LỜI TIÊN TRI VỀ DÂN NGOẠI BANG

Trần Đình Tâm

Dẫn nhập:

“Họ (dân Do Thái) sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn”  (Lu-ca 21:24)

Đức Chúa Trời có chương trình chọn dân Do Thái, làm tuyển dân của Ngài mà qua dân tộc đó Đấng Mê-si sẽ ra đời; Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái xứ Ca-na-an làm đất nước của họ; Đức Chúa Trời ban cho họ Luật Pháp để khiến họ trở nên một dân tộc thánh và Đức Chúa Trời lập giao ước với tuyển dân của Ngài (Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 28 đến 30), giao ước đó quy định rõ ràng: nếu họ vâng giữ Luật pháp của Ngài, họ sẽ được ban phước; ngược lại, nếu họ không vâng lời, họ sẽ bị hình phạt. Lịch sử dân Do Thái trong thời Cựu Ước cho thấy họ đã nhiều lần vi phạm giao ước. Dù Đức Chúa Trời có sai các tiên tri cảnh cáo về tội lỗi của họ, kêu gọi họ ăn năn, nhưng họ không nghe; Kinh Thánh cho biết hình phạt nặng nề và bi đát nhất mà dân Do Thái đã phải gánh chịu, là họ bị dân tộc ngoại bang áp bức và bị lưu đày ở nước khác, Đức Chúa Trời đã hình phạt họ bằng cách “đuổi” họ ra khỏi xứ sở mà Ngài đã ban cho họ làm cơ nghiệp.

“Như các ngươi đã lìa bỏ ta và hầu việc các thần ngoại trong đất mình thể nào, thì các ngươi cũng sẽ hầu việc các dân ngoại trong một đất chẳng thuộc về mình thể ấy” (Giê-rê-mi 4:19)

Như vậy, dân ngoại (gentile) giữ một vai trò quan trọng trong kế hoạch “sửa trị” dân Do Thái của Đức Chúa Trời. Có một số dân tộc ngoại bang đặc biệt có liên quan đến lịch sử dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời dùng để thi hành sự đoán phạt trên tuyển dân của Ngài, và chương trình của Đức Chúa Trời đối với dân ngoại tiếp tục kéo dài cho đến thời kỳ cuối cùng của thế giới. Nhiều sách trong Cựu Ước có đề cập đến vai trò của dân ngoại bang, nhưng có thể nói sách Đa-ni-ên là đáng chú ý hơn hết.

A. Sách Đa-ni-ên và những lời tiên tri về ngày sau cùng.

Trước giả của sách Đa-ni-ên là Đa-ni-ên, ông là một người kính sợ Đức Chúa Tời, cùng hoàn cảnh với nhiều người khác trong chi phái Giu-đa, thuộc vương quốc Miền Nam, đã bị vua Nê-bu-cát-nết-sa bắt qua Ba-by-lôn làm phu tù vào năm 605 BC. Chính trong thời gian ở tại Ba-by-lôn, ông được Đức Chúa Trời cho thấy những khải tượng về những ngày sau cùng. Có thể nói sách Đa-ni-ên là sách “Khải Huyền” của Cựu Ước. Sách Đa-ni-ên được viết ra trong khoảng năm 537 BC.

Các lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên gồm hai chủ đề chính:

  1. Lời tiên tri về dân ngoại bang.

  2. Lời tiên tri về dân Do Thái.

Bài viết nầy chỉ nghiên cứu về lời tiên tri về dân ngoại, về lời tiên tri về dân Do Thái, xin đọc bài “Lời tiên tri về 70 tuần lễ” (cùng tác giả).

Lời tiên tri về dân ngoại bao gồm 2 khải tượng chính:

  1. Khải tượng (vision) của vua Nê-bu-cát-nết-sa về pho tượng.

  2. Khải tượng (vision) của Đa-ni-ên về bốn con thú.

Cả hai hai tượng đều mang ý nghĩa giống nhau.

B. Sự hiện thấy về pho tượng.

Đức Chúa Trời cho vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy khải tượng trong giấc chiêm bao như sau:

“Hỡi vua, vua nhìn xem, và nầy, có một pho tượng lớn. Pho tượng đó to lớn và rực rỡ lạ thường; đứng trước mặt vua, và hình dạng dữ tợn. Đầu pho tượng nầy bằng vàng ròng; Ngực và cánh tay bằng bạc; Bụngbắp vế bằng đồng; Ống chân bằng sắt; Và bàn chân thì một phần bằng sắt, một phần bằng đất sét.

 Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; Nhưng hòn đá đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất” (Đa-ni-ên 2:31-35)

1. Lời giải nghĩa của Đa-ni-ên:

Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Đa-ni-ên biết ý nghĩa của khải tượng về pho tượng, và ông đã giải thích cho vua Nê-bu-cát-nết sa như sau (tóm lược Đa-ni-ên 2:38-45):

- “Đầu bằng vàng”: Chỉ về chính vua Nê-bu-cát-nết-sa, được Đức Chúa Trời ban cho quyền thế lớn để cai trị đế quốc Ba-by-lôn.

- “Ngực và cánh tay bằng bạc”: Chỉ về một đế quốc nối tiếp đế quốc Ba-by-lôn, nhưng kém uy quyền hơn.

- “Bụng và bắp vế bằng đồng”: Chỉ về đế quốc thứ ba kế tiếp sẽ cai trị thế giới.

- “Ống chân bằng sắt”: Chỉ về một đế quốc kế tiếp sẽ thống trị thế giới.

- “Bàn chân và ngón chân nửa bằng sắt nửa bằng đất sét”: Là một nước sẽ phải phân chia ra, nước đó nửa mạnh nửa giòn vì là sắt và đất sét trộn lẫn nhau.

- “Hòn đá đập vỡ pho tượng và trở thành hòn núi lớn đầy khắp đất”: Chỉ về Vương quốc sẽ đến do Đức Chúa Trời thiết lập, vương quốc nấy sẽ đánh tan và hủy diệt các đế quốc trước và còn đến đời đời.

2. Sự ứng nghiệm của lời tiên tri về pho tượng theo dòng lịch sử:

Lời tiên tri của Đa-ni-ên về ý nghĩa của pho tượng có liên quan đến lịch sử các đế quốc nối tiếp nhau thống trị thế giới, khởi đầu từ vua Nê-bu-cát-nết-sa cho đến ngày Chúa Jesus tái lâm. Chúng ta có thể ghi nhận những đế quốc ngoại bang theo dòng lịch sử như sau:

a. Đầu bằng vàng: Đế quốc Ba-by-lôn (Babylon) do vua Nê-bu-cát-nết-sa cai trị.

Vào năm 605 BC, Nê-bu-cát-nết-sa đem quân đánh Giê-ru-sa-lem (đời vua Giê-hô-gia-kim), bắt một số dân Giu-đa đem qua Ba-by-lôn làm phu tù, trong số nầy có Đa-ni-ên và ba người bạn của ông (II Sử-ký 36:6,7).

Lần thứ 2, vào năm 597 TC, Nê-bu-cát-nết-sa đem quân đánh Giê-ru-sa-lem (đời vua Giê-hô-gia-kin), lấy tất cả những bửu vật trong đền thờ, những chiến sĩ, quan tướng, những người làm thợ, những người sang trọng đem qua Ba-by-lôn, chỉ chừa lại thường dân (II Các Vua 24:14-16).

Lần thứ 3, vào năm 586 TC, Nê-bu-cát-nết-sa đem quân đánh Giê-ru-sa-lem (đời vua Xê-đê-kia), thiêu đốt thành Giê-ru-sa-lem, đốt phá đền thờ, phá đổ các vách thành chung quanh Giê-ru-sa-lem, bắt đem đi tất cả dân Giu-đa còn lại, chỉ bỏ lại những người nghèo khổ hơn hết (II Các Vua 25:8-12).

Đặc điểm của đế quốc nầy là rất yêu chuộng vàng, được các nhà lịch sử mô tả như là một “đế quốc vàng”: ngai của Nê-bu-cát-nết-sa bằng vàng, nhà vua đã cho dựng tượng của mình bằng vàng để buộc người ta thờ lạy, Nê-bu-cát-nết-sa còn xây một đền thờ đồ sộ là Marduk, bên trong có làm tượng Bel bằng vàng đặc, hai tượng sư tử bằng vàng khối và những dụng cụ khác cũng toàn bằng vàng. Đế quốc Ba-by-lôn kéo dài từ 625 BC đến 538 BC.

