Ai là trước giả sách Hê-bơ-rơ?

 

Trần Đình Tâm
tamtran1561@yahoo.com

 

Cách thức truy tìm trước giả một sách.

Thư Hê-bơ-rơ là thư tín duy nhất trong Tân Ước không cho biết ai là trước giả.

Tất nhiên, Đức Thánh Linh là tác giả (author) của sách Hê-bơ-rơ cũng như tất cả các sách còn lại trong bộ Kinh Thánh. Vì chính Kinh Thánh đã khẳng định: “Cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn …” (II Ti-mô-thê 3:16) và “bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:21). Do đó, ai đã viết sách Hê-bơ-rơ, ai là trước giả (authorship) sách Hê-bơ-rơ không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh vẫn thắc mắc Chúa dùng ai để viết Hê-bơ-rơ? Đối với hầu hết các sách khác trong Tân Ước, chúng ta có thể dễ dàng xác định ai là trước giả, vì người viết đã tự nêu tên mình và giới thiệu về mình ở phần mở đầu của sách, nhưng sách Hê-bơ-rơ thì không theo mẫu mực đó. Không có câu nào trong sách Hê-bơ-rơ giúp chúng ta xác định trước giả của sách. Nhiều học giả Thánh Kinh căn cứ vào các yếu tố sau đây để cố gắng hướng đến một nhân vật nào đó:

1/ Căn cứ vào nội dung và những yếu tố cấu tạo nên nội dung của sách.

2/ Căn cứ vào phong cách hành văn (văn phong) của sách.

3/ Căn cứ vào bối cảnh của sách.

4/ Căn cứ vào các mối quan hệ giữa các nhân vật đề cập trong sách.

Qua đó, các nhà giải kinh đưa ra một loạt các nhân vật có thể là trước giả của sách: Phao-lô, A-bô-lô, Ba-na-ba, Lu-ca, Phi-e-rơ, Ti-mô-thê v.v…

Tóm lại, rất khó xác định ai trong danh sách nêu trên thật sự viết sách Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên chúng ta hãy cố gắng nhiều nhất có thể được để chọn ra trước giả của sách, dù không chắc chắn nhưng ít ra có thể chấp nhận được.

Nhân vật đầu tiên mà hầu hết các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đều nghĩ đến chính là sứ đồ Phao-lô. Nhưng cũng có một số người không công nhận Phao-lô viết sách Hê-bơ-rơ. Chúng ta cùng nhau xem xét hai ý kiến khác nhau đó.

A. Những yếu tố cho thấy CÓ THỂ Phao-lô đã viết sách Hê-bơ-rơ:

1. Thư Hê-bơ-rơ có nhắc đến Ti-mô-thê:

Hê-bơ-rơ 13:23: “Hãy biết rằng anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được thả ra; nếu người sớm đến, tôi sẽ cùng người đi thăm anh em.” Câu nầy nhắc đến Ti-mô-thê, là người từng đồng hành với Phao-lô trong chuyến truyền giáo lần thứ hai.

2. Thư Hê-bơ-rơ trình bày nhiều chi tiết liên quan đến đền thờ:

Sách Hê-bơ rơ trình bày nhiều chi tiết liên quan đến sự thờ phượng theo Luật Pháp Môi-se: Bao gồm các chủ điểm như thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn, chức tế lễ của người Lê-vi, huyết giao-ước, huyết con sinh tế, sự dâng tế lễ, đền tạm, nơi chí thánh, cái màn, hòm giao ước v.v… Phao-lô từng nói ông là người tuân theo luật pháp nghiêm nhặt, do đó ông hiểu rõ ý nghĩa thuộc linh các nghi thức thờ phượng theo Luật Pháp đã được hoàn thành qua sự cứu rỗi trong Chúa Jesus. Do đó, dễ nhận thấy Phao-lô là người thích hợp để viết sách Hê-bơ-rơ.

