Đức Chúa Trời có cho phép người đàn ông cưới nhiều vợ?

                                                                      Trần đình Tâm

 

1. Quan điểm về đa thê (polygamy)

Một số người và một số cộng đồng (Giáo Hội Mormon, Hồi Giáo) cho rằng Đức Chúa Trời cho phép, hay ít ra Ngài “không ngăn cấm” người đàn ông có nhiều vợ. Những tín đồ thuộc các giáo phái trên được quyền cưới nhiều vợ. Quan điểm trên căn cứ vào các dữ liệu sau đây:

1. Không có chổ nào trong toàn bộ Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời phán dạy một cách dứt khoát, rõ ràng tương tự như mệnh lệnh: “Người đàn ông không được cưới hai vợ hoặc nhiều hơn”.

2. Luật pháp Môi se có đề cập đến người đàn ông có hai vợ: “Khi một người nam nào có hai vợ …” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:15)

3. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước có nhiều vợ mà không thấy Đức Chúa Trời khiển trách hay trừng phạt họ: Áp-ra-ham có 2 vợ (Sáng Thế Ký 16); Gia-cốp có 2 vợ (Sáng Thế Ký 29:29); Ghê-đê-ôn có nhiều vợ (Các Quan Xét 8:30); Ên-ca-na có 2 vợ (I Sa-mu-ên 1:2); Đa-vít có 8 vợ (I Sam-mu-ên 25:42,43 / II Sa-mu-ên 5:13-15 / I Sử Ký 14:3); Sa-lô-môn có 700 vợ (I Các Vua 11:3); Rô-bô-am có 18 vợ (II Sử Ký 11:21); Giô-ách có 2 vợ (II Sử Ký 24:3); A-bi-gia có 14 vợ (II Sử Ký 13:21) v.v…

4. Tiên tri Na-than cho biết Đức Chúa Trời ban cho Đa-vít các người vợ của Sau-lơ sau khi Sau-lơ qua đời: “Bấy giờ, Na-than nói cùng Đa-vít rằng: Vua là người đó! Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ. Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào tay ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa.” (II Sa-mu-ên 12:7,8)

Đa số con cái Chúa ngày nay tin rằng đa thê là trái với đạo lý, không phù hợp với tiêu chuẩn của một gia đình Cơ-đốc, họ không chấp nhận lối sống đa thê, nhưng mặt khác, các con cái Chúa lại bối rối khi phải đối diện với các phần Kinh Thánh nêu trên; vì các trích dẫn từ Kinh Thánh trên cho thấy có vẻ như Đức Chúa Trời không cấm đa thê và Ngài dường như chấp nhận một số trường hợp đa thê nào đó …!? Để giải quyết nan đề nầy, chúng ta cần quay về cội nguộn của sự thiết lập hôn nhân.

2. Hôn nhân nguyên thủy.

Cuộc hôn nhân đầu tiên do Đức Chúa Trời thiết lập diển tiến theo thứ tự như sau:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một người giúp đỡ (a helper) giống như nó.” (Sáng Thế Ký 2:18)

Theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ tạo cho A-đam một người giúp đỡ, chứ không phải 2 người hay nhiều hơn. Đức Chúa Trời biết rằng A-đam chỉ cần một người mà thôi.

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn (one of his ribs), rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ (a woman), đưa đến cùng A-đam.” (Sáng Thế Ký 2:21,22).”

Dù A-đam có đến 24 xương sườn, nhưng Đức Chúa Trời chỉ lấy một xương sườn của A-đam để tạo dựng nên một người nữ cho A-đam mà thôi. (Với 24 xương sườn, Ngài có thể tạo cho A-đam 24 người vợ, nhưng Ngài đã không làm như vậy!)

“A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.” (Sáng Thế Ký 2:23,24)

Đức Chúa Trời đã phối hợp một người nammột người nữ để trở nên vợ chồng, hai người sẽ trở nên một thịt (flesh).

