Tại sao con rắn làm hình bóng về Chúa Jesus?

 

Giăng 3:14,15

“Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.”

Câu hỏi:

Con rắn tượng trưng cho điều ác, tại sao Kinh Thánh dùng hình ảnh con rắn trong sa mạc trong thời Môi-se làm hình bóng về Chúa Jesus?

Giải đáp:

Theo Dân Số Ký 21:4-9, dân Y-sơ-ra-ên trong khi lưu lạc trong sa mạc, đã phạm tội chống nghịch Chúa và Môi-se, nên Đức Chúa Trời khiến các con rắn lửa (fiery serpent), là loài rắn có nọc độc sống trong sa mạc, cắn chết rất nhiều người Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên ăn năn tội, Môi-se cầu xin Chúa giải cứu họ. Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm một con rắn bằng đồng (brass, bronze) treo lên cây sào, bất cứ ai bị rắn cắn khi nhìn lên con rắn đồng ấy sẽ được lành bệnh và được sống.

Chúng ta biết con rắn là loài vật Sa-tan dùng để cám dỗ Ê-va phạm tội (Sáng Thế Ký 3:1). Con rắn làm hình bóng về Sa-tan và ma quỉ: “Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉSa-tan (Khải Huyền 12:9). Chúa Jesus dùng hình ảnh con rắn để chỉ về bản chất của người Pha-ri-si: “Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?” (Ma-thi-ơ 23:33)

Tuy nhiên, như Giăng 3:14 khẳng định, con rắn bằng đồng treo trên cây sào làm hình bóng về Chúa Jesus, chứ không làm hình bóng về Sa-tan hay ma quỉ.

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, có một số biểu tượng (symbol) nhưng có hai ý nghĩa khác nhau, nên chúng ta cần chọn một trong hai nghĩa đó, nếu không chúng ta sẽ thấy khó hiểu. Để chọn ý nghĩa đúng, chúng ta cần căn cứ vào văn mạch và dựa vào nội dung của phân đoạn Kinh Thánh có chứa biểu tượng đó. Ví dụ: I Phi-e-rơ 5:8 dùng biểu tượng “con sư tử” để chỉ về ma quỉ: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được”, thế nhưng, hình ảnh “con sư tử” cũng làm hình bóng về Chúa Jesus trong Khải Huyền 5:5: “Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giu-đa, tức là Chồi của vua Đa-vít (Chúa Jesus), đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra.” Một ví dụ khác: I Cô-rinh-tô 14:20 dùng hình ảnh “trẻ con” nhưng với hai nghĩa khác nhau: “Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhơn”. Ê-phê-sô 4:14 thì dạy chúng ta đừng giống như trẻ con: “Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc.”, nhưng I Phi-e-rơ 2:2 lại dạy chúng ta hãy giống như trẻ con: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”

Theo Thi Thiên 58:3,4, con rắn chỉ về sự dối trá: “Kẻ ác bị sai lầm từ trong tử cung. Chúng nó nói dối lầm lạc từ khi mới lọt lòng mẹ. Nọc độc chúng nó khác nào nọc độc con rắn; Chúng nó tợ như rắn hổ mang điếc lấp tai lại.”,nhưng Ma-thi-ơ 10:16 dạy chúng ta nên khôn khéo như rắn: “Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bò câu.”

Tóm lại, cùng một biểu tượng nhưng có thể gồm 2 ý nghĩa khác nhau hoặc trái ngược nhau. Do đó, sự ứng dụng cũng khác nhau. Chúng ta chọn nghĩa đúng bằng cách căn cứ vào văn mạch Kinh Thánh.

Trần Đình Tâm

9 tháng 4, 2017