Phao-lô có mở trường thần học Thần Học Ti-ra-nu?

 

Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9

“Song vì có mấy người cứng lòng, từ chối không tin, gièm chê đạo Chúa trước mặt dân chúng, thì người (sứ đồ Phao-lô) phân rẽ họ mà nhóm các môn đồ riêng ra, và dạy dỗ hằng ngày trong trường học Ti-ra-nu.”

Câu hỏi:

Sứ đồ Phao-lô đã có mở trường thần học để đào tạo người hầu việc Chúa?

Giải đáp:

Chuyện xãy ra trong chuyến truyền giáo lần thứ ba của Phao-lô (khoảng năm 54-57 SC). Trong khi Phao-lô truyền giảng Tin Lành trong nhà hội tại thành phố Ê-phê-sô, có một số người chẳng những cứng lòng, không tin, mà còn gièm chê đạo của Chúa trước mặt dân chúng. Trước thái độ đó, Phao-lô họp những người đã tin Chúa riêng ra, và dạy dỗ trong trường học Ti-ra-nu trong suốt 2 năm (câu 20).

Ngày hôm nay, nhiều người đã căn cứ vào câu Kinh Thánh trên để kết luận rằng Phao-lô đã từng mở trường thần học để đào tạo những người hầu việc Chúa, kết luận nầy nhằm mục đích bênh vực cho hệ thống đào tạo người hầu việc Chúa tại các trường thần học ngày nay.

Chúng ta cần hiểu đúng 2 vấn đề sau: 1/ Trường Ti-ra-nu là loại trường gì? 2/ Phao-lô đã làm gì cùng với những môn đồ?

1. Trước hết, Ti-ra-nu (Tyrannus) là tên của một cơ sở được dùng làm trường học tại Ê-phê-sô. Có thể Ti-ra-nu là tên của một người nổi tiếng nào đó thời bấy giờ ( người đó có công xây dựng trường và thành lập trường) hay chỉ đơn giản là một cái tên được đặt cho một trường. Có thể trường nầy dạy về văn hóa như bao nhiêu trường khác trên thế giới, hoặc là trường dạy luân lý (moral), luận lý (logic) hay triết học (philosophy) tại thành phố Ê-phê-sô v.v…

Bản Kinh Thánh tiếng Anh NIV và ESV cho biết Phao-lô và các môn đồ sử dụng “hall of Tirannus”. Như vậy, Phao-lô đã mượn trường học Ti-ra-nu làm địa điểm để họp các môn đồ và sinh hoạt mỗi ngày vào những giờ thích hợp.

2. Phao-lô đã làm gì cùng với các môn đồ? Bản Kinh Thánh Việt Ngữ cho biết Phao-lô “dạy dỗ”, tuy nhiên, dịch là “dạy dỗ” thì không chính xác. Sau đây là cách dịch trong một vài bản Kinh Thánh tiếng Anh:

“disputing” (Bản KJV), “reasoning” (Bản ESV, NASB), “discussion” (Bản NIV), “argue” (Bản NRSV), các từ đó có nghĩa là thảo luận, tranh luận, bàn luận, lập luận.

Từ ngữ “teaching” có nghĩa “dạy dỗ” không được dùng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9.

Các bản dịch tiếng Anh cho biết Phao-lô và các môn đồ học hỏi, bàn luận, thảo luận hay tranh luận với nhau về Kinh Thánh nhằm mục đích giúp các môn đồ hiểu rõ hơn về Lời Chúa để có thể đối đáp, phản biện với những người đang gièm chê đạo Chúa và vững vàng trong sự rao giảng Tin Lành. Nhờ sự nghiên cứu, thảo luận Kinh Thánh lẫn nhau tại trường Ti-ra-nu và công tác rao giảng Phúc Âm trong suốt 2 năm nên đạo Chúa được lan truyền khắp vùng Tiểu Á (Asia): “Việc đó cứ luôn hai năm, đến nỗi mọi người ở trong cõi A-si, hoặc người Giu-đa hay là người Gờ-réc, đều nghe đạo Chúa.” (câu 10)

Tóm lại, Phao-lô không mở trường thần học như cách mà nhiều người ngày hôm nay gán cho. Các trường thần học mà chúng ta biết ngày nay hoàn toàn không giống với trường hợp của Phao-lô và các môn đồ tại thành Ê-phê-sô. Do đó, chúng ta không nên gán ép Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9 để làm nền tảng chứng minh cho hệ thống đào tạo và cấp văn bằng thần học ở các trường thần học ngày nay.

Trần Đình Tâm

Tháng 2, 2015