“Tiếng mới” trong Mác 16:17,18 là loại ngôn ngữ gì?

 

Mác 16:17,18:

“Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành.”

Câu hỏi:

“Tiếng mới” trong câu Kinh Thánh trên là loại ngôn ngữ gì?

Giải đáp:

Chúng ta hãy chú ý đến văn mạch Kinh Thánh đi trước câu trên, là lời Chúa Jesus phán dạy các Sứ Đồ trước khi Ngài về trời: “Ngài phán cùng các Sứ Đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.” (Mác 16:15,16). Chúa Jesus giao cho các Sứ Đồ trách nhiệm rao giảng Tin Lành cho mọi người. Ngay sau đó, Chúa Jesus nói tiếp trong câu 17,18: “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành.”

Chúa Jesus phán những lời trên sau khi Chúa ủy thác công tác rao giảng Tin Lành cho các sứ đồ (câu 15,16) và trước khi Chúa Jesus về trời (câu 19). Công cuộc rao giảng Tin Lành thật sự bắt đầu từ lúc các môn đồ và Sứ đồ nhận lãnh Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự rao giảng Phúc Âm trong giai đoạn Hội Thánh mới được thành lập, và Kinh Thánh Tân Ước chưa hoàn tất trong giai đoạn phôi thai đó, nên Chúa cho phép các dấu kèm theo để chứng minh Phúc Âm là chân thật. (Xin đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 4:33; 14:3 để thấy rằng phép lạ hay dấu lạ là để chứng minh cho sự giảng Tin Lành.)

Theo lời tuyên bố của Chúa Jesus, những người nghe Tin Lành và tin, sẽ nhận được các dấu (sign) sau:

1/ Nhân danh Chúa trừ quỉ.

2/ Nói tiếng mới.

3/ Bắt rắn trong tay.

4/ Uống thức uống có chất độc mà không bị hại.

5/ Đặt tay chữa lành bệnh tật.

Trong những dấu lạ nêu trên, dấu thứ 1 “nhân danh Chúa trừ quỷ” đã được chứng thực trong Công Vụ Các Sứ Đồ 5:16; 8:7; 16:18; 19:12. Dấu thứ 3 “bắt rắn trong tay” đã được chứng minh ở Công Vụ Các Sứ Đồ 28:5. Về dấu thứ 4 “uống nhầm chất độc không bị hại”, chúng ta không thấy ghi nhận trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ; tuy nhiên, có thể đã xãy ra trên thực tế nhưng không được ghi chép lại mà thôi, vì Công Vụ Các Sứ Đồ 2:43, 5:12; 6:8 cho biết có nhiều dấu lạ được làm bởi các Sứ đồ mà không nói rõ là dấu gì. Dấu thứ 5 “Đặt tay chữa lành bệnh tật” đã được ứng nghiệm ở Công Vụ Các Sứ Đồ 5:15,16; 9:17; 28:8.  

Về dấu thứ 2 “nói tiếng mới”, chúng ta nên giải thích như thế nào?

Có khá nhiều người giải thích “nói tiếng mới” theo ý nghĩa thuộc linh: Khi một người ăn năn tội và tin nhận Chúa Jesus, đời sống người đó được đổi mới. Trước khi tin Chúa, họ nói những lời lẽ không đẹp (thô tục, lỗ mảng, nói dối, nói hành người khác v.v …) nhưng sau khi tin Chúa, người ấy được đổi mới, chỉ nói nói những lời lẽ tốt đẹp (nhã nhặn, lễ độ, nói về Chúa v.v …)

Tuy nhiên, cách giải thích trên cho thấy không có sự nhất quán trong phương pháp giải nghĩa câu 17,18. Cần giữ sự nhất quán trong cách giải nghĩa như sau: 5 dấu được liệt kê chỉ có thể giải nghĩa theo một cách mà thôi, nếu đã giải thích dấu lạ “nói tiếng mới” theo ý nghĩa thuộc linh, thì cũng phải giải thích 4 dấu lạ còn lại theo ý nghĩa thuộc linh. Chúng ta thấy rõ 4 dấu lạ kia đều đã xãy ra đúng theo ý nghĩa văn tự hay nghĩa đen (literal) chứ không phải nghĩa thuộc linh. Vì thế, cách tốt nhất để giải thích “nói tiếng mới” là cũng phải giải thích theo nghĩa văn tự,  “tiếng mới” ấy chính là tiếng ngoại quốc, theo đúng như sự thật đã xãy ra ở Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4: “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.”;10:46: “Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời.”;19:6: “Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri.”. Các môn đồ thật đã nói “tiếng mới”, là tiếng ngoại quốc.

Xin lưu ý: Các tín hữu thuộc hệ phái Ngũ Tuần cho rằng dấu lạ nói “tiếng mới” trong Mác 16:17,18 nêu trên, là ân tứ nói “tiếng lạ” mà Đức Thánh Linh ban cho khi họ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, tín hữu hệ phái Ngũ Tuần tin rằng nói tiếng lạ là một dấu (sign) để chứng minh rằng họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, dấu lạ nói “tiếng mới” ở đây không phải là nói “tiếng lạ” như các con cái Chúa hệ phái Ngũ Tuần đã gán cho. Nói tiếng lạ là loại tiếng thuộc linh (chứ không phải tiếng ngoại quốc), là ân tứ Đức Thánh Linh ban cho một số tín hữu (I Cô-rinh-tô 12:30; 14:2-4) như đã xãy ra tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Vì “nói tiếng mới” trong Mác 16:17 là một dấu (sign) liên quan đến sự tiếp nhận Phúc Âm đối với những người mới nghe và tin nhận Tin Lành, “tiếng mới” là dấu (sign) để chứng minh Phúc Âm được rao giảng là chân thật trong giai đoạn Hội Thánh mới hình thành, chứ không liên quan gì đến sự nhóm họp thờ phượng Chúa của những con cái Chúa trong một Hội Thánh.

Trần Đình Tâm

Tháng 2, 2014