Cơ-đốc nhân làm con nuôi của Chúa có nghĩa gì?

Trần Đình Tâm

 

1. Con nuôi trong thời Cựu Ước:

   Vấn đề nhận một người xa lạ (theo ý nghĩa không có liên quan gì với “máu thịt” của mình) làm con nuôi của mình đã có từ thời Cựu Ước. Các sách Cựu ước ghi nhận 3 trường hợp nhận làm con nuôi:

+ Công chúa Pha-ra-ôn nhận Môi-se làm con nuôi: Khi lớn khôn rồi, người (mẹ của Môi-se) bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:10)

+ Mạc-đô-chê nhận Ê-xơ-tê làm con nuôi: Người (Mạcđô-chê) bảo dưỡng Ha-đa-xa (tức Ê-xơ-tê) con gái của cậu mình, vì nàng không có cha mẹ. Người thiếu nữ ấy là tốt tươi hình dạng, đẹp đẽ dung nhan. Vậy, khi cha mẹ nàng đã qua đời rồi, Mạc-đô-chê nhận nàng làm con gái mình.” (Ê-xơ-tê 2:7)

+ Tác-bê-ne nhận Ghê-nu-bát làm con nuôi lúc còn đang bú sữa, có thể mẹ của Ghê-nu-bát qua đời sớm: “Em của Tác-bê-ne sanh cho Ha-đát một con trai tên là Ghê-nu-bát; Tác-bê-ne dứt sữa nó tại trong đền Pha-ra-ôn. Như vậy, Ghê-nu-bát ở tại trong đền Pha-ra-ôn, giữa các con trai của vua.” (I Các Vua 11:20)

Mặc dù cả 3 câu chuyện trên là 3 trường hợp nhận làm con nuôi, nhưng từ ngữ “con nuôi” (adoption) lại không được dùng trong các câu chuyện trên kể cả toàn bộ Cựu Ước. Chúng ta có thể nhận thấy vấn đề làm “con nuôi” trong thời Cựu Ước dường như không hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt nào cả về mặt thần học, nó chỉ đơn thuần là một nghĩa cử “làm phước” hay một hành vi từ thiện dành cho một người trong hoàn cảnh côi cút hay trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, từ ngữ “con nuôi” lại được dùng trong Tân Ước và hàm chứa một ý nghĩa sâu nhiệm về mặt thần học.

2. Con nuôi trong thời Tân Ước:

   Từ ngữ con nuôi, theo tiếng Hy-lạp là huiothesia, có nghĩa “được đặt ở địa vị như một người con” (to be placed as a son). Như vậy, theo ý nghĩa của “con nuôi” (huiothesia), nghĩa là một người nhận một người khác ngoài gia đình mình và cho người đó quyền làm con trong gia đình của mình. Chúng ta đừng quên bối cảnh của dân Do Thái trong thời Chúa Jesus, thời Hội Thánh đầu tiên và thời kỳ Kinh Thánh Tân Ước được viết ra, trong khoảng thời gian đó đất nước Do Thái ở dưới quyền cai trị của đế quốc La-mã. Xã hội La-mã có một luật lệ về việc nhận làm con nuôi, qua đó người được nhận làm con nuôi cũng được nhận đầy đủ tất cả những quyền lợi tương đương với người con nguyên thủy trong một gia đình.

Sứ đồ Phao-lô mượn hình ảnh “con nuôi” trong xã hội đương thời mà ai cũng hiểu rõ để trình bày một giáo lý về sự cứu rỗi trong Chúa Jesus:

Ê-phê-sô 1:5: “Trong tình yêu thương, Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi (adoption) của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài.”

Tại sao không phải con thật mà là con nuôi?

Theo quan niệm thông thường của tất cả mọi người, cha mẹ thường thương con ruột hơn thương con nuôi, vì con nuôi là con người khác chứ không phải con mình. Dù cha mẹ có thương người con nuôi nhiều như thế nào, đối đãi với nó tốt như thế nào đi nữa, thì trong nơi sâu thẳm của lòng người, cha mẹ vẫn thương con ruột hơn và sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con ruột của mình, điều nầy không thể có được đối với đứa con nuôi. Đó là sự thật trong cuộc sống mà ai cũng phải công nhận. Thế nhưng, tại sao Kinh Thánh lại kể người tin Chúa là con nuôi của Chúa? Con ruột há chẳng hơn con nuôi sao?

