Xin lưu ý: Phần giải đáp thắc mắc được lập luận dựa trên nền tảng giáo lý Thánh Kinh xuyên suốt Cựu-Tân Ước, mà không chịu ảnh hưởng bởi một trường phái Thần Học hay hệ phái Tin Lành nào.

 

Giải đáp các câu hỏi về ngày Sa-bát (Phần 1)

 

Trần Đình Tâm
tamtran1561@yahoo.com

 

1. Đức Chúa Trời có thiết lập ngày Sa-bát ngay sau cuộc sáng tạo?

Những người theo hệ phái Cơ-Đốc Phục Lâm (CĐPL) giữ ngày Sa-bát thường trích dẫn Điều Răn thứ 4: “Vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11) để kết luận rằng Đức Chúa Trời đã thiết lập ngày Sa-bát từ lúc từ ban đầu ngay sau cuộc sáng tạo.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời ban hành luật về giữ ngày Sa-bát ngay sau 6 ngày sáng tạo. Sáng Thế Ký 2:2,3 chép: “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.”

Các câu trên cho thấy sau khi Đức Chúa Trời sáng tạo muôn vật trong 6 ngày, qua ngày Thứ Bảy (seventh day), Ngài nghỉ các công việc của Ngài vì đã hoàn tất cuộc sáng tạo. Xin chú ý: Từ ngữ “Sa-bát” (Sabbath) không được dùng trong các câu Kinh Thánh trên, điều nầy có nghĩa đơn giản là Chúa “nghỉ” vì đã hoàn tất cuộc sáng tạo, ngày Thứ Bảy lúc ấy là “ngày nghỉ của Chúa” chứ không liên quan gì hết đến “ngày nghỉ của con người”.

Đức Chúa Trời cũng không truyền cho A-đam và Ê-va mệnh lệnh nào về giữ ngày Sa-bát hay nghỉ ngơi ngày Thứ Bảy. Kinh Thánh chỉ rõ Đức Chúa Trời nghỉ Ngày Thứ Bảy trong cuộc sáng tạo chứ không phải loài người nghỉ ngày Thứ Bảy sau cuộc sáng tạo.

2. Đức Chúa Trời “nghỉ” có nghĩa gì?

Sáng Thế Ký 2:2,3 chép: “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm … (he rested on the seventh day)”

Chúa nghỉ (rest) công việc của Ngài vì đã hoàn tất công việc chứ không phải vì Chúa “mệt mỏi” như cách con người nghỉ ngơi vì mệt mỏi. Ê-sai 40:28 cho thấy: “Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò.” Chúng ta thấy rõ sau khi Chúa hoàn tất cuộc sáng tạo sau 6 ngày, Chúa không tạo dựng nên bất cứ một điều gì nữa.

Sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời nghỉ vào ngày Thứ Bảy và dân Y-sơ-ra-ên nghỉ vào ngày Sa-bát là Đức Chúa Trời hoàn tất công việc của Ngài, còn dân Y-sơ-ra-ên nghỉ không phải vì hoàn tất công việc họ làm.

3. Từ nghữ “Sa-bát” có nghĩa gì?

Sa-bát có nguồn gốc từ ngôn ngữ Hebrew: Shabbat (שַׁבָּת) có nghĩa là ngừng (cease) hay nghỉ (rest).

Đây là điều quan trọng cần biết: Sa-bát có nghĩa là ngừng hay nghỉ công việc, chứ KHÔNG có nghĩa là ngày Thứ Bảy. Sự hiểu biết ý nghĩa xác thật của ngày Sa-bát sẽ hướng tâm trí chúng ta (là con cái Chúa thuộc Giao Ước Mới) về ý nghĩa đích thực của từ ngữ “Sa-bát”, tức là “nghỉ ngơi”, chứ không phải là “ngày Thứ Bảy”. Nói cách khác, đối với dân Y-sơ-ra-ên, ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy, là ngày nghỉ ngơi mọi công việc; còn đối với Cơ-đốc nhân ngày nay,  ngày Sa-bát có ý nghĩa thuộc linh: Đó là sự nghỉ ngơi của tâm linh trong Chúa Jesus. Đức Chúa Trời ban ngày Sa-bát cho dân Do Thái để họ nghỉ ngơi phần thể xác sau hàng trăm năm nô lệ cực khổ trong xứ Ai-cập; Chúa Jesus ban sự yên nghỉ cho tâm linh của con người tội lỗi khi họ ăn năn tội và đặt niềm tin nơi Ngài, chính Chúa Jesus phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ (rest).” (Ma-thi-ơ 11:28)

4. Luật về Ngày Sa-bát có từ lúc nào?

Hệ phái CĐPL cho rằng Đức Chúa Trời thiết lập ngày Sa-bát ngay sau cuộc sáng tạo, và họ tin rằng các tổ phụ loài người như Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sé v.v… đã giữ ngày Sa-bát.  