Như vậy, cuộc hôn nhân nguyên thủy do Đức Chúa Trời thiết lập là sự phối hợp giữa một vợ một chồng. Chúa Jêsus cũng đã khẳng định về nền tảng của hôn nhân một chồng và một vợ: “Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam một người nữ.” (Mác 10:6)

Những câu Kinh Thánh sau đây cho thấy phước hạnh của người đàn ông có một vợ. Xin chú ý: Từ ngữ chỉ người vợ (wife) trong các câu Kinh Thánh đều ở số ít (singular) tức là ám chỉ một vợ mà thôi, chứ không phải nhiều vợ (wives) [wives là số nhiều của wife]

“Vợ ngươi (wife) ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu.” (Thi Thiên 128:3)

“Nguyện nguồn mạch con được phước; Con hãy lấy làm vui thích nơi vợ (wife) con cưới buổi đang thì.” (Châm Ngôn 5:18)

“Ai tìm được một người vợ (wife), tức tìm được một điều phước. Và hưởng được ân điển của Đức Giê-hô-va.” (Châm Ngôn 18:22)

“Còn một người vợ (wife) khôn ngoan do nơi Đức Giê-hô-va mà đến.” (Châm ngôn 19:14)

“Hãy ở vui vẻ cùng vợ (wife) mình yêu dấu; vì đó là phần của ngươi trong đời nầy.” (Truyền Đạo 9:9)

3. Đức Chúa Trời có cho phép người đàn ông cưới nhiều vợ?

Điều quan trọng chúng ta cần chú ý: Vấn đề đa thê chỉ xuất hiện sau khi loài người người phạm tội. Thật vậy, người đàn ông đầu tiên cưới 2 vợ là Lê-méc, được ký thuật trong Sáng Thế Ký 4:19: “Lê-méc cưới hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la.” Sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, tội lỗi khởi sự lan truyền trong dòng dõi loài người. Loài người biết nói dối, biết giết hại lẫn nhau và biết … cưới thêm vợ. Cưới nhiều vợ là một trong hàng ngàn hình thái tội lỗi khác nhau mà con người có thể nghĩ ra.

Đa thê không phải là ý định của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân của loài người. Không có chổ nào trong cả Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời truyền dạy người đàn ông nên cưới nhiều vợ. Sự kiện một người đàn ông cưới nhiều vợ, dù đó là người không kính sợ Chúa hay là người kính sợ Chúa (vài nhân vật đáng kính trong Cựu Ước) thì hành động cưới thêm vợ là đến từ ý riêng của con người, cũng như nhiều loại tội khác cũng phát xuất từ ý riêng vậy.

Chúng ta nhận thấy nhiều nhân vật trong Cựu Ước có 2 vợ hay nhiều hơn mà không bị Đức Chúa Trời khiển trách hay hình phạt không có nghĩa là điều đó đẹp lòng Chúa. Họ đã quyết định và hành động theo ý muốn riêng của mình và Đức Chúa Trời cho phép điều ấy xãy ra theo ý muốn của họ. [Ví dụ: I Sa-mu-ên 8 kể câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên xin có vua để cai trị họ. Điều dân Y-sơ-ra-ên muốn không phải là ý muốn của Chúa. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không ngăn cản nhưng cho phép ý muốn của họ được hoàn thành.]

Cách Đức Chúa Trời “cho phép” vài nhân vật trong Cựu Ước cưới nhiều vợ có thể được lý giải qua lời dạy của Chúa Jesus cho người Pha-ri-si khi họ hỏi Ngài về vấn đề ly dị: “Họ lại hỏi Ngài rằng: Vậy chớ sao Môi-se đã dạy lập tờ để đặng để vợ đi? Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ; nhưng, lúc ban đầu không có như vậy đâu.” (Ma-thi-ơ 19:7,8)

Ly dị không phải là ý muốn của Chúa, nhưng được “cho phép” (lý do ngoại tình) vì lòng con người cứng cỏi, muốn sống theo ý riêng. Cũng vậy, đa thê không phải là ý muốn của Chúa, nhưng được “cho phép” vì có những người đàn ông muốn như vậy!

Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:17: “Vua cũng không nên có nhiều vợ (shall not acquire many wives for himself).” Ý muốn của Chúa được bày tỏ rất rõ ràng: Vua không nên cưới nhiều vợ, thế mà chúng ta thấy các vua Đa-vít, Sa-lô-môn, Rô-bô-am, A-bi-gia, Giô-ách, Giô-ram (II Sử Ký 21:14), Giê-hô-gia-kin (II Các Vua 24:15) đều có nhiều vợ, họ đã không làm theo ý muốn của Chúa.

Trường hợp của vua Đa-vít, khi tiên tri Na-than nói với Đa-vít: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ. Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào tay ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa.” (II Sa-mu-ên 12:7,8). Đức Chúa Trời thật có ý định ban nhiều vợ cho Đa-vít không? Nếu tìm hiểu ngữ cảnh, chúng ta sẽ thấy câu trả lời là “KHÔNG”. Na-than đang nói về vấn đề Đức Chúa Trời truất bỏ vua Sau-lơ và ban ngôi nước cho Đa-vít, Chúa lập Đa-vít làm vua Y-sơ-ra-ên thay cho Sau-lơ, điều nầy mang ý nghĩa Chúa lấy ngôi nước của Sau-lơ (bao gồm nhà, tài sản, vợ … ) ban cho Đa-vít. Bằng chứng là Sau-lơ có một vợ là A-hi-nô-am (I Sa-mu-ên 14:50) và một vợ lẽ (concubine) là Rít-ba (II Sa-mu-ên 3:7). Đa-vít không hề lấy những người nầy làm vợ.

4. Hậu quả của hôn nhân đa thê.

Chúng ta đừng quên rằng cho dù vấn đề đa thê được Chúa “cho phép” ở một số nhân vật trong thời Cựu Ước đi nữa, thì con người phải gánh lấy hậu quả mà cuộc hôn nhân đa thê đem lại. Những hậu quả thường thấy là những xáo trộn trong gia đình: sự ghen tương giữa các người vợ, sự thiên vị của người chồng, sự thiên vị của người chồng hay của các bà vợ đối với những đứa con được sanh ra từ các bà vợ khác nhau, và có thể dẫn đến thảm kịch trong gia đình.

+ Hôn nhân của Áp-ra-ham: Sự ghen ghét giữa Sa-ra và A-ga; ganh tỵ giữa Y-sác và Ích- ma-ên.

+ Hôn nhân của Gia-cốp: Sự ganh tỵ và tranh đua giữa Lê-a và Ra-chên. Sự tranh đua giữa 2 người vợ đã đưa đẩy Gia-cốp ăn nằm với 2 cô gái hầu của hai bà vợ. Gia-cốp thiên vị với các con của Lê-a và Ra-chên. Sự thiên vị gây ra sự thù hằn giữa 2 dòng con.

+ Hôn nhân của Ên-ca-na: Ên-ca-na đối xử với An-ne tốt hơn Phê-ni-na; sự thiên vị khiến cho Phê-ni-na phân bì và trêu ghẹo An-ne.

+ Hôn nhân của Đa-vít: Thảm kịch gia đình: cái chết của đứa con trai của Bát-sê-ba; quan hệ tình dục giữa hai người con khác mẹ (Am-nôn và Ta-ma); giết hại nhau giữa các người con khác mẹ (Áp-sa-lôm giết Am-nôn; Sa-lô-môn ra lệnh giết A-đô-ni-gia)

+ Hôn nhân của Sa-lô-môn: Những người vợ ngoại bang đã đưa đẩy Sa-lô-môn vào sự thờ lạy hình tượng.

+ Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:15: “Khi một người nam nào có hai vợ, vợ nầy được thương, vợ kia bị ghét, song cả hai đều có sanh con cho ngươi, và con trưởng nam thuộc về vợ bị ghét.” Câu Kinh Thánh nầy không hề dạy rằng người đàn ông nên cưới 2 vợ, nhưng chỉ là quy định của luật pháp nhằm giải quyết một hậu quả của đa thê: Sự thiên vị của người chồng, một trong hai người vợ bị người chồng ghét bỏ!

