời cầu nguyện của các thánh đồ.

Trong thời Luật Pháp, Chúa truyền dạy thầy tế lễ trong đền thờ phải xông hương hằng ngày tại bàn thờ xông hương ngay trước bức màn ngăn cách với nơi chí thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:8). Lu-ca chương 1 ghi lại câu chuyện thầy tế lễ Xa-cha-ri đang khi dâng hương trong đền thờ, thì ở bên ngoài có nhiều người họp lại cầu nguyện: “Đang giờ dâng hương, cả đoàn dân đông đều ở ngoài cầu nguyện.” (Lu-ca 1:10)

Vua Đa-vít ví sánh lời cầu nguyện của ông như hương bay lên thấu đến Ngôi Chúa: “Nguyện lời cầu nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương. Nguyện sự giơ tay tôi lên được giống như của lễ buổi chiều!” (Thi Thiên 141:2).

Chúng ta cần tìm hiểu vấn đề sau đây: Hình ảnh chén vàng đựng đầy hương, là lời cầu nguyện của các thánh đồ có phải chỉ về các lời cầu nguyện của các Cơ-đốc nhân trong thời đại Hội Thánh ngày nay? hay chỉ về lời cầu nguyện trong trường hợp đặc biệt nào đó? Ai là người cầm các chén vàng đựng đầy hương? Ấy là 24 trưởng lão. Chúng ta đã biết 24 trưởng lão làm hình bóng về Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, họ đang hiện diện chung quanh Ngôi, như vậy, lời cầu nguyện của các thánh đồ không thể chỉ về lời cầu nguyện của các con cái Chúa thuộc về Hội Thánh hôm nay. Vì Hội Thánh trên thế gian đã được Chúa Jesus đem đi, nên những lời cầu nguyện của các thánh đồ ở đây phải là lời cầu nguyện của các thánh đồ (saint) trong cơn đại nạn, họ là những người tin Chúa trong cơn đại nạn, họ bị bắt bớ và bị giết bởi Antichrist và bởi Đại Dâm Phụ trong cơn đại nạn (Khải Huyền 6:9,10; 8:3,4; 12:11; 17:6).

5:9:

“Họ hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước.”

 Ai hát một bài ca mới?

Sự thờ phượng Chiên Con khởi đầu bởi một bài ca mới, nhưng trước hết, cần xác định ai cất tiếng hát bài ca nầy? Các Sê-ra-phim hay 24 trưởng lão hát? Vì câu 8 trước đó cho biết bốn con sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con.

Một số nhà giải nghĩa Khải Huyền cho rằng bốn con sinh vật và 24 trưởng lão cùng hát. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng chỉ có 24 trưởng lão đại diện cho những người đã từng kinh nghiệm về sự tha thứ, từng trải sự cứu rỗi bởi huyết Chúa Jesus, cất tiếng hát bài ca mới mà thôi. Các thiên sứ không có kinh nghiệm nầy nên không hát. Chỉ có con người được Chúa ban cho khả năng ca hát, và nhất là ca hát để cảm tạ và ngợi khen Chúa: “Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới, tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi.” (Thi Thiên 40:3).

Bài ca mới:

Tại sao bài ca (song) mà các trưởng lão hát được gọi là bài ca mới (new song)? Trong sách Thi Thiên, chúng ta gặp nhiều lần tác giả có nói Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một “bài ca mới” (Thi Thiên 33:3; 96:1; 98:1; 149:1). “Bài ca mới” trong Thi Thiên phải là những lời cảm tạ và chúc tụng Chúa mỗi ngày của con cái Chúa, vì mỗi ngày là một ngày mới,  sự từng trải thuộc linh luôn mới, nên các bài ca cảm tạ luôn là bài ca mới.

“Bài ca mới” trong Khải Huyền có ý nghĩa khác, đây là bài ca của những người đã được cứu và đã được cất lên khỏi cơn đại nạn, do đó, bài ca nầy được gọi là bài ca mới. Các bài thánh ca mà con cái Chúa hát tôn vinh Chúa ngày nay là bài ca của những người đang sống trên đất, đang trông chờ ngày Chúa Jesus hiện ra. Bài ca mà các trưởng lão hát là bài ca mới vì được hát trên thiên đàng.

