Tại sao Chúa Jesus không cho phép Ma-ri Ma-đơ-len chạm vào Ngài?

 

Giăng 20:17:

“Đức Chúa Jêsus phán rằng:Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.”

Câu hỏi:

Tại sao Chúa Jesus không cho phép Ma-ri chạm vào Ngài sau khi Ngài sống lại?

Giải đáp:

Chúng ta biết Ma-ri Ma-đơ-len là người đầu tiên được Chúa Jesus hiện ra cho bà thấy sau khi ngài sống lại. Ma-ri cũng như tất cả các môn đồ khác, không một ai tin rằng Chúa Jesus sống lại cho đến khi Ngài hiện ra cho họ xem thấy.

Ma-ri Ma-đơ-len rất yêu quý Chúa Jesus, vì bà được Chúa cứu ra khỏi quỉ hung dữ. Bà có mặt trong nhóm phụ nữ đi theo Chúa Jesus trong khi Ngài giảng dạy; bà cũng đi theo Chúa Jesus trên đoạn đường Chúa vác thập tự giá từ trong thành Giê-ru-sa-lem cho đến đồi Gô-gô-tha; bà chứng kiến cảnh tượng Chúa bị đóng đinh và bà cũng theo dõi việc an táng xác Chúa trong phần mộ; bà và các phụ nữ khác đem theo thuốc thơm đến mộ để xức xác Chúa trong buổi sáng ngày Thứ Nhất.

Lúc Ma-ri đứng bên ngoài mộ và khóc, Chúa Jesus đến phía sau bà nhưng bà ngỡ là người làm vườn. Đến khi Chúa Jesus gọi tên bà: “Hỡi Ma-ri!” (câu 16a), bà liền xây lại và nhận ra Chúa Jesus, bà liền thốt lên: “Ra-bu-ni! (nghĩa là thầy)” (câu 16b). Sau đó, Chúa Jesus nói: “Chớ rờ đến ta …”

Bản dịch Việt Ngữ “chớ rờ đến ta” khiến nhiều người hiểu lầm rằng Chúa Jesus không muốn Ma-ri đụng chạm (touch) đến Ngài. Thật ra, câu “chớ rờ đến ta” nếu dịch đúng nguyên bản Hy-lạp, có nghĩa là “Chớ cầm giữ ta” (“Do not cling to me”, hoặc “Do not hold on to me”)

Chúng ta thử đặt câu hỏi: Bà Ma-ri đã có hành động phủ phục dưới chân Chúa và ôm chân Ngài không?

Có thể đa số chúng ta nghĩ rằng, vì Ma-ri bất ngờ thấy Chúa sống lại, bà vui mừng quá nên bà toan ôm chân chúa, nhưng vì chúa biết trước hành động mà bà sẽ làm, nên Ngài phán “chớ rờ đến ta” nên bà không thể làm điều mà bà muốn.

Dù Kinh Thánh không mô tả phản ứng của Ma-ri, nhưng nếu căn cứ vào lời nói của Chúa Jesus: “Chớ cầm giữ ta”, chúng ta có thể biết chắc Ma-ri, với sự ngạc nhiên tột độ, với một tâm trạng quá đổi vui mừng vì bất ngờ thấy Chúa sống lại, bà đã phủ phục dưới chân Chúa và ôm chân Ngài. Hành động của Ma-ri bày tỏ lòng quý mến Chúa và cũng bày tỏ sự tôn thờ Chúa nữa.

+ Không có lý khi chúng ta cho rằng Chúa cấm Ma-ri đụng chạm đến Ngài, dù lúc đó thân thể Chúa Jesus là thân thể vinh hiển (glory), là thân thể không chết (imperishable) (I Cô-rinh-tô 15:42,43), vì sau đó, Chúa cho phép Thô-ma dùng tay chạm vào dấu đinh trong bàn tay của Chúa, chạm vào vết giáo đâm nơi sườn của Chúa (Giăng 20:27). Chúa không bao giờ từ khước người nào đụng chạm đến Ngài để bày tỏ lòng yêu quý và tôn thờ Ngài. Chúng ta biết có người phụ nữ xấu nết đã hôn chân Chúa (Lu-ca 7:37,38), Ma-ri đã lấy tóc mình lau chân chúa với dầu thơm (Giăng 12:3). Sau khi Chúa Jesus sống lại và hiện ra lần đầu tiên với Ma-ri Ma-đơ-len, sau đó không bao lâu, chính bà và một phụ nữ khác gặp Chúa lần nữa, và hai bà đã ôm chân Chúa mà thờ lạy: “Hai người đàn bà đó bèn vội vàng ra khỏi mộ, vừa sợ vừa cả mừng, chạy báo tin cho các môn đồ. Nầy, Đức Chúa Jêsus gặp hai người đàn bà đó, thì phán rằng: Mừng các ngươi! Hai người cùng đến gần ôm chân Ngài, và thờ lạy Ngài.” (Ma-thi-ơ 28:8,9)

