TẠI SAO ĐỨC CHÚA TRỜI THỬ ÁP-RA-HAM?

 

Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 22:1

“Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham; Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho.”

Câu hỏi:

Đức Chúa Trời là Đấng biết trước mọi sự, nếu Ngài biết trước Áp-ra-ham sẽ vâng theo lệnh truyền của Ngài mà dâng Y-sác làm tế lễ, tại sao Ngài phải “thử” Áp-ra-ham? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời không biết nên phải “thử” mới biết?

Giải đáp:

Nhiều nhà giải Kinh giải thích rằng Đức Chúa Trời “thử” Áp-ra-ham có nghĩa là Ngài thử thách đức tin của Áp-ra-ham bằng lệnh truyền ông phải dâng đứa con một yêu quý của ông, và qua sự thử thách đó, đức tin của Áp-ra-ham được tôi luyện mà trở nên mạnh mẽ và vững vàng hơn trước.

Tuy nhiên, động từ “thử” mà Đức Chúa Trời dùng cho Áp-ra-ham không có nghĩa là “thử thách”. “Thử” dành cho với Áp-ra-ham có ý nghĩa thử nghiệm (test), tiếng Hebrew là nâsâh, là thử để biết, để có bằng chứng. Từ “thử” nầy còn được dùng trong các trường hợp sau: Đức Chúa Trời “thử” dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử (nâsâh) ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:2); Nữ vương Sê-ba “thử” Sô-lô-môn: “Khi nữ vương nước Sê-ba nghe đồn danh tiếng của Sa-lô-môn, bèn đi đến Giê-ru-sa-lem, lấy những câu đố mà thử (nâsâh) người.” (II Sử 9:1); Đa-ni-ên và các bạn ông được “thử” ăn rau và uống nước trong 10 ngày: “Tôi xin ông hãy thử (nâsâh) những kẻ tôi tớ ông trong mười ngày, cho chúng tôi chỉ ăn rau uống nước. Sau đó, sẽ nhìn nét mặt chúng tôi với nét mặt những kẻ trai trẻ ăn đồ ăn ngon của vua.” (Đa-ni-ên 1:12,13).

Chúng ta thấy rõ: “thử” nêu trên là thử nghiệm, là khảo hạch để biết rõ, để có bằng chứng chứ không phải là “thử thách”, vì thử thách (trial) có mục đích rèn luyện để được tốt hơn. Chúng ta sẽ phân biệt rõ hơn khi so sánh với các câu Kinh Thánh nói về sự thử thách với mục đích rèn luyện sau đây: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.” (I Phi-e-rơ 4:12); “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.” (Gia-cơ 1:2); “đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình.” (II Cô-rinh-tô 8:2).

Đức Chúa Trời không có ý thử thách để “rèn luyện” đức tin của Áp-ra-ham, Ngài muốn thử để biết đức tin của ông nơi Ngài. Bằng chứng là Ngài đã can thiệp, không để ông giết Y-sác, và câu 12 ghi rõ: “Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ TA BIẾT rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, là con một ngươi.”

Như vậy, câu hỏi nêu được lên rất hợp lý: Đức Chúa Trời biết rõ mọi sự, tại sao Ngài phải thử Áp-ra-ham?

Đức Chúa Trời biết trước mọi sự trước khi nó xãy ra: “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên.” (Ê-sai 46:10). Ngài biết rõ lòng dạ và ý tưởng của mọi người. Đức Chúa Trời biết trước Áp-ra-ham sẽ vâng lời Ngài, Chúa biết đức tin của Áp-ra-ham, nhưng Áp-ra-ham thì không biết đức tin của chính ông đến mức độ nào cho đến khi chính ông từng trải sự thật. Dù Chúa biết trước nhưng Ngài vẫn phải truyền lệnh cho Áp-ra-ham, Ngài muốn Áp-ra-ham phải trải qua thật sự, ông phải đối diện với sự thử nghiệm, ông phải kinh nghiệm về bản thân của mình. Nếu Đức Chúa Trời không truyền lệnh để thử Áp-ra-ham (vì Ngài đã biết trước), ông sẽ không biết đức tin của mình như thế nào, và chúng ta ngày nay cũng không biết gì về ông. Tuy nhiên, Chúa cho mọi việc xãy ra theo ý của Ngài, và câu chuyện được ghi chép thành Kinh Thánh để dạy dỗ tất cả mọi người. Khi Kinh Thánh tường thuật Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham và sau đó Thiên sứ của Đức Giê-hô-va (Đức Chúa Trời) phán: Ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời …” , điều nầy không có nghĩa rằng Đức Chúa Trời không biết, nên Ngài phải thử rồi mới biết, nhưng là cách mà Đức Chúa Trời muốn loài người kinh nghiệm về bản thân mình qua sự thử nghiệm.

Trường hợp Đức Chúa Trời thử dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng để biết điều có ở trong lòng họ cũng tương tự như thế. Cụm từ “để biết điều có ở trong lòng họ” không có nghĩa là Chúa không biết nên cần phải thử họ, nhưng là bằng chứng để cho dân Y-sơ-ra-ên thấy rõ về chính bản thân mình qua sự thử nghiệm.

Thi Thiên 139 là ví dụ để minh họa cho vấn đề nầy: Đa-vít hiểu rằng Đức Chúa Trời biết rõ mọi sự về ông nên ông đã viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, quen biết các đường lối tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi.” (câu 1-4). Thế nhưng, ông lại yêu cầu Chúa “thử” ông như sau: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách (nên dịch là “thử” chứ không phải “thử thách”) tôi, và biết tư tưởng tôi; Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời.” (câu 23,24).

 

Trần Đình Tâm

Tháng 1, 2014