Ý nghĩa của nơi “khóc lóc và nghiến răng”

                                                                    Trần Đình Tâm

 

Cụm từ nơi “khóc lóc và nghiến răng” (weeping and gnashing of teeth) chỉ được tìm thấy trong Tân Ước, tổng cộng có 7 câu: 6 câu trong Ma-thi-ơ và 1 câu trong Lu-ca.

Nguyên tắc tốt nhất để giải thích nơi “khóc lóc và nghiến răng” chỉ về nơi nào là đặt cụm từ đó vào trong văn mạch Kinh Thánh, tìm hiểu bối cảnh của phân đoạn Kinh Thánh đó và nắm được ý tưởng trọng tâm mà phân đoạn Kinh Thánh đó muốn nói đến. Dựa trên nguyên tắc đó, chúng ta chia các câu Kinh Thánh có cụm từ “khóc lóc và nhiến răng” làm 2 nhóm như sau:

1. Nhóm thứ nhất:

Ma-thi-ơ 8:12: Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến
                        răng
.”

Ma-thi-ơ 22:13: Vua bèn truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chân nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi
                          sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 24:51: “Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và
                          nghiến răng
.”

Ma-thi-ơ 25:30: “Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến
                          răng
.”

Lu-ca 13:28: “Khi ấy, các ngươi thấy Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, cùng hết thảy các đấng tiên tri đều ở trong
                      nước Đức Chúa Trời, còn các ngươi sẽ bị quăng ra ngoài, là nơi có khóc lóc và nghiến răng.”

2. Nhóm thứ hai:

Ma-thi-ơ 13:40-42: “Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; Con
                                người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và
                               quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 13:49,50: “Đến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra,
                                ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Chú ý: Nhóm câu thứ hai khác với nhóm câu thứ nhất ở 2 chi tiết sau:

a) Có chỉ ra thời điểm: ngày tận thế. Nhóm câu thứ nhất không có cụm từ “ngày tận thế” đi kèm.

b) Có nêu ra đặc điểm: Lò lửa. Nhóm câu thứ nhất không có kèm theo “lò lửa”.

Ý nghĩa của Ma-thi-ơ 8:5-13:

Ma-thi-ơ 8:5-13 (thuộc nhóm thứ nhất) là phân đoạn Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu dễ dàng ý nghĩa của thành ngữ “nơi khóc lóc và nghiến răng”. Cụm từ “Nơi khóc lóc và nghiến răng” trong Lu-ca 13:28 có cùng bối cảnh như Ma-thi-ơ 8:12 nên chúng ta chỉ cần tìm hiểu Ma-thi-ơ 8:5-13.

Ma-thi-ơ 8:5-13 kể lại câu chuyện Chúa Jesus chữa bệnh bại liệt cho người đầy tớ của thầy đội La-mã. Yếu tố quan trọng trong câu chuyện cần lưu ý không phải là người đầy tớ được Chúa chữa lành nhưng là đức tin của thầy đội. Thầy đội là viên sĩ quan (centurion) chỉ huy 100 người lính trong quân đội La-mã, ông là người ngoại bang (không phải Do Thái), nhưng ông bày tỏ đức tin mạnh mẽ nơi Chúa Jesus qua lời ông nói với Chúa: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành.” (câu 8). Sau khi nghe thầy đội nói như vậy, Chúa Jesus nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy.” (câu 10). Chúng ta thấy Chúa Jesus so sánh đức tin của dân Y-sơ-ra-ên (dân Do Thái) là dân Chúa chọn lựa với đức tin của thầy đội La-mã là dân tộc ngoại bang. Chúa Jesus có ý nói tình trạng của dân Do Thái lúc bấy giờ mà giới lãnh đạo Do Thái đại diện, họ ghen ghét Chúa, họ theo dõi Chúa  để tìm cách bắt lỗi Chúa trong lời nói và việc làm của Chúa, họ âm mưu giết Chúa Jesus bằng cách kết tội Chúa và đem Chúa cho chính quyền La-mã xét xử đóng đinh Chúa. Nói tóm lại, dân Y-sơ-ra-ên đã khước từ Chúa Jesus trong thời Chúa Jesus và cứ như thế cho đến ngày nay (ngoại trừ một số rất ít tin Chúa Jesus được ghi lại trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ).

Sau cùng Chúa Jesus tuyên bố trong câu 11 và 12, là đỉnh điểm của câu chuyện:

     “Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương, tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng. Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Nhiều người từ đông phương, tây phương: Cụm từ nầy chỉ về tất cả những dân tộc ngoại bang trên thế giới, là những người nghe và tin nhận Phúc Âm cứu rỗi qua Chúa Jesus. Trong thời kỳ sau cùng, họ sẽ là những người có mặt trong nước thiên đàng. Chúa Jesus dùng hình ảnh dân ngoại bang được ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cho thấy sự tương phản với dân Do Thái, vì dân Do Thái luôn tự hào rằng họ là con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, và như vậy đương nhiên họ phải được ngồi đồng bàn với các tổ phụ của họ trong nước thiên đàng! Nhưng không phải thế!

