ĂN THỊT THÚ SẠCH VÀ KIÊNG ĂN THỊT THÚ KHÔNG SẠCH

Trần Đình Tâm

 

Một số ít hệ phái Tin Lành truyền dạy các tín hữu phải kiêng ăn thịt các loài thú không sạch theo như Luật Pháp Môi-se quy định. Chúng ta hãy tìm hiểu xem việc tuân giữ như thế có phù hợp với sự dạy dỗ của Tân Ước?

1. Thời Kỳ trước luật pháp:

Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến loài thú sạch và thú không sạch là vào ngay thời điểm trước cơn nước lụt. Đức Chúa Trời truyền dạy cho Nô-ê phải đem lên tàu các thú vật sạch và không sạch:

“Trong các loài vật thanh sạch, hãy đem theo mỗi loài bảy cặp, đực và cái; còn loài vật không thanh sạch mỗi loài một cặp, đực và cái.” (Sáng Thế Ký 7:2)

Có thể trước thời điểm nầy, Đức Chúa Trời đã có sự phân biệt thú sạch với thú không sạch và Ngài bày tỏ điều nầy cho loài người biết. Kinh Thánh không liệt kệ các thú nào sạch hay không sạch mà Nô-ê đem lên tàu, nhưng rõ ràng Nô-ê biết rõ đó là những con gì. Vì thời kỳ nầy chưa có luật pháp và kinh Thánh cũng không cho thấy Đức Chúa Trời cấm loài người ăn một loài thú vật nào đó, nên chúng ta có thể kết luận rằng loài người được phép ăn tất cả các loại thú vật. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phân biệt thú sạch và không sạch với mục đích loài người phải chọn những con thú tinh sạch làm của lễ thiêu dâng lên cho Đức Chúa Trời. Nô-ê đã làm như vậy sau cơn nước lụt:

“Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ.” (Sáng Thế Ký 8:20)

Ngay sau cơn nước lụt, chúng ta biết tất cả các loài thú sạch và không sạch ở ngoài tàu đều chết hết, chỉ còn lại các loài thú sạch và không sạch ở trên tàu. Đức Chúa Trời phán với Nô-ê:

“Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh.” (Sáng Thế Ký 9:3)

Qua lời phán trên, chúng ta thấy rõ Chúa cho phép loài người được ăn tất cả các loài thú mà không có sự phân biệt nào, vì Ngài không phân biệt thú sạch và không sạch trong lời phán dạy đó.

Lý do quan trọng Chúa cho phép con người ăn tất cả mọi loài thú mà không có lệnh cấm nào, ấy là vì trong giai đoạn nầy, tuyển dân Y-sơ-ra-ên chưa được hình thành. Đức Chúa Trời chỉ truyền lệnh cấm ăn các thú không sạch cùng với các luật lệ khác khi tuyển dân đã được hình thành.

2. Thời Kỳ Luật Pháp:

Hơn 1000 năm sau nước lụt, Đức Chúa Trời thiết lập luật lệ về các thú vật sạch (clean) và không sạch (unclean). Chúa cho phép dân Y-sơ-ra-ên ăn các loài thú tinh sạch, nhưng cấm ăn các loài thú không sạch.

Quy định về các loài sạch và không sạch được liệt kê khá chi tiết trong Lê-vi Ký chương 11 và Phục Truyền Luật lệ Ký 14:3-20. Có thể tóm lược như sau:

a) Loài thú trên đất: Phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau thì mới được kể là sạch: 1/ Chân có móng chẻ ra (cloven-footed) 2/ Nhai lại (chew the cud) (bò, chiên, dê cái, nai đực, sơn dương, bò rừng v.v…). Nếu chỉ có một điều kiện thôi thì phải kể là không sạch (lạc đà, thỏ, heo, chó, mèo, gà, chuột, rắn v.v...)

b) Loài sống dưới nước: Loài nào có vây (fin) và có vảy (scale) thì kể là sạch. Các loài cá da trơn là không sạch.

