Chúa Jesus viết gì trên mặt đất?


Giăng 8:1-8:

1 Đức Chúa Jêsus lên trên núi ô-li-ve. 2 Nhưng đến tảng sáng, Ngài trở lại đền thờ; cả dân sự đều đến cùng Ngài, Ngài bèn ngồi dạy dỗ họ. 3 Bấy giờ, các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si dẫn lại cho Ngài một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ để người giữa đám đông, 4 mà nói cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm. 5 Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; còn thầy, thì nghĩ sao? 6 Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người. 8 Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất.

Câu hỏi:

Chúa Jesus viết gì trên đất?

Giải đáp:

Trước hết, chúng ta cần loại trừ cách dịch không đúng sau đây: Chúa lấy ngón tay viết trên cát hay đất. Không phải Chúa viết trên cát (sand) hay trên đất (soil), nhưng viết trên nền (tiếng Hy-lạp: γῆν; tiếng Anh: ground). Tất cả các bản Anh Ngữ đều dịch “on the ground”. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến chi tiết nầy: Chúa Jesus đến đền thờ để giảng dạy, có thể Chúa giảng dạy trong sân đền thờ, mặt sân đền thờ có thể được lót đá.

Giăng 8:1-11 ghi lại câu chuyện “Chúa Jesus và người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội tà dâm”. Một ngày nọ khi Chúa Jesus đang giảng dạy trong sân đền thờ, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang (in the act) phạm tội tà dâm đến trước mặt Chúa Jesus và đám đông. Họ nói với Chúa Jesus: “Thưa thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm. Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; còn thầy, thì nghĩ sao?” (Câu 4,5).

Mục đích chính yếu của người pha-ri-si và thầy thông giáo không phải là tố cáo sự vi phạm luật pháp của người phụ nữ, nhưng là để gày bẫy Chúa Jesus nhằm kết tội (accuse) Ngài, vì câu 6 nói rõ: “Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài”. Chúng ta phải công nhận rằng họ rất thông minh (theo ý nghĩa xảo quyệt) khi cố ý đưa Chúa Jesus vào trong một hoàn cảnh rất khó xử (on the horns of a dilemma: tiến thoái lưỡng nan), vì theo sự suy luận của con người, dù Chúa Jesus trả lời cách nào, Chúa cũng gặp rắc rối: Nếu Chúa Jesus bảo phải tha thứ cho người phụ nữ, họ sẽ buộc tội Chúa vi phạm luật pháp Môi-se, vì Điều Răn Thứ Bảy nói rõ “Ngươi chớ phạm tội tà dâm” và người vi phạm điều răn nầy sẽ bị tử hình: “Nếu người nào phạm tội tà dâm cùng vợ của người khác, hay là phạm tội tà dâm cùng vợ người lân cận mình, người nam cùng người nữ đó đều phải bị xử tử.” (Lê-vi Ký 20:10). Nếu Chúa Jesus thuận theo luật pháp mà đồng ý tử hình người phụ nữ, họ sẽ kết tội Chúa Jesus vi phạm luật pháp La-mã, họ sẽ tố cáo Chúa Jesus trước chính quyền La-mã, vì người La-mã không cho phép chính quyền của dân tộc bị trị thi hành án tử hình (Giăng 18:31).