3. Thư Hê-bơ-rơ chứa nhiều ý tưởng giống với các thư tín khác của Phao-lô:

+ Hê-bơ-rơ 12:1 nêu hình ảnh “cuộc chạy đua” của vận động viên nơi đấu trường,   Phao-lô xử dụng hình ảnh vận động viên tranh tài thể thao để so sánh với nếp sống của người tín đồ, ông cũng dùng hình ảnh tương tự trong 5 thư tín khác của ông: I Cô-rinh-tô 9:24: “Anh em há chẳng biết rằng rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng.”; Phi-líp 3:14: “… tôi nắm mục đích mà chạy…”; II Ti-mô-thê 4:7: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy …”; Cô-lô-se 2:18: “Chớ để cho những kẻ kia cướp lấy phần thưởng chạy đua...” Ga-la-ti 5:7: “Anh em chạy giỏi …”

+ Hê-bơ-rơ 10:38: “Người công bình thì sống bởi đức tin” được trích từ Ha-ba-cúc 2:4, cũng là câu được Phao-lô nhắc đến trong 2 thư tín khác của ông: Rô-ma 1:17 và Ga-la-ti 3:11.

B. Những yếu tố cho thấy Phao-lô KHÔNG THỂ là trước giả sách Hê-bơ-rơ:

1) Thư Hê-bơ-rơ không xác nhận Phao-lô là trước giả:

Tất cả 13 sách thư tín của Phao-lô đều được ông nêu rõ chính ông là tác giả, đó là quy cách của ông, nhưng sách Hê-bơ-rơ thì không theo quy cách đó. Như vậy, thật khó chấp nhận Phao-lô trực tiếp viết thư tín Hê-bơ-rơ.

2) Thư Hê-bơ-rơ không có phần mở đầu giống như các thư của Phao-lô.

Tất cả 13 thư tín của Phao-lô đều có phần mở đầu, bao gồm lời chào thăm, tự giới thiệu về ông là tác giả, và ông viết thư đó gửi cho ai. Nhưng thư Hê-bơ-rơ không có phần mở đầu.

3) Thư Hê-bơ-rơ không có lời chúc “ân điển và bình an” ở phần mở đầu.

Tất cả 13 thư tín của Phao-lô đều có lời chúc “ân điển và bình an” ở phần mở đầu của thư: Rô-ma 1:7; I Cô-rinh-tô 1:3; II Cô-rinh-tô 1:2; Ga-la-ti 1:3; Ê-phê-sô 1:2; Phi-líp 1:2; Cô-lô-se 1:2; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:2; I Ti-mô-thê 1:2; II Ti-mô-thê 1:2; Tít 1:4; Phi-lê-môn 1:3. Trong thư Hê-bơ-rơ, chúng ta không thấy lời chúc “ân điển và bình an” ở phần mở đầu giống như các thư tín khác của Phao-lô. Tuy vậy, trong câu cuối cùng của sách Hê-bơ-rơ là lời chúc ân điển: “Nguyền xin ân điển ở với anh em hết thảy.”

4) Văn thể của thư Hê-bơ-rơ không giống với văn thể của Phao-lô.

Về mặt văn thể (style) hay còn gọi là văn phong, tác giả thư Hê-bơ-rơ sử dụng ngôn ngữ Hy-lạp rất công phu, bóng bẩy, cách hành văn trau chuốt và hoa mỹ (rhetoric) mà không thấy có trong các thư tín khác của Phao-lô. Điều nầy cho thấy tác giả là người am hiểu tiếng Hy-lạp và là một người có học thức. Tóm lại, văn phong hay văn thể của người viết Hê-bơ-rơ khác hẳn với văn phong của Phao-lô trong 13 thư tín của ông. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận phân đoạn ngắn ngủi Hê-bơ-rơ 13:17-25 là phần kết thúc của bức thư lại có cách hành văn giống cách hành văn của Phao-lô.

5) Trước giả Hê-bơ-rơ thuộc nhóm người tiếp nhận giáo lý cứu rỗi qua người trung gian.