+ Tại sao Chúa Jesus nói với Ma-ri “Chớ cầm giữ (cling) ta”? Trước hết, động từ “cling” có ý nghĩa là cầm giữ, níu lấy, bám lấy mà không muốn buông ra, chứ không có nghĩa là rờ hay đụng chạm. Như vậy, Ma-ri đã ôm chân Chúa với tình cảm thông thường của một người yêu kính Chúa, bà muốn níu giữ Chúa; Vì thế, Chúa đã phán với bà: “đừng cầm giữ ta”. Kế đến, văn mạch theo sau sẽ giúp chúng ta hiểu được bài học mà Chúa muốn dạy Ma-ri:

1. “Vì Ta chưa lên cùng Cha”: Chúa cho bà biết Ngài sẽ trở về cùng Cha Ngài trên trời, bà không thể níu giữ Chúa lại trên đất nầy, vì vậy, mối liên hệ giữa Chúa và bà sẽ chuyển đổi sang một hướng khác: bà (cũng như chúng ta ngày nay) sẽ có mối liên hệ với Chúa Jesus qua Đức Thánh Linh sẽ được ban xuống sau khi Ngài trở về cùng Cha Ngài. Phi-e-rơ giải thích điều nầy trong Công Vụ Các Sứ đồ 2:33: “Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra.”. Đức Thánh Linh sẽ ngự vào lòng của những người tin theo Ngài. Nói cách khác, Chúa Jesus ở với chúng ta, hiện diện trong chúng ta qua Đức Thánh Linh. Đó là nguyên do vì sau Chúa Jesus phán với các môn đồ trước khi Ngài về trời: Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:20)

2. “Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.”: Chúa muốn nói với Ma-ri rằng “đừng níu giữ” Chúa, nhưng cần phải đi báo ngay cho các môn đồ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại, Ngài sẽ không ở lại trần gian nầy nữa nhưng sẽ trở về Cha Ngài. Thật ra, Chúa Jesus đã từng phán dạy cho các môn đồ về việc Ngài sẽ trở về trời và ban Đức Thánh Linh: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật (chỉ về Đức Thánh Linh) … Còn ít lâu, thế gian chẳng thấy ta nữa (lúc Chúa Jesus về trời), nhưng các ngươi sẽ thấy ta (bởi Đức Thánh Linh ngự trong lòng) … Nội ngày đó, các ngươi sẽ nhận biết rằng ta ở trong Cha ta; các ngươi ở trong ta, và ta ở trong các ngươi.” (Giăng 14:16-20)

3. “Cha taCha các ngươi; Đức Chúa Trời taĐức Chúa Trời các ngươi”: Chúa Jesus dạy một lẽ đạo phân biệt giữa loài người chúng ta và Chúa Jesus trong mối liên hệ với Đức Chúa trời:

+ Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta:

Chúa Jesus dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha của chúng tôi ở trên trời …” (Ma-thi-ơ 6:9). Chúa Jesus từng nói Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta: “Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.” (Ma-thi-ơ 6:31,32)

+ Đức Chúa Trời là Cha của Chúa Jesus:

Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời là Cha trong khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời “Cha ơi!” (Ma-thi-ơ 26:39,42). Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời là Cha trong khi Ngài giảng dạy (Giăng 6:32,37,40; 10:15,29; 15:1 v.v…)

Trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, Khi Chúa Jesus còn ở trong thân xác con người, Đức Chúa Trời là Cha của Chúa Jesus khác với Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, vì lý do đơn giản là Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, ngài cũng là Đấng Tạo dựng chúng ta, còn chúng ta chỉ là loài thọ tạo. Chính vì thế mà Chúa Jesus không bao giờ nói “Đức Chúa Trời của chúng ta” (our God) hay “Cha của chúng ta” (our Father), nhưng Ngài nói “Cha ta và Cha các ngươi” (my Father and your Father) và “Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (my God and your God)

 Trần Đình Tâm

Tháng 7, 2014