Ai Là Người Được Xức Dầu?

                                                               Trần Đình Tâm

 

Sự xức dầu được đề cập nhiều lần trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, Cựu Ước trình bày nhiều hơn Tân Ước. Trong bài học Kinh Thánh nầy, chúng ta hãy tìm hiểu sự xức dầu được áp dụng như thế nào; sự xức dầu có ý nghĩa gì trong thời Cựu Ước và thời Tân Ước; mối tương quan giữa sự xức dầu trong thời Cựu Ước và thời Tân Ước; ai là người được xức dầu trong thời Cựu Ước; ai là những người được xức dầu trong thời đại Hội Thánh ngày nay.

1. Định nghĩa.

Sự xức dầu (anointing) diễn tả hành động xoa (rub) dầu trên cơ thể, hay đổ (pour) dầu lên đầu nhằm vào một mục đích nào đó. Sự xức dầu bao gồm nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau.

Để mô tả hành động xức dầu, Cựu Ước dùng chữ “suk” hay “masiah” (tiếng Hê-bơ-rơ), Tân Ước dùng chữ “chrio” (tiếng Hy-lạp).

2. Sự xức dầu theo phong tục.

Từ thời xa xưa, phong tục xức dầu đã được áp dụng ở các dân tộc phương đông, người Ai-cập, Ba tư, Do Thái, La-mã. Chúng ta ghi nhận các trường hợp xức dầu trong Kinh Thánh với những mục đích sau:

a) Sự xức dầu giúp thân thể khỏe khoắn, đem lại cảm giác sảng khoái, vui tươi: “Dầu để dùng làm cho mặt mày
   sáng sủa” (Thi Thiên 104:15)

+ Sa-lô-môn khuyên nên thường xuyên xức dầu:

     “Khá hằng mặc áo trắng, chớ thiếu dầu thơm trên đầu ngươi” (Truyền Đạo 9:8);

+ Ma-ô-mi dạy Ru tơ phải xức dầu để chuẩn bị ra mắt Bô-ô:

     “Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa” (Ru-tơ 3:3)

+ Đa-vít xức dầu sau những ngày kiêng ăn và cầu nguyện cho đứa con của ông (Chúa khiến đứa trẻ bị bệnh và
 chết vì tội của ông với Bát-sê-ba:

     “Bấy giờ Đa-vít chờ dậy khỏi đất, tắm mình, xức dầu thơm…” (II Sa-mu-ên 12:20)

+ Chúa Jesus dạy khi kiêng ăn thì nên xức dầu để người khác không trông thấy vẻ mặt ưu sầu:

“Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn”  (Ma-thi-ơ 6:17,18)

+ Trong vài trường hợp đặc biệt, người ta không xức dầu nhằm mục đích bày tỏ ra sự đau buồn trong lòng:

“… hãy làm bộ có tang, mặc áo chế, chớ xức dầu trên đầu nàng, song hãy có dáng một người đàn bà đã từ lâu ngày khóc kẻ chết.” (Sa-mu-ên 14:2)

“Trong những ngày đó, ta, Đa-ni-ên, đương buồn rầu trải ba tuần lễ trọn. Ta chẳng ăn bánh ngon, thịt và rượu chẳng vào miệng ta, và ta không xức dầu chi hết cho đến chừng ba tuần đã mãn.”  (Đa-ni-ên 10:2,3)

b) Chủ nhà xức dầu cho khách để bày tỏ sự quý mến người khách:

+ Đa-vít cảm nhận được sự ưu ái của Đức Chúa Trời đối với ông, nên ông thốt lên:

     “Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn.” (Thi Thiên 23:5)

+ Chúa Jesus nhẹ nhàng trách vị chủ nhà người Pha-ri-si đã không xức dầu trên đầu Ngài để tỏ sự quý mến Ngài vì Ngài là người khách, nhưng người phụ nữ có tội lại lấy dầu xức chân của Ngài:

     “Ngươi không xức dầu đầu ta; nhưng người lấy dầu thơm xức chân ta” (Lu-ca 7:46)

c) Xức dầu với mục đích chữa lành các vết thương:

“Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng có chổ nào lành: rặt những vết thương, vít sưng cùng lằn mới, chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho êm”  (Ê-sai 1:6)

Trong câu chuyện người Sa-ma-ri nhơn từ, người nầy lấy dầu xức chổ bị thương của người bị cướp đánh:

“Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương, bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chổ bị thương.”  (Lu-ca 10:33,34)

d) Dầu còn được dùng để xức xác:

+ Chúa Jesus cho biết hành động xức dầu của Ma-ri cho Ngài như là sự xức xác của Ngài:

     “Người (Ma-ri) đã làm điều mình có thể làm được, đã xức xác ta trước để chôn.”  (Mác 14:8)

+ Sau khi Chúa Jesus chết, các phụ nữ mua sắm thuốc thơm để xức xác của Ngài:

“Ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức xác Chúa Jesus.”  (Mác 16:1)

3. Xức dầu cho một chức vụ đặc biệt.

Ngoài việc xức dầu theo phong tục nêu trên, trong thời Cựu Ước, sự xức dầu còn được xem là một nghi thức quan trọng nhằm để xác chứng rằng: người đó được Đức Chúa Trời chỉ định để thi hành một công tác đặc biệt.

Sự xức dầu nầy mang hai ý nghĩa:

1/ Người đó được Đức Chúa Trời chỉ định;

2/ Người đó có được thẩm quyền để thi hành chức vụ mà Đức Chúa Trời chỉ định.

Có ba chức vụ được Đức Chúa Trời chỉ định phải xức dầu để thi hành:

a) Xức dầu để làm vua:

+ Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ, Đa-vít để làm vua Y-sơ-ra-ên:

“Sa-mu-ên lấy một ve nhỏ đựng dầu, đổ trên đầu Sau-lơ, hôn người mà nói rằng: Nầy Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ngươi làm vua của cơ nghiệp Ngài.”  (I Sa-mu-ên 10:1)

“Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Ấy là nó (Đa-vít); hãy đứng dậy xức dầu cho nó. Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người.” (I Sa-mu-ên 16:12,13)

+ Thầy tế lễ Xa-đốc xức dầu cho sa-lô-môn:

“Thầy tế lễ Xa-đốc lấy cái sừng dầu trong đền tạm, và xức cho Sa-lô-môn. Người ta thổi kèn, cả dân sự đều hô lên rằng: Vua Sa-lô-môn vạn tuế.” (I Các Vua 1:39)

Vua được xức dầu để thi hành công tác lãnh đạo, chăn dắt người dân.

b) Xức dầu để làm tế lễ:

Đức Chúa Trời sai Môi-se xức dầu cho A-rôn và các con trai của A-rôn để thi hành chức tế lễ trong đền thờ:

“Ngươi hãy mặc áo thánh cho A-rôn, xức dầu và biệt riêng ra thánh; vậy người sẽ làm chức tế lễ trước mặt ta.”

“Hãy dẫn các con trai người đến gần, rồi mặc áo lá cho họ; xức dầu cho như ngươi đã xức cho cha họ, thì họ sẽ làm chức tế lễ trước mặt ta. Sự xức dầu sẽ phong cho họ chức tế lễ mãi mãi trải qua các đời.”  (Xuất-ê-díp-tô Ký 40:13-15)

Thầy tế lễ được xức dầu để thi hành công tác đại diện hay thay mặt cho người dân để tiếp xúc với Đức Chúa Trời (cầu thay, dâng tế lễ v.v…)

c) Xức dầu để làm tiên tri:

Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Ê-li xức dầu cho Ê-li-sê để làm tiên tri thế cho Ê-li:

“Ngươi sẽ xức dầu cho Ê-li-sê, con trai Sa-phát, ở A-bên-Mê-hô-la, làm tiên tri thế cho ngươi.”    (I Các Vua 19:16b)

“Đừng đụng đến kẻ chịu xức dầu của ta, chớ làm hại các đấng tiên tri ta.”  (Thi Thiên 105:15)

Tiên tri được xức dầu để thi hành công tác “xướng ngôn viên” của Đức Chúa Trời: người tiên tri công bố Lời của Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời dùng các tiên tri cảnh cáo tội lỗi của các vua và của dân Y-sơ-ra-ên, kêu gọi họ ăn năn. Tiên tri còn tuyên bố những điều Đức Chúa Trời sẽ thi hành trong tương lai.

