CHÚA JESUS CÓ PHẢI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI?

Trần Đình Tâm

 

Chúa Jesus có phải là Đức Chúa Trời?

Trước khi giải đáp câu hỏi trên, cũng nên đặt một câu hỏi khác cũng không kém quan trọng: Tại sao câu hỏi trên lại được nêu ra? Vấn đề được nêu ra vì có liên quan đến giáo lý “Ba Ngôi Thiên Chúa”. Có giáo phái hay những nhóm người không chấp nhận Đức Chúa Trời Ba Ngôi, hay Đức Chúa Trời có ba thân vị (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jesus và Đức Thánh Linh). Họ lập luận rằng giáo lý Ba Ngôi có 3 Đức Chúa Trời, và điều nầy hoàn toàn mâu thuẫn với Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4 “Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng taGiê-hô-va có một không hai.” hay Ê-sai 45:5: “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa.”. Vì không thể chấp nhận điều mà họ cho là mâu thuẫn, nên nhiều người đã cố gắng chứng minh Chúa Jesus và Đức Thánh Linh không phải là Đức Chúa Trời.

Thật ra, chứng minh Chúa Jesus là Đức Chúa Trời thì dễ dàng hơn nhiều so với chứng minh Chúa Jesus không phải là Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta đọc Kinh Thánh với đức tin đơn sơ như một đứa trẻ (Ma-thi-ơ 18:3) hay với tấm lòng thuận phục Lời Chúa như người học trò đối cùng người thầy của mình (Ê-sai 50:4) thì dễ thấy Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời mà chúng ta phải tin, vì chính Kinh Thánh bày tỏ như vậy. Ngược lại, để chứng minh Chúa Jesus không phải là Đức Chúa Trời, người ta phải lý luận (có khi phải lý luận qua nhiều tầng) mà những lý luận hay lập luận nầy không có nền tảng Kinh Thánh, vì vậy phần kết luận không đáng tin cậy (vấn đề nầy sẽ được trình bày trong một bài viết khác).

Bài viết nầy không trình bày về giáo lý “Đức Chúa Trời Ba Ngôi”, chỉ xin nêu ra một số bằng chứng để chứng minh Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

Mục đích của bài viết nhằm giúp cho những ai còn đang thắc mắc về Chúa Jesus và cung cấp thêm tài liệu cho các con cái Chúa để đối đáp với những người phủ nhận Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

 

CÁC BẰNG CHỨNG BÀY TỎ CHÚA JESUS LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI

1. Một số các câu Kinh Thánh:

a) Ê-sai 9:6: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, Đức Chúa Trời Quyền Năng (The Mighty God), là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An.

b) I Giăng 5:20: “Nhưng chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật, và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời.”

c) Rô-ma 9:5: “là dân (dân Y-sơ-ra-ên) sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men.”

d) Tít 2:13: Đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ

Các câu Kinh Thánh trên đây chứng minh quá rõ Chúa Jesus là Đức Chúa Trời mà không cần phải lập luận thêm điều gì nữa!

2. Đối chiếu Cựu Ước và Tân Ước:

Hãy đối chiếu từng đôi câu Kinh Thánh sau đây, một trong Cựu Ước chỉ về Giê-hô-va, và một trong Tân Ước chỉ về Chúa Jesus để thấy sự đồng nhất giữa Đức Chúa Trời và Chúa Jesus:

a) Đối chiếu Ê-sai 44:6 và Khải Huyền 1:17:

+ Ê-sai 44:6: “Đức Giê-hô-va, là Vua và Đấng Cứu chuộc của Y-sơ-ra-ên, là Đức Giê-hô-va vạn quân, phán như vầy: Ta là đầu tiên và cuối cùng.” (I am the first and I am the last)

+ Khải Huyền 1:17: ““Vừa thấy người (Chúa Jesus), tôi (Giăng) ngã xuống chân người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng.” (I am the first and the last)

b) Đối chiếu Thi Thiên 45:6 và Hê-bơ-rơ 1:8:

+ Thi Thiên 45:6: “Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia; quyền bính nước Chúa là một quyền bính ngay thẳng.”