c) Loài bay trên trời: Dân Y-sơ-ra-ên được ăn tất cả ngoại trừ các con sau: chim ưng, chim ngạc, ó biển; chim lão ưng và con diều, tùy theo loại chúng nó; các thứ quạ, chim đà điểu, chim ụt, chim thủy kê, chim bò cắc và các loại giống chúng nó; chim mèo, chim thằng cộc, con cò quắm, con hạc, chim thằng bè, con cồng cộc, con cò, con diệc và các loại giống chúng nó; chim rẽ quạt và con dơi.

d) Loài côn trùng: Loài nào biết bay và biết nhảy được kể là sạch (cào cào, châu chấu, dế, ve v.v…). Loài biết bay, biết đi bốn chân nhưng không biết nhảy phải kể là không sạch.

Tại sao Đức Chúa Trời cấm dân Y-so-ra-ên ăn các thú không sạch?

Câu hỏi trên rất quan trọng, lời giải đáp cho câu hỏi trên sẽ giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa thật của lệnh cấm của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên, và sự ngăn cấm đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay, là con cái Chúa sống trong thời Ân Điển.

Có nhiều nhà giải kinh giải thích rằng sở dĩ Đức Chúa Trời cấm dân Y-sơ-ra-ên ăn các loài thú không sạch vì chúng không có lợi cho sức khỏe của con người (nhiều chất béo, nhiều chất cholesterol, dễ gây dị ứng v.v…). Tuy nhiên, cách giải thích đó không phải là câu trả lời từ … Kinh Thánh! Chúng ta biết tất cả thú vật đều do Chúa tạo dựng nên, các loài thú “không sạch” cũng do Chúa tạo nên. Thật ra, thịt của các loại thú sạch hay không sạch đều chứa các chất dinh dưỡng và đều cần thiết cho sức khỏe của con người; nếu có những chất có hại (chết béo, cholesterol …) thì những chất có hại cho sức khỏe nầy cũng có trong cả hai loại thú sạch và không sạch. Ví dụ:

+ Những chất có hại trong thịt heo (thú không sạch) như chất béo hay cholesterol cũng đều có trong thịt (thú
 sạch)

+ Thịt (thú không sạch) có sắc trắng (white meat) được xem là tốt cho sức khỏe hơn thịt (thú sạch) có sắc đỏ (red meat).

+ Cá da trơn không vảy (loại không sạch) chứa nhiều chất omega-3 rất tốt cho tim mạch hơn các loài cá có vảy (loại sạch); có người cho rằng thịt con chiên (thú sạch) ít gây dị ứng, nhưng thịt heo (thú không sạch) cũng ít gây dị ứng, trong khi thịt (thú sạch) gây dị ứng nhiều hơn thịt heo. 

+ Các loại tôm (không sạch) chứa nhiều sinh tố B12, Selenium, Antioxidant, chất chống viêm rất tốt cho con người v.v…

Sau đây là bảng so sánh các loại thịt thông dụng mà con người ăn hằng ngày: Dê (goat), bò (beef); gà (chicken); heo (pork); chiên (lamp); nai (venison) và bò rừng (bison). Một số chất được các nhà dinh dưỡng phân tích và đưa ra kết quả như sau:

 

Qua bảng phân tích nêu trên, chúng ta thấy cholesterol trong thịt chiên (thú sạch) nhiều hơn trong thịt gà (thú không sạch); chất béo (fat) trong thịt chiên cũng nhiều hơn trong thịt heo (thú không sạch) v.v...

