Tại sao Chúa Jesus bảo các Sứ Đồ phải mua gươm?

 

Lu-ca 22:36

“Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua.”

Câu hỏi:

Tại sao Chúa Jesus bảo các Sứ Đồ phải mang theo gươm? Có phải với mục đích bảo vệ?

Giải đáp:

Chúng ta nên hiểu lời phán bảo của Chúa Jesus theo ý nghĩa nào: Nghĩa văn tự hay nghĩa hàm ngụ?

Nếu giải thích theo nghĩa văn tự (nghĩa đen), có nghĩa là Chúa bảo các Sứ Đồ phải trang bị gươm bên mình, nếu ai không có, phải bán áo ngoài để mua gươm cho bằng được! Nếu căn cứ vào văn mạch gần, có vẻ như chúng ta phải hiểu theo nghĩa văn tự, vì Chúa bảo các Sứ Đồ mang theo túi tiền, mang theo bao (hiểu theo nghĩa văn tự), thì rõ ràng mang theo gươm cũng phải được hiểu theo nghĩa văn tự. Ngay sau đó, câu 38 cho biết là có gươm thật: “Các Sứ đồ thưa rằng: Thưa Chúa, có hai thanh gươm đây.” Không bao lâu sau đó, chính Sứ Đồ Phi-e-rơ đã dùng gươm nầy chém đứt vành tai của người đầy tớ thầy tế lễ thượng phẩm (Giăng 18:10).

Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa văn tự như đã nêu trên, chúng ta phải đối diện với vài vấn đề khó giải quyết sau đây:

+ Sau khi Phi-e-rơ dùng gươm chém đứt tai người đầy tớ thầy cả thượng phẩm, Chúa Jesus lập tức khiển trách Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.” (Ma-thi-ơ 26:52). Sau đó Chúa chữa lành vết thương tai cho người đầy tớ ấy (Lu-ca 22:51). Chúng ta thấy Chúa Jesus đã không chấp nhận cho Sứ Đồ của Ngài sử dụng gươm.

+ Theo lời phán bảo của Chúa, ai không có gươm, hãy bán áo ngoài để mua gươm. Chúng ta biết lúc đó có 11 vị Sứ Đồ, vậy tất cả 11 Sứ Đồ phải được trang bị gươm, tổng số gươm phải là 11. Thế nhưng, khi họ nói với Chúa đã có 2 thanh gươm rồi, Chúa lại nói: “Ấy là đủ” (Lu-ca 22:38)

+ Chúa Jesus không bao giờ dạy sử dụng bạo lực để chống trả với kẻ thù của mình, cho dù là để bảo vệ: “nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Ma-thi-ơ 5:39); “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:44).

Cách hiểu tốt hơn, là chúng ta giải thích lời phán bảo của Chúa Jesus theo ý nghĩa hàm ngụ, đồng thời cũng phải căn cứ vào văn mạch từ câu 35 đến 38:

    “35 Đoạn, Ngài lại phán rằng: Khi ta đã sai các ngươi đi, không đem túi, bao, giày chi hết, các ngươi có thiếu gì
   không? Môn đồ thưa rằng: Không thiếu chi hết.
36 Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai
   có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua.
37 Vì ta rao cho các ngươi, có lời chép
   rằng: Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu
   được trọn.
38 Các sứ đồ thưa rằng: Thưa Chúa, có hai thanh gươm đây. Ngài phán rằng: Ấy là đủ.” (Lu-ca
   22:35-38)