Hê-bơ-rơ 2:1-3: “Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng. Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép bất tuân đã bị hình phạt đích đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi quan trọng đó, thì làm sao tránh cho khỏi hình phạt được? là sự cứu rỗi được Chúa truyền ra trước hết, rồi có những người nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta.”

Câu trên cho thấy sự cứu rỗi được trước hết được Chúa rao truyền và dạy dỗ cho “những người nghe”, những người nầy có thể là các sứ đồ của Chúa Jesus; rồi sau đó các sứ đồ rao truyền và dạy dỗ sự cứu rỗi đó “cho chúng ta”, là người viết sách Hê-bơ-rơ. Như vậy, qua câu trên chúng ta ghi nhận:

+ Người viết sách Hê-bơ-rơ không trực tiếp nhận Tin Lành từ Chúa Jesus, nhưng nhận từ người khác. Yếu tố nầy loại trừ bất cứ ai trong các sứ đồ của Chúa Jesus là trước giả của sách.

+ Ngoài ra, Phao-lô cũng bị loại vì chính Phao-lô xác minh ông nhận Tin Lành trực tiếp từ Chúa Jesus, chứ không qua bất cứ vị sứ đồ nào hay người nào: “Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời, tức là Cha.” (Ga-la-ti 1:1)

+ Người viết sách Hê-bơ-rơ thuộc về lớp người “đàn em”, hay tạm gọi là “thế hệ thứ hai” nhận Tin Lành. Căn cứ vào nhận định nầy, các nhân vật sau đây có thể là trước giả sách Hê-bơ-rơ: A-bô-lô, Ba-na-ba, Lu-ca.                                                                                     

6) Trước giả Hê-bơ-rơ gọi Chúa Jesus là “Sứ Đồ”

Đọc chương 3:1: “Bởi cớ đó, hỡi anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi, hãy suy xét đến sứ đồ(Apostle) và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Jêsus.” chúng ta nhận thấy người viết sách Hê-bơ-rơ không những gọi Chúa Jesus là thầy tế lễ Thượng Phẩm nhưng còn kể Chúa Jesus là Sứ Đồ. “Sứ Đồ” (apostle) theo nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa “được sai đi”, ý nghĩa nầy phù hợp với chức vụ của Chúa Jesus, chính Chúa Jesus tuyên bố Cha Ngài sai Ngài đến thế gian: “Chính Cha, là Đấng đã sai ta …” (Giăng 5:37); “Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: “Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy.” (Giăng 20:21). Phao-lô chưa bao giờ gọi Chúa Jesus là Sứ Đồ trong các sách của ông.

Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy trước giả sách Hê-bơ-rơ là người am hiểu tiếng Hy-lạp, ông hiểu đúng ý nghĩa từ “sứ đồ” và dùng chính xác từ đó chỉ về Chúa Jesus.

C. Kết luận: Ai viết sách Hê-bơ-rơ?

Trước khi đi đến kết luận, chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét sau:

+ Nếu cúng ta cân nhắc giữa CÓ THỂ và KHÔNG THỂ như đã phân tích bên trên, yếu tố KHÔNG THỂ có vẻ như vượt trội hơn. Tuy nhiên, những bằng chứng Phao-lô là trước giả vẫn khó mà chối bỏ được. Từ đó, chúng tôi cho rằng có thể Phao-lô không trực tiếp viết thư Hê-bơ-rơ, nhưng ông phối hợp với một người khác để hoàn tất quyển sách.

+ Văn phong của sách Hê-bơ-rơ rất trau chuốt, biện luận vững chắc, ý tưởng mạch lạc, chứng tỏ người viết thành thạo tiếng Hy-lạp và là người có học thức.

+ Người nầy là người gần gũi với Phao-lô, cùng hầu việc Chúa với Phao-lô, cùng hành trình với Phao-lô trong nhiều chuyến đi.