Như thế, lý do Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ên ăn thịt một số thú sạch hay cấm ăn thịt thú không sạch không phải vì yếu tố dinh dưỡng như nhiều người gán cho. Đức Chúa Trời có bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên biết nguyên do tại sao Ngài phân biệt thú sạch và thú không sạch trong Lê-vi Ký 20:23-26:

“Chớ nên noi theo thói tục của dân mà ta sẽ đuổi ra khỏi trước mặt các ngươi, vì họ đã làm những điều đó, và ta lấy làm gớm ghiếc lắm. Ta đã phán cùng các ngươi rằng: Ấy là các ngươi sẽ được xứ của dân đó; ta cho các ngươi xứ ấy đặng làm sản nghiệp; ấy là một xứ đượm sữa và mật: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi, đã PHÂN RẼ các ngươi cùng các dân. Vậy, hãy PHÂN BIỆT thú tinh sạch với thú ô uế, chim ô uế với chim tinh sạch; chớ gây cho mình ra gớm ghiếc vì loài vật, vì chim chóc, vì các loài côn trùng trên mặt đất, mà ta đã dạy các ngươi phân biệt như loài ô uế. Đối cùng ta các ngươi hãy nên thánh, vì ta, Đức Giê-hô-va, là thánh; ta đã PHÂN RẼ các ngươi với các dân, để các ngươi thuộc về ta.” (Lê-vi Ký 20:23-26)

Chữ chìa khóa trong phân đoạn trên là hay PHÂN BIỆT (separate: Có nghĩa là phân chia ra, tách riêng ra, không cùng chung với nhau). Khi Đức Chúa Trời ban xứ Ca-na-an cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài phân rẽ (separate) họ với dân Ca-na-an là dân tộc thờ tà thần, Ngài không muốn dân của Ngài bắt chước lối sống của dân bản xứ. Và để cho dân Y-sơ-ra-ên ghi nhớ nguyên tắc sống theo ý muốn của Ngài, Chúa dạy họ phải phân biệt thức ăn sạch và không sạch trong vấn đề ăn hằng ngày. Chúa dùng hình ảnh “thú sạch” ám chỉ dân Y-sơ-ra-ên, “thú không sạch” chỉ về dân Ca-na-an. Dân Y-sơ-ra-ên phải ăn thịt thú sạch và không được ăn thịt thú không sạch để luôn nhắc nhỡ cho họ nhớ rằng họ Chúa biệt riêng họ ra khỏi các dân tộc khác, để thành một dân thánh cho Ngài, là dân thuộc riêng về Ngài. "Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài." (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7;6)

Cơ-đốc nhân ngày nay có phải kiêng ăn thịt các thú không sạch?

Dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước làm hình bóng về Hội Thánh trong thời Tân Ước:

“Vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:7)

“Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29)

Dân Y-sơ-ra-ên được lựa chọn ra khỏi các dân tộc khác để trở nên dân thánh của Đức Chúa Trời làm hình bóng về Hội Thánh trong thời Tân Ước, gồm những người được lựa chọn để trở nên dân thánh cho Chúa:

“Nhưng anh em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 2:9)

Dân Y-sơ-ra-ên được truyền dạy chỉ ăn những thức ăn sạch và kiêng những thức ăn không sạch làm hình bóng về Hội Thánh của Chúa trong thời Tân Ước, con cái Chúa sống ở giữa thế gian phải giữ lấy đạo của Chúa mà không được bắt chước nếp sống của người thế gian:

“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình …” (Rô-ma 12:1,2)

Như vậy, con cái Chúa sống trong Giao Ước mới phải tuân giữ các “luật lệ” trong Giao Ước mới, không cần phải tuân theo luật lệ Cựu Ước như dân Y-sơ-ra-ên khi xưa. Tín hữu ngày nay có thể ăn tất cả các loại thịt mà không cần phân biệt thú sạch hay không sạch, vì “mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được; vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh.” (I Ti-mô-thê 4:4,5).

Nên nhớ rằng không có một câu Kinh Thánh nào trong Tân Ước dạy con cái Chúa ngày nay chỉ được phép ăn thịt thú sạch và không được ăn thịt thú không sạch. 