Những xáo trộn trong gia đình là hậu quả của hôn nhân đa thê, điều nầy cho thấy đa thê không phải là ý muốn của Chúa.

5. Đa thê trong thời Tân Ước

Tân Ước không hề ủng hộ hôn nhân đa thê, trái lại hôn nhân một vợ một chồng là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời:

 “Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đờn ông phải có vợ (wife), mỗi người đờn bà phải có chồng (husband).” (I Cô-rinh-tô 7:2)

“Vợ” (wife) hay “chồng” (husband) trong câu Kinh Thánh trên đều ở số ít, tức là chỉ có một vợ một chồng mà thôi.

Người đàn ông tin Chúa mà có nhiều vợ được xem là không đủ phẩm cách để làm giám mục chấp sự, hay trưởng lão:

Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi.”   
(I Ti-mô-thê 3:2)

     “Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi.” (I Ti-mô-thê 3:12

“Mỗi người trong vòng trưởng lão đó phải cho không chỗ trách được, chỉ chồng của một vợ.” (Tít 1:6)

Có người dựa vào các câu Kinh Thánh trên để lý luận rằng: Vì đa thê không thích hợp cho những người giữ địa vị lãnh đạo trong Hội Thánh, nên một người tín đồ không nắm giữ vị trí lãnh đạo trong Hội Thánh có thể … có nhiều vợ! Chúng ta tin rằng người đàn ông nhiều vợ không xứng đáng giữ chức vụ lãnh đạo trong Hội Thánh, vì được kể là có nếp sống theo xác thịt, vì nếp sống đa thê được liệt kê chung với nếp sống theo xác thịt như: ghiền rượu, tham tiền, hung bạo, hai lời, buông tuồng, kiêu ngạo, giận dữ v.v… (I Ti-mô-thê 3:3-8,11; Tít 1:6,7) thì không có lý do gì một người tín đồ lại phải chọn nếp sống đa thê.

6. Nếu một người đàn ông có nhiều vợ trước khi tin nhận Chúa, người đó phải làm gì sau khi tin Chúa?

Có một ít giáo phái trên thế giới hay một vài vùng tại Phi Châu cho phép người đàn ông có nhiều vợ. Một số rất ít người đàn ông Việt Nam có nhiều vợ (có hôn thú hay không có hôn thú) lúc chưa tin nhận Chúa. Nếu người đàn ông ấy tiếp nhận Chúa Jesus thì ông ấy phải giải quyết chuyện vợ chồng như thế nào?

Có ý kiến cho rằng người đó nên ly dị các bà vợ và chỉ để lại một vợ mà thôi. Thật ra, giải quyết bằng ly dị không đơn giản chút nào: Vì phải quyết định giữ lại người vợ nào: người vợ thứ nhất, thứ hai, hay người cuối cùng? Hay giữ lại người mình yêu thương nhất? Hay giữ lại người vợ nào sanh ra cho mình nhiều con nhất? Đó là chưa kể người đàn ông vẫn còn trách nhiệm đối với người vợ cùng con mà mình ly dị. Thật ra, ly dị trong trường hợp nầy là ly dị không phải vì người vợ ngoại tình, như thế là vi phạm điều răn của Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 19:9: “Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình.”

Cách giải quyết tốt hơn là người ấy phải ăn năn tội và xin Chúa tha thứ cho lỗi lầm của mình. Sau đó nên tiếp tục giữ nguyên hiện trạng mà không nên ly dị bất cứ người vợ nào, vì ly dị là vi phạm lời Chúa Jesus dạy. Dù đã được Chúa tha thứ, nhưng người ấy sẽ phải tiếp tục gánh chịu những hệ lụy do cuộc hôn nhân đa thê mang lại. Bởi lòng thương xót của Chúa, người đàn ông ấy chắc sẽ được Chúa an ủi và Chúa sẽ có cách của Ngài để giải quyết chuyện gia đình theo ý tốt nhất của Ngài trong tương lai. Chúa Jesus là Đấng “chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn.” (Ma-thi-ơ 12:20)

Tháng 6, 2014