Từ những suy luận trên, chúng tôi có thể tạm cho rằng chính bác sĩ Lu-ca là người viết sách nầy cùng với Phao-lô. Lu-ca trực tiếp viết toàn bộ Hê-bơ-rơ theo văn phong và cách dùng từ ngữ của ông, nhưng Lu-ca viết theo sự gợi ý của Phao-lô, Phao-lô cung cấp tài liệu và ý tưởng cho Lu-ca để viết lại theo cách của Lu-ca chứ không phải của Phao-lô. Đó là lý do tại sao cả Phao-lô lẫn Lu-ca không cần thiết phải để tên của mình vào sách, và hai ông cũng thừa hiểu rằng Đức Thánh Linh chính là tác giả của sách Hê-bơ-rơ cũng như toàn bộ các sách khác trong Kinh Thánh.

Chúng tôi chọn Lu-ca vì các lý do sau:

1) Lu-ca là một bác sĩ trong thời của Chúa Jesus, là một người học thức và chắc chắn am hiểu ngôn ngữ Hy-lạp. Hơn nữa ông cũng là trước giả của 2 sách trong Tân Ước: Phúc Âm Lu-ca và Công Vụ Các Sứ đồ.

2) Lu-ca là người rất gần gũi với Phao-lô, luôn ở bên cạnh Phao-lô trong hầu hết các chuyến truyền giáo của Phao-lô. Phao-lô thường nhắc đến Lu-ca trong vài thư tín của ông:

+ Cô-lô-se 4:14: “Lu-ca là thầy thuốc rất yêu dấu, chào anh em”

+ II Ti-mô-thê 4:11: “Chỉ có một mình Lu-ca ở với ta.”

+ Phi-lê-môn 1:24: “Mác, A-ri-tạc, Đê-ma và Lu-ca, cùng là bạn cùng làm việc với tôi cũng vậy.”

Chúng ta thấy A-bô-lô và Ba-na-ba không ở trong hoàn cảnh như Lu-ca. Ba-na-ba đã có cộng tác với Phao-lô trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, nhưng sau đó hai ông bất đồng ý kiến, tranh cãi nhau dữ dội và không còn đi chung với nhau nữa (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:35-41). Do đó Ba-na-ba hay A-bô-lô không thể là trước giả sách Hê-bơ-rơ.

3) Trở lại Hê-bơ-rơ 2:3: “... là sự cứu rỗi được Chúa truyền ra trước hết, rồi có những người nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta.” Trước giả dùng từ ngữ “chúng ta” để chỉ về mình. Lu-ca cũng đã dùng “chúng ta” chỉ về chính ông trong lúc đi cùng với Phao-lô trong chuyến truyền giáo lần 2, được ghi trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 16:10-17. Tương tự như vậy, Lu-ca cũng dùng “chúng ta” chỉ về ông trong chuyến truyền giáo lần 3 với Phao-lô trong chương 20:5-15; chương 21:1-18; chương 27:1-28:16.

4) Hê-bơ-rơ 13:23: “Hãy biết rằng anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được thả ra; nếu người sớm đến, tôi sẽ cùng người đi thăm anh em.” Trước giả thư Hê-bơ-rơ gọi Ti-mô-thê là “anh em”, điều nầy cho thấy trước giả đã từng gần gũi với Ti-mô-thê, cùng hầu việc Chúa với Ti-mô-thê nên biết rõ về Ti-mô-thê.

Ti-mô-thê được Phao-lô dẫn dắt và được Phao-lô kêu gọi đi với ông trong chuyến truyền giáo lần 2 (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:1-3) và bác sĩ Lu-ca cũng có mặt trong chuyến đi nầy. Như vậy, rất có thể Lu-ca là người viết thư Hê-bơ-rơ.

Tóm lại, theo sự phân tích của chúng tôi, sách Hê-bơ-rơ được hoàn thành do sự cộng tác của Lu-ca và Phao-lô. Tất nhiên, như đã nói, đó chỉ là một ý kiến. Chỉ có Chúa biết rõ ai là người viết sách Hê-bơ-rơ.

 

Ngày 27 tháng 5, 2020

tamtran1561@yahoo.com