Tại sao Chúa nhận của lễ của A-bên nhưng khước từ của lễ của Ca-in?

 

Sáng Thế Ký 4:3-5:

“Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người.”

Câu hỏi:

Tại sao Đức Chúa Trời nhận của lễ của A-bên nhưng khước từ của lễ của Ca-in?

Giải đáp:

Rất nhiều con cái Chúa dù đã tin Chúa lâu năm, đã được nghe giảng giải nhiều lần về câu chuyện dâng lễ vật của Ca-in và A-bên, nhưng hầu như đa số con cái Chúa vẫn còn nhiều thắc mắc chung quanh sự của lễ của Ca-in và A-bên. Thật ra, không phải chỉ đơn thuần giải đáp câu hỏi “Tại sao Đức Chúa Trời nhận của lễ của A-bên nhưng khước từ của lễ của Ca-in?” mà chúng ta cần phải giải quyết nhiều vấn đề sau đây:

+ Chẳng phải là cả hai người, Ca-in và A-bên đều dâng những gì mình có đó sao? Vậy, tại sao Chúa từ chối tế lễ của Ca-in?

+ Đức Chúa Trời có bất công không khi từ chối của lễ của Ca-in, vì luật lệ về dâng của lễ mãi đến khoảng 1.050 năm sau mới được ban hành trong thời của Môi-se?

+ Ngoài ra, Kinh Thánh cũng khuyến khích con người dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời bằng thổ sản, hay hoa lợi đầu mùa do chính tay mình trồng trọt như Lê-vi Ký 2:14 hay Châm Ngôn 3:9 truyền dạy đó sao? Vậy, tại sao Chúa từ chối lễ vật của Ca-in?

Vấn đề quan trọng đầu tiên cần giải quyết là Đức Chúa Trời có truyền dạy cho Ca-in và A-bên nguyên tắc dâng của lễ hay không?

Chúng ta hãy suy gẫm cẩn thận Sáng Thế Ký 4:3:

“Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ.”

Xin chú ý đến hai yếu tố sau trong câu trên:

a) Từ ngữ “của lễ” (offering) được dùng. “Của lễchỉ về những gì đã được chỉ dẫn để dâng lên cho Chúa. Từ “của lễ” cũng được dùng trong luật pháp Môi-se để quy định về sự dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký chương 1 đến 7). Trong hoàn cảnh thế giới lúc lúc ấy chỉ có bốn người, chúng ta nhận thấy không thể nào Ca-in hay A-bên tự nghĩ ra mình phải có bổn phận dâng cho Chúa thổ sản hay chiên đầu lòng làm của lễ, mà phải có sự hướng dẫn như là một bổn phận phải làm; hơn nữa, không phải chỉ một người dâng của lễ mà cả hai ông dâng của lễ, điều nầy chứng minh rằng cả hai ông đã được Đức Chúa Trời truyền dạy trực tiếp, hoặc do A-đam và Ê-va truyền dạy.

Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, Chúa không hề bắt lỗi con người khi họ vi phạm luật của Ngài mà trước đó họ không biết gì về luật đó. Chúa nhận của lễ của A-bên và không nhận của lễ của Ca-in vì A-bên dâng của lễ theo sự hướng dẫn, còn Ca-in không dâng theo sự truyền dạy mà dâng theo ý mà ông cho là đúng.

b) A-bên dâng Chiên đầu lòng và mỡ: “Mỡ” của con chiên chứng minh con chiên đã bị A-bên giết. Hơn nữa, hành động giết con chiên để lấy thịt làm của lễ cùng với mỡ của nó phù hợp với luật pháp của Đức Chúa Trời truyền dạy về dâng tế lễ trong thời của Môi-se sau nầy. Điều nầy chứng minh rõ ràng Chúa có truyền dạy cho tổ tiên loài người nguyên tắc dâng tế lễ, vì con người không thể nào tự nghĩ ra điều lạ lùng là giết con chiên, rồi lấy thịt thiêu đốt trên bàn thờ làm tế lễ, rồi dâng mỡ của chiên cho Chúa làm của lễ. Chì có một cách giải thích: Chúa đã truyền dạy họ như thế!

Tại sao của lễ của A-bên lại được Chúa vui nhận? Hê-bơ-rơ 11:4 giúp chúng ta lời giải đáp: Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy.”

Có vài yếu tố quan trọng mà chúng ta cần hiểu liên quan đến thái độ dâng, vật dâng kết quả sau khi dâng như sau:

1/ Thái độ dâng: A-bên dâng bởi đức tin.

2/ Vật dâng: A-bên dâng chiên đầu lòng cùng mỡ (fat) của con chiên đó. Tại sao Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến mỡ của con chiên? Mỡ của chiên cho thấy con chiên đã bị giết, A-bên không dâng con chiên còn sống, nhưng giết chết con chiên để dâng thịt và mỡ. Lê-vi Ký 3:16 cho biết một chi tiết về luật dâng tế lễ: “Hết thảy mỡ đều thuộc về Đức Giê-hô-va.”