b. Ngực và cánh tay bằng bạc: Đế quốc Mê-đô Ba Tư (Medo-Persians),

Đế quốc Mê-đô Ba Tư, khởi đầu với vua Si-ru (Cyrus) đã chinh phục đế quốc Ba-by-lôn. Lời giải nghĩa của Đa-ni-ên cho vua Nê-bu-cát-nết-sa về đế quốc nầy là “một nước khác, kém nước của vua” (câu 39). Đế quốc nầy “kém” hơn đế quốc Ba-by-lôn không có ý nói về sức mạnh quân sự hay về lãnh thổ nhưng “kém” hơn là vì đế quốc thứ hai nầy là sự “liên minh” của hai nước Mê-đô (Medes) và Ba Tư (Persians). Đế quốc nầy kéo dài từ 538 TC đến 330 TC. Đặc điểm của thời nầy là sự phát triển về hệ thống thuế. Người dân phải đóng thuế bằng bạc.

Các vị vua Ba Tư thường có cảm tình với dân Do Thái: Vua Si-ru cho phép dân Do Thái hồi hương và cho phép Xô-rô-ba-bên xây lại đền thờ; vua Ạt ta-xét-xe cho phép Nê-hê-mi xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem.

c. Bụng và bắp vế bằng đồng: Đế quốc Hy Lạp (Greek)

Đế quốc Hy-lạp  khởi đầu với sự cai trị của vua Alexandre. Đế quốc kéo dài từ 330 BC đến 146 BC. Đặc điểm của giai đoạn nầy là quân đội của đế quốc được trang bị áo giáp, mão trụ, thuẩn, gươm… tất cả đều bằng đồng.

Alexandre chỉ cai trị trong thời gian ngắn ngủi, ông qua đời năm 323 TC.

Antiochus Epiphane (175-164 TC), là vị vua Hy Lạp thuộc dòng Séleucos, ông nầy căm ghét người Do Thái, dùng đủ mọi cách để tiêu trừ tôn giáo của họ. Ông làm ô uế đền thờ bằng cách dâng một con heo cái trên bàn thờ và lập một bàn thờ cho thần Jupiter ngay trong đền thờ, cấm dân Do Thái làm phép cắt bì, tiêu hủy hết các bản sao Kinh Thánh mà ông tìm thấy, giết bất cứ ai cất giữ bản sao Kinh Thánh, áp dụng những khổ hình để buộc người Do Thái bỏ đạo. Trước tình hình đó, một nhóm người Do Thái yêu nước thuộc dòng họ Macchabées đứng lên khởi nghĩa chống lại, họ được xem như những vị anh hùng có khả năng đặc biệt về binh bị, họ triệu tập những người Do Thái yêu nước để chống lại kẻ thù, họ đánh thắng nhiều trận một cách lạ lùng, chiếm lại Giê-ru-sa-lem vào năm 165 BC, sau đó họ tổ chức lễ thanh tẩy đền thờ và dâng đền thờ cho Đức Chúa Trời. Từ đó, cứ mỗi năm, người Do Thái ghi nhớ biến cố đặc biệt nầy và đặt thành “Lễ Dâng Hiến Đền Thờ”, còn gọi là lễ Hanukkah. Trong Giăng 10:22,23 có thuật lại câu chuyện Chúa Jesus đi dạo trong đền thờ vào dịp lễ nầy. Bản Thánh Kinh tiếng Việt của Phan Khôi dịch là “lễ Khánh Thành đền thờ”.

Chúng ta thấy Kinh Thánh không đề cập đến sự kiện lịch sử nói trên, vì có một khoảng thời gian ngắt quảng giữa Cựu Ước và Tân Ước, gọi là “khoảng thời gian im lặng”. Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu các thông tin về khoảng thời gian nầy nhờ vào các văn kiện lịch sử của các sử gia ghi chép lại.

d. Ống chân bằng sắt: Đế quốc La Mã (Rome)

“Lại có một nước thứ tư mạnh như sắt; vì sắt hay đập vỡ và bắt phục mọi vật, thì nước ấy cũng sẽ đập vỡ và nghiền nát như là sắt vậy” (Đa-ni-ên 2:40)

Sắt chỉ về đế quốc La-mã. Đế quốc La Mã thật sự tỏ ra rất hùng mạnh hơn hẳn các đế quốc trước giống như sắt đập vỡ và nghiền nát mọi thứ vậy. Đế quốc kéo dài từ năm 146 BC đến 476 AD. Năm 364 AD, đế quốc La Mã bị chia đôi thành Đông đế quốc và Tây đế quốc (được tiêu biểu bởi 2 ống chân của pho tượng)

Năm 63 BC, xứ Pa-lét-tin (Palestin, nước Y-sơ-ra-ên ngày nay) bị chinh phục bởi quân La Mã do Pompée chỉ huy. Antipater, là người xứ Y-đu-mê (dân Ê-đôm, thuộc dòng dõi Ê-sau) được cử làm tổng trấn xứ Do Thái.