Ngài xứng đáng lấy quyển sách và mở những ấn ra:

Trong bài học trước (Khải Huyền 5:5), chúng ta đã biết chỉ có Chúa Jesus, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, đã bị giết, xứng đáng mở các ấn của cuốn sách. Trong bài ca mới mà các trưởng lão hát (Khải Huyền 5:9,10), chúng ta học biết thêm một vài điều quan trọng về Chúa Jesus như sau:

Ngài lấy huyết mình mà chuộc chúng tôi cho Đức Chúa Trời.

Cụm từ “Huyết Chúa Jesus” là một thành ngữ rất tuyệt vời chỉ về sự chết của Chúa Jesus. Huyết Chúa Jesus đã đổ ra trên thập giá có nhiều công dụng trên đời sống của chúng ta, ở đây chúng ta chỉ chú ý đến một trong nhiều tác dụng của huyết mà thôi: Huyết của Chúa Jesus để mua chuộc (redeem) chúng ta.

[bản dịch KJV, HCSB dùng từ ngữ “redeem” có nghĩa là “chuộc” thì rất chính xác; các bản khác như NIV, NASB, Amplified … dùng từ “purchase” có nghĩa là “mua” thì không chính xác]

Chuộc (redeem) có hai ý nghĩa:

1/ Trả xong một khoản nợ. Ví dụ: Một người mắc nợ nhưng không có khả năng chi trả. Có một vị ân nhân sẵn sàng trả hết số nợ cho người đó. Trong trường hợp nầy, người bị mắc nợ không còn mắc nợ nữa vì được kể là đã trả xong, nợ đã được xóa.

Chúa Jesus đã chuộc chúng ta theo ý nghĩa ấy: Tất cả mọi người đều bị Đức Chúa Trời kể là tội nhân, là tội do A-đam lưu truyền lại (Rô-ma 5:12). Nhưng Chúa Jesus dùng huyết Ngài để chuộc chúng ta, tức là làm cho chúng ta trở nên vô tội (được xưng công bình) trước mặt Đức Chúa Trời. Huyết Chúa đã xóa hoàn toàn tội của chúng ta do A-đam truyền lại, I Phi-e-rơ 1:18,19 chứng minh điều nầy: “Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc (redeem) khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít.”

2/ Trả một cái giá để lấy lại món đồ trước đó là của mình. Ví dụ: Chúng ta đến tiệm cầm đồ để cầm cái đồng hồ vì cần tiền chi tiêu. Sau một thời gian, chúng ta không có khả năng để mua chuộc lại cái đồng hồ của mình, nhưng có vị ân nhân sẵn lòng chịu bỏ tiền của họ ra để chuộc lại cái đồng hồ cho chúng ta. Trong Lê-vi Ký 25:24-25, Chúa truyền dạy dân Y-sơ-ra-ên, nếu có người nào nghèo khó phải bán sản nghiệp của mình, thì người bà con gần có quyền chuộc lại cho người nghèo đó phần sản nghiệp của họ. Trong trường hợp nầy, người đáng lẽ phải mất tài sản lại được trở lại mà không phải mất đồng nào.

Sau khi A-đam phạm tội, A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Tội lỗi đã làm cho con người ngăn cách với Đức Chúa Trời, con người đánh mất mối tương giao với Đức Chúa Trời. Với bản chất con người bị tội làm hư hỏng, con người không thể tự mình làm bất điều gì để nối lại mối tương giao nầy, chỉ có Huyết Chúa Jesus mới có tác dụng hàn gắn mối tương quan bị gãy vỡ, đem con người trở lại với Đức Chúa Trời. Con người có lại điều mà mình đã mất chỉ bởi đức tin nơi Chúa Jesus: “Và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời. Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được.”

Từ mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc, mọi nước.

Bộ tộc (tribe, kindred) hay còn gọi là chi phái, chi tộc, bộ lạc: Chỉ về cộng đồng loài người, có cùng chung một tôn giáo, phong tục tập quán, ngôn ngữ. Hiện nay Châu Phi có khoảng 3.000 bộ tộc, ở Mỹ có 562, ở Kenya có 42, ở Do Thái có 12 (nếu không kể chi phái Lê-vi) v.v…

Tiếng nói (language): Chỉ về phương diện ngôn ngữ của con người. Hiện nay trên thế giới có khoảng 6.500 ngôn ngữ khác nhau.

