Bài học từ phần mở đầu của các thư tín

Trần Đình Tâm

 

Trong tổng số 13 thư tín sứ đồ Phao-lô viết trong Tân Ước, thư của Gia-cơ, thư của Phi-e-rơ, thư của Giăng và thư của Giu-đe, nếu căn cứ vào đối tượng nhận thư, chúng ta có thể chia các thư tín ra làm hai loại: 1/ Thư viết cho các Hội Thánh, 2/ Thư viết cho cá nhân. Theo nguyên tắc viết thư của người Do Thái, phần mở đầu của một bức thư bao gồm các bước: Đầu tiên, người viết thư tự giới thiệu bản thân trước, sau đó người viết mới đề cập đến đối tượng nhận thư là ai, kế đến là lời chúc.

Chúng ta cùng đọc phần trích dẫn của các bức thư trong phần mở đầu như sau (chỉ xin chú ý đến đối tượng nhận thư mà thôi):

1. Các thư viết cho các Hội Thánh địa phương:

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Rô-ma:

    “Phao-lô, tôi tớ Đức Chúa Jêsus Christ, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời …
   gởi cho hết thảy những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rô-ma, được gọi làm thánh đồ.”

   (Rô-ma 1:1,7)

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô:

    “Phao-lô, theo ý Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Sốt-then, anh em chúng
    tôi, gởi cho Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh
    trong Đức Chúa Jêsus Christ, được gọi làm thánh đồ.”
(I Cô-rinh-tô 1:1,2)

    “Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ Đức Chúa Jêsus Christ, cùng người anh em chúng ta là Ti-
   mô-thê, gởi cho Hội thánh của Đức Chúa Trời ở thành Cô-rinh- tô, và cho hết thảy thánh đồ ở khắp xứ
   A-chai
.” (II Cô-rinh-tô 2:1)

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Ga-la-ti:

    “Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jêsus
   Christ và Đức Chúa Trời, tức là Cha, Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, cùng hết thảy anh em ở với tôi,
   gởi cho các Hội thánh ở xứ Ga-la-ti.”
(Ga- la-ti 1:1,2)

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Ê-phê-sô:

“Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho các thánh đồ ở thành Ê-phê-sô.” (Ê-phê-sô 1:1)

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Phi-líp:

“Phao-lô và Ti-mô-thê, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự. (Phi-líp 1:1)

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Cô-lô-se:

“Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Ti-mô-thê là anh em, gởi cho các anh em chúng ta ở thành Cô-lô-se, là những người thánh và trung tín trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 1:1,2)

+ Thư Phao-lô viết cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca:

“Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca.” (I Tê- sa-lô-ni-ca 1:1)

“Phao-lô, Sin-vanh và Ti-mô-thê gởi cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, là Hội thánh ở trong Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa.” (II Tê-sa- lô-ni-ca 1:1)

+ Thư Gia-cơ viết cho Hội Thánh thuộc 12 chi phái Y-sơ-ra-ên:

“Gia-cơ, tôi tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ, đạt cho mười hai chi phái ở tan lạc".” (Gia-cơ 1:1)

+ Thư Phi-e-rơ viết cho một số Hội Thánh ở rải rác.

“Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho những người kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, là những người được chọn.”  (I Phi-e-rơ 1:1)

 + Thư Giu-đe viết cho Hội Thánh chung:

“Giu-đe, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ và em Gia-cơ, đạt cho những kẻ đã được kêu gọi được Đức Chúa Trời, là Cha yêu thương, và được Đức Chúa Jêsus Christ giữ gìn.” (Giu-đe 1)

2. Các thư viết cho cá nhân:

+ Thư Phao-lô viết cho Ti-mô-thê:

“Phao-lô, vâng mạng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta, và vâng mạng Đức Chúa Jêsus Christ là sự trông cậy chúng ta, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho Ti-mô-thê, là con thật của ta trong đức tin.” (I Ti-mô-thê 1:1,2)

“Ta, Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, đặng rao truyền lời hứa của sự sống trong Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho Ti-mô-thê, là con rất yêu dấu của ta.” (II Ti-mô-thê 1:1,2)

+ Thư Phao-lô viết cho Tít:

“Ta, Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, … gởi cho Tít, là con thật ta trong đức tin chung.” (Tít 1:1,4)

+ Thư Phao-lô viết cho Phi-lê-môn:

“Phao-lô, kẻ tù của Đức Chúa Jêsus Christ, và Ti-mô-thê, anh em chúng ta, gởi cho Phi-lê-môn là người rất yêu dấu và cùng làm việc với chúng ta.” (Phi-lê-môn 1)

+ Thư Giăng viết cho một người phụ nữ và gia đình bà:

“Trưởng lão (Giăng) đạt cho bà được chọn kia cùng con cái bà mà tôi thật yêu dấu.”  (II Giăng 1)

