Tại sao Đức Chúa Trời hối hận, hối tiếc hay ăn năn?

 

Sáng Thế Ký 6:5,6“Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng trong lòng họ chỉ là xấu luôn;  thì tự trách (repented) đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng”

I Sa-mu-ên 15:11“Ta hối hận (repenteth) vì đã lập Sau-lơ làm vua; bởi người đã xây bỏ ta, không làm theo lời ta”

Câu hỏi: Đức Chúa Trời dựng nên loài người rất tốt lành ngay từ ban đầu, và những việc xảy ra là bởi ý muốn Ngài, vậy tại sao Ngài lại tự trách hay hối hận về những gì Ngài đã làm?

Giải đáp: Chúng ta không nên hiểu hành động “hối hận” hay “ăn năn” (repent) nơi Đức Chúa Trời là tương tự như sự hối tiếc hay ăn năn nơi loài người. Loài người khi cảm biết mình làm điều sai trái hoặc phạm tội thì bày tỏ sự ăn năn, hối tiếc về việc mình đã làm. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Thánh và trong Ngài đầy dẫy sự tri thức nên những gì Ngài làm ra là không hề sai lầm. ISa-mu-ên 15:29 cho biết: “Vả lại, Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối và không ăn năn (repent); vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn.”

 Sự tự trách, hối hận, hối tiếc hay ăn năn (tùy theo cách dịch từ chữ “repent” trong Anh ngữ) của Đức Chúa Trời cần được hiểu như là một sự đổi ý của Ngài dựa trên hành động của con người. Sự đổi ý nầy phát xuất từ bản tính Thánh Khiết, Yêu Thương và Công Bình của Ngài.

 Câu chuyện của tiên tri Giô-na là bằng chứng: Giô-na, vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, tuyên bố với dân thành Ni-ni-ve rằng “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống” (Giô-na 3:4). Sau đó toàn dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn tội của mình, và Đức Chúa Trời đã đổi ý không hủy diệt thành đó nữa. Chúng ta thấy rõ điều nầy khi đọc Giô-na 3:10 “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn (repent) sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó.”

 Theo Sáng Thế Ký 1:31, Đức Chúa Trời dựng nên loài người là tốt lành trọn vẹn, rồi trong đoạn 6:5,6 nói Đức Chúa Trời hối tiếc vì đã dựng nên loài người, ấy là vì loài người từ lúc mới tạo dựng thật rất tốt lành và vô tội, nhưng rồi họ đã không vâng lời Chúa mà phạm tội, từ đó tội lỗi cứ tiếp tục lan truyền cho các thế hệ sau, họ trở nên quá gian ác đến nỗi Đức Chúa Trời phải tự trách và quyết định tiêu diệt họ bằng cơn nước lụt. Quyết định nầy phát xuất từ bản tính Thánh Khiết của Ngài.

 Trường hợp của Sau-lơ trong ISa-mu-ên 15:11: Sau-lơ được Đức Chúa Trời chọn làm vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, ông đã phạm hai lỗi lầm: Trong trận chiến với dân Phi-li-tin, thay vì chờ đợi Sa-mu-ên đến để dâng của lễ thiêu theo lệnh Chúa, ông đã tự ý dâng của lễ (Isa-mu-ên 13:8-13); sau đó, trong trận chiến với dân A-ma-léc, Chúa truyền phán phải tiêu diệt hết tất cả những gì thuộc về dân A-ma-léc, ông lại không tuân theo mà chỉ tiêu diệt những gì không có giá trị và giữ lại những gì có giá trị (Isa-mu-ên 15:9). Đức Chúa Trời phán với sa-mu-ên là Ngài hối tiếc đã lập Sau-lơ làm vua, điều nầy nói đến sự thay đổi ý định của Đức Chúa Trời so với lúc ban đầu Ngài dự định, lý do đến từ sự bất tuân của Sau-lơ. 

 Cuối cùng chúng ta học được một nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Giê-rê-mi 18:7-10 “Khi Ta công bố bứng gốc, phá vỡ hoặc tiêu diệt một nước hay một vương quốc nào đó, nhưng nếu nước mà Ta định trừng phạt đó từ bỏ điều ác thì Ta sẽ thay đổi ý định giáng họa trên chúng. Cũng có khi Ta công bố xây dựng, vun trồng một nước hay một vương quốc nào đó, nhưng nếu nước ấy làm điều ác dưới mắt Ta, không lắng nghe tiếng Ta, thì Ta sẽ thay đổi ý định ban phước cho chúng.” (BHĐ)   

 Như vậy, khi Thánh Kinh nói Đức Chúa Trời hối tiếc hay ăn năn có nghĩa là Ngài thay đổi quyết định của Ngài, sự thay đổi nầy căn cứ trên thái độ của con người đối với mệnh lệnh của Ngài, và sự thay đổi nầy phát xuất từ bản tính Thánh Khiết, Yêu Thương và Công Bình của Đức Chúa Trời.

 

Trần Đình Tâm