“Con trai của Đức Chúa Trời” trong Sáng Thế Ký chương 6 chỉ về ai?

Trần Đình Tâm

Sáng Thế Ký 6:1-5:

Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ. Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi. Đời đó và đời sau, có người cao lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở cùng con gái loài người mà sanh con cái; ấy những người mạnh dạn ngày xưa là tay anh hùng có danh. Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn.”

Cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời” (the sons of God) ám chỉ về ai là một trong những chủ đề được bàn luận khá sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu Kinh Thánh. Có 3 cách giải nghĩa khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Chỉ về dòng dõi của Sết.
Quan điểm thứ hai: Chỉ về các thiên sứ sa ngã.
Quan điểm thứ ba: Chỉ về các lãnh chúa độc tài dưới triều đại Lê-méc (Sáng Thế Ký 4:23)

Trong bài khảo luận nầy, chúng tôi chỉ xin nêu ra cách giải thích của quan điểm thứ nhất và thứ hai, đồng thời trình bày sự nhận xét. Quan điểm thứ ba không có bằng chứng nào đáng tin cậy nên không cần bàn luận.

1. Dòng dõi của Sết (the line of Seth):

Quan điểm nầy được đa số các nhà nghiên cứu Kinh Thánh chấp nhận, được giảng dạy rộng rãi, và do đó được đa số các tín đồ ưng thuận. Cụm từ “các con của Đức Chúa Trời” chỉ về con cháu của Sết được căn cứ vào các phần Kinh Thánh sau:

a) Sáng Thế Ký 4:25,26: A-đam còn ăn ở với vợ mình; người sanh được một con trai đặt tên là Sết (Seth); vì vợ rằng: Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi. Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.”

Dựa theo các câu trên, người ta cho rằng “con trai của Đức Chúa Trời” chỉ về các con cháu của Sết, vì kể từ Ê-nót, người ta bắt đầu hướng lòng về Chúa, tìm kiếm và cầu khẩn Danh Chúa.
Quan điểm nầy còn cho rằng “các con gái của loài người” (the daughters of men) chỉ về con cháu của Ca-in, là dòng dõi không kính sợ Chúa.

Như vậy, các thế hệ kế tiếp của Sết được kể là dòng dõi kính sợ Chúa, chính những người nam của dòng dõi đó đã kết hôn với những người nữ thuộc dòng dõi không kính sợ Chúa của Ca-in.

b) Một vài nhân vật trong dòng dõi của Sết được mô tả là những người kính sợ Chúa:
Hê-nóc là người đồng đi cùng Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 5:24); Nô-ê là người được ơn Chúa và là người công bình (Sáng Thế Ký 6:8,9)

c) Sáng Thế Ký 5:3: Vả, A-đam được một trăm ba mươi tuổi, sanh một con trai giống như hình ảnh (image) mình, đặt tên là Sết.”

A-đam được dựng nên theo hình ảnh (image) của Đức Chúa Trời, Sết lại được sanh ra theo hình ảnh (image) của A-đam. Điều nầy dường như hàm ý cho rằng dòng dõi của Sết hình thành nên ý niệm chính họ là “con trai của Đức Chúa Trời”

Nhận xét:

Sáng Thế Ký 4:25,26 được cho là phần Kinh Thánh duy nhất chứng minh khá mạnh mẽ rằng “các con trai của Đức Chúa Trời” thuộc dòng dõi kính sợ Chúa ra từ Sết, nhưng chúng ta hãy đọc kỹ sẽ nhận thấy câu “kể từ đó, người ta bắt đầu cẩu khẩn Danh Chúa” không có nghĩa rằng tất cả các thế hệ kế tiếp đều cầu khẩn Danh Chúa và kính sợ Chúa. Sự kết hôn giữa “dòng dõi kính sợ Chúa và dòng dõi không kính sợ Chúa” xãy ra vào thời Nô-ê, trước cơn nước lụt. Xin chúng ta hãy chú ý đến sự kiện quan trọng sau đây: Chỉ có Nô-ê được kể là kính sợ Chúa, và chỉ có gia đình Nô-ê gồm 8 người là được cứu khỏi cơn nước lụt mà thôi. Tất cả những người khác đều bị nước lụt tiêu diệt. Như vậy, quan điểm cho rằng “các con trai của Đức Chúa Trời” là những người nam kính sợ Chúa thuộc con cháu Sết không đứng vững. Nếu họ là những người kính sợ Chúa, họ đã được ở trong chiếc tàu.
Ngoài ra, không có câu Kinh Thánh nào chứng minh cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời” chính là dòng dõi của Sết.
Chưa hết, quan điểm cho rằng “con trai của Đức Chúa Trời” là dòng dõi Sết kết hôn với dòng dõi Ca-in không giải thích được tại sao cuộc hôn nhân nầy đã tạo nên giống người cao lớn, khổng lồ (giant) trên đất như Sáng Thế Ký 6:4 đã nói đến.

