Cơ-đốc nhân có nên cho vay lấy lãi?

Trần Đình Tâm

 

  Vấn đề vay mượn và chịu lãi là một nhu cầu cần thiết trong xã hội. Trong bài khảo luận ngắn nầy, chúng tôi không đề cập đến việc người dân vay tiền và phải chịu tiền lãi từ các dịch vụ Ngân Hàng hay các cơ quan tín dụng. Các dịch vụ vay mượn có lãi suất đặt dưới sự quản lý của cơ quan tín dụng cùng những luật lệ, chính sách và nhưng quy định của từng cơ quan là điều cần thiết nhằm đáp ứng các nhu cầu trong đời sống của người dân. Trong ẩn dụ Chúa Jesus kể về “Những người đầy tớ và các ta-lâng” trong Ma-thi-ơ 25:14-30, Người chủ nói với một người đầy tớ: vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời.” (câu 27), câu nầy cho thấy dịch vụ cho vay lấy lãi đã có từ xưa và được xem là có ích lợi cho cả hai phía.

 Bài khảo luận của chúng tôi hướng đến một lãnh vực khác trong vấn đề vay tiền, đó là việc vay mượn diễn ra giữa cá nhân và cá nhân trong cộng đồng Cơ-đốc nhân.

 Ngày nay có một số con cái Chúa sinh hoạt trong một số Hội Thánh đã cho anh em mình vay tiền lấy lãi. Tùy theo từng trường hợp, tiền lãi được tính mỗi ngày hay mỗi tháng; phân lãi tính theo phần trăm trong số tiền cho vay và có sự thỏa thuận của cả hai bên. Sở dĩ có hiện tượng cho vay lấy lãi là vì có nhu cầu: Có những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, cần một số tiền để giải quyết trong cuộc sống; để đáp ứng nhu cầu đó, có những người dư dả về tiền bạc sẵn sàng cho vay lấy lãi. Nhóm người cho vay quan niệm rằng họ đang giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn, còn việc lấy tiền lãi chỉ là chuyện bình thường trong xã hội, tất cả mọi người đều làm như vậy, nên không có gì sai trái.

1. Con cái Chúa có nên cho anh em mình vay tiền không? Nếu có cho vay thì có nên lấy lãi không?

Chúng ta có thể tìm lời giải đáp qua các câu Kinh Thánh sau:

Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25:

“Trong dân ta có kẻ nghèo nàn ở cùng ngươi, nếu ngươi cho người mượn tiền, chớ xử với họ như người cho vay, và cũng chẳng nên bắt họ chịu lời.”

Khi Đức Chúa Trời chọn dân Do Thái làm một nước thuộc riêng về Ngài, Chúa có truyền dạy họ phải biết cách sống và cách biết cư xử với anh em của mình như thể nào, một trong những sự hướng dẫn của Chúa có liên quan đến vấn đề cho vay mượn.

Câu Kinh Thánh trên dạy chúng ta 4 bài học sau:

1. “Trong dân ta có kẻ nghèo nàn ở cùng ngươi”: Trong cộng đồng con dân Chúa, Chúa luôn để kẻ nghèo ở chung với người dư dả hơn: “Vì sẽ có kẻ nghèo trong xứ luôn luôn …” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:11). Chúa đặt để như vậy để những người giàu có cơ hội giúp đỡ anh em mình nghèo khó. Trong các Hội Thánh ngày nay cũng vậy, luôn có những người có hoàn cảnh khó khăn hơn những người khác.

2. “Nếu ngươi cho người mượn tiền”: Chúa khuyến khích người khá giả giúp đỡ người khó khăn hơn mình qua việc cho vay: “Nhưng khá sè tay mình ra, cho người vay món chi cần dùng trong sự nghèo nàn của người.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:8). Khi anh em mình trong cơn ngặt nghèo, thì người dư dả hơn nên sẵn lòng cho anh em mình vay tiền.

3. Chớ xử với họ như người cho vay”: Theo cách ứng xử thông thường của những người chưa tin Chúa, chúng ta thấy người cho vay tiền thường bày tỏ thái độ của người “bề trên”, là người “ban ơn”, là “chủ nợ”, là người “có quyền hành” trên người kia. Con cái Chúa không nên có thái độ giống như người trong thế gian, nhưng cư xử với anh em mình trong tình yêu thương của Chúa, vì trước mặt Chúa mọi người là anh em, mọi người đều được cứu bởi ân điển của Chúa như nhau.

4. Và cũng chẳng nên bắt họ chịu lời”: Khi cho vay thì không nên lấy lãi: “Chớ cho người vay bạc ăn lời và đừng cho mượn lương thực đặng lấy lời.” (Lê-vi Ký 25:37). Như vậy, bài học rất rõ ràng cho cộng đồng con cái Chúa khắp mọi nơi trong mọi thời đại: Cho vay không nên lấy lãi, lúc này gọi là cho mượn.

 Rất tiếc ngày nay, vẫn có những con cái Chúa cho anh em mình vay tiền lấy lãi, thậm chí còn lấy lãi cao giống như những người cho vay nặng lãi ở ngoài đời. Cách cư xử đó rõ ràng không phù hợp với nếp sống của một Cơ-đốc nhân theo tiêu chuẩn của Chúa. Thật ra, đó không phải là sự giúp đỡ người khó khăn theo ý muốn của Chúa nhưng chỉ là một cách kiếm tiền. Phao-lô dạy: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin.” (Ga-la-ti 6:9-10)

Thi Thiên 15:5:

“Người nào không cho vay tiền lấy lời. Chẳng lãnh hối lộ đặng hại người vô tội. Kẻ nào làm các điều ấy sẽ không hề rúng động.”

 Câu trên cho thấy kết quả của những người cho vay không lấy lãi, hay còn gọi là cho mượn: Họ sẽ không bao giờ bị rúng động: Họ đứng ngay thẳng, họ đứng vững trước mặt Chúa mà không sợ hãi gì, không sợ bị Chúa quở trách, thật “Người công bình chẳng hề bị rúng động” (Châm Ngôn 10:30)

2. Điều cần lưu ý đối với người cho vay và người đi vay.

 Các câu Kinh Thánh trích dẫn bên trên dạy rất rõ ràng đối với những người cho vay tiền. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu sự dạy dỗ của Lời Chúa cũng được áp dụng đối với những người đi vay, tức là người đi vay phải thật sự ở trong hoàn cảnh túng quẫn, vì chính người đi vay ở trong hoàn cảnh khó khăn thì sự cho vay không lấy lãi (hay cho mượn) của người kia mới thật sự có ý nghĩa và được thực hành đúng theo Lời Chúa dạy. Có những người không thật sự cần tiền nhưng vì một lợi lộc nào đó lại đi vay mượn người kia. Trong trường hợp này, ngươi cho vay (hay cho mượn) có quyền từ chối người kia mà không vi phạm Lời Chúa dạy, vì Kinh Thánh dạy người có khả năng nên giúp đỡ cho người nghèo khó, đang trong hoàn cảnh túng thiếu chứ không phải cho những người đã ổn, tất nhiên ngoại trừ trường hợp người cho mượn tình nguyện đề nghị giúp đỡ người kia.

 

Ngày 8 tháng 5, 2020
tamtran1561@yahoo.com