+ Hê-bơ-rơ 1:8: “Nhưng nói về Con (Chúa Jesus) thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia. Quyền bính của nước Chúa là quyền bính ngay thẳng.”

c) Đối chiếu Xa-cha-ri 12:10 và Khải Huyền 1:7:

+ Xa-cha-ri 12:10: “Ta (Đức Giê-hô-va) sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đa-vít, và trên dân cư Giê-ru-sa-lem; chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một.”

+ Khải Huyền 1:7: “Kìa, Ngài (Chúa Jesus) đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trong thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài”

d) Đối chiếu Ê-sai 44:24 và Giăng 1:3:

+ Ê-sai 44:24: “Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu chuộc ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, đã làm nên mọi vật.”

+ Giăng 1:3: “Muôn vật bởi Ngài (Chúa Jesus) làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”

Kết luận: Không thể kết luận khác hơn là Chúa Jesus trong Tân Ước cũng là Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong Cựu Ước.

3. Ý nghĩa của “Em-ma-nu-ên”:

Ê-sai 7:14 dự báo một trinh nữ sẽ chịu thai và sẽ sanh một bé trai tên là Em-ma-nu-ên: “Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên.”

600 năm sau, thiên sứ báo tin cho Giô-sép biết Ma-ri sẽ chịu thai và sinh Chúa Jesus, ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai: “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Ma-thi-ơ 1:23)

Ý nghĩa của “Em-ma-nu-ên” là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”: Vậy, Chúa Jesus là Đức Chúa Trời nhập thể đi vào thế giới loài người.

4. Lời tuyến bố của Thô-ma trước Chúa Jesus:

Giăng 20:28: “Thô-ma thưa (với Chúa Jesus) rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”.

Thô-ma công nhận Chúa Jesus là Đức Chúa Trời trước mặt các Sứ Đồ khác. Nếu Chúa Jêsus không phải là Đức Chúa Trời, Ngài đã phải đính chính lại lời tuyên bố của Thô-ma. Thế nhưng ngày nay, vẫn có người cố gắng giải thích rằng ông Thô-ma không có ý nói Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

5. Chúa Jesus là hình ảnh (image) của Đức Chúa Trời:

a) II Cô-rinh-tô 4:4:

“cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời (who is the image of God)”

Chúa Jesus là hình ảnh của Đức Chúa Trời (who is image of God)

b) Chúa Jesus phán: Còn ai thấy ta, là thấy Đấng đã sai ta đến (Đức Chúa Trời)” (Giăng 12:45)

c) Phi-líp hỏi Chúa Jesus: “Xin chỉ Cha cho chúng tôi” (Giăng 14:8). Chúa Jesus trả lời: “Ai đã thấy Ta tức là thấy Cha.” (Giăng 14:9)

d) Cô-lô-se 1:15:

“Ấy chính Ngài (Chúa Jesus) là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được.”

6. Quyền tha tội của Chúa Jesus:

Chúa Jesus phán với người bại liệt trước khi Ngài chữa lành: “Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của họ, bèn phán rằng: Hỡi người, tội lỗi ngươi đã được tha.” (Lu-ca 5:20)

Sau khi nghe Chúa phán như thế, giới lãnh đạo Do Thái, gồm các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bàn luận với nhau: “Người nầy là ai mà nói phạm thượng vậy? Ngoài Đức Chúa Trời, há có ai tha tội được sao?” (Lu-ca 5:21)

Người Do Thái cho rằng Chúa Jesus phạm thượng vì chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội cho loài người. Nhưng Chúa Jesus có quyền tha tội vì Ngài là Đức Chúa Trời.

