Chúa Jesus chịu chết vào ngày Thứ Tư hay Thứ Sáu?

Trần Đình Tâm

 

1. Ngày Thứ Tư hay Thứ Sáu?

Hàng năm, các Cơ-đốc nhân trên toàn thế giới kỷ niệm Chúa Jesus chịu thương khó và chết vào ngày Thứ Sáu và sống lại vào ngày Chủ Nhật. Quan điểm cho rằng Chúa chịu chết vào ngày Thứ Sáu dựa vào chứng cứ sau: Ngày hôm sau ngày Chúa chết là ngày Sa-bát:

“Bấy giờ là ngày sắm sửa (ngày Chúa bị đóng đinh), và ngày Sa-bát gần tới.” (Lu-ca 23:54)

“Vì bấy giờ là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát, mà Sa-bát nầy là rất trọng thể, nên dân Giu-đa ngại rằng những thây còn treo lại trên thập tự giá trong ngày Sa-bát chăng, bèn xin Phi-lát cho đánh gãy ống chân những người đó và cất xuống.” (Giăng 19:31)

Vì ngày kế tiếp ngày Chúa chết là ngày Sa-bát, nên ngày Chúa chết phải là ngày Thứ Sáu.

Ngày của người Do Thái trong Kinh Thánh bắt đầu từ lúc mặt trời lặn cho đến lúc mặt trời lặn của ngày kế tiếp (khoảng 6 giờ chiều).

Chúng ta đã biết Chúa trút linh hồn trên thập tự giá lúc 3 giờ chiều, tức là chỉ còn 3 tiếng đồng nữa thôi là bước qua ngày mới, là ngày Sa-bát; thân xác Chúa nằm trong mộ trọn ngày Thứ Bảy; Chúa sống lại vào rạng sáng Chủ Nhật, mà ngày Chủ Nhật bắt đầu kể từ lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy. Như vậy, nếu Chúa Jesus chịu chết vào ngày Thứ Sáu, thì tổng số thời gian xác chúa nằm trong mộ cho đến khi sống lại chỉ vỏn vẹn chưa đến 48 tiếng đồng hồ, chưa đủ 2 ngày! Điều nầy mâu thuẫn với chính lời tuyến bố của Chúa Jesus về khoảng thời gian thân xác Ngài nằm trong mộ như sau:

“Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm (three days and three nights), cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm (three days and three nights). (Ma-thi-ơ 12:40)

Chúa Jesus đã nói tiên tri về sự chết của Ngài: Ngài sẽ ở trong lòng đất 3 ngày 3 đêm, tức là trọn 3 ngày, tương đương 72 tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, các câu Kinh Thánh sau đây chứng minh rõ Chúa Jesus không thể chết vào ngày Thứ Sáu:

“Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày (after three days) phải sống lại.” (Mác 8:31)

“Người ta sẽ nhạo báng Ngài, nhổ trên Ngài, đánh đập Ngài mà giết đi; sau ba ngày (after three days), Ngài sẽ sống lại.” (Mác 10:34)

“Các thầy tế lễ và người Pha-ri-si nói với Phi-lát:“Thưa chúa, chúng tôi nhớ người gian dối nầy (họ nói về Chúa Jesus), khi còn sống nó nói rằng: khỏi ba ngày (after three days) thì ta sẽ sống lại” (Ma-thi-ơ 27:63)

Chúng ta biết các bà Ma-ri đi thăm mộ vào rạng sáng ngày Chủ Nhật, khi các bà đi đến mộ, thì chỉ thấy ngôi mộ trống mà thôi, sự kiện nầy cho thấy Chúa đã sống lại từ trước khi các bà đến mộ, tức là trước khi trời rạng sáng thì Chúa đã sống lại rồi. Ngày Chủ Nhật (ngày thứ nhất trong tuần lễ) bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy, như vậy, Chúa đã sống lại vào tối Thứ Bảy.

Nếu chúng ta đếm ngược lại 3 ngày trọn kể từ tối Thứ Bảy, chúng ta sẽ phải kết luận rằng Chúa Jesus không thể chết vào ngày Thứ Sáu, cũng không phải ngày Thứ Năm, nhưng phải là ngày Thứ Tư. Từ lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Tư (xác Chúa được đặt nằm trong mộ) cho đến lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy là đúng 3 ngày 3 đêm (đúng như lời Chúa phán trong Ma-thi-ơ 12:40), và cũng đúng với Mác 8:31, Mác 10:34 và Ma-thi-ơ 27:63 nêu trên: Chúa sống lại sau 3 ngày nằm trong mộ.

