Tiên tri Ê-li-sê và 42 đứa trẻ bị gấu cắn xé

 

II Các Vua 2:23,24:

“Từ đó, Ê-li-sê đi lên Bê-tên. Đang đi dọc đường, có những trẻ con trai ở thành ra nhạo báng người, mà rằng: Ớ lão trọc, hãy lên! Ớ lão trọc, hãy lên! Người xây lại ngó chúng nó, và nhân danh Đức Giê-hô-va mà rủa sả chúng nó. Liền có hai con gấu cái ra khỏi rừng, cấu xé bốn mươi hai đứa trong bọn chúng nó.”

Câu hỏi:

Vì sao tiên tri Ê-li-sê (Elisha) rủa sả 42 đứa trẻ chỉ vì bị chọc ghẹo là đầu hói? Những đứa trẻ bảo tiên tri "hãy lên" là có ý gì? Những đứa trẻ ấy đã trưởng thành hay còn nhỏ chưa biết nhận thức? Vì sao chỉ có 2 con gấu nhưng lại có thể cắn xé 42 đứa trẻ? Lẽ nào chúng không có thời gian để chạy thoát?

Giải đáp:

Câu chuyện của Ê-li-sê và 42 đứa trẻ bị gấu cắn xé được tường thuật chỉ trong 2 câu ngắn ngủi, làm nhiều người bối rối và tự hỏi tại sao Chúa lại cho phép 2 con gấu cắn xé 42 đứa trẻ chỉ vì một lời giễu cợt?

Nếu chúng ta suy xét nhiều khía cạnh khác nhau trong câu chuyện, chúng ta sẽ thấy vấn đề không đơn giản như chúng ta suy tưởng.

Bê-tên ở đâu? Có gì đặc biệt tại Bê-tên?

Câu chuyện xãy ra trong lúc Ê-li-sê đi từ Giê-ri-cô đến Bê-tên. Bê-tên (Bethel) có nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời”, do Gia-cốp đặt tên để nhớ lại nơi ông đã nằm chiêm bao thấy các bậc thang nối từ đất lên trời và cũng là nơi Chúa nhắc lại cho ông Giao Ước mà Ngài đã thiết lập cho dòng dõi của ông (Sáng Thế Ký 28:10-19). Kể từ khi vương quốc Y-sơ-ra-ên chia hai, vua Giê-rô-bô-am (cai trị miền Bắc) truyền lệnh đặt hình tượng con bò bằng vàng tại Bê-tên để dân chúng thờ lạy (I Các Vua 12:26-32). Như vậy, Bê-tên đã trở thành trung tâm thờ lạy hình tượng trong thời tiên tri Ê-li-sê.

42 đứa trẻ.

Chúng ta cần ghi nhận 42 người trẻ là dân cư thành Bê-tên, là những người không kính sợ Chúa và không vâng giữ điều răn của Chúa, nhưng chống nghịch Chúa qua sự thờ lạy hình tượng.

“Đứa trẻ con” theo nguyên ngữ Hebrew, là na’ar chỉ về lứa tuổi vị thành niên cho đến trưởng thành (theo từ điển Strong’s Hebrew and Greek của James Strong, nhà Xuất bản AMG, trang 1921), là lứa tuổi thanh-thiếu niên theo cách gọi của người Việt. Như vậy, những đứa trai trẻ nầy là những người có ý thức về hành động và lời nói của mình.

Thêm một điều cần chú ý: Câu cuối của câu 24: “… bốn mươi hai đứa trong bọn chúng nó.” cho thấy có hơn 42 người trẻ họp lại. Đây không phải là hành động đơn lẻ, tự phát của một hay hai đứa trẻ, nhưng là một nhóm khá đông tụ lại với động cơ nhạo báng người của Đức Chúa Trời.

Ê-li-sê.

