Tại sao con lừa Chúa Jesus cỡi gọi là con của lừa cái?

 

Ma-thi-ơ 21:5:

“Nầy, vua ngươi đến cùng ngươi, nhu mì, cỡi lừa, và lừa con, là con của lừa cái mang ách.”

Câu hỏi:

Tại sao con lừa Chúa Jesus cỡi để đi vào thành Giê-ru-sa-lem được kể là “con của lừa cái”?

Giải đáp:

Sự kiện Chúa Jesus cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem đã được dự ngôn trong sách Xa-cha-ri 9:9, sứ đồ Ma-thi-ơ trích dẫn lời tiên tri đó nhằm cho thấy lời tiên tri đã được ứng nghiệm: “Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái.” (Xa-cha-ri 9:9)

Các bản Kinh Thánh tiếng Việt như: Bản Truyền Thống 1926; Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010; Bản Dịch 2011 đều có câu “… con của lừa cái mang ách” khiến chúng ta thắc mắc, tại sao lại là con của lừa cái? Có vẻ như không cần phải như vậy, vì mọi người đều biết rõ chỉ có lừa cái đẻ ra lừa con, chứ lừa đực không thể đẻ được!

Thật ra, trong nguyên bản Kinh Thánh chỉ nói đến con lừa mà thôi, chứ không nói đến lừa cái. Có một bản dịch khác gọi là “Bản Dịch Mới” (Xuất Bản 2008) dịch đúng như sau: “… con của lừa mang ách”

Các bản dịch Kinh Thánh Anh ngữ đều dịch sát nghĩa với bản Hy-lạp, đều không có ý nói đến “con lừa cái”. So sánh hai bản dịch sau:

Bản Việt Ngữ: (Chúa Jesus) … “cỡi lừa, và lừa con, là con của lừa cái

Bản Anh Ngữ NIV: … “on a donkey, on a colt, the foal of a donkey.”

+ Donkey: con lừa nói chung.

+ Colt: Là con lừa con, nhưng mang ý nghĩa đặc biệt là chưa ai cỡi nó bao giờ.

+ Foal: Là con lừa con nói chung.

Cụm từ “the foal of a donkey” nghĩa là “con của con lừa” là một thành ngữ đặc biệt của người Do Thái chỉ về con lừa mà Chúa Jesus cỡi: Đây là con lừa thuần chủng. Kinh Thánh muốn chúng ta phân biệt với con lừa không thuần chủng: Đó là con la (mule). Con la là do sự giao phối giữa con ngựa (horse) và con lừa (donkey), con la có bản tính ương bướng, cứng đầu. Thi Thiên 32:9 nói về con la: Chớ như con ngựa và con la (mule), là vật vô tri; Phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được. Bằng không, chúng nó không đến gần ngươi.” Con la là con vật lai giống nên không thuần chủng. Như vậy, con lừa Chúa Jesus cỡi là con lừa thuần chủng và chưa có ai cỡi. Chúng ta nên hiểu Ma-thi-ơ 21:5 như sau: “Ngài nhu mì cỡi lừa, đó là lừa con, con của con lừa thuần chủng mang ách”

Ngoài ra Chúa cỡi lừa hàm ý Chúa Jesus là Vua Hòa Bình hay Vua Bình An (peace). Khi Chúa giáng sanh, các thiên sứ trên trời ca tụng: “Sáng danh Chúa trên các tầng trời rất cao; bình an dưới đất, ân ban cho người” (Lu-ca 2:15). Hình ảnh người cỡi lừa có ý nghĩa trái ngược với hình ảnh một người cỡi ngựa, vì con ngựa hàm ý về giặc giã, chiến tranh: Ngựa sắm sửa về ngày tranh chiến” (Châm Ngôn 21:31)

 

Trần Đình Tâm