TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC LỜI TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH

Trần Đình Tâm

 

Các lời tiên tri trong Kinh Thánh đã không được chú ý đúng mực.

 Đa số các con dân Chúa trong các Hội Thánh ngày nay rất ít chú ý đến việc tìm hiểu, suy gẫm các lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta có thể nêu lên một số nguyên do sau  đây:

+ Lý do đầu tiên có thể kể là từ trách nhiệm của những người giữ công tác giảng dạy trong các Hội Thánh. Nếu những người giữ trách nhiệm giảng dạy Thánh Kinh không quan tâm đến các lời tiên tri, không chú tâm học hỏi, nghiên cứu để rồi chia xẻ lại cho tín hữu thì lẽ đương nhiên, các tín hữu cũng không có lý do gì để mà chú ý đến đề tài nầy. Hầu hết các bài học Kinh Thánh được giảng ra từ tòa giảng thường hướng đến các vấn đề sống đạo là chủ yếu; điều nầy rất tốt nhưng không phải vì vậy mà bỏ qua việc học hỏi các sách tiên tri trong Kinh Thánh.

+ Lý do thứ hai là vì các sách tiên tri thường khó hiểu. Nhận xét nầy đúng vì lời tiên tri về ngày sau cùng là một chủ đề khó hiểu nên khó giải thích. Sách Khải Huyền là một ví dụ, có quá nhiều biểu tượng để có thể hiểu đúng. Các sách tiên tri trong Cựu Ước cũng chứa đựng nhiều lời tiên tri mầu nhiệm khó hiểu. Chính vì sự khó khăn trong việc thông giải các lời tiên tri đã khiến cho con dân Chúa cũng như các vị giảng dạy Kinh Thánh xa lánh các sách tiên tri, vì cho rằng sự giải thích sai ý nghĩa của lời tiên tri khiến người nghe cũng hiểu sai, từ đó đưa đến quan niệm cho rằng chẳng thà là không biết còn hơn là biết không đúng! Tuy nhiên sự khó hiểu của các lời tiên tri không có nghĩa là chúng ta nên tránh xa nó. Đức Chúa Trời không bao giờ vừa ban cho chúng ta các sách tiên tri và đồng thời cũng không muốn chúng ta hiểu biết các lời tiên tri ấy! Ngài muốn chúng ta đọc, nghe và giữ vào lòng những lời tiên tri trong sách Khải Huyền (Khải Huyền 1:3; 22:7).

+ Lý do thứ ba, là quan niệm cho rằng các lời tiên tri về ngày sau cùng không quan trọng, không thực tế nên không cần thiết phải để thì giờ nghiên cứu làm chi, vì… chương trình mà Đức Chúa Trời đã dự định sẽ xãy ra thì sẽ phải xãy ra! Sự hiểu biết lời tiên tri không làm thay đổi được những gì Chúa đã định trước! Vả lại, các con dân Chúa đều cho rằng một khi đã tin nhận Chúa Jesus rồi thì chắc sẽ được cứu! Không cần phải bận tâm đến các lời tiên tri vốn đã khó hiểu mà cũng chưa chắc đã hiểu đúng! Chúng ta đừng quên rằng Chúa Jesus thường xuyên cảnh báo các môn đồ: “hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến” hay “các ngươi phải chực cho sẵn” (Ma-thi-ơ 24:42,44; 25:10,13). Nếu chúng ta cho rằng khi Chúa trở lại mình sẽ được cứu, điều nầy không liên quan gì đến việc bắt buộc phải tìm hiểu các lời tiên tri; nếu đúng như vậy thì tại sao Chúa Jesus cảnh báo chúng ta phải “tỉnh thức” và “chực cho sẵn”???

+ Lý do thứ tư, là có nhiều cách giải nghĩa khác nhau về một lời tiên tri nào đó. Một số người đã thành thật chú tâm vào việc học hỏi một vấn đề nào đó, và nhận được những sự giải nghĩa khác nhau, điều nầy có thể làm nản lòng những ai bắt đầu tìm hiểu. Tuy vậy, không nên để cho điều nầy cản trở lòng nhiệt tình muốn hiểu biết Lời Chúa. Những người giải nghĩa cũng như người lắng nghe, cả hai cần có tinh thần khao khát tìm kiếm chân lý và tấm lòng khiêm cung trước mặt Chúa, thì chắc mới được Đức Thánh Linh soi dẫn để hiểu được lời mầu nhiệm.

+ Cuối cùng, là có quan niệm cho rằng công tác truyền bá Phúc Âm cho người đang hư mất thì quan trọng hơn việc nghiên cứu các lời tiên tri. Quan niệm nầy thật sự khiến cho nhiều Cơ-đốc nhân dù có tinh thần sốt sắng hầu việc Chúa, cũng đã tỏ ra hững hờ với các lời tiên tri. Rao truyền Tin Lành là điều đúng, nhưng chúng ta cần nhận ra rằng sự hiểu biết lời tiên tri sẽ giúp rất nhiều trong sự truyền giảng Tin Lành, các lời tiên tri sẽ hổ trợ rất tốt cho công tác truyền giảng, lời tiên tri có tác dụng kêu gọi tội nhân ăn năn tin nhận Chúa Jesus.