Ê-li-sê là tiên tri, ông được người thầy của ông là tiên tri Ê-li xức dầu cho để làm tiên tri cho Đức Chúa Trời (I Các Vua 19:16). Ê-li-sê là người chứng kiến cảnh tượng Ê-li được Chúa cất lên trời: Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Ê-li lên trời (go up) trong một cơn gió lốc.” (II Các Vua 2:11)

“Ớ lão trọc, hãy lên”

“Ớ lão trọc, hãy lên” hay “Ớ lão hói đầu, hãy lên” (Go up, you baldhead!). Câu nói hãy lên (go up) của bọn trẻ không thể nào giải thích khác hơn là chúng đang nhắc cho Ê-li-sê nhớ lại sự kiện thầy của ông là Ê-li đã được đem lên trời (go up). Có thể bọn trẻ biết được điều đó do kể lại. Tuy nhiên, những đứa trẻ dùng sự kiện “lên trời” do Chúa làm để đem ra nhạo báng và chế giễu Ê-li-sê. Ngoài ra, lời nói “Ớ lão hói đầu” cho thấy bọn trẻ khinh miệt người của Đức Chúa Trời. Dù bọn trẻ thốt ra những lời lẽ như thế với một mục đích nào đi nữa thì chúng ta nên hiểu rằng họ đang nhạo báng và chế giễu chính Đức Chúa Trời. II Sử Ký  36:15,16 cho chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời nổi giận như thế nào đối với những người nhạo báng các tiên tri của Ngài: Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng, vì có lòng thương xót dân sự và đền của Ngài; nên hằng sai sứ giả đến cùng chúng; nhưng chúng nhạo báng sứ giả của Đức Chúa Trời, khinh bỉ các lời phán Ngài, cười nhạo những tiên tri của Ngài, cho đến đỗi cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân sự Ngài, chẳng còn phương chữa được.”

Ê-li-sê nhân danh Chúa rủa sả bọn trẻ.

Người của Đức Chúa Trời không hành xử theo ý riêng nhưng nhân danh theo Luật Pháp của Chúa về sự ban phước hay rủa sả của Ngài trên dân sự: Nếu các ngươi phản đối cùng ta, và không muốn nghe ta, thì ta sẽ tùy theo tội phạm giáng tai vạ trên các ngươi gấp bảy lần nữa. Ta sẽ sai những thú đồng đến tha con cái các ngươi đi, ăn hại súc vật, diệt số người ra ít; và đường nẻo các ngươi sẽ vắng tanh.” (Lê-vi Ký 26:21,22)

Liền có hai con gấu cái ra khỏi rừng, cấu xé bốn mươi hai đứa trong bọn chúng nó.

Lời rủa sả của tiên tri được Chúa đáp ứng ngay lập tức: Có 2 con gấu cái trong rừng ra cấu xé 42 người trai trẻ. Hai con gấu nầy là gấu cái nên rất dữ tợn. Làm thế nào chỉ 2 con gấu lại có thể tấn công 42 người trẻ? Cần nhớ rằng Đức Chúa Trời cho phép điều nầy xãy ra, Chúa tể trị mọi sự, Chúa biết trước mọi sự, Chúa biết rõ chỉ cần 2 con gấu cái là đủ!

Động từ “cấu xé” làm chúng ta liên tưởng đến 2 con gấu cắn xé thịt xương và làm chết 42 người. Tuy nhiên, “cấu xé” trong nguyên văn là “maul” chỉ về hành động thô bạo, có thể gây ra thương tích chứ không hẵn gây ra cái chết. Do đó, 2 con gấu có “nhiều thì giờ” hơn để tấn công đám trai trẻ. Tại sao bọn trẻ không chạy thoát khỏi 2 con gấu? Chúng ta không biết chính xác bọn trẻ phản ứng như thế nào vì Kinh Thánh không nói rõ, họ bỏ chạy hay dựa vào số đông để họp nhau chống lại con gấu? Dù thế nào thì có 42 người không thoát khỏi nanh vuốt của 2 con gấu.

Tóm lại, 42 người trai trẻ bị gấu hại không phải vì sự trêu chọc thông thường nhưng là sự nhạo báng tiên tri của Đức Chúa Trời và công việc của Ngài, điều đó đồng nghĩa với việc xúc phạm đến chính Đức Chúa Trời. Họ phải trả giá cho những gì họ đã làm.

Trần Đình Tâm

Tháng 11, 2017