Chúa Jesus đã nói với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình: “Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.” (Giăng 8:11)

7. Ý nghĩa của “Con Đức Chúa Trời

Cụm từ “Con Đức Chúa Trời” được dùng nhiều trong Tân Ước, để chỉ về Chúa Jesus. Có nhiều người thật rất ngớ ngẩn khi cho rằng vì Chúa Jesus là “Con” thì không thể nào là Đức Chúa Trời được; “Con” không thể nào bằng “Cha” được!! Chúng ta cần phải hiểu theo cách của người Do Thái chứ không phải cách người Việt Nam! Đây là một thuật ngữ đặc biệt của người Do Thái. Người Do Thái thì hiểu ngay “Con Đức Chúa Trời” có nghĩa là “Đức Chúa Trời”:

a) Câu chuyện Chúa Jesus bị bắt và chịu xét xử trong nhà thầy cả thượng phẫm Cai-phe sẽ giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của “Con Đức Chúa Trời”:

Cai-phe thách thức Chúa Jesus: "Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng? 

Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống. 

Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao. Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao?  Chúng trả lời rằng: Nó đáng chết!" (Ma-thi-ơ 26:63-65)

Giới lãnh đạo Do-Thái hiểu rõ "Con Đức Chúa Trời" có nghĩa là Đức Chúa Trời trong thân xác loài người nên họ thách thức Chúa Jesus trả lời câu họ hỏi. Sau khi Chúa Jesus công nhận chính Ngài là "Con Đức Chúa Trời", họ nói Chúa Jesus phạm thượng.

b) So sánh và đối chiếu 3 câu Kinh Thánh sau:

+ Câu 1: "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời." (Giăng 1:1)

+ Câu 2: " Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha." (Giăng 1:14)

+ Câu 3: "Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi (bà Ma-ri), và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra (Chúa Jesus), phải xưng là Con Đức Chúa Trời."  (Lu-ca 1:35)

Đối chiếu câu 1 và câu 2, chúng ta kết luận như sau: Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta. Vì Chúa Jesus mang lấy thân xác loài người (nhập thể) sống giữa loài người, nên Chúa Jesus là Ngôi Lời; mà Ngôi Lời là Đức Chúa Trời; như vậy, Chúa Jesus phải là Đức Chúa Trời.

Đối chiếu câu 2 và câu 3: Chúa Jesus sinh ra phải được gọi là Con Đức Chúa Trời. Con Đức Chúa Trời cũng được gọi là Ngôi Lời.

Tóm lại, qua 3 câu Kinh Thánh trên, chúng ta kết luận: Chúa Jesus Con Đức Chúa Trời có nghĩa là Chúa Jesus là Đức Chúa Trời trong thân xác con người.

8. Chúa Jesus tự nhận Ngài là Đức Chúa Trời:

a) Chúa Jesus nói với người Do Thái: Ta với Cha là một (Giăng 10:30)

Người Do Thái hiểu ngay Chúa Jesus muốn nói Ngài là Đức Chúa Trời, bằng chứng nằm trong trong các câu tiếp theo:

Giăng 10:31-33: “Người Giu-đa lại lượm đá đặng ném Ngài. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta? Người Giu-đa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.”

Quá rõ ràng: Chúa Jesus nói “Ta với Cha là một” có nhĩa là “Ta là Đức Chúa Trời”

b) Một lần khác Chúa Jesus tuyên bố với người Do Thái: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta.”  (before Abraham was, I am) (Giăng 8:58)

Đối với người Việt Nam, lời nói của Chúa Jesus nêu trên có vẻ khó hiểu, không liên quan gì đến mục đích chứng tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và như thế không chứng minh được Ngài là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đối với người Do Thái thì trái lại, họ hiểu ngay Chúa Jesus tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời

Xin Chú ý: Chúa Jesus không nói “Before Abraham was, I was.”, nhưng Chúa nói “Before Abraham was, I am.” “I am” trong Hy văn là “Egō eimi” cùng ý nghĩa với “hāyāh” trong tiếng Hebrew, được thấy trong lời tuyên bố của Đức Chúa Trời về chính Ngài cho Môi-se biết khi ông nhìn thấy bụi gai cháy: “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (I AM WHO I AM) (Xuất Ê-díp-tô Ký 3;14)

Như vậy, Chúa Jesus nói Ngài là Đấng “I AM” (Tự Hữu Hằng Hữu), bản Kinh Thánh Việt ngữ phần Tân Ước là “đã có ta” (Giăng 8:58), cho thấy Ngài tự nhận mình là Đức Chúa Trời. Chính vì lời tuyên xưng đó mà dân Do Thái tức giận lấy đá ném Chúa Jesus, Giăng 8:59 chép: “Bấy giờ chúng lấy đá đặng quăng vào Ngài.”

