CÓ BAO NHIÊU TẦNG TRỜI?

Trần Đình Tâm

 

Nhiều câu Kinh Thánh nói đến các tầng trời chỉ về số nhiều (heavens), tức là có nhiều hơn một tầng trời:

“Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa. Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt.” (Thi Thiên 8:3)

“Hãy ngước mắt lên xem các từng trời.” (Gióp 35:5)

“Hỡi các từng trời, hãy nghe; hỡi đất, hãy lắng tai.” (Ê-sai 1:2)

“Đức Giê-hô-va gầm thét từ Si-ôn; Ngài là cho vang tiếng mình ra từ Giê-ru-sa-lem; các      từng trời và đất đều rúng động.” (Giô-ên 3:16)

“Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời       mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài.” (Ma-thi-ơ 3:16)

Vậy có bao nhiêu tầng trời?

1. Căn nguyên của các tầng trời.

Để tìm hiểu gốc tích của các tầng trời, cần trở lại với cuộc sáng tạo ban đầu của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem chuyện gì đã xãy ra trong ngày thứ hai (second day):

“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước. Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy. Đức Chúa Trời đặt tên khoảng khôngTrời (Heaven). Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhì.”  (Sáng Thế Ký 1:6-8)

Để có thể nắm bắt được các yếu tố trong cuộc sáng tạo được mô tả trong câu trên, xin quý vị đọc thật kỹ lần nữa câu Kinh Thánh trên, xin chú ý đến các chi tiết, chúng ta nghi nhận công việc Đức Chúa Trời làm như sau:

1. Lúc ban đầu: Không có khoảng không (firmament, expanse), mà chỉ có lớp nước (waters). Chắc chắn lớp nước nầy rất lớn (rất dầy).

2. Đức Chúa Trời định làm một khoảng không (firmament) ở chính giữa (in the midst) lớp nước đó: “Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.” (câu 6)

3. Đức Chúa Trời tạo nên khoảng không giữa lớp nước đó bằng cách phân chia lớp nước đó ra làm hai: Như vậy, có đến 2 lớp nước: 1/ Lớp nước nằm bên trên khoảng không và 2/ Lớp nước nằm bên dưới khoảng không: “Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy.” (câu 7)

4. Đức Chúa Trời đặt tên cho khoảng khôngTrời (Heaven)

Tất cả các yếu tố mô tả nêu trên, được minh họa bằng hình vẽ sau:

Description: C:\Users\Tam Tran\Desktop\Untitled-1 copy.jpg

 

Kế tiếp, trong ngày sáng tạo thứ ba, Đức Chúa Trời tạo nên đất (Earth) và biển (sea) được mô tả như sau:

“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước (waters) ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy. Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất (Earth), còn nơi nước (waters) tụ lại là biển (Seas).” (Sáng Thế Ký 1:9,10)

Căn cứ vào câu trên, để tạo ra mặt đất (earth) và biển (sea), Đức Chúa Trời làm cho nước ở dưới trời (waters under the heavens), tức là lớp nước bên dưới khoảng không (xem hình minh họa ở trên) tụ lại một chổ theo ý muốn của Ngài: Những chổ nước tụ lại hình thành ra biển (sea); còn những chổ nước khô cạn hình thành nên mặt đất (earth)

Sau đó, đến ngày sáng tạo thứ tư, Đức Chúa Trời tạo nên mặt trời, mặt trăng, ngôi sao. Câu hỏi: Đức Chúa Trời đặt các vật thể đó ở đâu? Giải đáp: Chúa đặt mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trong khoảng không (firmament) hay còn gọi là trời (heaven) (xem hình minh họa bên trên. (có bản dịch Kinh Thánh gọi là bầu trời):

“Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao. Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời (firmament of heaven), đặng soi sáng đất.” (Sáng Thế Ký 1:16,17)

Cuối cùng, trong ngày sáng tạo thứ năm, Đức Chúa Trời tạo ra các loài chim bay:

“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời (firmament of heaven).” (Sáng Thế Ký 1;20)

Chú ý quan trọng: Đức Chúa Trời tạo ra các loài chim bay trên trời, Chúa đặt chúng sống được trong khoảng không trên trời, ngay bên trên mặt đất (above the earth).

