CÓ PHẢI GÀ GÁY SAU KHI PHI-E-RƠ CHỐI CHÚA?

 

Mác 14:40,72:

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay, cũng trong đêm nay, trước khi gà gáy (the rooster crows) hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần.”

“Tức thì gà gáy lần thứ hai; Phi-e-rơ bèn nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã phán rằng: Trước khi gà gáy hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần. Người tưởng đến thì khóc.”

Câu hỏi:

Có phải tiếng “gà gáy” thật là tiếng gáy của một con gà nào đó?

Giải đáp:

Cả 4 sách Phúc Âm đều cho biết sau khi Phi-e-rơ chối không biết Chúa Jesus, gà liền gáy (rooster crows). Đa số Cơ-đốc nhân cho rằng đó là tiếng của con gà cất tiếng gáy. Tuy nhiên có những bằng chứng cho thấy đó không không phải là tiếng gáy của một con gà.

1. Câu chuyện xãy ra trong địa phận Giê-ru-sa-lem. Đối với người Do Thái, Giê-ra-sa-lem là thành phố thánh, nhất là trong giai đoạn còn có đền thờ (temple). Gà là loại gia súc không sạch, các thầy tế lễ  không cho phép người dân nuôi gà trong thành Giê-ru-sa-lem. Xin đọc trang web sau để hiểu được vấn đề nầy: biblestudytools.com/commentaries/lightfoot-new-testament/matthew/centuries/jerusalem.html

2. Mác 13:35 là câu Kinh Thánh cho thấy “gà gáy” không phải là tiếng gáy của con gà: “Vậy, các ngươi hãy tỉnh thức, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy (rooster crows, cockcrowing), hay là sớm mai.”

Trong thời đế quốc La-mã cai trị, người Do Thái phân chia khoảng thời gian từ 6 giờ chiều cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau (gồm 12 tiếng đồng hồ) làm 4 phần, gọi là 4 canh (watch):

+ Canh 1: Từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Mác 13:35 kể là chiều tối (evening)

+ Canh 2: Từ 9 giờ tối đến 12 giờ đêm. Mác 13:35 kể là nửa đêm (midnight)

+ Canh 3: Từ 12 giờ đêm đến 3 giờ khuya. Mác 13:35 kể là gà gáy (rooster crows)

+ canh 4: Từ 3 giớ khuya đến 6 giờ sáng. Mác 13:35 kể là sớm mai (morning)

Theo sự phân chia thời gian ra làm 4 canh bằng nhau như trên, không thể kết luận “gà gáy” là tiếng gáy của con gà, nhưng phải là một âm thanh cho biết rõ lúc đó là canh ba. Hơn nữa, ai đã từng nuôi gà thì hiểu rõ, hiếm khi gà gáy vào đêm khuya khoắt (2,3 giờ sáng), nhưng gà thường gáy khi những tia sáng mặt trời bắt đầu xuất hiện ở chân trời vào lúc bình minh.

Nguyên ngữ Hy-lạp của từ ngữ “gà gáy” là phōneō, chỉ về một âm thanh (sound). Âm thanh có thể phát ra từ bất cứ nguồn gốc nào: con vật, người ta, dụng cụ âm nhạc v.v…

Vậy, âm thanh ấy phát xuất từ đâu? Tại sao canh ba gọi là “gà gáy”?

Vài nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng tiếng “gà gáy” là tiếng thổi kèn (trumpet) của lính canh La-mã ở tòa lâu đài Antinia Fortress mỗi khi đổi phiên canh. Khi người ta nghe tiếng thổi kèn, người ta biết đó là khoảng 3 giờ sáng. Tiếng kèn “trumpet” theo tiếng La-tin là “gullicinium”, có nghĩa là “cock crow” (gà gáy).

Sách Mác cho biết “gà gáy” 2 lần. Chúng ta có thể giải thích như sau: Tiếng kèn thổi lần thứ nhất là tiếng kèn cho biết đã hết phiên trực của người lính đang trực; tiếng kèn thứ hai là tiếng kèn cho biết người lính trực khác đã đến bắt đầu phiên trực của mình. Hoặc có thể giải thích rằng kèn thổi lên 2 lần, mỗi lần thổi ở một hướng khác, để tất cả người dân trong thành phố đều nghe được rõ.

Xin đọc trang web sau đây để tìm hiểu thêm: http://getreadyforchrist.com/cockcrow.htm.

Trần Đình Tâm

Tháng 2, 2014