Khi chúng ta đọc câu chuyện nầy, tâm trí chúng ta thường hướng đến sự kiện các thầy thông giáo và người Pha-ri-si gài bẫy Chúa Jesus như thế nào (đã được giải thích ở trên); và Chúa Jesus, với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, đã thoát ra cái bẫy một cách dễ dàng như thế nào, khi Chúa đối đáp với họ: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người.” (câu 7); sau lời tuyên phán của Chúa Jesus, họ không thể làm gì hơn là im lặng và rút lui. Ngoài ra, một số người khi đọc câu chuyện nầy, còn thắc mắc về sự vắng mặt của người đàn ông tòng phạm: Tại sao người đàn ông đồng lỏa không bị dẫn ra đây mà chỉ có người phụ nữ? Chúng ta không biết chắc chuyện gì đã xãy ra cho người đàn ông, nhưng như đã nói ở trên, mục đích của người Pha-ri-si và thầy thông giáo là để bắt bẻ Chúa Jesus chứ không phải là để thi hành công lý đối với người phạm tội. Do đó, vấn đề tại sao người đàn ông không được đem ra xử không còn là vấn đề quan trọng, hơn nữa, nên nhớ rằng chính Chúa Jesus cũng không nêu vấn đề nầy ra. Đó không phải là điều Chúa Jesus muốn dạy trong câu chuyện nầy.

Tuy nhiên, trong câu chuyện, có một chi tiết quan trọng mà chúng ta thường bỏ qua, hoặc nếu có chú ý đến, rồi cũng cho qua, vì chúng ta cho rằng chi tiết đó không quan trọng. Đó là khi Chúa Jesus “lấy ngón tay viết trên mặt đất”

Ngay sau câu hỏi thách thức của người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, Chúa Jesus im lặng và Chúa cúi xuống dùng ngón tay viết trên mặt đất. Đây là một hành động khá kỳ lạ và khó hiểu của Chúa Jesus. Một số người đặt câu hỏi: “Chúa Jesus viết gì?”. Sau đây là một số ý kiến:

+ Có người cho rằng Chúa viết “Hãy yêu thương nhau”; hay “Hãy tha thứ cho nhau”; hay “Chớ đoán xét nhau”

+ Có người cho rằng Chúa viết câu Xuất Ê-díp-tô ký 23:1: “Ngươi chớ đồn huyễn; chớ hùa cùng kẻ hung ác đặng làm chứng
 dối.”

Những ý kiến trên không thuyết phục vì Chúa Jesus có thể nói ra ngay mà không cần phải viết.

+ Cũng có ý kiến cho rằng Chúa viết lại Điều Răn thứ bảy “Chớ phạm tội tà dâm”.

Ý kiến nầy khó chấp nhận, vì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã biết quá rõ Điều Răn thứ bảy, chính họ đã dùng Điều Răn nầy để đối thoại với Chúa Jesus.

+ Có ý kiến cho rằng Chúa Jesus viết điều mà Chúa tuyên bố ngay sau đó: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất
 ném đá vào người.”

Ý kiến trên rất khó chấp nhận, vì không thể nào giải thích được tại sao Chúa lại phải viết xuống điều mà Chúa sẽ nói ngay sau đó, và sau khi nói xong, Chúa lại cúi xuống tiếp tục viết.

+ Cũng có người dựa vào Giê-rê-mi 17:13 để kết luận rằng Chúa Jesus đã viết tên của những người pha-ri-si và những thầy thông giáo, là những người gài bẫy để kết tội Chúa Jesus: “Hỡi Đức Giê-hô-va, là sự trông cậy của Y-sơ-ra-ên, những kẻ nào bỏ Ngài đều sẽ bị xấu hổ! Những kẻ lìa khỏi ta sẽ bị ghi trên đất, vì họ đã bỏ suối nước sống, tức là Đức Giê-hô-va.”