Dân tộc (people): Chỉ về phương diện chủng tộc loài người trên thế giới, có liên quan đến sự khác biệt về màu da

Nước (nation) hay quốc gia: Chỉ về phương diện lãnh thổ của loài người. Hiện nay trên toàn thế giới có 195 quốc gia.

Huyết Chúa Jesus đã đổ ra để chuộc tất cả mọi người từ các bộ tộc, các ngôn ngữ, các chủng tộc và các quốc gia, tức là bao gồm TẤT CẢ thế giới loài người (world): Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.” (I Giăng 2:2). Tình yêu của Chúa Jesus vượt qua mọi ranh giới về cộng đồng, về ngôn ngữ, về chủng tộc và về lãnh thổ, mà 4 yếu tố ấy vốn là những ranh giới tạo nên sự ngăn cách và sự thù hằn giữa con người với nhau. Bốn yếu tố đó gợi cho chúng ta nhớ đến tình yêu của Chúa Jesus được sứ đồ Phao-lô mô tả cũng có bốn bề: 1/ Bề rộng, 2/ Bề dài, 3/ Bề cao, 4/ bề sâu (Ê-phê-sô 3:18). Điều nầy cho thấy tình yêu của Chúa Jesus cao rộng, bao la, sâu thẳm như thế nào.

5:10:

“Và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất.”

Vấn đề liên quan đến bản dịch Kinh Thánh:

Có một vấn đề về bản dịch Kinh Thánh cần làm sáng tỏ. Nếu chúng ta đọc câu 10 nêu trên một cách cẩn thận, chúng ta sẽ nhận thấy cụm từ “những người ấy” trong mệnh đề “Ngài đã làm cho những người ấy không đúng với văn mạch và ngữ cảnh. Vì chúng ta đã biết các trưởng lão (đại diện cho những người được cứu đang hiện diện trước Ngôi), đang hát ra những lời lẽ trong câu 9 và 10, những lời nầy chỉ rõ chính các trưởng lão sẽ là những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời và chính các trưởng lão, chứ không phải ai khác, sẽ được đồng trị với Chúa Jesus trong Vương Quốc của Ngài. Như vậy, cụm từ “những người ấy” nên hiệu chỉnh lại thành “chúng tôi” vì chính các trưởng lão nói về chính mình . Hầu hết các bản Kinh Thánh Việt Ngữ (Bản Truyền Thống 1926; Bản Truyền Thống Hiệu Đính; Bản Dịch Mới 2008; Bản Dịch 2011) đều dịch là “những người ấy” hay “họ” (Ngôi thứ ba số nhiều, tương đương với “them” trong Anh Ngữ), vì đã dịch theo một số Bản Anh Ngữ như NIV; ESV, NASB, HCSB … Tuy nhiên, Bản King James dùng “us” (có nghĩa “chúng tôi”, ngôi thứ nhất số nhiều) chính xác hơn. Như vậy, Khải Huyền 5:10 nên dịch lại cho đúng như sau: “Và Ngài đã làm cho chúng tôi nên nước Ngài, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời: Chúng tôi sẽ trị vì trên đất.”. Cách dịch nầy đúng với văn mạch và văn cảnh, cũng phù hợp với Khải Huyền 1:6: “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài.”

Chúng tôi sẽ trị vì trên đất:

Các trưởng lão hát bài ca mới, lời bài ca cho thấy chương trình của Đức Chúa Trời: Ngài sẽ thành lập Vương Quốc của Ngài không phải trên trời nhưng trên đất. Sau khi chấm dứt bảy năm đại nạn trên đất, Chúa Jesus sẽ tái lâm trên đất cùng với Hội Thánh của Ngài để thành lập Nước Ngài. Vương Quốc của Chúa Jesus được các tiên tri thời Cựu Ước nói đến nhiều lần, sách đề cập nhiều nhất là Ê-sai.