Chúa Jesus nhắc cho các Sứ Đồ nhớ lại khi Ngài bắt đầu sai họ ra đi rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, Ngài yêu cầu họ đừng mang theo gì cả: “Ngài dạy rằng: Đi đường chớ đem gì theo hết, hoặc gậy, hoặc bao, hoặc bánh, hoặc tiền bạc; cũng đừng đem hai áo.” (Lu-ca 9:3), trong suốt khoảng thời gian ấy, họ cho biết họ không thiếu thốn gì cả (câu 35). Khoảng thời gian đó, là lúc Chúa Jesus còn ở với họ, Chúa Jesus chưa bị bắt, giờ của Chúa chưa đến (Giăng 7:6). Nhưng khi Chúa Jesus bảo các Sứ Đồ mua gươm, Chúa Jesus biết rằng đã đến lúc Ngài sẽ bị bắt trong vài tiếng đồng hồ nữa, Ngài sẽ phải bước lên thập tự giá. Câu 36 nói rõ: “Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua.” Cụm từ “bây giờ” ám chỉ giờ của Chúa gần đến, Chúa muốn dạy các Sứ Đồ rằng, kể từ lúc Ngài bị bắt, chịu thương khó, chịu chết, và kể cả sau khi Ngài sống lại và hoàn tất sự chuộc tội, hoàn cảnh của họ sẽ thay đổi, họ sẽ không còn được hoan nghênh, được đón tiếp và cung cấp các nhu cầu nữa, nhưng họ sẽ gặp sự chống đối từ những người khước từ Tin lành.

Kế tiếp, Chúa Jesus trích dẫn Ê-sai 53:12, là lời tiên tri cho biết Ngài sẽ bị kể vào hàng kẻ dữ: “người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người …” Chúa thật đã bị bắt, bị xét xử, bị đánh đòn, bị đóng đinh chung với 2 phạm nhân khác.

Như vậy, khi Chúa phán dạy các Sứ Đồ bán áo ngoài để mua gươm, Chúa không có ý nói “gươm” theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa hàm ngụ. Chúa chỉ mượn hình ảnh, hay vật dụng thông thường trong cuộc sống để dẫn các Sứ đồ đi đến chân lý thuộc linh: Họ sẽ phải đối diện với sự chống đối của những người không tin. Kể từ khi Hội Thánh được thành lập, Tin Lành được rao giảng, luôn luôn có những thành phần chống đối với Tin Lành: những người tin nhận Chúa bị những người không tin khinh dễ, chống đối, bắt bớ v.v... Những người tin Chúa phải chọn sự  “phân rẽ” với người không tin, vì sự sáng và sự tối không thể hòa đồng với nhau được. Đúng như Chúa Jesus đã nói: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.” (Ma-thi-ơ 10:34-36)

Các Sứ Đồ chỉ nghĩ đến “gươm” theo nghĩa đen, nên sau khi họ cho Chúa Jesus biết họ đã có sẵn 2 thanh gươm: “thưa Chúa, có hai thanh gươm đây.” (câu 38), Chúa liền phán: “Ấy là đủ”. Câu nói của Chúa Jesus rất sâu sắc (có tính chất hài hước trong sự dạy dỗ của Ngài, trường hợp nầy cũng như những trường hợp khác), Chúa muốn nói với họ rằng “Đừng mua thêm gươm nữa!!”

Ngoài ra, cụm từ “ấy là đủ” (it is enough) cũng được dùng tương tự trong Sáng Thế Ký 45:28; I Các Vua 19:4; I Sử Ký 21:15, “Ấy là đủ” cho biết Chúa Jesus không muốn dạy thêm về vấn đề nầy nữa, Ngài muốn chấm dứt vào lúc nầy khi thấy các Sứ Đồ không hiểu điều Ngài muốn nói, Chúa biết các Sứ Đồ sẽ hiểu điều Ngài dạy về “gươm” sau nầy chứ không phải trong lúc nầy. Họ sẽ học và ghi nhớ điều Ngài dạy một khi họ đối diện với thực tại.

Sau nầy, các Sứ Đồ đã thấu hiểu bài học Chúa dạy khi Phi-e-rơ dùng gươm chém đứt vành tai người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, và bị Chúa cảnh cáo: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.”. Họ thật đã hiểu, chúng ta thấy các Sứ Đồ đã không hề dùng gươm lần nào nữa.

Trần Đình Tâm