2. Có bao nhiêu tầng trời (heaven) trong khoảng không (firmament)?

Chúng ta so sánh ngày sáng tạo thứ tư và thứ năm: Đức Chúa Trời tạo nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao và đặt chúng trong khoảng không; Chúa cũng tạo ra các loài chim và cũng đặt chúng trong khoảng không, nhưng có sự khác biệt rõ ràng như sau: Các loài chim chỉ được Chúa đặt trong khoảng không ngay bên trên mặt đất mà thôi, vì khoảng không bên trên mặt đất có chứa nhiều khí Nitrogen (78%) và Oxigen (21%) để chúng thở được. Ngoài ra, không có loài chim nào sống được trong khoảng không cách rất xa mặt đất, là khoảng không Chúa đặt mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.

Từ đó, chúng ta có thể đi đến kết luận: khoảng không (hay trời, heaven) mà Đức Chúa Trời tạo thành trong ngày sáng tạo thứ hai có thể chia làm 2 tầng:

1. Tầng trời thứ nhất (first heaven): Là khoảng không ngay bên trên mặt đất, các nhà khoa học gọi tầng nầy là tầng khí quyển (atmosphere), bao gồm lớp không khí (air) bao chung quanh trái đất, nơi các loài chim trời sống được. Các câu Kinh Thánh sau đây cho thấy có tầng trời thứ nhất:

“E cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va sẽ phừng lên cùng các ngươi, Ngài đóng từng trời  (heaven) lại, nên nỗi chẳng có mưa nữa, đất không sanh sản: như vậy, các ngươi sẽ vội chết mất trong xứ tốt tươi nầy, là xứ mà Đức Giê-hô-va ban cho các ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:17)

“Đức Giê-hô-va sẽ vì ngươi mở trời (heaven) ra, là kho báu của Ngài, đặng cho mưa phải thì giáng xuống đất, và ban phước cho mọi công việc của tay ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:12)

     “Chim trên trời (heaven) và cá biển …” (Thi Thiên 8:8)

“Kẻ đuổi theo chúng ta thật lẹ hơn con chim ưng trên trời (heaven). Đuổi theo chúng ta trên các núi, rình rập chúng ta trong đồng vắng.” (Ca Thương 4:19)

2. Tầng trời thứ hai (second heaven): Là khoảng không gian bên trên bầu khí quyển (nối tiếp với tầng trời thứ nhất), là nơi có sự hiện diện của mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, các dãy thiên hà. Tầng trời thứ hai là khoảng không gian bao la, xa vời vợi. Các câu Kinh Thánh sau đây cho thấy có tầng trời  thứ hai:

“Đoạn, Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời (heaven), và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy.” (Sáng Thế Ký 15:5)

“khi ngươi ngước mắt lên trời (heaven) thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh …” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19)

“Khi tôi nhìn xem các từng trời (heavens) là công việc của ngón tay Chúa. Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt.” (Thi Thiên 8:3)

“Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời (heavens) rúng động.” (Ma-thi-ơ 24:29)

3. Tầng trời thứ ba.

Chỉ có một lần duy nhất Kinh Thánh nói đến tầng trời thứ ba (third heaven), là trường hợp Sứ đồ Phao-lô được Chúa đem lên tầng trời thứ ba, ông được xem thấy những gì mà ông không được phép nói ra:

“Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (third heaven). Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.” (II Cô-rinh-tô 12:2-4)

Tầng trời thứ ba ở đâu?

Câu Kinh Thánh nêu trên giúp chúng ta suy luận ra các hệ quả sau:

a. Có tầng trời thứ ba, thì rõ ràng phải có tầng trời thứ nhất và tầng trời thứ hai. Suy luận nầy phù hợp với tất cả những gì chúng tôi đã trình bày bên trên.

b. Tầng trời thứ ba phải là tầng trời cao hơn hết, vì là nơi được gọi là chốn Ba-ra-đi (paradise), và vì không có chổ nào trong Kinh Thánh nói đến tầng trời thứ tư.

c. Tầng trời thứ ba phải ở bên trên tầng trời thứ hai.