3/ Kết quả dâng: A-bên được xưng công bình (hay được kể là công bình).

Con chiên bị giết mà A-bên dâng làm của lễ làm hình bóng về Chúa Jesus chịu chết vì tội của chúng ta. A-bên dâng con chiên bởi đức tin và ông được xưng công bình làm hình bóng về bất cứ ai ngày nay đặt đức tin nơi Chúa Jesus đã chết vì tội của mình sẽ được Chúa tha thứ tội, và được Đức Chúa Trời kể là công bình, đúng theo lời Chúa đã hứa: Họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Rô-ma 3:24) và Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin.” (Rô-ma 5:1)

Nếu sự dâng con chiên của A-bên làm hình bóng cho những người bởi đức tin nơi Chúa Jesus để được sự cứu rỗi, thì sự dâng thổ sản của Ca-in làm hình bóng cho những ai dựa vào các công đức của mình để đạt sự cứu rỗi.

Có người trích dẫn Châm Ngôn 3:9 “Hãy lấy tài vật và huê lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va.” để cho rằng việc dâng thổ sản của Ca-in rất phải lẽ, tại sao Chúa không nhận? Chúng ta cần phân biệt hai trường hợp khác nhau: Châm Ngôn 3:9 nói về sự dâng hiến thổ sản với tinh thần cảm tạ Chúa (honor), còn sự dâng của Ca-in và A-bên là sự dâng tế lễ (offering), đó là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau.

Lê-vi Ký 2:14,15 có nói về dâng hoa quả đầu mùa: “Nếu ngươi dùng hoa quả đầu mùa đặng làm của lễ chay tế Đức Giê-hô-va, thì phải bằng gié lúa rang, hột lúa mới tán ra, đổ dầu vào và thêm nhũ hương. Ấy là của lễ chay.” Đây là luật về của lễ chay chứ không phải luật về của lễ thiêu đúng như A-bên đã dâng. Câu chuyện dâng của lễ của Ca-in và A-bên cho thấy Đức Chúa Trời yêu cầu dâng của lễ thiêu. Ngay cả luật dâng của lễ chay, Ca-in vẫn không làm đúng.

Có ý kiến cho rằng vì A-bên làm nghề chăn chiên nên có sẵn chiên để dâng tế lễ, còn Ca-in làm ruộng, chỉ có thổ sản để dâng mà thôi, Chúa có bất công không khi từ chối của lễ của Ca-in? Thật ra, đây không phải là nan đề! Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi: A-bên làm nghề chăn chiên, vậy A-bên sẽ không bao giờ ăn được hoa quả, ngũ cốc mà chỉ ăn thịt thôi sao? Còn Ca-in có nghề làm ruộng nên ông phải ăn chay suốt đời sao? Chúng ta không cần nuôi bò mà vẫn có thịt bò ăn hằng ngày đó sao! Chúng ta không trồng lúa mà vẫn có gạo ăn mỗi ngày! Chúa rất công bằng, Ngài không bao giờ đòi hỏi Ca-in phải dâng con chiên mà Ngài biết rằng ông không thể nào kiếm đâu cho ra con chiên. Ca-in đã biết làm thế nào để có con chiên để dâng, nhưng ông thích làm theo ý riêng của mình, đó là lý do của lễ ông dâng bị từ chối. Chúa không bao giờ truyền dạy cho chúng ta điều mà chúng ta không thể làm được; Chúa chỉ truyền dạy cho chúng ta điều mà chúng ta có thể làm được nếu chúng ta thật lòng muốn vâng lời Ngài: “Điều răn nầy mà ta truyền cho ngươi ngày nay chẳng phải cao quá ngươi, hay là xa quá cho ngươi … Vì lời nầy rất gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi, để ngươi làm theo nó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:11,14)

Vấn đề dâng của lễ cho Chúa chính thức trở thành văn bản (Luật Pháp), được ghi chép trong Lê-vi Ký chương 1 đến 7, tức là khoảng 1050 năm sau khi Ca-in và A-bên dâng của lễ, điều nầy không có nghĩa là trước khi có Luật Pháp, Ca-in và A-bên không biết chi hết về luật dâng tế lễ cho Chúa. Chúa có thể truyền dạy cho A-đam và Ê-va và họ dạy lại cho các dòng dõi tiếp theo. Sở dĩ đến thời Môi-se mới có luật về dâng tế lễ là vì lúc nầy, dân Y-sơ-ra-ên là dân được Chúa chọn để trở thành một dân tộc của Chúa, là một QUỐC GIA (nation). Một quốc gia phải có luật pháp, nên Đức Chúa Trời thiết lập Luật Pháp cho họ.

 

Trần Đình Tâm