d) Hình ảnh “con của Đức Chúa Trời” chỉ về những người được Chúa chọn: 

+ Xuất Ê-díp-tô Ký 4:22,23: “Vậy, ngươi phải tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Y-sơ-ra-ên là con ta, tức trưởng nam ta (Israel is my son, even my firstborn), nên ta có phán cùng ngươi rằng: Hãy cho con ta đi, để nó phụng sự ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Nầy, ta sẽ giết con trai ngươi, là con trưởng nam của ngươi.”

+ Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:1: “Các ngươi là con cái Giê-hô-va Đức Chúa Trời (children of the LORD your God) các ngươi. Chớ vì người chết mà cắt thịt mình, hoặc cạo giữa hai con mắt.”

+ Ô-sê 1:10: “Dầu vậy, số con cái Y-sơ-ra-ên sẽ giống như cát bờ biển, không thể lường, không thể đếm; ... Các ngươi là con trai của Đức Chúa Trời hằng sống (Children of the living God)

Nhận xét:

Tất cả các câu trên cùng nhiều câu khác tương tự trong Cựu Ước cho thấy “các con trai của Đức Chúa Trời” rõ ràng chỉ về tuyển dân của Chúa, là dân tộc Do Thái (Israel). Dùng các câu nầy để chứng minh “các con trai của Đức Chúa Trời” trong Sáng Thế Ký là con cháu của Sết là không hợp lý. Hơn nữa, trong thời Nô-ê, dân tộc Do Thái chưa được hình thành.

Ngoài ra, các cụm từ chỉ về “con cái” (children), “con trai” (my son), “con trưởng nam” (my firstborn) trong các câu trên đều không phải là cụm từ chính xác “the sons of God” (các con trai của Đức Chúa Trời) được dùng trong Sáng Thế Ký chương 6.

2. Các thiên sứ sa ngã (Fallen Angels)

Cách giải nghĩa nầy cho rằng “các con trai của Đức Chúa Trời” không phải chỉ về loài người những chỉ về các thiên sứ sa ngã phạm tội. Quan điểm nầy rất ít người đồng ý vì khó có thể chấp nhận các thiên sứ, vốn thuộc về thể linh (spirit) lại có thể kết hôn với loài người (human). Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu thật tỉ mỉ và cẩn thận, sẽ thấy cách giải thích nầy lại có nền tảng Thánh Kinh vững chắc hơn và có tính nhất quán hơn cách giải thích của quan điểm thứ nhất nêu trên.

a) “Các con trai của Đức Chúa Trời” được Kinh Thánh chứng minh là các thiên sứ.

Nếu áp dụng phương pháp “dùng Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh” thì cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời” đã được 3 câu trong sách Gióp chứng tỏ là các thiên sứ:

+ Gióp 1:6: Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời (the sons of God) đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.”
+ Gióp 2:1: “Xảy ra một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời (the sons of God) đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng có đến trong vòng chúng đặng ra mắt Đức Giê-hô-va.”
+ Gióp 38:7: “Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai của Đức Chúa Trời (the sons of God) cất tiếng reo mừng.

Các câu trên dùng chính xác cụm từ đã dùng trong Sáng Thế Ký chương 6: “the sons of God” điều nầy chứng minh rõ ràng là các thiên sứ.

b) Các thiên sứ có khả năng biến hóa thành thân xác loài người.