Trở lại với sự sáng tạo trong ngày thứ hai, Đức Chúa Trời tạo nên khoảng không (gồm tầng trời thứ nhất và tầng trời thứ hai) ở giữa hai lớp nước. Chúng ta đã biết lớp nước bên dưới khoảng không trở thành biển. Như vậy, lớp nước (waters) bên trên khoảng không chính là lớp nước phân chia tầng trời thứ hai và tầng trời thứ ba. Điều nầy phù hợp với sự mô tả về khải tượng diễn ra trên trời mà Sứ đồ Giăng được Chúa cho thấy, ông diễn tả như sau:

“Trước ngôi có như biển (sea) trong ngần giống thủy tinh, còn chính giữa và chung quanh có bốn con sanh vật, đằng trước đằng sau chỗ nào cũng có mắt.” (Khải Huyền 4:6)

Trước đó, Giăng thấy một cái cửa mở ra trên trời, và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rầm như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến. Tức thì tôi bị Thánh Linh cảm hóa; thấy một ngôi đặt tại trên trời (heaven), trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó.” (Khải Huyền 4:1,2)

Như vậy, tầng trời thứ ba nằm bên trên lớp nước (nước bên trên khoảng không), đây là lớp nước mà Khải Huyền 4:6 gọi là biển trong như pha-lê mà Giăng đã nhìn thấy.

Lớp nước nầy được Đa-vít nói đến trong Thi Thiên 148:4: “hỡi nước (waters) trên các từng trời (above the heavens), hãy ngợi khen Ngài!” Đây chính là lớp nước bên trên tầng thời thứ hai. Lớp nước ở đây không thể là nước làm ra mưa trên mặt đất, cũng không phải là nước gây ra trận đại lụt trong thời Nô-ê, vì lớp nước nầy ở xa vô cùng so với mặt đất.

Hình vẽ sau đây minh họa về ba tầng trời:

 

Description: C:\Users\Tam Tran\Desktop\Ba tang troi.jpg

 

 Tầng trời thứ ba là nơi Chúa ngự cùng với muôn vạn thiên sứ (Khải huyền 5:11). Các câu Kinh Thánh sau đây cho thấy có tầng trời thứ ba:

“Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật.” (Thi Thiên 103:19)

“Đại ý điều chúng ta mới nói đó, là chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm (Chúa Jesus), ngồi bên hữu ngai của Đấng tôn nghiêm trong các từng trời.” (Hê-bơ-rơ 8:1)

“Đấng đã xuống (Chúa Jesus) tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời.” (Ê-phê-sô 4:10)

“Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!” (Lu- ca 2:13,14)

4. Trời của các tầng trời (heaven of the heavens)

Trong văn chương của người Do Thái (Hebrew), có một dạng cú pháp (syntax) đặc biệt để mô tả một điều gì đó vượt trội hơn tất cả, ví dụ: “Vua của các vua” (King of kings) và “Chúa của các chúa” (Lord of Lords) chỉ về Chúa Jesus trong Khải Huyền 19:16; “Nô lệ của các nô lệ” (Sáng Thế Ký 9:25) chỉ về người con trai của Nô-ê là Ca-na-an đáng bị rủa sả; hoặc “Bài ca của những bài ca” (Song of songs) chỉ về sách Nhã Ca của vua Sa-lô-môn.