Hê-rốt đại đế, chính là con trai của Antipater, làm vua xứ Do Thái.

Vậy, Hê-rốt đại đế cai trị dân Do Thái khi Đức Chúa Jesus giáng sanh.

Hội Thánh cũng được thành lập trong thời đế quốc La Mã cai trị xứ Do Thái.

Đến đây, cần lưu ý một điều quan trọng là đế quốc La Mã đã chấm dứt vào năm 476 AD. Từ đó đến nay, là thời điểm của năm 2011, chúng ta không thấy xuất hiện một đế quốc thống trị thế giới nào nữa.

e. Bàn chân và ngón chân nửa bằng sắt, nửa bằng đất sét: Đế quốc cuối cùng.

Đối với lời tiên tri về “bàn chân và ngón chân” của pho tượng, Kinh Thánh đã mô tả dài dòng hơn, với nhiều chi tiết hơn so với những đế quốc trước, điều nầy nói lên tầm quan trọng đặc biệt của đế quốc nầy trong thời kỳ sau cùng của thế giới:

 “Còn như vua đã thấy bàn chânngón chân, nửa bằng đất sét nửa bằng sắt, ấy là một nước sẽ phải phân chia ra; nhưng trong nước đó sẽ có sức mạnh của sắt, theo như vua đã thấy sắt lộn với đất sét. Những ngón chân nửa sắt nửa đất sét, nước đó cũng nửa mạnh nửa giòn. Vua đã thấy sắt lộn với đất sét, ấy là chúng nó lộn nhau bởi giống loài người; song không dính cùng nhau, cũng như sắt không ăn với đất sét” (Đa-ni-ên 2:41-43)

Trước khi nhận diện đế quốc cuối cùng, chúng ta hãy để ý những đặc điểm của đế quốc nầy mà Kinh Thánh mô tả:

- “Bàn chân bằng sắt”: Bàn chân có cùng chất liệu với ống chân: đều là sắt, mà ống chân tiêu biểu cho đế quốc La Mã (đã trình bày bên trên). Như vậy, đế quốc nầy có liên quan đến đế quốc La Mã, có nguồn gốc từ đế quốc La Mã.

- “ngón chân”: Bàn chân và ngón chân chỉ về một nước sẽ phải phân chia ra (câu 41) giống như bàn chân phân chia ra 10 ngón chân. Như vậy, đế quốc nầy sẽ bao gồm 10 nước, hoặc từ trong đế quốc nầy sẽ ra 10 nước, và 10 nước nầy chịu ảnh hưởng bởi một nước chủ đạo.

- “nửa bằng đất sét, nửa bằng sắt”: Bàn chân và ngón chân gồm 2 chất liệu trộn lẫn nhau là sắt và đất sét, tức là một “nước nửa mạnh nửa giòn”: Đế quốc sẽ cai trị thế giới trên đường lối vừa độc tài (cứng rắn như sắt) vừa dân chủ (mềm dẻo và giòn như đất sét). Như vậy, mặc dù hiện nay đế quốc La Mã không còn tồn tại, nhưng vào thời kỳ sau cùng của thế giới, đế quốc La Mã sẽ phục hồi dưới hình thức của một liên minh gồm 10 nước (10 ngón chân làm hình bóng), khối liên hiệp 10 nước nầy sẽ cai trị thế giới trong thời kỳ cuối cùng với sự hòa hợp giữa chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa dân chủ.