2. Chúa chết và sống lại vào “ngày thứ ba” (on the third day).

“Con người sẽ bị nộp trong tay người ta. Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba (third day), Ngài sẽ sống lại.” (Ma-thi-ơ 17:22,23)

“Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba (third day), Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh.” (I Cô-rinh-tô 15:4)

Ngoài 2 câu Kinh Thánh trên, một số các câu khác cũng cho biết Chúa sống lại vào ngày thứ ba: Ma-thi-ơ 16:21; Ma-thi-ơ 20:19; Lu-ca 24:7; Công Vụ Các Sứ Đồ 10:40.

Cụm từ “đến ngày thứ ba” để chỉ khoảng thời gian từ lúc Chúa chịu chết, nằm trong mộ, cho đến lúc sống lại.

Những nhà giải kinh theo quan điểm Chúa chết vào ngày Thứ Sáu, lý giải rằng: Theo cách tính thời gian của người Do Thái trong thời Chúa Jesus, một phần của một ngày cũng được kể là một ngày trọn. Họ giải thích như sau:

+ Ngày Thứ Sáu: Chúa chết lúc 3 giờ chiều, phải kể là một ngày trọn: Ngày thứ nhất.

+ Ngày Thứ Bảy: Một ngày trọn: Ngày thứ hai.

+ Ngày Chủ Nhật: Chúa sống lại rất sớm, cũng phải kể một ngày trọn: Ngày thứ ba.

Chúa Jesus chết vào ngày Thứ Sáu, đến ngày thứ ba, là ngày Chủ Nhật, Chúa sống lại.

Thật khó có thể chấp nhận một phần của ngày phải được tính trọn một ngày là 24 tiếng đồng hồ. Giăng 11:9 cho biết: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao?” Ban ngày là phân nửa của một ngày, gồm đủ 12 tiếng đồng hồ, ban đêm cũng vậy, phải gồm đủ 12 giờ. Một ngày bao gồm buổi chiềubuổi mai (hay một ngày một đêm) phải đủ 24 giờ vậy. Ngoài ra, không có chổ nào trong Kinh Thánh chứng minh người Do Thái kể một phần của ngày là một ngày trọn.

Chúng ta nên tìm hiểu cách người Do Thái sử dụng cụm từ chỉ thời gian “ngày thứ ba” là chỉ về khoảng thời gian nào.

Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của “ngày thứ ba” qua việc khảo sát các câu chuyện sau đây:

1. Câu chuyện Giô-sép giam các anh của ông trong ngục:

“Đoạn, Giô-sép truyền đem giam họ chung trong ngục trong ba ngày (in three days).” (Sáng Thế Ký 42:17)

Chúng ta hiểu ngay rằng Giô-sép quyết định tạm giam các anh của mình trong ngục trọn 3 ngày, chúng ta không thể cho rằng Giô-sép giam các anh chỉ vài giờ trong ngày rồi kể là một ngày trọn!!

Ngày thứ ba (the third day), Giô-sép nói cùng họ rằng: Ta kính sợ Đức Chúa Trời; hãy làm như điều nầy, thì được sống …” (Sáng Thế Ký 42:18)

Nếu đọc tiếp câu chuyện, chúng ta thấy Giô-sép thả các anh ra để họ đi về. Điều nầy chứng minh rằng các người anh của Giô-sép đã ở trong ngục trọn 3 ngày trước khi được thả ra.

Xin chú ý: Các người anh đã ở trong ngục trọn 3 ngày rồi, sau đó Kinh thánh chép ngày thứ ba Giô-sép thả họ ra. Điều nầy chứng minh rằng “ngày thứ ba” có nghĩa là “sau khi chấm dứt ba ngày”. Đó là cách mà người Do thái sử dụng cụm từ “ngày thứ ba”.

2. Câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên đến gặp vua Rô-bô-am:

Giê-rô-bô-am và dân Y-sơ-ra-ên đến gặp vua Rô-bô-am để thỉnh cầu Vua một việc, là xin vua giảm nhẹ việc lao động và thuế khóa cho người dân. Vua Rô-bô-am trả lời:

Khỏi ba ngày (hay sau 3 ngày = after three days) các ngươi hãy trở lại cùng ta. Dân sự bèn lui về” (II Sử Ký 10:5).

Sau đó, theo đúng lời vua truyền, Giê-rô-bô-am và các đại diện của dân Y-sơ-ra-ên đến gặp vua Rô-bô-am, Kinh Thánh ghi lại như sau:

Ngày thứ ba (the third day), Giê-rô-bô-am và cả dân sự đều đến cùng Rô-bô-am y như vua đã dặn biểu rằng: Hãy trở lại cùng ta trong ngày thứ ba(II Sử Ký 10:12)

Chúng ta thấy rõ: “ngày thứ ba” hoàn toàn đồng nghĩa với “sau ba ngày”. Vì sau khi hết ba ngày chờ đợi, dân Y-sơ-ra-ên đến gặp vua Rô-bô-am.  Họ không thể đến sớm hơn, vì là lệnh của vua. Vua nói họ phải phải trở lại sau 3 ngày, và sau khi hết ba ngày chờ đợi, họ gặp vua, Kinh Thánh lại ghi rằng: “Ngày thứ ba” họ đến gặp vua!!