Những người tin Chúa Jesus sẽ là những người được chọn làm thầy tế lễ và sẽ được cùng trị vì với Chúa Jesus: “Nhưng anh em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 2:9), Phao-lô nói thêm trong II Ti-mô-thê 2:12: “lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị.”

5:11,12:

“Đoạn, tôi nhìn xem, nghe bốn bên ngôi và các sanh vật cùng các trưởng lão, có tiếng của vô số thiên sứ; thiên sứ hàng muôn hàng ngàn, đồng nói lên một tiếng lớn rằng: Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!”

Sự thờ phượng Chiên Con:

Giăng mô tả cuộc thờ phượng chung quanh Ngôi. Câu 11 cho thấy có ba thành phần của tạo vật cùng tham dự cuộc thờ phượng được liệt kê như sau: 1/ Chung quanh Ngôi là Bốn sanh vật (Sê-ra-phim), 2/ Kế đến là 24 trưởng lão; 3/ Vòng ngoài cùng gồm vô số các thiên sứ, rất nhiều thiên sứ đến nỗi không thể đếm được. Tất cả đều đồng lòng hướng về Chiên Con, là Chúa Jesus, đã chịu chết, nay đang sống và hiện diện giữa Ngôi. Bài chúc tụng bao gồm 7 đặc tính của Chiên Con:

1. Quyền phép (Power); 2. Giàu Có (Riches); 3. Khôn Ngoan (Wisdom); 4. Năng Lực (Strength); 5. Tôn Quý (Honour); 6. Vinh Hiển (Glory); 7. Ngợi Khen (Praise).

Đồng nói lên một tiếng lớn:

Khác với 5:9 đã được dẫn giải bên trên, tức là chỉ có 24 trưởng lão hát một bài ca mới, lần nầy có cả sự tham dự của các Sê-ra-phim và các thiên sứ, là tạo vật không hát, nhưng nói để tôn vinh Chúa. Bản Việt Ngữ dịch “Đồng hát lớn tiếng” (Truyền Thống Hiệu Đính) thì không chính xác, hầu hết các Bản Anh Ngữ thông dụng đều ghi Saying (nói) with a loud voice”. Trong đêm Chúa Jesus giáng sinh, các thiên sứ ca tụng Chúa bằng lời nói, chứ không hát như bấy lâu nay chúng ta tưởng (Lu-ca 2:13).

5:13,14:

“Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!”

“Rồi bốn con sanh vật đều nói: A-men. Và các trưởng lão sấp mình xuống mà thờ lạy.”

Sự thờ phượng Đấng Ngồi trên Ngôi và Chiên Con:

Sau lời chúc tụng Chiên Con từ các Sê-ra-phim, các trưởng lão và các thiên sứ, bây giờ đến lời chúc tụng Đấng ngồi trên NgôiChiên Con của toàn thể sinh vật trong vũ trụ, bao gồm mọi tạo vật từ: 1. Trên trời; 2. Trên mặt đất; 3. Bên dưới đất; 4. Trên biển.

Trong Thi Thiên 148, Đa-vít đề cập đến sự ngợi khen Chúa của các tạo vật: Trên trời: Các thiên sứ; mặt trời, mặt trăng, ngôi sao; Trên đất: Loài người; thú vật; chim trời; đồi núi; cây cối; Trên biển: Cá; các sinh vật sống trong biển v.v…

Trong Phi-líp 2:10,11, Phao-lô trình bày bức tranh ngày sau cùng: Mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất sẽ phải xưng Jesus Christ là Cứu Chúa và ngượi khen Đức Chúa Trời là Cha.

Ngày hôm nay, còn rất nhiều người chối bỏ Đấng Tạo Hóa, khước từ Chúa Jesus là Đấng Cứu Chuộc, nhưng trong ngày sau cùng, khi kẻ ác bị ném vào hồ lửa mà không còn có cơ hội thờ phượng Chúa nữa; lúc ấy, muôn vật sẽ được thay mới, những người tin Chúa Jesus sẽ cùng với muôn loài vạn vật cùng chúc tụng Chúa và sẽ ở trong sự hiện diện vinh hiển của Chúa mãi mãi.

 

Tháng 11, 2016

tamtran1561@yahoo.com