Chắc chắn đây là khả năng đặc biệt mà Đức Chúa Trời ban cho các thiên sứ. Chúng ta thấy rõ đặc điểm nầy như sau:
+ Sáng Thế Ký chương 18:1-8 tường thuật câu chuyện Áp-ra-ham được các thiên sứ đến thăm, các thiên sứ mang hình thể con người, Áp-ra-ham nhận biết điều nầy. Áp-ra-ham đã rửa chân cho các thiên sứ, Áp-ra-ham đưa bánh cho thiên sứ ăn lót dạ, các thiên sứ nằm nghỉ ngơi dưới bóng cây, sau đó Áp-ra-ham bắt bò làm thịt nấu đãi các thiên sứ ăn. Các chi tiết vừa nêu cho thấy thiên sứ đã biến hóa mang thân xác thật như con người.

+ Sáng Thế Ký 19 kể câu chuyện các thiên sứ đến thành Sô-đôm để gặp Lót. Các thiên sứ đã ăn một bữa tiệc và bánh do Lót tiếp đãi. Các thiên sứ có hình thể người nam nên những người nam thành Sô-đôm (là những người đồng tính luyến ái) đã có ý đồ ăn nằm với các thiên sứ. Các thiên sứ nắm tay Lót kéo ông ra khỏi thành. Những chi tiết vừa nêu cho thấy thiên sứ không còn là thể linh (spirit) nữa, nhưng có thể xác (body) như con người.
Như vậy, chính vì thiên sứ có khả năng biến hóa thành thân xác người nam như con người thì cũng có khả năng ăn nằm với những người nữ.

c) Giống người to lớn khổng lồ (giant)

Sáng Thế Ký 6:4: “Đời đó và đời sau, có người cao lớn (Nephilim) trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở cùng con gái loài người mà sanh con cái.”

Câu trên cho thấy sự xuất hiện giống người to lớn (giant hay Nephilim) chính là hậu quả của sự ăn nằm giữa các thiên sứ và các cô gái loài người.
Hãy đọc câu Kinh Thánh trên một cách cẩn thận và suy gẫm, sẽ nhận ra nếu “con trai của Đức Chúa Trời” không phải là thiên sứ mà chỉ là loài người bình thường, thì làm sao có thể sinh sản ra giống người cao lớn dị thường?

d) Các thiên sứ phạm tội đã bị giam cầm.

II Phi-e-rơ 2:4: Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét.”

Câu trên cho thấy có một số thiên sứ đã bị Đức Chúa Trời giam cầm trong vực sâu vì phạm tội. Hiện nay, các thiên sứ nầy vẫn còn đang bị giam cầm để chờ ngày phán xét.

Câu hỏi quan trọng cần được nêu lên và cần được giải đáp: Các thiên sứ nầy đã phạm tội gì? Tôi (tác giả bài khảo luận nầy) tin rằng các thiên sứ nầy đã phạm tội vi phạm luật lệ của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời tạo dựng họ để phục vụ Chúa, vị trí của họ là ở với Chúa trên trời, nhưng các thiên sứ nầy đã tự ý rời bỏ vị trí của mình trên trời, xuống trần gian biến hóa thành thân thể người nam để ăn nằm với các con gái của loài người, vì họ thấy con gái loài người xinh đẹp (Sáng Thế Ký 6:2). Giu-đe 6 chứng minh cho động cơ phạm tội nầy của các thiên sứ: Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn.”

Chúng tôi tin rằng “các con trai của Đức Chúa Trời” là các thiên sứ phạm tội ăn nằm với con gái loài người, việc nầy đã xãy ra ngay trước cơn nước lụt, vì câu Kinh Thánh theo sau II Phi-e-rơ 2:4 chỉ rõ Chúa đem nước lụt đến hủy diệt loài người, chỉ có gia đình Nô-ê được cứu (câu 5)

Hãy so sánh các thiên sứ nầy với Sa-tan. Đức Chúa Trời không giam cầm Sa-tan mà cho phép Sa-tan tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay. Sa-tan sẽ bị giam cầm sau 7 năm đại nạn trên đất (Khải Huyền 20:1-3), sau 1000 năm, Sa-tan được thả ra trong một thời gian và cuối cùng sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời (Khải Huyền 20:10). Sa-tan vốn là thiên sứ cực phẩm đã phạm tội mà Chúa không giam cầm, nhưng Chúa lại giam cầm một số các thiên sứ. Điều nầy cho thấy các thiên sứ nầy đã phạm một loại tội rất đặc biệt.