Trong cả ba trường hợp nêu trên, người được Đức Chúa Trời chọn lựa được xức bằng dầu lấy ra từ cái ve hay cái sừng đựng dầu. Dầu làm hình bóng về Thần của Đức Giê-hô-va (Đức Thánh Linh). Sau nghi thức xức dầu, người được xức dầu được Đức Thánh Linh cảm động, hướng dẫn để thi hành công tác Chúa giao, nếu không có Thần của Chúa hướng dẫn, con người không thể hoàn thành các công việc Chúa chỉ định: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” (Xa-cha-ri 4:8)

4. Đức Chúa Jesus Christ: Đấng chịu xức dầu.

Từ ngữ “Christ” có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp là “chrio” (động từ) và “christos”, có nghĩa là “được xức dầu”. Từ tương đương trong tiếng Hê-bơ-rơ là “masiah”, Kinh Thánh Anh ngữ dùng “messiah”, Kinh Thánh Việt ngữ phiên âm thành “mê-si”.

Chúa Jesus Christ là Đấng được xức dầu, nhưng không bởi một người nào xức cho Ngài, bèn là bởi chính Cha Ngài, và loại dầu mà Đức Chúa Trời xức cho Ngài không phải bởi tay con người làm ra, nhưng dầu đó là Đức Thánh Linh:

Thể nào Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jesus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chổ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.”  (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38)

Chúng ta thấy rõ đời sống của Chúa Jesus là đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh: “Đức Chúa Jesus đầy dẫy Đức Thánh Linh, ở bờ sông Giô-đanh về, thì được Đức Thánh Linh đưa đến trong đồng vắng”  (Lu-ca 4:1). “Đức Chúa Jesus được quyền phép Đức Thánh Linh, trở về xứ Ga-li-lê, và danh tiếng Ngài đồn khắp các xứ chung quanh.”  (Lu-ca 4:14).

Chúa Jesus cũng đã xác nhận chính Ngài được xức dầu bằng Đức Thánh Linh: “Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta dể rao cho kẻ bị cầm được tha; kẻ mù được sáng: kẻ bị hà hiếp được tự do; và để đồn ra năm lành của Chúa.”   (Lu-ca 4:18,19)

Khi Chúa Jesus giáng sanh, thiên sứ loan tin Ngài là Đấng Chịu Xức Dầu (Lu-ca 2:11); Phi-e-rơ xác minh Ngài là Đấng Chịu Xức Dầu (Ma-thi-ơ 16:16); Người phụ nữ Sa-ma-ri công nhận Ngài là Đấng Chịu Xức Dầu (Giăng 4:25,29).

Như chúng ta đã biết, sự xức dầu được áp dụng để thực hiện ba chức vụ: chức tiên tri, chức tế lễ, và chức vua, Chúa Jesus là Đấng Chịu Xức Dầu, Ngài cũng thi hành trọn vẹn ba chức vụ đó: 1/ Khi còn trên mặt đất, Chúa thi hành chức vụ tiên tri (Giăng 6:14), chúng thấy rõ qua những lời giảng dạy đầy uy quyền của Ngài được ký thuật trong các sách Phúc Âm; 2/ hiện nay, Ngài ngự bên hữu Đức Chúa Trời cầu thay cho chúng ta, Ngài đang thi hành chức tế lễ (Hê-bơ-rơ 7:25-27); 3/ và sau nầy, Chúa sẽ trở lại trần gian nầy với tư cách của vị vua để thiết lập vương quốc ngàn năm, lúc ấy Ngài sẽ thi hành chức vua (Khải Huyền 19:11,16).