Đế quốc La Mã tan rã vào 476, nhưng trên một ý nghĩa nào đó, nó chưa thật sự chết hẳn mà chỉ “ngủ im” cho đến một lúc nào đó nó sẽ “sống lại” với một hình thức khác. Hầu hết các nhà giải nghĩa Thánh Kinh cho rằng “đế quốc La Mã” đã và đang sống lại qua một kiểu “đế quốc” khác trong thời đại ngày nay, đó là hình thức của một liên minh gồm các nước Châu Âu. Chúng ta có thể nhận dạng nó là “Liên Hiệp Châu Âu” hay “Liên Minh Châu Âu” (European Union, viết tắt là EU), hiện nay đang hoạt động trên thế giới và không ngừng phát triển. Tổ chức nầy bắt đầu hình thành vào ngày 9-5-1950 với mục đích thống nhất các nước thành viên trong lãnh vực kinh tế và chính trị, lúc đó chỉ mới có 6 nước thành viên là Pháp, Phần Lan, Bỉ, Ý, Đức và Luxembourg, nước thứ 10 là Hy Lạp tham gia vào năm 1981. Cho đến thời điểm hiện nay (2011) tổng số các nước thành viên là 27 nước (còn 22 nước chưa tham gia). Ảnh hưởng của tổ chức Liên Hiệp Châu Âu ngày càng lan rộng trên toàn thế giới trên hai lãnh vực đặc trưng là kinh tế và chính trị. Tổ chức nầy còn có ý định phát triển quân sự trong tương lai, nếu đều nầy thật xãy ra, chúng ta sẽ thấy rõ hơn nữa sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Khải Huyền 17:12-14 đề cập đến cuộc chiến về mặt quân sự giữa “liên minh 10 vua” và Chúa Jesus cùng với đạo binh của Ngài khi Chúa Jesus trở lại trần gian.

Ngày 1 tháng 12 năm 2009 là ngày Hiến Pháp của Liên Minh Châu Âu lần đầu tiên được chính thức có hiệu lực. Hiến pháp nầy bao gồm các chính sách cải cách chính trị nhằm mục đích gia tăng ảnh hưởng của khối liên minh trên vũ đài chính trị của thế giới. Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt tuyên bố “Hôm nay (1-12-09) công dân của Liên Hiệp Châu Âu bước vào một kỷ nguyên mới”.

Chúng ta nhận thấy cho đến thời điểm nầy, con số 27 nước thành viên của tổ chức Liên Hiệp Châu Âu đã vượt qua con số 10 (10 ngón của bàn chân), như thế lời tiên tri có vẻ như “không đúng!” Chúng ta giải thích vấn đề nầy như thế nào?

Chúng ta không biết được chuyện gì sẽ xãy đến trong những ngày sau cùng, có thể đến một thời điểm nào đó, vì một biến cố nào đó, một số các nước thành viên sẽ rút tên ra chỉ còn lại 10 nước mà thôi? Hoặc số thành viên vẫn giữ nguyên 27 nước hoặc hơn (nếu có thêm các nước khác gia nhập) nhưng vào ngày sau cùng, sẽ chỉ có 10 nước liên kết với nhau cho mục đích đặc biệt như sự gải thích sau đây:

Chúng ta có thể căn cứ vào Khải Huyền 17:12 để dự đoán thời điểm xuất hiện của 10 nước:  “Mười sừng mà ngươi thấy là mười vua chưa nhận được vương quốc,  nhưng họ sẽ nhận được vương quyền cùng với con thú trong một giờ.  Nếu suy gẫm cụm từ “mười vua chưa nhận vương quốc và sẽ nhận vương quyền cùng với con thú trong một giờ”  sẽ thấy rằng 10 vua (hay 10 vị lãnh đạo của 10 nước) sẽ nhận nhận được quyền để hành động chỉ trong một giờ mà thôi, tức là chỉ trong thời gian rất ngắn. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể nhận diện được 10 nước đó một cách chính xác vào đúng thời điểm Chúa cho phép, mà thời điểm đó thì rất ngắn trước giờ họ hành động. Hơn nữa, 10 vua sẽ nhận quyền cùng lúc với “con thú” (con thú chỉ về “Kẻ Chống Chúa”, tức Antichrist) mà “con thú” thì chưa xuất đầu lộ diện và thời điểm nhận quyền của “con thú” và mười vua chỉ có thể xãy ra vào “tuần lễ thứ bảy mươi” mà thôi (Đón đọc bài “Lời tiên tri về 70 tuần lễ”). Cho nên chúng ta biết chắc rằng ngày hôm nay, chưa phải là thời điểm để xác định 10 nước nào thuộc Liên Minh sẽ được nhận quyền. Như vậy, với con số 27 nước thành viên của “Liên Minh Châu Âu” hiện nay không có nghĩa là lời tiên tri “bàn chân với 10 ngón” hay “con thú có 10 sừng” là không đúng, vì cho dù con số thành viên là bao nhiêu đi nữa thì đến đúng thời điểm, sẽ chỉ có 10 vua là nhận quyền mà thôi.