3. Câu chuyện dân Giu-đa kiêng ăn:

Trong thời gian dân Giu-đa lưu đày tại Ba-by-lôn, dân Giu-đa đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt bởi Ha-man, bà Ê-xơ-tê là hoàng hậu, bà cũng là người Giu-đa, bà có kế hoạch để cứu dân Giu-đa:

“Bà Ê-xơ-tê bèn biểu đáp lại cùng Mạc-đô-chê rằng: Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi mà kiêng cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết.” (Ê-xơ-tê 4:14,15)

Hoàng hậu Ê-xơ-tê yêu cầu dân Giu-đa kiêng ăn trong ba ngày đêm (three days). Chúng ta hiểu ngay thời gian kiêng ăn là 3 ngày trọn, không thể nào cho rằng kiêng ăn chỉ một phần của ngày cũng được kể là kiêng ăn trọn ngày hôm đó.

Ngày thứ ba (third day), bà Ê-xơ-tê mặc đồ triều-phục, và ra chầu đứng tại nội viện, đối trước cung điện vua.” (Ê-xơ-tê 5:1)

Sau khi kiêng ăn đủ 3 ngày, thì ngày thứ ba, Ê-xơ-tê ra chầu vua.

Tóm lại, khi đã hiểu được cách người Do Thái sử dụng cụm từ “ngày thứ ba”, chúng ta sẽ hiểu được những câu Kinh Thánh nói về khoảng thời gian thân xác Chúa Jesus ở trong mồ, “đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”, có nghĩa là Chúa Jesus sống lại sau khi thân xác của Ngài nằm trong mồ trọn 3 ngày.

Ngày Chúa Jesus chịu chết phải là ngày Thứ Tư.

3. Chúa Jesus chịu chết vào ngày trước ngày Sa-bát.

Những người theo quan điểm Chúa chết vào Thứ Sáu, lý luận rằng vì ngày hôm sau là ngày Sa-bát, là Thứ Bảy, nên hiển nhiên, ngày Chúa chết phải là ngày Thứ Sáu.

Nếu đọc kỹ Giăng 19:31: “Vì bấy giờ là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát, mà Sa-bát nầy là rất trọng thể, nên dân Giu-đa ngại rằng những thây còn treo lại trên thập tự giá trong ngày Sa-bát chăng…” chúng ta sẽ nhận ra ngày Sa-bát kế ngày Chúa chết không phải là ngày Sa-bát thông thường (Thứ Bảy), nhưng là ngày Sa-bát đặc biệt, là Lễ Sa-bát, là ngày Sa-bát trọng thể, ngày nầy được đề cập đến trong luật về kỷ niệm Lễ Vượt Qua, được ghi chép trong Dân số Ký 28:16-18:

“Ngày mười bốn tháng giêng, phải giử lễ Vượt Qua cho Đức Giê-hô-va. Qua ngày mười lăm sẽ là ngày lễ; phải ăn bánh không men trong bảy ngày. Ngày thứ nhất các ngươi sẽ có sự hội hiệp thánh: chớ nên làm một công việc xác thịt nào

Đức Chúa Trời quy định cách dân Do Thái kỷ niệm tuần lễ có ngày Lễ vượt Qua như sau:

+ Ngày 14 (tháng Nisan): Là ngày Lễ Vượt Qua. Chúa Jesus chết trong ngày nầy.

+ Ngày 15: Là ngày đầu tiên trong 7 ngày ăn bánh không men, cũng là ngày lễ. Trong ngày nầy, người Do Thái không được làm bất cứ công việc nào, đó là ngày nghỉ, cũng là ngày Sa-bát, ngày nầy chính là ngày Sa-bát trọng thể mà Giăng 19:31 đề cập đến. Gọi là ngày Sa-bát trọng thể là vì ngày nầy nằm trong tuần lễ có lễ Vượt Qua. Ngày Lễ Sa-bát có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Xem hình minh họa bên dưới.

 

Description: C:\Users\Tam Tran\Downloads\Tuan Le Vuot Qua.jpg

Hình minh họa sau đây trình bày khung thời gian từ lúc thân xác Chúa được đặt trong mộ cho đến lúc Chúa sống lại:

Description: C:\Users\Tam Tran\Downloads\Jesus in tomb.jpg

Tháng 3, 2014