Kinh Thánh cũng dùng đặc ngữ “trời của các từng trời” (heaven of heavens) chỉ về một tầng trời cao hơn hết các tầng trời, là tầng trời cao nhất. Dễ nhận thấy rằng trời của các từng trời chỉ về tầng trời thứ ba. Chúng ta tìm thấy Kinh Thánh sử dụng cú pháp nầy trong các câu sau:

“Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời (heaven), và trời của các từng trời (heaven of heavens), cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó, Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa.” (Nê-hê-mi 9:6)

“Kìa, trời và các từng trời cao hơn trời (heaven of heavens, nên dịch là “trời của các từng trời”), đất và mọi vật ở nơi đất đều thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:14)

“Kìa, trời, dầu đến đỗi trời của các từng trời (heaven of heavens) chẳng có thể chứa Ngài được thay, phương chi cái đền này tôi đã cất!” (I Các Vua 8:27)

Khi đọc các câu Kinh Thánh có cụm từ "tầng trời của các tầng trời", chúng ta nên hiểu câu đó chỉ về tầng trời thứ ba.

5. Làm thế nào để nhìn thấy tầng trời thứ ba?

Ngày nay các khoa học gia về vũ trụ đã sử dụng những viễn vọng kính rất tối tân để quan sát bầu trời. Các viễn vọng kính đã giúp họ nhìn thấy những ngôi sao hoặc vô số dãy thiên hà rất xa so với trái đất. Khoảng cách xa đến nỗi phải tính bằng vận tốc ánh sáng; thậm chí không thể tính bằng một phút, một ngày hay một tuần, nhưng phải tính bằng năm, tức là khoảng đường dài mà vận tốc của ánh sáng đi trong 1 năm:

- Vận tốc ánh sáng 1 giây (second): 300.000km (viết theo kiểu Mỹ: 300,000km)

- Vận tốc ánh sáng 1 phút: 300.000km x 60 = 18.000.000km

- Vận tốc ánh sáng 1 giờ: 18.000.000 x 60 = 1.080.000.000km

- Vận tốc ánh sáng 1 ngày: 1.080.000.000 x 24 = 25.920.000.000km

- Vận tốc ánh sáng 1 năm: 25.920.000.000 x 365 = 9.460.800.000.000km

Gần đây, các nhà thiên văn học cho biết đã nhìn thấy hình ảnh của một dãy thiên hà được kể là xa nhất mang tên z8_GND_5296, cách xa trái đất 13 tỉ năm ánh sáng! (Xem hình bên dưới)

                             Description: C:\Users\Tam Tran\Downloads\thien-ha-xa-nhat.jpg

     Thiên hà Z8_GND_5296 chụp bởi Kính viễn vọng Hubble (hình của NASA, 2013)

Dù cho khoa học ngày nay đã chế tạo và sẽ chế tạo các loại viễn vọng kính tối tân nhất để có thể nhìn xa nhất vào khoảng không gian bao la, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng họ không bao giờ có thể đạt đến được … lớp nước ngăn cách giữa tầng trời thứ hai và tầng trời thứ ba!

Tuy nhiên, nếu Đức Chúa Trời cho phép, chỉ trong nháy mắt, Phao-lô đã được đem lên tầng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:2-4); Giăng cũng được nhìn thấy tầng trời thứ ba (Khải Huyền chương 4,5); Chấp sự Ê-tiên, trong giây phút trước khi chết, đã nhìn “xuyên qua” tầng trời thứ hai để thấy tầng trời thứ ba: “Nhưng người, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55)

6. Ai có thể vào tầng trời thứ ba?

 “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!” (I Phi-e-rơ 1:3-5)

Chỉ có những người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa Jesus, là những người được tái sanh bởi Đức Thánh Linh, mới nhận được cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho họ trong tầng trời thứ ba. Trong thời kỳ sau rốt, khi Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh, chúng ta sẽ được ở với Chúa trong tầng trời thứ ba. Chính Chúa Jesus hứa: “Trong nhà Cha ta (tầng trời thứ ba) có nhiều chỗ ở; Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2,3)

“Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra.” (II Cô- rinh-tô 5:1)

Cuộc sống của chúng ta trên đất rồi sẽ qua đi, nhà cửa tài sản mà chúng ta có rồi sẽ để lại cho người khác, cuối cùng rồi sẽ đổ nát trong ngày sau rốt, chỉ có nhà ở trên trời, ở tầng trời thứ ba, là nhà đời đời mà Chúa dành sẵn cho chúng ta, là những người tin nhận Ngài.

 Tháng 7, 2014