Có một số tín hữu ngày nay vẫn tuân giữ theo luật Cựu Ước, họ kiêng ăn thịt thú không sạch như thịt heo. Tất nhiên, đó là sự lựa chọn của họ, họ có quyền kiêng cữ ăn thịt thú không sạch theo Cựu Ước, nhưng chúng ta thấy rõ nếu con cái Chúa ngày nay kiêng cữ ăn thịt heo vì lý do tín ngưỡng (làm theo luật pháp) thì không có ý nghĩa gì trước mặt Đức Chúa Trời. Hơn nữa, nếu người đó chỉ kiêng thịt heo nhưng lại ăn thịt gà, thịt vịt, các loại cá da trơn, như cá trê, cá bông lau, cá thiều v.v... hay một số hải sản thông thường khác như: tôm, cua, sò v.v… là những thức ăn không sạch, thì sự kiêng cữ của người đó chỉ là vô ích, không nhất quán trong sự tuân giữ luật pháp, và như vậy người đó cũng không tuân giữ luật pháp cách trọn vẹn như mục đích mà họ theo đuổi.

3. Khải tượng về thú không sạch trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 10.

Sứ đồ Phi-e-rơ là người tuân giữ luật pháp về ăn và không ăn các thức ăn sạch và không sạch. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ chương 10, một ngày kia, ông thấy khải tượng sau: Trời mở ra, có một cái khăn lớn giáng xuống, bên trong khắn chứa những loài vật không sạch. Có tiếng phán với ông: “Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.” (câu 13). Phi-e-rơ trả lời: “Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ.” (câu 14). Nhưng có tiếng phán với ông đến ba lần: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.” (câu 15)

Một thời gian ngắn sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm thành lập Hội Thánh, những người Do Thái vẫn quan niệm rằng sự cứu rỗi và những phước hạnh đến từ Đức Thánh Linh chỉ dành cho người Do Thái, người ngoại bang không có phần trong đó.

Khải tượng Phi-e-rơ thấy có liên quan đến việc ăn thịt các thú vật không sạch. Chúa muốn dùng khải tượng đó để dạy cho Phi-e-rơ và những người Do Thái tin Chúa Jesus thời bấy giờ một bài học: Ân sủng của Đức Chúa Trời được ban cho tất cả mọi dân tộc mà không có sự phân biệt. Bởi đức tin nơi Chúa Jesus, người ngoại bang cũng sẽ nhận được Đức Thánh Linh giống như người Do Thái đã nhận Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần trước đó. Hình ảnh “thú không sạch” làm biểu tượng cho người ngoại bang. Khi có tiếng phán: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy” mang ý nghĩa khi một người ngoại bang tiếp nhận Chúa Jesus, họ được tha thứ tội và trở nên tinh sạch giống như một người Do Thái tin Chúa Jesus vậy. Không có lý do gì mà người Do Thái tin Chúa lại không chấp nhận người ngoại bang tin Chúa. Những gì Chúa muốn dạy Phi-e-rơ đã được thể hiện qua sự kiện một gia đình người ngoại bang (viên đội trưởng Cọt-nây) tiếp nhận Tin lành: “Khi Phi-e-rơ đang nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo. Các tín đồ đã chịu phép cắt bì, là những kẻ đồng đến với Phi-e-rơ, đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban cho Đức Thánh Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa. Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời. Bấy giờ Phi-e-rơ lại cất tiếng nói rằng: Người ta có thể từ chối nước về phép báp-tem cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44-47). Chúng ta có rể rút ra hai bài học về khải tượng thú không sạch mà Chúa cho Phi-e-rơ thấy:

1. Cơ-đốc nhân thời Tân Ước không cần kiêng ăn các thú không sạch.

2. Không có sự phân biệt giữa người Do Thái và người ngoại bang trong sự tiếp nhận ơn cứu rỗi qua Chúa Jesus.

 

Tháng 9, 2014
tamtran1561@yahoo.com