5. Sự xức dầu trong thời đại Hội Thánh.

“Nhưng các con đã được xức dầu bởi Đấng Thánh, và tất cả các con đều có sự hiểu biết.”  (I Giăng 2:20)

“Chính Đức Chúa Trời, Đấng đã làm cho cả chúng tôi và anh em vững vàng trong Đấng Christ, đã xức dầu cho chúng tôi. Ngài cũng đã đóng ấn Ngài trên chúng ta, và ban Đức Thánh Linh của Ngài vào lòng chúng ta để làm bảo chứng.” (I Cô-rinh-tô 1:21,22)

Chúng ta thấy trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời chỉ định đặc biệt một vài các nhân nào đó rồi xức dầu cho chọ để họ thi hành công tác Ngài giao. Tuy nhiên, trong thời đại Hội Thánh ngày nay, không còn nghi thức xức dầu cho những người đặc biệt để thi hành công tác Chúa giao như trong thời Cựu Ước, nhưng tất cả mọi người (không có sự chọn lựa đặc biệt) tin nhận Chúa Jesus, đều trở thành các chi thể trong một thân, là HỘI THÁNH, họ được nhận lãnh Đức Thánh Linh và chính Đức Thánh Linh ban các ân tứ cho họ để hầu việc Ngài và gây dựng Hội Thánh:

“Có nhiều ân tứ khác nhau nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Sự thể hiện của Đức Thánh Linh được ban cho mỗi người là vì lợi ích chung. Người nầy được Đức Thánh Linh ban cho lời nói khôn ngoan; do cùng một Đức Thánh Linh, người khác nhận được lời nói tri thức. Cùng một Đức Thánh Linh ban cho người nầy v.v… Tất cả những điều nầy là công việc của cùng một Thánh Linh, Ngài ban phát ân tứ cho từng người tùy theo ý Ngài.”  (I Cô-rinh-tô 12:4-11)

Xin đọc các phân đoạn Kinh Thánh sau đây, có liệt kê nhiều công tác khác nhau mà con cái Chúa có thể thi hành để gây dựng Hội Thánh: Rô-ma 12:6-8; I Cô-rinh-tô 12:8-11, 28-30; Ê-phê-sô 4:11-12; I Phi-e-rơ 4:10-11.

Như vậy, khi một con cái Chúa được Chúa giao cho một công tác nào đó, và người đó đang thi hành công tác đó (bởi ân tứ Đức Thánh Linh ban cho), chúng ta biết đó là người được xức dầu: “Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau.” (I Phi-e-rơ 4:10).

Đức Thánh Linh ban nhiều ân tứ khác nhau, qua đó con cái Chúa có thể thi hành nhiều công tác khác nhau tùy theo ân tứ Đức Thánh Linh ban cho. Đó là những người đang hầu việc Chúa, vì thế, họ là những người được xức dầu vậy.

Trong các hệ phái Tin lành ngày nay, nhiều tín hữu hiểu không đúng ý nghĩa thật sự của “sự xức dầu”, nên thường gán cho những người giữ chức vụ “mục sư” là những người “được xức dầu”. Nhận xét như vậy có đúng không? Xin trả lời: Đúng một phần và Sai một phần:

Đúng: Nếu họ là những người được Chúa kêu gọi vào chức vụ chăn bầy (pastor), vì đây là một trong nhiều ân tứ Đức Thánh Linh ban cho để gây dựng Hội Thánh: “Chính Ngài đã ban cho một số người làm sứ đồ (apostle), một số làm tiên tri (prophet), người khác làm thầy giảng Tin lành (evangelist), người khác làm mục sư (pastor) và giáo sư (teacher)” (Ê-phê-sô 4:11)

Sai: Nếu cho rằng CHỈ CÓ mục sư mới là người được xức dầu, còn tín đồ thì KHÔNG PHẢI là người được xức dầu. Nếu Chúa xức dầu cho những người làm mục sư, thì Chúa cũng xức dầu cho tất cả những tín đồ đang dâng thì giờ, đời sống mình để hầu việc Chúa qua nhiều công tác khác nhau, bởi nhiều ân tứ khác nhau mà Đức Thánh Linh ban cho mỗi người. Không có chổ nào trong Tân Ước nói chỉ có mục sư là những người được xức dầu, còn những tín hữu không phải là người được xức dầu.