Để hiểu được ý nghĩa của Giê-rê-mi 17:13, chúng ta đối chiếu với Thi Thiên 69:28 “Nguyện chúng nó bị xóa khỏi sách sự sống. Không được ghi chung với người công bình.” và Đa-ni-ên 12:1 “Bấy giờ, trong vòng dân sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu”. Qua sự đối chiếu, chúng ta hiểu ngay những người chối bỏ Đức Giê-hô-va sẽ bị ghi tên trên đất (Giê-rê-mi 17:13), có nghĩa là họ không được ghi tên chung với người công bình trong sách sự sống. Tên của người công bình được ghi trong sách sự sống, vậy tên của những người chống nghịch Chúa sẽ không được ghi trong sách ấy, nhưng bị ghi … trên đất! Chúng ta biết rằng sự kiện ghi tên “trên đất” không nên hiểu theo nghĩa văn tự (tức là bị viết trên đất thật sự), nhưng nên được hiểu theo nghĩa biểu tượng. Như vậy, không thể dùng Giê-rê-mi 17:13 để kết luận rằng Chúa Jesus đã viết tên của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si trên mặt đất, hơn nữa, không lẽ nào chỉ có một vài người trong câu chuyện nầy bị ghi tên trên đất thôi sao?

Tóm lại, không ai biết chắc Chúa Jesus đã viết gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa của hành động dùng ngón tay viết của Chúa Jesus. Chắc chắn, hành động dùng ngón tay viết trên đất mang một ý nghĩa quan trọng nào đó mà chúng ta cần tìm hiểu.

Tại sao Chúa cúi xuống viết mà không nói ngay ra? Vì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đem luật pháp ra để đối thoại với Chúa Jesus, họ nói “trong Luật Pháp Môi-se có truyền …” Các thầy thông giáo rất am hiểu Luật Pháp, họ biết hai bảng 10 Điều Răn do chính ngón tay của Đức Chúa Trời viết nên: “Khi ta đi lên núi đặng lãnh hai bảng đá, tức là hai bảng về sự giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi, ta ở trên núi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, chẳng uống nước; và Đức Giê-hô-va trao cho ta hai bảng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:9,10); Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-na-i, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18)

Giao Ước cũ (Luật Pháp) được viết trên bảng đá bởi “ngón tay” của Đức Chúa Trời. Như vậy, khi Chúa Jesus dùng ngón tay của Ngài để viết trên đất, Chúa Jesus muốn cho người Pha-ri-si, thầy thông giáo và tất cả mọi người biết rằng Ngài viết nên một giao ước khác: Đó là giao ước mới. Sự kiện nầy được Phao-lô dẫn giải trong II Cô-rinh-tô chương 3.

    “Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực,
   nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải
viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt,
   tức là trên lòng anh em
. (II Cô-rinh-tô 3:3)

Giao Ước cũ được Đức Chúa Trời viết trên bảng đá, nhưng giao ước mới sẽ được viết trên bảng thịt, tức là trên tấm lòng chúng ta. Ai viết giao ước mới? Chúa Jesus đã viết giao ước mới. Giao ước mới được hoàn tất bởi sự chết và đổ huyết của Ngài trên thập tự giá.

Thầy thông giáo và người Pha-ri-si đem Luật Pháp ra để kết tội người phụ nữ, nhưng họ không ngờ rằng Luật Pháp dẫn con người đến với Chúa Jesus (Ga-la-ti 3:24), là Đấng viết nên giao ước mới, qua đó người phụ nữ được tha tội và được kể là trắng án. Khi Chúa Jesus thiết lập tiệc thánh, Chúa phán: vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Ma-thi-ơ 26:28).

    “luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ân điển (grace) và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến. (Giăng
    1:17)

Luật Pháp được ban cho bởi Môi-se, luật pháp định tội người phụ nữ, luật pháp cũng định tội những người tố cáo người phụ nữ. Do đó, sau khi Chúa Jesus tuyên phán “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người.”, không một người nào có đủ tư cách để ném đá người phụ nữ nầy, tất cả mọi người bỏ đi hết, vì họ biết họ có tội. Nhưng Chúa Jesus đến ban ân điển, Ngài đem đến sự tha thứ cho con người bị luật pháp kết tội. Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 1:7 Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.”. Đó là lý do tại sao Chúa phán với với người phụ nữ: “Ta cũng không định tội ngươi, hãy đi, đừng phạm tội nữa” (câu 11)

Trần Đình Tâm

7 tháng 9, 2015