Trên đây chỉ là dự đoán, điều chắc chắn là khi những biến chuyển  trên thế giới xãy ra đúng thời điểm Chúa cho phép, lúc ấy chúng ta sẽ thấy lời tiên tri được ứng nghiệm một cách rõ ràng và chính xác.

g. Hòn đá đập nát pho tượng và hóa ra hòn núi lớn đầy khắp đất

 “Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát… nhưng hòn đá đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất.”  (câu 34,35)

- “Hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra”: Theo Luca 20:17 “Đức Chúa Jesus bèn ngó họ mà rằng: Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì? Hễ ai ngã nhằm đá nầy, thì sẽ bị giập nát; còn đá nầy ngã nhầm ai, thì sẽ giập người ấy. Chính giờ đó các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách giết Ngài, vì hiểu Ngài phán ví dụ ấy chỉ về mình và theo Công vụ 4:11, sứ đồ Phi-e-rơ được đầy dẫy Đức Thánh Linh mà giảng về Chúa Jesus rằng Jesus nầy là hòn đá bị các ông xây nhà bỏ ra, rồi trở nên hòn đá góc nhà”. Chính Chúa Jesus tuyên bố “hòn đá” chỉ về Ngài và Phi-e-rơ xác nhận “hòn đá” chính là Chúa Jesus.

- “Hòn đá đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét làm cho tan nát”:  Chính Chúa Jesus cùng với các đạo binh của Ngài từ trên trời hiện đến tiêu diệt tất cả tiềm năng về quân sự và quyền lực của liên minh 10 nước trong ngày Chúa Jesus tái lâm, biến cố nầy được mô tả chi tiết hơn ở Khải Huyền 19:11-21.

- “Hòn đá trở thành núi đầy khắp đất: Sau khi đánh tan mọi chính quyền của thế gian, Chúa Jesus sẽ thiết lập Vương Quốc của Ngài trên đất, chính Ngài sẽ cai trị trong sự chính trực và công bình. Vương Quốc nầy kéo dài 1000 năm (Khải Huyền 20:4-6).

C. Sự hiện thấy về bốn con thú.

Đa-ni-ên đoạn 7 ghi lại khải tượng về 4 con thú mà tiên tri Đa-ni-ên nhìn thấy trong giấc chiêm bao, bốn con thú ấy là: sư tử, gấu, beo và một con thú “kinh khủng, không tên, không thể kể nó thuộc loại thú gì”. Thật ra, khải tượng về 4 con thú nầy có ý nghĩa hoàn toàn giống như ý nghĩa của pho tượng mà chúng ta đã học ở trên, tức là 4 con thú tượng trưng cho 4 đế quốc thống trị thế giới theo thứ tự: Ba-by-lôn, Mê-đô Ba-tư, Hy-lạp và La-mã. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao Đức Chúa Trời lại dùng hai khải tượng khác nhau để chỉ dạy về cùng một bài học?

Vua Nê-bu-cát-nết-sa và Đa-ni-ên đều cùng thấy 4 đế quốc ngoại bang liên tiếp thống trị thế giới kể từ năm 625 TC cho đến khi Chúa Jesus tái lâm. Chúng ta biết vua Nê-bu-cát nết-sa là người ngoại bang, còn Đa-ni-ên là một người Giu-đa kính sợ Đức Chúa Trời. Từ đó chúng ta có thể nhận thấy sự khác nhau đặc biệt: Vua Ba-by-lôn nhìn thấy một pho tượng rực rỡ, to lớn, điều nầy nói lên cái nhìn bề ngoài của con người về các đế quốc ấy, đó là những đế quốc hùng mạnh, vinh quang, và đầy uy quyền; còn Đa-ni-ên lại nhìn thấy 4 con thú, điều nầy nói lên tầm nhìn của Đức Chúa Trời, vì Ngài nhìn thấy trong lòng, tức là các đế quốc nầy tuy nhìn bề ngoài thì hùng mạnh, vinh hiển nhưng bản chất bên trong là hư hoại, xấu xa và kiêu căng.