+ Thư Giăng viết cho Gai-út:

     “Trưởng lão đạt cho Gai-út là người yêu dấu, mà tôi thật thương yêu.” (III Giăng 3)

 3. Bài học từ phần mở đầu của các bức thư:

Chúng ta học được gì từ phần mở đầu của các thư tín trong Tân Ước, là Lời Đức Chúa Trời? Chúng ta ghi nhận nguyên tắc quan trọng được sử dụng để viết thư như sau:

a. Trong các thư viết cho một Hội Thánh địa phương, hoặc nhiều Hội Thánh ở các nơi khác nhau, hoặc Hội Thánh chung mà tên địa phương không được xác định, thì tên của Hội Thánh địa phương, hay Hội Thánh chung luôn luôn được ưu tiên đặt trước tiên. Mặc dù các Hội Thánh nầy đều có người lãnh đạo như: giám mục (bishop), mục sư (pastor), trưởng lão (elder), chấp sự (deacon) nhưng lại không được nêu lên trong bức thư.

b. Trong trường hợp có nêu lên người lãnh đạo Hội Thánh, thì Hội Thánh được nêu lên trước, người lãnh đạo được nêu lên sau (ví dụ thư viết cho Hội Thánh Phi-líp).

c. Các thư chủ yếu viết cho cá nhân, tất nhiên tên của người nhận thư phải được nêu lên.

Chúng ta thấy rõ, nếu mục đích của thư đó viết cho người nhận là Hội Thánh, thì HỘI THÁNH LUÔN LUÔN PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN NÊU LÊN TRƯỚC NGƯỜI LÃNH ĐẠO. Lý do thật đơn giản: Hội Thánh là thân thể của Chúa Jesus, là tập thể những người mà Chúa Jesus đã mua chuộc bằng chính huyết của Ngài, nên Hội Thánh phải được tôn trọng hơn một cá nhân.

Hơn nữa, nếu cái thư được viết cho đối tượng là Hội Thánh, thì không có lý do gì để tên cá nhân lên trước Hội Thánh, dù đó là người giữ chức vụ lãnh đạo Hội Thánh.

Điều đáng buồn là trong các Hội Thánh Việt Nam ngày nay, ở tất cả mọi hệ phái, việc viết thư cho các Hội Thánh đã không theo mẫu mực cao đẹp giống như Kinh Thánh bày tỏ. Chúng ta thấy trong các văn thư gửi cho Hội Thánh ngày nay, từ Hội Thánh nầy gửi cho Hội Thánh khác, hay từ cá nhân gửi cho Hội Thánh, người lãnh đạo lại được nêu lên trước Hội Thánh của Đức Chúa Trời!

Không những điều trên xuất hiện trong các văn thư mà thôi, nhưng còn nghe được qua lời nói trong phần mở đầu của những người đứng trước Hội Thánh trong một buổi nhóm.

Phải chăng chúng ta sống và làm theo nền văn hóa người Việt Nam, là dành sự tôn trọng cho người lãnh đạo, nên người lãnh đạo được nêu lên trước người khác? Thật ra, sự tôn trọng người lãnh đạo thể hiện đạo đức của người dân và văn hóa của dân tộc đó, điều nầy có thể thấy ở mọi dân tộc trên thế giới, chứ không chỉ có ở dân tộc Việt Nam mà thôi. Người Do Thái trong thời các sứ đồ cũng vậy, họ cũng có nền văn hóa tôn trọng người lãnh đạo, Lu-ca viết cho Thê-ô-phi-lơ: “Hỡi Thê-ô-phi-lơ quý nhân” (most excellent Theophilus) (Lu-ca 1:1);  Phao-lô nói với quan tổng đốc Phê-lít: “Thưa quan lớn Phê-lít (most excellent Felix)” (Công Vụ Các Sứ Đồ 24:3); Phao-lô nói với Phê-tu: “Thưa quan lớn Phê-tu (most excellent Festus). Điều đó có thể đúng trong mối quan hệ bên ngoài Hội Thánh. Tuy nhiên, việc nêu người lãnh đạo lên trước Hội Thánh trong thư viết cho Hội Thánh là đưa sự tôn trọng một cá nhân lên trên cả Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Các văn thư gửi cho các Hội Thánh địa phương ngày nay, tên Hội Thánh địa phương cần phải được nêu trước tên của người lãnh đạo (nếu thật sự cần phải nêu tên và chức vụ người lãnh đạo). Chúng ta đã biết nhiều bức thư trong Tân Ước chỉ nêu tên Hội Thánh mà không nhắc chi đến người lãnh đạo, mặc dù có người lãnh đạo.

Cách viết phần mở đầu của các thư tín viết cho các Hội Thánh trong Tân Ước là mẫu mực đáng cho chúng ta bắt chước ngày nay, vì đó là những bức thư được Đức Chúa Trời soi dẫn.

Tháng 3, 2014