Không có bằng chứng nào cho thấy các tổ phụ đã giữ ngày Sa-bát sau cuộc sáng tạo, không có mệnh lệnh nào từ Đức Chúa Trời truyền dạy các tổ phụ phải giữ Ngày Sa-bát. Từ ngữ “ngày Sa-bát” không hề được nhắc đến trong toàn bộ sách Sáng Thế Ký.

“Ngày Sa-bát” thật sự xuất hiện lần đầu tiên trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23, khi Chúa ban ma-na cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng và qui định ngày đi lượm ma-na: “Ấy là lời Đức Giê-hô-va đã phán rằng: Mai là ngày nghỉ, tức ngày Sa-bát thánh cho Đức Giê-hô-va, hãy nướng món chi các ngươi muốn nướng, hãy nấu món chi các ngươi muốn nấu; hễ còn dư, hãy để dành đến sáng mai.” Sau đó không lâu, việc giữ ngày Sa-bát mới trở thành Luật Pháp. Nê-hê-mi 9:13,14 nhắc lại sự kiện Chúa ban điều răn tại núi Si-nai: “Chúa cũng giáng lâm tại trên núi Si-na-i, phán với chúng từ trên trời, ban cho chúng những luật lệ ngay thẳng, pháp độ chân thật, và những qui tắc cùng điều răn tốt lành. Chúa khiến cho chúng biết ngày Sa-bát thánh của Chúa, cậy Môi-se, tôi tớ của Chúa, truyền cho chúng những điều răn, qui tắc, và luật pháp.”

Hãy đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 16:16-26 để thấy rõ luật về ngày Sa-bát rất mới mẻ đối với dân Y-sơ-ra-ên, đây là lần đầu tiên họ thực hành ngày Sa-bát, một số người đã đi lượm ma-na vào ngày Thứ Bảy nhưng không tìm thấy chi cả, chi tiết nầy chứng minh dân sự chưa bao giờ thực hành ngày Sa-bát trước đó.

Như vậy, trong suốt một thời gian dài, khoảng 2.600 năm kể từ khi Chúa sáng tạo muôn vật cho đến khi dân Do Thái ra khỏi Ai-cập và vào đồng vắng, Chúa mới ban hành luật về ngày Sa-bát. Dân Y-sơ-ra-ên chỉ bắt đầu giữ ngày Sa-bát kể từ lúc Chúa ban Luật Pháp cho họ.

5. “Đừng để ai xét đoán mình về ngày Sa-bát” có nghĩa gì?

Cô-lô-se 2:16 chép: “Vì vậy, đừng để ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát

Chúng ta ghi nhận một số bài học từ câu Kinh Thánh trên:

1) Ngày Sa-bát được xếp chung “loại” với của ăn uống (eat, drink), các ngày lễ (religious festival) và ngày trăng mới (New Moon). Sự sắp xếp nầy cho thấy rõ “ngày” Sa-bát tương đương với các “ngày” khác, tức là việc giữ ngày Sa-bát trong Giao Ước Mới được kể là một việc mang ý nghĩa “lễ nghi” hay “nghi thức” (ritual, ceremonial) chứ không mang ý nghĩa “đạo đức” (morality) như hệ phái CĐPL gán cho.

2) Vì việc giữ ngày Sa-bát không có ý nghĩa đạo đứcnên Phao-lô khuyên con cái Chúa tại Cô-lô-se đừng tranh luận hay xét đoán lẫn nhau về việc giữ ngày Sa-bát hay về việc ăn uống cũng như bất cứ các ngày đặc biệt nào đó.

3) Trong thực tế cuộc sống, chúng ta nhận thấy những vị lãnh đạo và tín đồ thuộc hệ phái CĐPL thường hay xét đoán những tín đồ thuộc các hệ phái khác về việc giữ ngày Sa-bát. Do đó Phao lô nói rõ “Vì vậy, đừng để ai xét đoán anh em (do not let anyone judge you) về … ngày Sa-bát.” Bài học rất rõ ràng: không cho phép người khác (người giữ ngày Sa-bát) xét đoán mình (người không giữ ngày Sa-bát).