Tại sao chúng ta cần nghiên cứu các lời tiên tri trong Kinh Thánh.

Sự nghiên cứu các lời tiên tri là điều cần thiết và mang đến nhiều lợi ích cho chúng ta hơn chúng ta thường suy tưởng. Chúng ta có thể kể ra những lợi ích sau:

+ Các lời tiên tri là một phần trong toàn bộ Lời của Đức Chúa Trời mà chúng ta không thể cho rằng nó không quan trọng và tách riêng nó ra. Có đến 25% trong toàn bộ các sự dạy dỗ trong Kinh Thánh là các lời tiên tri. Có 20% trong tổng số 66 sách là các sách tiên tri. Thử lấy ra khỏi Kinh Thánh tất cả những câu, những đoạn và những sách có liên quan đến lời tiên tri thì Kinh Thánh còn lại những gì? Thử tưởng tượng một người làm nghề bác sĩ y khoa mà không hiểu biết đến 25% các chức năng của các bộ phận trong cơ thể con người thì liệu chúng ta có tin cậy vị bác sĩ đó không? Khi II Ti-mô-thê 3:16 nói “CẢ Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” thì chúng ta phải hiểu rằng các sách tiên tri, các lời tiên tri cũng được Đức Chúa Trời soi dẫn và cũng có ích cho sự dạy dỗ, cho sự bẻ trách, cho sự sửa trị và dạy người trong sự công bình như những sách khác vậy.

+ Đức Chúa Trời hứa ban phước cho những ai học hỏi các lời tiên tri: Trong phần mở đầu của sách Khải Huyền, có lời Chúa hứa: “Phước cho những người đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi.” (Khải Huyền 1:3). Chúa biết trước càng gần đến thì giờ Chúa trở lại, sẽ có nhiều con dân Chúa thờ ơ với các lời tiên tri nên Chúa đã kêu gọi chúng ta tìm hiểu và vâng giữ các lời tiên tri. Những ai yêu mến Lời Chúa thì cũng yêu mến các lời tiên tri; trong khi nghiên cứu, suy gẫm sẽ nhận được ơn phước thuộc linh như lời Chúa hứa. Công việc nghiên cứu lời tiên tri là khó nhọc, cần nhiều thời gian cầu nguyện, nhiều thời gian suy gẫm, nhiều thời gian học hỏi hơn so với những vấn đế khác, nhưng bù lại thì phước hạnh nhận được sẽ dồi dào hơn. Trong phần cuối của sách Khải Huyền, Sứ Đồ Giăng một lần nữa, nhắc lại phước hạnh được ban cho người người vâng giữ các lời tiên tri: “Kìa, Ta đến mau chóng. Phước thay cho người nào giữ những lời tiên tri trong sách nầy.” (22:7) Làm thế nào có thể “giữ những lời tiên tri” nếu không bắt đầu bằng việc học hỏi các lời tiên tri một cách nghiêm túc. Rất nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay chưa kinh nghiệm được những ơn phước đặc biệt mà sách Khải Huyền mang đến vì không hết lòng tìm kiếm chân lý từ cuốn sách mầu nhiệm nầy.

+ Các lời tiên tri giúp chúng ta phát hiện hay phân biệt những sự dạy dỗ sai lạc của các giáo sư giả ngày càng gia tăng trong thời đại ngày nay. Đây là một lời tiên tri: “Vì sẽ có một thời kia người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình” (II Ti-mô-thê 4:3). Thời kỳ sau cùng sẽ xuất hiện nhiều giáo sư giả, tiên tri giả chuyên giảng dạy Kinh Thánh và sẽ có nhiều người tin theo. Những gì họ trình bày có thể thật lấy ra từ Thánh Kinh, nhưng những gì họ giảng dạy có thể không phải là Lời của Đức Chúa Trời.

+ Các lời tiên tri đem đến cho chúng ta sự tỉnh thức trong một thế giới đầy cám dỗ; đem đến sự an ủi trong cuộc sống đầy nhiễu nhương; đem đến sức mạnh trong cuộc sống đầy khó khăn, và đem đến niềm hy vọng cho ngày chúng ta gặp mặt Chúa Jesus. “Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Jesus Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào. Ngài sẽ khiến anh em được vững bền cho đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 1:7,8)

+ Các lời tiên tri giúp ích trong công việc truyền Tin Lành: Trước hết, lời tiên tri đem đến sự khích lệ cho người rao giảng, họ hăng hái hơn trong sự làm chứng vì biết rõ thế giới sẽ đi về đâu và biết rõ số phận của những người không tin sẽ ra sao. Lời tiên tri còn có tác dụng cảnh báo cho tội nhân biết ăn năn mà tin nhận Chúa Jesus.

Tháng 11 năm 2010