Vị trí phục vụ của thiên sứ là ở trên trời với Chúa. Thiên sứ được tạo dựng với thể linh (spirit). Chỉ được biến hóa qua thể xác (body) giống như người nam lúc xuống trần gian một cách tạm thời để phục vụ theo ý muốn của Chúa. Đức Chúa Trời tạo dựng vô số các thiên sứ bởi một lần duy nhất qua lời phán của Ngài. Cách Chúa tạo nên loài người thì khác hẳn: Chúa chỉ tạo nên 1 người nam và 1 người nữ, và qua hôn nhân, loài người sanh sản ra đầy dẫy trên đất. Như vậy, các thiên sứ ở trên trời không có hôn nhân. Điều nầy đã được Chúa Jesus nói rõ trong Mác 12:25, khi con người sống lại sẽ như các thiên sứ trên trời, tức là không có hôn nhân. Một số các nhà giải kinh đã vội vàng dựa vào lời nói của Chúa Jesus trong Mác 12:25 để phản đối quan điểm cho rằng “các con trai của Đức Chúa Trời” là các thiên sứ. Tất nhiên, các thiên sứ trên trời đúng là không có hôn nhân, nhưng đó chính là lúc họ ở trên trời, họ đang ở đúng vị trí mà Chúa đặt để họ. Nhưng họ đã phạm tội rời bỏ vị trí, xuống trần gian mang hình thể người nam để ăn nằm với người nữ loài người. Đó chính là lý do họ bị Chúa giam cầm để chờ ngày Chúa phán xét.

e) Đối chiếu “các con trai của Đức Chúa Trời” với “các con gái của loài người”

Thông thường, các nhà giải kinh đã quá chú tâm vào cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời” và cố gắng giải thích cụm từ đó, mà quên đi cụm từ đi theo sau: “các con gái của loài người”, vì cụm từ theo sau dễ hiểu và không có gì đặc biệt để chuyển thành một câu hỏi để bàn luận. Tuy nhiên, cụm từ “các con gái của lài người” có thể xem là “chìa khóa” để giải nghĩa cho cụm từ “các con trai của Đức Chúa Trời”

                      Con trai của Đức Chúa Trời     +     Con gái của loài người
                           the sons of God                          the daughters of men

Tại sao Kinh Thánh lại dùng cụm từ “con gái CỦA LOÀI NGƯỜI” chỉ về các cô gái trong khi tất cả mọi người đều hiểu rõ các cô gái đó là con người, có thể xác là con người thật thụ, chứ không phải thể linh (spirit) nào cả!! Như vậy, các từ ngữ “của loài người” há chẳng phải là dư thừa sao? Lời Kinh Thánh không hề dư thừa, nhưng Chúa dùng chính cụm từ nầy để chúng ta đối chiếu với cụm từ “của Đức Chúa Trời”, nói cách khác các cô gái thuộc về loài người ăn nằm với các con trai không thuộc về loài người, các con trai nầy thuộc về thể linh (spirit), họ là các thiên sứ.
Ngoài ra, không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh chứng minh “các con gái của loài người” là những cô gái giới hạn trong dòng dõi của Ca-in như quan điểm thứ nhất đã gán cho.

Lời kết:

Không có cách giải thích nào hoàn hảo, nhưng chúng ta chọn cách giải thích nào thuyết phục hơn hết và càng có nhiều câu Kinh Thánh hổ trợ càng tốt. Chỉ đến lúc Chúa Jesus trở lại, chúng ta mới thực sự biết rõ.


Tháng 3, 2020
tamtran1561@yahoo.com