Chúng ta được tái sanh vào thời điểm nào?

Trần Đình Tâm

 

Lẽ đạo về sự tái sinh rất quan trọng, vì Chúa Jêsus đã tuyên bố: “Nếu một người chẳng sinh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:3)

Tái sinh hay sinh lại lần thứ hai (born again)là một sự biến đổi thuộc linh (spiritual transformation) xãy ra trong một người.

Tái sinh là công việc của Đức Thánh Linh. Tái sinh là hành động siêu nhiên do Đức Thánh Linh thực hiện để biến đổi tội nhân trở nên con cái Đức Chúa Trời: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần.” (Giăng 3:6)

Chúng ta đặt câu hỏi: Con người được tái sanh vào lúc nào? Hay chúng ta được tái sanh vào thời điểm nào? Có hai quan điểm khác nhau giải đáp câu hỏi nầy, chắc chắn có một quan điểm đúng theo Kinh Thánh, còn quan điểm kia sai.

Quan điểm 1: Người ta được tái sanh ngay vào thời điểm ăn năn tội và quyết định tin nhận Chúa Jesus là Cứu Chúa của mình.

Quan điểm 2: Sau khi tin nhận Chúa Jesus, con người chưa nhận được tái sanh, người ấy chỉ có thể được tái sanh sau khi người ấy thay đổi nếp sống: Không còn những tật xấu như say sưa, cờ bạc, nói dối, ghen ghét, thù oán, gây gỗ v.v…

Để xác định quan niệm nào phù hợp với Kinh Thánh, chúng ta cần ghi nhận một số các yếu tố căn bản sau đây, xin chú ý là các yếu tố có liên quan lẫn nhau.

1. Con người của chúng ta là con người sanh ra từ A-đam. A-đam đã phạm tội, tội lỗi của A-đam đã lưu truyền trong dòng dõi loài người, nhân loại đã thừa hưởng tội do A-đam truyền lại: “Cho nên, như bởi một người (A-đam) mà tội lỗi vào trong thế gian… Bởi sự không vâng phục của một người (A-đam) mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội” (Rô-ma 5:12).

2. Vì con người mang bản chất tội lỗi do A-đam truyền lại, do đó, tất cả những gì mà con người nghĩ là tốt đẹp và cố gắng thực hiện thì thật ra lại phát xuất từ bản chất hư hoại do tội lỗi. Nếu nguồn gốc bị hư hoại thì không thể sản sinh ra đều tốt lành được. Chính vì lý do đó mà Đức Chúa Trời không chấp nhận những việc làm công đức của con người: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi.” (Ê-sai 64:6).

3. Như vậy, chúng ta không thể tu sửa con người cũ nhưng cần phải thay mới hoàn toàn. Con người cũ phải được chết đi, thay vào đó là con người mới, điều quan trọng là con người cần là phải tái sanh chứ không phải tu sửa lại, cần phải được thay mới chứ không phải sửa lại cái cũ.

4. Trong Phúc Âm Giăng chương 3, Chúa Jesus dùng hình ảnh “tái sanh” ở một người để chỉ một sự biến đổi hoàn toàn để trở nên mới, chứ không phải tu sửa một người cũ để trở nên mới, đó là ý nghĩa thật sự của sự “sanh lại lần thứ hai” hay “tái sanh”: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (I Cô-rinh-tô 5:17)

5. Tái sinh là công việc của Đức Thánh Linh, tội nhân chỉ có thể được tái sanh bởi quyền năng của Đức Thánh Linh: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là linh.” (Giăng 3:6)

Như vậy, sự tái sanh là điểm khởi đầu của một nếp sống mới. Con người cần được tái sanh trước hết, rồi sau đó, những việc công đức của mình mới được Chúa chấp nhận. Con người cần tái sanh để làm những việc tốt lành chứ không phải làm những việc tốt lành để được tái sanh.

6. Bởi đức tin nơi Chúa Jesus, tội nhân được nhận lãnh Đức Thánh Linh: “Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghetin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin?” (Ga-la-ti 3:2,5). Lời Chúa dạy rõ: nghe về Chúa Jesus và tin Ngài, thì được nhận lãnh Đức Thánh Linh.  Ngay vào thời điểm tiếp nhận Chúa Jesus, con người được nhận lãnh Đức Thánh Linh. Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, người ấy được tái sanh ngay vào giây phút ấy mà không cần phải chờ để làm việc lành.

KẾT LUẬN: Chúng ta thấy rõ quan điểm 1 Đúng với Kinh Thánh, quan điểm 2 không Đúng.

Quan điểm 2 không phù hợp với giáo lý Thánh Kinh vì các lý do sau:

1. Vì sau khi tin Chúa nhưng chưa được tái sinh, nên những hành động bày tỏ sự thay đổi của người tin Chúa như trừ bỏ những tật xấu, thực hành những tánh tốt, làm công việc phước thiện v.v… đều là những nổ lực của con người cũ (vì chưa được tái sanh), là con người sanh ra từ A-đam. Những thành quả nầy không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

2. Sau khi tin Chúa, người tín đồ cố gắng thay đổi nếp sống để đạt được sự tái sanh. Như vậy, người ấy cho rằng sự tái sanh đến là bởi công đức. Điều nầy trái với sự dạy dỗ trong I Phi-e-rơ 1:3 “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót trọn vẹn khiến chúng ta sanh lại (tái sinh), đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống.” và Tít 3:5: “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh (tái sinh) và sự đổi mới của Đức Thánh Linh.” Sự tái sanh được ban cho tội nhân bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời chứ không phải bởi việc làm tốt hay công đức của con người.

3. Người theo quan điểm 2 đã lẫn lộn giữa “tái sanh” và “nên thánh” (hay “thánh hóa”), “tái sinh” và “nên thánh” là hai diển biến hoàn toàn khác nhau như sau:

+ “Tái sanh” biến đổi người tội nhân thành người mới. “Nên thánh” chỉ về những việc mà người mới đó phải làm sau khi nhận được sự cứu rỗi trong Chúa Jesus.

+ “Tái sanh” đến trước. “Nên thánh” đến sau.

+ “Tái sanh” xãy ra trong phút chốc và một lần duy nhất. “Nên thánh” là quá trình kéo dài từ khi tái sanh cho đến khi qua đời hay cho đến lúc Chúa Jesus trở lại.

4. Sau cùng, nếu quan điểm 2 đúng, tức là người tín đồ phải thay đổi trong nếp sống trước, rồi mới được Chúa tái sanh thì người đó chắc … không bao giờ được tái sanh!! Vì những việc mà con người cần phải làm là những công việc gì thì mới được cho là đủ để đạt được sự tái sinh?! Và cần phải làm như thế nào mới được kể là đủ tốt để nhận sự tái sinh?!

 

tamtran1561@yahoo.com

Tháng 11, 2015