Áp-ra-ham có thật sự nói dối không?

 

Trần Đình Tâm
tamtran1561@yahoo.com


Sáng Thế Ký ghi lại 2 trường hợp Áp-ra-ham đối diện với tình huống có thể nguy hiểm đến tính mạng có liên quan đến người vợ ông là Sa-ra.

Lần thứ nhất, Sáng Thế Ký 12:10-20 kể lại ông và Sa-ra từ Ca-na-an đến cư ngụ tại Ê-díp-tô để tránh nạn đói. Lần thứ hai, Sáng Thế Ký 20:1-20 ghi lại câu chuyện Áp-ra-ham xuống miền nam xứ Ca-na-an và cư ngụ tại Ghê-ra. Trong cả 2 trường hợp, Áp-ra-ham đều nói với Pha-ra-ôn (vua Ê-díp tô) và A-bi-mê-léc (vua Ghê-ra) Sa-ra là “em gái của ông”.

Tại Ê-díp-tô: “Khi sắp vào xứ Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó, họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta, hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta.”(Sáng Thế Ký 12:11-13)

Tại Ghê-ra: Áp-ra-ham từ đó đi đến miền Nam, kiều ngụ tại Ghê-ra, ở về giữa khoảng Ca-đe và Su-rơ. Áp-ra-ham nói về Sa-ra, vợ mình rằng: Nó là em gái tôi. A-bi-mê-léc, vua Ghê-ra sai người bắt Sa-ra. (Sáng Thế 20:1,2)

Qua 2 câu chuyện của vợ chồng Á-ra-ham, hầu hết các vị giảng dạy Kinh Thánh trong Hội Thánh ngày nay đều chê trách Áp-ra-ham, cho ông là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình; lên án Áp-ra-ham là người nói dối, không dám nói lên sự thật rằng Sa-ra chính là vợ của mình. Chính sự giảng dạy đó mà đại đa số con cái Chúa ngày nay cũng có quan đểm tương tự, tất cả cho rằng Áp-ra-ham đã nói dối.

Để đánh giá về tư cách và lời nói của Áp-ra-ham một cách công bằng, chúng ta cần đọc thật kỹ bản tường thuật của Kinh Thánh và tìm hiểu bối cảnh xã hội thời bấy giờ.

Có 2 yếu tố quan trọng chúng ta cần tìm hiểu trước khi kết luận về Áp-ra-ham:

1/ Bối cảnh xã hội: Trong thời ấy, các vị vua rất có quyền hành nhưng không kính sợ Chúa, họ nắm quyền sinh sát người khác trong tay, có thể giết người chồng để chiếm đoạt người vợ. Áp-ra-ham biết rõ mối nguy hiểm đó nên ông nói với Sa-ra: Khi vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống.” (Sáng Thế Ký 12: 11,12). Lần thứ hai tại Ghê-ra, ông nói với vua A-bi-mê-léc: Trong xứ nầy thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng.Ngoài câu chuyện của Áp-ra-ham, chúng ta còn biết câu chuyện của Y-sác và vợ là Rê-bê-ca cũng xảy ra tương tự. Y-sác cũng đối diện với mối nguy hiểm đến mạng sống vì Rê-bê-ca rất xinh đẹp: “Bởi nàng Rê-be-ca sắc-sảo dung nhan, nên khi dân xứ đó hỏi thăm vợ người, thì người đáp rằng: "Ấy là em gái tôi," e khi nói: "Ấy là vợ tôi," thì họ sẽ giết mình chăng. (sáng thế Ký 26:7)

1/ Đây là yếu tố quan trọng nhất, sẽ giúp chúng ta thấy rõ Áp-ra-ham có phạm tội nói dối hay không: Sa-ra là vợ của Áp-ra-ham nhưng cũng chính là em gái của ông, là người em cùng cha khác mẹ (the daughter of my father, but not the daughter of my mother). Chính Áp-ra-ham khẳng định với vua A-bi-mê-léc: “Nhưng nó cũng thật là em gái tôi, em một cha khác mẹ; và tôi cưới nó làm vợ. (Sáng Thế Ký 20:12)

Như vậy Sa-ra vừa là vợ của Áp-ra-ham mà cũng vừa là em gái của Áp-ra-ham. Để xác định Áp-ra-ham có dối không, chúng ta phải căn cứ vào câu hỏi của vua Pha-ra-ôn và câu hỏi của vua A-bi-mê-léc.

Chúng ta hãy giả định 2 tình huống đã xảy ra sau:

1. Nếu vua hỏi Áp-ra-ham: “Người phụ nữ đi với ông là ai?”, Áp-ra-ham trả lời: “Nàng là em gái tôi”. Trong trường hợp nầy, Áp-ra-ham đã nói sự thật, ông không hề mắc tội nói dối.