Sau đây là khải tượng mà Đa-ni-ên thấy trong chiêm bao (Đa-ni-ên đoạn 7):

- Con thú thứ nhất: Sư tử (câu 4), chỉ về đế quốc Ba-by-lôn.

- Con thú thứ hai: Gấu (câu 5), chỉ về đế quốc Mê-đô Ba Tư.

- Con thú thứ ba: Beo (câu 6), chỉ về đế quốc Hy Lạp.

- Con thú thứ tư: Con thú nầy rất đặc biệt, không tên vì không thể xếp vào bất cứ loại thú nào, chỉ về đế quốc La Mã:

 “…nầy có một con thú thứ  tư, dữ tợn, rất mạnh, và có sức lắm. Con thú đó có những răng lớn bằng sắt; nó nuốt ăn và nghiền nát, dùng chân giày đạp vật gì còn lại, nó khác với các con thú đã đến trước, và có mười sừng. Ta suy xét những sừng đó, và nầy, có một cái sừng nhỏ khác ở giữa những sừng ấy mọc lên, và ba cái trong những sừng trước bị nhổ đi trước mặt nó. Nầy, cái sừng đó có những mắt in như mắt người, và một cái miệng nói những lời xấc xược”   (Đa-ni-ên 7:7-9)

Con thú thứ tư nầy có đặc tính giống với “ống chân bằng sắt” của pho tượng (chỉ đế quốc La-mã), tức là có răng bằng sắt, chuyên ăn nuốt, giày đạp, cắn xé … đó chính là bản chất của đế quốc La-mã. Ngoài ra con thú nầy cũng có 10 sừng, tương đương với 10 ngón của bàn chân trong sự hiện thấy về pho tượng. Như thế, vào thời kỳ sau cùng sẽ có 10 nước ra từ một nguồn gốc là đế quốc La Mã (Liên Minh Châu âu) như đã trình bày ở trên.

Tuy nhiên, trong khải tượng về con thú thứ tư nầy có thêm một chi tiết rất đặc biệt là: có một cái sừng nhỏ khác mọc lên từ 10 cái sừng; cái sừng nhỏ nầy có nhiều mắt như mắt người và nói những lời xấc xược. Hình ảnh “cái sừng nhỏ” nầy ám chỉ về một nhân vật  sẽ xuất hiện từ trong cộng đồng 10 nước liên minh Châu âu vào thời kỳ cuối cùng của thế giới và chúng ta tin rằng vị nầy chính là “Kẻ địch lại Đấng Christ” (Antichrist).

- Sự hủy diệt Antichrist và sự thành lập vương quốc của Đấng Christ:

“Nhưng sự xét đoán sẽ đến, và người ta sẽ cất quyền khỏi nó, để diệt đi và làm cho hủy phá đi đến cuối cùng. Bấy giờ nước, quyền thế và sự tôn đại của muôn nước ở dưới trời, sẽ được ban cho dân các thánh của Đấng Rất Cao. Nước Ngài là nước đời đời, và hết thảy các quyền thế đều hầu việc và vâng lời Ngài. Vậy lời ấy đến đây là hết.”  (Đa-ni-ên 7:26-28)

Tương tự như hòn đá đập vỡ bàn chân của pho tượng trong khải tượng của vua Nê-bu-cát-nết-sa, khải tượng của Đa-ni-ên trên đây cũng cho thấy đến ngày Chúa Jesus trở lại, Chúa Jesus sẽ tiêu diệt Antichrist và chấm dứt quyền thống trị của Antichrist. Sau đó, Chúa Jesus sẽ thành lập vương quốc của Ngài tại trần gian nầy trong một ngàn năm trong sự công bình và chính trực. Và tất cả những ai tin nhận Chúa và trung tín vâng giữ lời Chúa sẽ được cùng với Ngài trị vì vương quốc vinh hiển ấy (Khải Huyền 20:6).

Tháng 12, 2009

 

Tài liệu tham khảo:

+ Ed Dobson, The End.

+ Bryan P. Mistele, The Truth About Prophecy in the Bible and Its Fulfillment.

+ Henry H. Halley, Halley's Bible Handbook.