Thư I Giăng 2:27 có chép: “Về phần các con, sự xức dầu mà các con đã nhận từ Ngài ở trong các con, và các con không cần ai dạy mình cả. Vì sự xức dầu của Ngài dạy các con mọi điều, và sự xức dầu ấy là thật, không phải giả dối; hãy cứ ở trong Ngài, như sự xức dầu ấy đã dạy các con.”  Trong phân đoạn I Giăng 2:18-29, Sứ đồ Giăng viết cho các con cái Chúa, ông mặc nhiên công nhận họ là những người được xức dầu, ông cảnh báo vào thời kỳ cuối cùng sẽ có nhiều kẻ chống lại Chúa, dạy dỗ những điều trái với lẽ thật, ông cho biết chúng ta là những người được xức dầu, và sự xức dầu dạy chúng ta mọi điều, sự xức dầu giúp chúng ta hiểu biết lẽ thật, nên đừng nghe theo những sự dạy dỗ trái với lẽ thật của các giáo sư giả chống nghịch Chúa.

6. Nghi thức xức dầu trong Cựu Ước làm hình bóng về sự xức dầu trong thời đại Hội Thánh.

Trước hết, Đức Chúa Trời quy định loại dầu để xức là loại dầu chế từ các hương liệu đặc biệt do Ngài chỉ định:

“Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy góp các hương liệu tốt nhất: một dược nước năm trăm siếc-lơ; hương nhục quế phân nửa số đó, tức là hai trăm rưỡi; hương xương bồ hai trăm rưỡi; quế bì năm trăm, đều theo siếc-lơ nơi thánh, và một hin dầu ô -li-ve.  Ngươi hãy lấy các hương liệu đó theo phép hòa hương, chế ra một thứ dầu thơm dùng làm dầu xức thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:22-25)

“Lại hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: về phần ta, dầu nầy sẽ là dầu xức thánh trải qua mọi đời các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:31)

Không phải bất cứ loại dầu nào cũng dùng được cho sự xức dầu, chỉ có dầu THẬT, là DẦU THÁNH, do Đức Chúa Trời chỉ định, “dầu xức thánh” nầy làm hình bóng về Đức Thánh Linh trong thời Tân Ước, tất cả con cái Chúa đều được xức dầu bằng Đức Thánh Linh: “Nhưng các con đã được xức dầu bởi Đấng Thánh (Holy One), và tất cả các con đều có sự hiểu biết.”  (I Giăng 2:20). Xin lưu ý, sứ đồ Giăng viết thư nầy là viết cho tất cả các con cái Chúa, ông kể họ là những người đã được xức dầu, chứ ông không viết riêng cho một người lãnh đạo nào trong Hội Thánh.

Kế đó, Đức Chúa Trời truyền lệnh dùng dầu thánh xức trên: Hội mạc, các vật dụng trong đền thờ, các con trai của A-rôn (thầy tế lễ) và A-rôn (thầy tế lễ thượng phẩm):

“Đoạn, lấy xức dầu cho hội mạc cùng hòm bảng chứng, bàn thờ cùng các đồ phụ tùng, chân đèn cùng các đồ phụ tùng, bàn thờ xông hương, bàn thờ của lễ thiêu cùng các đồ phụ tùng, cái thùng và chân thùng. Ấy vậy, ngươi sẽ biệt các vật nầy riêng ra thánh, hầu cho làm rất thánh, hễ món chi đụng đến, đều sẽ được nên thánh. Ngươi cũng hãy xức dầu cho A-rôn cùng các con trai người, biệt họ riêng ra thánh, để làm chức tế lễ trước mặt ta.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 30: 26-30)

Các vật dụng trong đền thờ là những vật dụng bình thường, tuy nhiên, sau khi được xức dầu thánh, các vật dụng ấy được biệt riêng ra thánh (sanctified) cho mục đích phục vụ trong đền thờ. A-rôn và các con trai ông cũng được xức dầu để biệt riêng ra thánh để phục vụ Đức Chúa Trời. Cũng vậy, tất cả mọi người tin nhận Chúa Jesus, tín đồ cũng như người lãnh đạo trong Hội Thánh, tất cả đều được xức dầu để biệt riêng ra phục vụ Đức Chúa Trời, không có sự phân biệt nào!

Thánh 9, 2012