9. Chúa Jesus chấp nhận cho loài người thờ lạy Ngài:

Chúa Jesus chấp nhận cho con người thờ lạy Ngài, điều nầy chứng tỏ rằng Ngài là Đức Chúa Trời:

+ Các môn đồ thờ lạy Chúa Jesus:

Ma-thi-ơ 14:33: “Các người trong thuyền bèn đến quì lạy Ngài mà nói rằng: Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!”

+ Các phụ nữ thờ lạy Chúa Jesus:

Ma-thi-ơ 28:9: “Đức Chúa Jêsus gặp hai người đàn bà đó, thì phán rằng: Mừng các ngươi! Hai người cùng đến gần ôm chân Ngài, và thờ lạy Ngài.”

+ Các Sứ Đồ thờ lạy Ngài:

Ma-thi-ơ 28:17: “Khi môn đồ thấy Ngài, thì thờ lạy Ngài”

+ Người mù được chữa lành thờ lạy Chúa Jesus:

Giăng 9:38: “Người thưa rằng: Lạy Chúa, tôi tin; bèn sấp mình xuống (worshiped) trước mặt Ngài.”

+ Thiên sứ thờ lạy Chúa Jesus:

Hê-bơ-rơ 1:6: “Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con.

Thật dễ hiểu rằng loài người chỉ được phép thờ lạy Đức Chúa Trời mà thôi. Nếu Chúa Jesus không phải là Đức Chúa Trời, Ngài sẽ từ chối sự thờ lạy của con người, như thiên sứ từ chối sự thờ lạy của Giăng trong Khải Huyền 19:10: “Tôi bèn gieo mình xuống dưới chân người (thiên sứ) đặng thờ lạy; song người phán rằng: Hãy giữ lấy, đừng làm vậy; ta là bạn tôi tớ với ngươi và với anh em ngươi là người cùng giữ lời chứng của Đức Chúa Jêsus. Ngươi hãy thờ lạy Đức Chúa Trời.. một lần khác Giăng cũng toan thờ lạy thiên sứ, nhưng cũng bị thiên sứ ngăn cấm: “Chính tôi là Giăng đã thấy và nghe những điều đó. Khi nghe và thấy đoạn, tôi sấp mình xuống dưới chân thiên sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi, để thờ lạy. Song người phán rằng: Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!” (Khải Huyền 22:8,9)

10. Các bằng chứng khác:

Ngoài các bằng chứng nêu trên, còn nhiều bằng chứng khác cho thấy Chúa Jesus phải là Đức Chúa Trời:

a) Đời sống thánh khiết, vô tội của Ngài (Giăng 8:46; I Phi-e-rơ 2:22; I Giăng 3:5)

b) Chúa có quyền trên thiên nhiên: Làm sóng gió yên lặng, đi trên mặt biển, khiến cây vả khô héo, hóa bánh ra nhiều, biến nước thành rượu.

c) Chúa có quyền trên bệnh tật: Chúa chữa bệnh, chữa khỏi tật nguyền cho rất nhiều người, kêu người chết sống lại.

d) Chúa có quyền trên ma quỷ (Mác 1:23-27) và có quyền ban quyền phép chữa bệnh, đuổi quỷ cho các Sứ Đồ (Ma-thi-ơ 10:1)

e) Chúa hiểu thấu tư tưởng của con người (Giăng 2:25; Mác 2:6-8)

f) Sự giảng dạy đầy quyền năng của Ngài. (Ma-thi-ơ 7:29; Giăng 7:46)

g) Sự sống lại của Ngài.

 

Tháng 11, 2014