2. Nếu vua hỏi Áp-ra-ham: “Người phụ nữ đi với ông có phải là vợ ông chăng?”, Áp-ra-ham trả lời: “Nàng không phải là vợ tôi”. Trong trường hợp nầy, rõ ràng Áp-ra-ham mắc tội nói dối.

Chúng ta có thể xác nhận tình huống thứ nhất đã xảy ra, chứ không phải tình huống thứ 2, vì căn cứ vào câu trả lời của Áp-ra-ham cho cả 2 vị vua, ông đã nói Sa-ra là “em gái của ông”, chứ ông không nói Sa-ra “không phải là vợ ông”. Kết luận nầy cũng có nghĩa là 2 vua đã hỏi Áp-ra-ham câu: “người phụ nữ nầy là ai?”, chứ không phải câu hỏi: “người phụ nữ nầy là vợ ông phải không?

Tuy Kinh Thánh không đề cấp đến câu hỏi của cả 2 vua, nhưng chúng ta có manh mối bằng cách đọc thật cẩn thận văn mạch Kinh Thánh, chúng ta có kết luận tình huống thứ nhất thật đã xãy ra. Sau đây là bằng chứng:

Bằng chứng trong lần gặp vua Ê-díp tô: Vua Ê-díp-tô nói với Áp-ra-ham rằng: “Sao không tâu với ta rằng nó là vợ ngươi? Sao ngươi đã nói rằng: người đó là em gái tôi (Sáng Thế Ký 12:18,19)

Bằng chứng trong lần gặp vua A-bi-mê-léc: Vua A-bi-mê-léc thưa với Đức Chúa Trời: Người đó (Áp-ra-ham) há chẳng nói với tôi rằng: ấy là em gái tôi chăng?, và chính người nữ (Sa-ra) há chẳng nói rằng: ấy là anh tôi sao? (Sáng Thế Ký 20:5)

Như vậy, Áp-ra-ham không phạm tội nói dối như đa số chúng ta đã gán cho ông. Dù Ông không nói ra đầy đủ 2 thông tin về mối quan hệ giữa ông và Sa-ra (vợ và em gái), ông chỉ nói 1 thông tin mà thôi, ông đã nói đúng sự thật. Hơn nữa, khi đối diện với những vị vua ngoại bang không kính sợ Chúa thời bấy giờ, chỉ dùng quyền hành để giết chồng và cướp vợ người khác thì thử hỏi Áp-ra-ham có cần thiết phải nói lên đầy đủ sự thật không?

[Những ai đã từng kết tội Áp-ra-ham nói dối, hãy suy gẫm 2 câu chuyện sau đây: 1/ Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15-21: Vua Pha-ra-ôn ra lệnh cho các bà đỡ đẻ phải giết các bé trai Y-sơ-ra-ên mới chào đời, nhưng các bà đỡ đẻ không nghe lời vua, nói … dối với vua là các bà mẹ Y-sơ-ra-ên đã sanh em bé trước khi các bà đến đỡ! Chúng ta thấy Đức Chúa Trời còn ban phước cho các bà đỡ đẻ. 2/ Giô-suê 2:1-7: Bà Ra-háp giấu 2 thám tử Y-sơ-ra-ên trong nhà của bà, nhưng bà đã nói … dối với lính của nhà vua rằng các thám tử đã ra khỏi thành. Chúng ta thấy rõ Chúa không hề kết tội bà “nói dối”. Bà là người kính sợ Chúa, có đức tin đến Chúa. Chúa đã giải cứu bà và gia đình bà khỏi chết!]

Thêm một yếu tố quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua, Kinh Thánh không cho thấy Đức Chúa Trời kết tội Áp-ra-ham. Nếu Áp-ra-ham phạm tội nói dối, chắc hẳn Đức Chúa Trời sẽ chỉ ra tội của ông và khiển trách ông để ông không lập lại lần thứ hai. Tuy nhiên, chúng ta thấy Áp-ra-ham và Sa-ra tiếp tục ứng xử giống như vậy lần thứ hai khi đối mặt với vua A-bi-mê-léc. Hơn nữa, Đức Chúa Trời còn truyền phán cho vua A-bi-mê-léc biết Áp-ra-ham là một tiên tri và vua phải nhờ Áp-ra-ham cầu nguyện cho vua thì vua và gia đình của vua mới được sống, và được Đức Chúa Trời chữa cho khỏi bệnh son sẻ: Bây giờ, hãy giao đàn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống.” “Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời, thì Ngài chữa bịnh cho vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các con đòi người; vậy, họ đều có con.” (Sáng Thế Ký 20:7, 17).

Vậy, nếu Đức Chúa Trời không kết tội Áp-ra-ham thì chúng ta ngày nay cũng không nên kết tội Áp-ra-ham.

 

Tháng 6, 2021