Con bổn quốc: Chỉ về dân Do Thái. Chúa Jesus nói họ sẽ bị quăng vào nơi tối tăm bên ngoài, là nơi khóc lóc và nghiến răng. Cũng xin chú ý đến cụm tự đi theo trước: “Nơi tối tăm bên ngoài” (outer darkness) để phân biệt với nhóm câu thứ 2, không có cụm từ nầy, nhưng có cụm từ “ngày tận thế” (end of the age)

Nơi khóc lóc và nghiến răng là nơi nào?

1. Ý nghĩa thứ nhất: Chỉ về sự đoán phạt trong thời kỳ đại nạn.

Chúng ta phải căn cứ vào Lời tiên tri về 70 tuần lễ của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9:24-27). Xin tóm lược như sau: Đức Chúa Trời định sẵn cho dân Do Thái 70 tuần lễ (mỗi tuần 7 năm, tương đương 490 năm) để đem dân Do Thái đến sự ăn năn và tin nhận Chúa Jesus. 70 tuần được chia làm 2 giai đoạn: 69 tuần và 1 tuần. 69 tuần và 1 tuần không liên tục với nhau nhưng bị ngắt quảng. 69 tuần lễ đầu (483 năm) kể từ khi vua Ba-tư ra chiếu chỉ cho phép dân Do Thái trở về quê hương xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem cho đến tuần lễ Chúa Jesus chết trên thập giá. 69 tuần đầu đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Sau khi chấm dứt 69 tuần, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại qua sự chết của Chúa Jesus trên thập giá, mở ra thời đại ân điển. Chúng ta đang sống trong thời đại ân điển.

Lúc thời đại ân điển chấm dứt chính là lúc tuần lễ thứ 70 (7 năm) bắt đầu, tức là tuần lễ cuối cùng định cho dân Do Thái.

Tuần lễ cuối cùng là tuần lễ Đức Chúa Trời giáng cơn thạnh nộ của Ngài xuống thế gian, bao gồm những tại họa mà Kinh Thánh nói rằng “có một không hai” [Xin đọc bài “Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và cơn đại nạn”].

Lúc Chúa Jesus trở lại đem Hội Thánh ra khỏi thế giới nầy cũng chính là lúc bắt đầu tuần lễ thứ 70.

Khi Chúa Jesus trở lại đem Hội Thánh lên trời, dân Do Thái không được Chúa đem đi nhưng sẽ ở bị ở lại thế giới nầy để hứng chịu cơn hoạn nạn trong thời hạn 7 năm. Đó chính là ý nghĩa của “chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 8:12)

Như vậy, “chốn tối tăm ở bên ngoài, là nơi có khóc lóc và nghiến răng” chỉ về trần gian mà chúng ta đang sống sẽ ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong thời hạn 7 năm, và sẽ diễn ra sau khi Chúa Jesus đến đem Hội Thánh của Ngài ra đi. Hình ảnh “khóc lóc và nghiến răng” chẳng khác gì “địa ngục trần gian” cho thấy sự đau đớn, khốn khổ quá đỗi mà con người phải chịu. Ê-sai 13:6 chép: “Các ngươi khá than khóc! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần: ngày đó đến như cơn tai nạn đến bởi Đấng Toàn năng.”

Như đã trình bày ở trên, Chúa định tuần lễ cuối cùng gồm 7 năm cho dân Do thái nhằm mục đích đem họ đến sự ăn năn, cho nên “chốn tối tăm ở bên ngoài, là nơi có khóc lóc và nghiến răng” không phải là địa ngục, không phải là hồ lửa đời đời, nhưng là nơi tạm thời trên trần gian mà Chúa dùng để hình phạt con người nhằm cho mục đích đặc biệt của Ngài.

a) Đối với dân Do Thái: Chúa dùng “nơi tối tăm bên ngoài, là nơi khóc lóc và nghiến răng” để đánh đòn họ, trừng phạt họ nhằm mục đích đem dân Do Thái đến sự tin nhận Chúa Jesus, các lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy rõ họ sẽ ăn năn và tin Chúa Jesus trong thời kỳ sau cùng:

Giê-rê-mi 30:7: “Khốn thay! Ngày đó thật lớn, đến nỗi chẳng hề có ngày nào giống như vậy. Ấy là kỳ tai hại của Gia-cốp! Nhưng nó sẽ được cứu thoát khỏi sự ấy.”