Thật ra, bất cứ ai tin nhận Chúa Jesus đều trở thành con cái thật của Chúa. Rất nhiều câu trong Tân Ước xác nhận điều đó, xin trưng dẫn 2 câu:

+ Giăng 1:12: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho đặc quyền trở nên con cái (children, sons) Đức Chúa Trời, là ban cho những ai tin đến danh Ngài.”

+ I Giăng 3:1: “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái (children, sons) Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài.”

Các câu trên cho thấy rõ chúng ta là con thật (“children” hay “son” được dùng trong bản tiếng Anh) của Chúa, chứ không phải con nuôi (không dùng “adoption”).

Như vậy, chúng ta có thể kết luận: Những ai tin Chúa Jesus đều trở thành con cái của Chúa theo ý nghĩa tổng quát, nhưng cũng là con nuôi của Chúa theo ý nghĩa đặc biệt.

Ý nghĩa của địa vị làm con nuôi của Chúa.

   Từ ngữ “con nuôi” xuất hiện tất cả 5 lần trong Tân Ước và chỉ có trong thư tín của Phao-lô: Rô-ma: 8:15, 23; 9:4; Ga-la-ti: 4:5 và Ê-phê-sô 1:5. Phân đoạn quan trọng nhất là Ga-la-ti 4:4-7:

   “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật           pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi (adoption) Ngài.

Trong xã hội con người, để hoàn tất thủ tục nhận con nuôi, người cha đóng vai trò trước nhất và quan trọng nhất: Chính ông đề xuất việc nhận đứa trẻ làm con nuôi. Ông hành động như vậy vì lòng thương xót của ông đối với đứa trẻ xa lạ kia dù nó không phải ruột thịt của mình, vì cuộc sống của nó khốn khổ và nó không nơi nương tựa.

Tương tự như vậy, trước khi tin Chúa, chúng ta là tội nhân, không phải là con cái thật của Chúa, chúng ta sống theo ý riêng của mình, sống theo sự ham muốn của dục vọng, chúng ta phục dưới quyền của ma quỉ, chúng ta là con cái phản nghịch (Ê-phê-sô 2:2), chúng ta là con của sự thạnh nộ (Ê-phê-sô 2:3). Nhưng bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời, đang khi chúng ta còn là người sống trong tội, thì Ngài sai Chúa Jesus đến thế gian chịu chết vì tội chúng ta để chúng ta được cứu và trở nên con cái của Ngài: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu.” (Ê-phê-sô 2:4,5). “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8)

Trên một phương diện của sự cứu rỗi, hình ảnh chúng ta là con nuôi của Chúa bày tỏ lẽ thật sau đây: Chúng ta là tội nhân đáng bị hư mất, nhưng chúng ta được Chúa cứu là bởi lòng thương xót của Chúa. Điều nầy giống như một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, sống lây lất ngoài đường phố, nhưng được một người đàn ông đầy lòng nhân ái nhận làm con. Trong hoàn cảnh như vậy, đứa trẻ đó trở thành con nuôi. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh kể chúng ta là con nuôi của Chúa.

Đặc quyền của đứa con nuôi của Chúa.

Lời Chúa bày tỏ cho chúng ta biết, người tin Chúa Jesus được kể là con nuôi của Chúa sẽ nhận được 2 đặc quyền: 1/ Đặc quyền trong hiện tại; 2/ Đặc quyền trong tương lai. 1/ Trong hiện tại: Bước vào mối quan hệ Cha-con với Chúa ngay lúc tin Chúa.

1/ Trong hiện tại: Bước vào mối quan hệ Cha-con với Chúa ngay lúc tin Chúa.

Khi đứa trẻ được nhận làm con nuôi, nó được thừa hưởng một lợi ích đặc biệt ngay lập tức: Được đưa vào mối quan hệ cha con: Kể từ lúc đó, nó là đứa trẻ có cha, nó được phép gọi người nhận nó làm con nuôi là “cha”.
Kể từ lúc tin Chúa, chúng ta trở nên con của Chúa, chúng ta được đem vào mối thông công mật thiết cha-con với Chúa. Chúng ta được phép thưa chuyện trực tiếp với cha của chúng ta: Phần Kinh Thánh nối tiếp của Ga-la-ti 4:4,5 nêu trên cho thấy lợi ích nầy: “Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha! Dường ấy, ngươi không phải là tôi mọi nữa, bèn là con; và nếu ngươi là con, thì cũng là kẻ kế tự bởi ơn của Đức Chúa Trời.” (câu 6,7).

