BÁP-TÊM BẰNG LỬA

Trần đình Tâm

 

Thế nào là Báp-têm bằng lửa?

“Báp-têm bằng lửa” được ghi trong Ma-thi-ơ và Lu-ca, cả hai sách đều tường thuật về cùng một câu chuyện:

Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.”  (Ma-thi-ơ 3:11)

Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem chocác ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.” (Lu-ca 3:16)

Vì “Báp-têm bằng lửa” đi kèm với “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh” ở các câu trên, nên một số nhà giải kinh (thuộc hệ phái Ngũ Tuần) đã liên kết “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” với biến cố trong ngày Lễ Ngũ Tuần: “Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh(Công Vụ Các Sứ Đồ 2:3,4). Dựa vào sự xuất hiện “lưỡi bằng lửa”, những nhà giải kinh thuộc hệ phái Ngũ Tuần cho rằng trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ đã được Báp têm bằng Đức Thánh Linh và Báp-têm bằng lửa cùng một lúc. “Lửa” có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo từng trường hợp, “lửa” trong ngày Lễ Ngũ Tuần làm hình bóng về sự “thanh tẩy” (purify), tức là làm cho tinh sạch. Khi người ta đem vàng có lẫn các chất cặn vào lửa, lửa sẽ có tác dụng tẩy sạch các chất cặn và khiến vàng trở nên nguyên chất. Khi các môn đồ được Báp-têm bằng lửa, họ được tẩy sạch khỏi tội bởi quyền năng của Đức Thánh Linh để có thể kinh nghiệm đời sống phước hạnh và sẵn sàng trong công tác phục vụ Chúa.

Cách giải thích tốt hơn về “Báp-têm bằng lửa” là căn cứ vào bối cảnh của câu chuyện mà qua đó Giăng Báp-tít đã tuyên bố, và đồng thời xem xét văn mạch của Ma-thi-ơ 3:11 nêu trên:

Giăng đang làm phép Báp-têm về sự ăn năn tại sông Giô-đanh cho nhiều người dân thành Giê-ru-sa-lem và các vùng lân cận. Trong số đó có những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê cũng đến để chịu Giăng làm Báp-têm cho. Người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là những người tự cho mình là người công bình, tự hào mình thuộc dòng dõi Áp-ra-ham,  họ chú trọng đến lễ nghi bên ngoài để người khác thấy mình đạo đức công bình, họ là những người giả hình. Giăng biết rõ những người nầy nên khi thấy họ đến chịu Báp-têm, ông nói với họ: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau? Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, và đừng tự khoe rằng: Áp-ra-ham là tổ chúng ta; và ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được. Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm.” (Ma-thi-ơ 3:7-10)

Giăng cảnh cáo người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, nếu họ chỉ nhận báp-têm bề ngoài mà không thật sự ăn năn trong lòng, thì không tránh khỏi cơn giận ngày sau. “Cơn giận” (wrath) chỉ về sự phán xét của Đức Chúa Trời trong thời kỳ sau rốt. Sau khi Giăng tuyên bố “ … Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.”, hãy chú ý đến lời Giăng nói tiếp sau đây: “Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.” (câu 12). Giăng Báp-tít nêu ra hình ảnh của sự phán xét trong ngày sau cùng: “lúa” chỉ về những người thuộc về Chúa, sẽ được đem vào “kho”, chỉ về Nước Thiên Đàng (Ma-thi-ơ 25:34); “rơm rạ” chỉ về những người không thuộc về Chúa, sẽ bị “đốt trong lửa chẳng hề tắt”, chỉ về hồ lửa đời đời (Ma-thi-ơ 25:41; Khải Huyền 20:14,15).

Chúng ta cũng học được sự dạy dỗ tương tự trong Ma-thi-ơ 13:40-42: “Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Như vậy, khi Giăng giới thiệu Chúa Jesus, là Đấng sẽ đến, chính Ngài sẽ làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa, Giăng muốn nói rằng: Những ai ăn năn tội và tin Ngài, sẽ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, những ai không ăn năn và từ chối Ngài, sẽ chịu Báp-têm bằng lửa, tức là sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời trong thời kỳ sau cùng. Báp-têm bằng Đức Thánh Linh được áp dụng trong thời đại Hội Thánh, Báp-têm bằng lửa sẽ được thực hiện trong ngày sau cùng, là ngày phán xét của Đức Chúa Trời.

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, hình ảnh “lưỡi bằng lửa” xuất hiện đáp đậu trên các môn đồ, thật ra không phải là lửa thật, nhưng là những hình ảnh giống như (like) lưỡi bằng lửa. Ngoài hình ảnh “lửa” ra, cần phải nêu thêm một yếu tố khác là gió: “có tiếng (sound: âm thanh) từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà” (câu 2). Âm thanh của “gió” và hình ảnh của “lửa” là những dấu hiệu (sign) chỉ về sự hiện diện của Đức Thánh Linh, để xác chứng cho các môn đồ rằng “điều Cha đã hứa” đã được ứng nghiệm: Họ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, mở đầu trang sử thành lập Hội Thánh.

“Báp-têm bằng lửa” trong lời tuyên bố của Giăng Báp-tít không liên quan gì đến “lưỡi bằng lửa” xuất hiện trong Ngày Lễ Ngũ Tuần.

Tóm lại, Báp-têm bằng lửa chỉ về số phận của những người ở ngoài Chúa Jesus, sẽ bị “báp-têm trong hồ lửa đời đời”. Xin chú ý: Giăng Báp-tít đã nói “Báp-têm bằng lửa” đối với những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê lúc ấy, nhưng Chúa Jesus không hề nói về “Báp-têm bằng lửa” cho các môn đồ của Ngài: “Vì Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5)

Tháng 1, 2014