Ê-xê-chi-ên 22:20,21: “Như người ta hiệp bạc, đồng, sắt, chì, thiếc lại trong lò, và thổi lửa ở trên cho tan chảy thể nào, thì trong cơn giận và cơn thạnh nộ của ta, ta sẽ nhóm các ngươi lại và đặt vào lò lửa và làm cho tan chảy ra cũng thể ấy. Thật, ta sẽ nhóm các ngươi lại và thổi lửa của cơn giận ta trên các ngươi, thì các ngươi sẽ tan chảy ra giữa nó.”

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:30: “Khi ngươi bị gian nan, và các việc nầy xảy đến cho ngươi, bấy giờ trong ngày cuối cùng, ngươi sẽ trở về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vâng theo tiếng Ngài.”

b) Đối với dân ngoại bang: Theo ẩn dụ về tiệc cưới Chúa Jesus kể trong Ma-thi-ơ 22:1-14, người Do Thái là nhóm người đầu tiên được chọn lựa tham dự tiệc cưới, nhưng họ đã từ chối lời mời trong cả 2 lần (câu 3,4). Câu 8 chép: “Đoạn, vua phán cùng đầy tớ mình rằng: Tiệc cưới đã dọn xong rồi; song những người được mời không xứng dự tiệc đó.” Người Do Thái không được tham dự tiệc cưới, do đó, nhà vua cho mời tất cả mọi người khắp nơi đến dự tiệc (câu 9,10). Nhóm người nầy chỉ về dân ngoại bang. Trong số người nầy có một người không mặc áo lễ theo quy định của nhà vua, nên bị đuổi ra khỏi buổi tiệc. Chiếc áo lễ làm hình bóng về chiếc áo công nghĩa hay áo cứu rỗi mà người tin Chúa Jesus sẽ được mặc lấy (Ê-sai 61:10), đó là điều kiện để được tham dự tiệc cưới, tức là được có mặt trong nước thiên đàng: “Vua bèn truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chân nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 22:13)

Như vậy, đối với dân ngoại bang, nếu họ qua đời mà chưa tin Chúa Jesus, khi Chúa Jesus trở lại đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, họ sẽ phải ở lại thế giới nầy, Chúa dùng “nơi khóc lóc và nghiến răng” để cho họ cơ hội ăn năn tin nhận Tin Lành, đây là trường hợp vị khách không mặc áo lễ theo quy định nên không được dự tiệc cưới.

Sách Khải Huyền cho biết những người tin Chúa trong cơn đại nạn sẽ phải trả giá rất đắt cho đức tin của mình để được cứu (Khải Huyền 6:9), nhưng cũng có nhiều người tiếp tục cứng lòng không chịu ăn năn (Khải Huyền 9:20;16:9,11).

c) Nơi khóc lóc và nghiến răng trong Ma-thi-ơ 24:51 và Ma-thi-ơ 25:30:

Văn mạch của Ma-thi-ơ 25:30 bắt đầu từ Ma-thi-ơ 23:37 cho đến Ma-thi-ơ 25:30 gồm những điểm chính sau:

+ Chúa Jesus nêu ra những tai họa sẽ xãy đến trên thế giới trong thời kỳ đại nạn kéo dài 7 năm. Thời đại nạn bắt đầu sau khi Chúa Jesus đến đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian và chấm dứt khi Chúa Chúa Jesus tái lâm trên đất để thành lập Vương Quốc 1000 năm.

+ Chúa Jesus kể 3 ẩn dụ gồm: Ẩn dụ về đầy tớ tốt và đầy tớ xấu; Ẩn dụ về 10 người nữ đồng trinh đi đón chàng rễ và ẩn dụ về các ta-lâng. Tất cả 3 ẩn dụ đều có cùng một điểm chung: Có hai hạng người khác nhau sẽ nhận lãnh kết cuộc khác nhau khi Chúa Jesus trở lại bất ngờ.

1/ Ẩn dụ về người đầy tớ tốt và đầy tớ xấu (Ma-thi-ơ 24:43-51): Người đầy tớ tốt thì trung tín và khôn ngoan trong công việc chủ giao; người đầy tớ xấu chỉ lo vui chơi mà không trung tín trong công việc. Khi chủ trở về bất ngờ, người đầy tớ trung tín được ban thưởng; còn người đầy tớ xấu bị chủ “đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 24:51).