Chúa Jesus dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở rên trời …”

Rô-ma 8:15 trình bày lẽ thật tương tự: “Thật anh em đã chẳng nhận lấy linh của sự tôi mọi (spirit of bondage) đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy Thánh Linh của sự làm con nuôi (Spirit of adoption), và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha!

Tóm lại, người tin Chúa là kể là con nuôi của Chúa hàm chứa một lẽ thật quan trọng về sự thay đổi địa vị kể từ thời điểm tiếp nhận Chúa, tương tự như một đứa trẻ mồ côi được được nhận làm con nuôi của một người đàn ông đầy lòng nhân ái và giàu có.

2/ Trong tương lai: Hưởng sự cứu rỗi trọn vẹn ngay thời điểm thân thể được sống lại.

Rô-ma 8:23 chứng minh cho lẽ thật nầy: “Không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy.”

Nên nhớ rằng, khi chúng ta tin Chúa, chúng ta đã được cứu rỗi; nhưng sự cứu rỗi chưa trọn vẹn, vì 3 lý do sau:

a) Vì chúng ta còn sống trong thân thể (body), thân thể nầy bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thân thể của chúng ta sẽ già nua theo tuổi tác, thân thể của chúng ta còn gánh chịu nhiều loại bệnh tật khác nhau, rồi cuối cùng thân thể phải chết đi (nếu Chúa Jesus chưa trở lại).

b) Ngoài ra, sự cứu rỗi mà chúng ta nhận được trong hiện tại cũng chưa trọn vẹn vì chúng ta còn sống trong xác thịt (flesh), còn gọi là con người cũ hay bản ngả, đó là lý do tại sao chúng ta còn phạm tội với Chúa, còn phạm nhiều lỗi lầm với người chung quanh, chúng ta còn phạm tội trong tư tưởng nữa!

c) Chúng ta vẫn còn sống trên thế giới nầy, chứ chưa được sống với Chúa trên Thiên Quốc. Chúng ta phải đối diện với những cám dỗ trong thế giới chung quanh, cùng với những thử thách, hoạn nạn, gian khổ trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta là khách bộ hành trên đất, chúng ta trông chờ một quê hương tốt hơn ở trên trời mà Chúa dành sẵn cho chúng ta.

Chỉ khi nào Chúa Jesus trở lại, Chúa sẽ biến hóa thân thể hay chết của chúng ta thành thân thể vinh hiển (Phi-líp 3:30,21), là thân thể thích hợp trong Thiên Quốc. Lúc đó chúng ta sẽ ở với Chúa luôn luôn. Lúc đó sự cứu rỗi mới hoàn tất trọn vẹn. Đây chính là lý do tại sao Phao-lô nói trong Rô-ma 8:23 đã trích dẫn bên trên, rằng chúng ta đang chờ đợi sự làm con nuôitức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy.

Như vậy, đặc quyền thứ hai của người làm con nuôi trong tương lai là hưởng cơ nghiệp cứu rỗi một cách trọn vẹn, và điều nầy chỉ có thể xảy ra khi Chúa Jesus trở lại. Đó là lý do tại sao phải chờ đợi sự làm con nuôi.

Trong hiện tại, chúng ta chỉ có đặc quyền thứ nhất mà chưa có đặc quyền thứ hai; cũng giống như đứa trẻ được nhận làm con nuôi gồm 2 giai đoạn: Trước hết nó nhận được đặc quyền làm con, được phép gọi người cứu giúp nó là “cha”. Người cha có dành sẵn gia tài để cho nó thừa hưởng. Nhưng nó chưa được hưởng gia tài trong lúc nầy vì nó chưa đến tuổi trưởng thành. Chỉ khi người cha mất hay khi nó đủ tuổi trưởng thành, nó sẽ được hưởng.

Phi-e-rơ 1:3-5 xác nhận rằng gia tài của chúng ta đã được dành sẵn trên trời cho chúng ta: "Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!”

Cảm tạ ơn thương xót của Chúa đối với chúng ta khi Ngài gọi chúng ta là con nuôi của Ngài!

 

Ngày 12 tháng 5, 2020
tamtran1561@yahoo.com