2/ Ẩn dụ về 10 người nữ đồng trinh đón chàng rễ: Có 5 người chuẩn bị dầu và 5 người không chuẩn bị dầu. Khi chàng rễ đến bất ngờ, 5 người mang theo đủ dầu được vào phòng dự tiệc và cửa đóng lại; còn 5 người nữ không chuẩn bị đủ dầu, măc dù Kinh Thánh không nói 5 người nữ nầy bị quăng ra bên ngoài là nơi khóc lóc và nghiến răng, nhưng cho biết chàng rễ nói với họ “Ta không biết các ngươi đâu” (Ma-thi-ơ 25:12)

3/ Ẩn dụ về các ta-lâng: Những người đầy tớ được chủ giao cho số ta–lâng khác nhau tùy theo khả năng của mỗi người để làm ích lợi cho chủ. Khi chủ trở về tính sổ, những đầy tớ sử dụng các ta-lâng cách trung tín được chủ khen ngợi và ban thưởng; còn người đầy tớ chôn giấu ta-lâng của mình bị chủ quở trách và nói: “Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 25:30)

Vì mục đích của cơn đại nạn là để dân Y-sơ-ra-ên ăn năn tội, cho dân ngoại bang cơ hội cuối cùng để tin Chúa; và cơn đại nạn bắt đầu sau khi Chúa Jesus trở lại đem con cái Ngài ra khỏi thế gian, do đó nơi khóc lóc và nghiến răng trong các câu trên chưa phải là hồ lửa đời đời nhưng là nơi mọi dân tộc và dân Do Thái bị Chúa trừng phạt bởi những tai họa do chính Ngài giáng xuống (Khải Huyền chương 6 đến 19).

2. Ý nghĩa thứ hai: Chỉ về hồ lửa đời đời:

Hai câu trong Ma-thi-ơ chương 13 khẳng định điều nầy:

Ma-thi-ơ 13:40-42: “Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 13:49,50: “Đến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Khác với nhóm câu thứ nhất, hai câu trên có thêm 2 chi tiết đặc biệt:

a) Ngày tận thế (end of the age): Chỉ rõ thời điểm mà kẻ ác sẽ bị ném vào trong nơi khóc lóc và nghiến răng, đó là ngày tận thế, là thời điểm tận cùng các thời đại của loài người trên mặt đất, tức là trước khi Đức Chúa Trời hình thành trời mớiđất mới (Khải Huyền 21:1).

b) Lò lửa (furnace of fire): Nơi khóc lóc và nghiến răng chính là lò lửa.

Khác với nhóm câu thứ nhất, 2 câu trên cho thấy đến ngày tận thế, Chúa sẽ sai các thiên sứ phân chia kẻ ác và người công bình, kẻ ác sẽ bị ném vào lò lửa, là nơi khóc lóc và nghiến răng.

Câu hỏi cần được giải đáp: Theo chương trình của Đức Chúa Trời, thì Ngày tận thế là ngày nào?

Khải Huyền cho chúng ta câu trả lời:

+ Khải Huyền chương 6 đến chương 18: Mô tả cơn đại nạn thuộc luần lễ thứ 70.

+ Khải Huyền chương 19: Chúa Jesus tái lâm trên đất, tiêu diệt những dân tộc cùng với các đạo quân chống nghịch Chúa đang vây đánh dân Do Thái, chấm dứt 7 năm đại nạn.

+ Khải Huyền 20:1-10: Thời kỳ Vương Quốc do Chúa Jesus cai trị trên đất kéo dài 1000 năm.

+ Khải Huyền 20:11-15: Cuối thời kỳ 1000 năm, kẻ ác ở khắp mọi thời đại sẽ sống lại và bị xét xử chung thẩm tại tòa án lớn và trắng, sau đó kẻ ác sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời. Trước sự kiện nầy, Khải Huyền 20:1-10 mô tả các sự kiện xãy ra sau 7 năm đại nạn. Sự kiện đó xãy ra vào ngày tận thế, tức là sau khi thời đại cuối cùng của loài người trên mặt đất (thời đại Vương Quốc Chúa Jesus kéo dài 1000 năm (Khải Huyền 20:1-11)

+ Khải Huyền chương 21: Khởi đầu trời mới và đất mới.

Như vậy, ngày tận thế chính là thời điểm sau khi Vương Quốc 1000 năm chấm dứt, và trước khi có trời mới đất mới. Kết luận nầy phù hợp với sự kiện kẻ ác bị quăng vào lò lửa, là nơi có khóc lóc và nghiến răng: “Đoạn, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.” Khải Huyền 20:14,15)

Hình minh họa sau đây cho thấy sau thời đại Vương Quốc, kẻ ác thuộc mọi thời đại sẽ bị phán xét và bị quăng vào hồ lửa đời đời, là nơi khóc lóc và nghiến răng đời đời.

 

 

Tóm lại, dựa vào văn mạch Thánh Kinh, “nơi khóc lóc và nghiến răng” có 2 ý nghĩa:

1/ Ngay trên trần gian, là nơi loài người sẽ phải chịu khốn khổ không sao tả xiết bởi các tai họa Chúa giáng xuống trên thế giới trong thời kỳ sau cùng.

2/ Hồ lửa đời đời, là nơi kẻ ác sẽ bị ném vào sau khi chịu sự phán xét chung thẩm.

 

Tháng 1, 2018

tamtran1561@yahoo.com