6. Tại sao Phao-lô dạy tín đồ trong Hội Thánh Cô-lô-se: “Đừng để người khác đoán xét mình về ngày Sa-bát.”?

Hội Thánh tại Cô-lô-se trong thời Phao-lô gặp phải một số nan đề như sau:

+ Có một loại giáo lý sai lạc, hay chính xác hơn là một thứ triết học đến từ các giáo sư chịu ảnh hưởng bởi các nhà triết học Hy-lạp đương thời đã tác động đến niềm tin của con cái Chúa tại Hội Thánh Cô-lô-se. Phao-lô nhận biết mối nguy hiểm nầy nên đã viết thư Cô-lô-se nhằm mục đích giúp con cái Chúa “tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe …” (1:23)

+ Trong chương 1, Phao-lô đã trình bày lẽ đạo mầu nhiệm của Tin Lành; chỉ ra Đấng Christ là trọng tâm của sự Cứu Rỗi, là Đấng tạo dựng muôn vật, là Chúa của Hội Thánh, là khởi nguồn của sự khôn ngoan … rồi ông viết: “Tôi nói như vậy, hầu cho chẳng ai lấy lời dỗ dành mà lừa dối anh em.” (2:4). Ông muốn nói đến những người truyền bá những giáo lý lệch lạc, không đúng với lẽ thật của đạo cứu rỗi đang lừa dối những người tin Chúa.

+ Trong chương 2:8-23, Phao-lô chỉ ra những tín lý sai lạc đến từ triết lý của con người mà ông cho là hư không: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng.” (2:8). Xin kể ra một vài giáo lý sai lạc:

- Thờ lạy thiên sứ (2:18): Giáo nầy đến từ cái ý tưởng cho rằng loài người thấp hèn, không thể trực tiếp đến với Chú Jesus, nên phải nhờ thiên sứ làm trung gian. Đây là tinh thần kiêu ngạo bên trong nhưng tỏ ra bên ngoài là thái độ khiêm nhường giả bộ (2:18).

- Chủ nghĩa khắc kỷ, khổ hạnh (Asceticism) (2:21,23): Đây là thứ triết học thịnh hành thời bấy giờ từ các triết gia Hy-lạp. Chủ trương sống khắc khổ, ép thân thể, xa lánh những vui thú trần tục … nhằm mục đích đạt đến sự hoàn thiện.

- Chủ nghĩa lễ nghi (ceremonialism): Mặc dù tin Chúa Jesus, nhưng vẫn theo khuynh hướng giữ một số điều thuộc Luật Pháp Môi-se như: Phép cắt bì (2:11,3:11); giữ các ngày lễ: Lễ theo năm, lễ theo tháng (trăng mới), lễ theo ngày (giữ ngày Sa-bát).

Riêng việc giữ ngày Sa-bát trong 2:16, Phao-lô giải thích trong câu 17: “Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng (shadow) của các việc sẽ tới, còn hình (reality) thì ở trong Đấng Christ.”

Chúng ta thấy rõ, sự giữ ngày Sa-bát của dân Do Thái là cái bóng, cho đến khi hìnhthật xuất hiện, là chính Chúa Jesus, chính Ngài là lẽ thật, như Phao-lô đã xác nhận trong Rô-ma 10:4: “Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của Luật Pháp”

Về vấn đề giữ ngày Sa-bát, Hội Thánh Cô-lô-se có điểm gần giống với Hội Thánh Ga-la-ti, họ cũng giữ ngày, tháng, năm, mùa theo Luật Pháp. Phao-lô nói với họ: “Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư! Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em.” (Ga-la-ti 4:10,11).

Cơ-đốc nhân tin Chúa Jesus không thể cùng một lúc vừa ở dưới Giao Ước Mới mà cũng vừa giữ ngày Sa-bát.

7. Nghỉ Ngày Thứ Bảy (Sa-bát) trong bảng 10 Điều Răn là luật nghi lễ (ceremonial law) hay luật đạo đức (moral law)?

Hệ phái CĐPL và một số hệ phái Tin Lành khác suy luận rằng Điều Răn Thứ Tư nằm trong 10 Điều Răn và được khắc trên bảng đá, cho nên Điều Răn Thứ Tư (giữ ngày Sa-bát) phải là luật đạo đức, có giá trị vĩnh viễn. Từ đó, các lãnh đạo và tín đồ CĐPL kết luận con cái Chúa ngày nay phải giữ ngày Sa-bát. Những người giữ ngày Sa-bát thường bắt bẻ người khác bằng một câu hỏi sau: “Tại sao bạn nói bạn tin 10 Điều Răn, nhưng bạn không giữ ngày Sa-bát, bạn chỉ  giữ 9 Điều Răn thôi sao? Như vậy bạn đã bỏ Điều Răn Thứ Tư!” Rồi họ còn trích dẫn Gia-cơ 2:10: Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.” (?!)

Tuy nhiên, điều quan trọng để xếp một luật nào đó thuộc về luật nghi lễ hay luật đạo đức, hay luật dân sự v.v… là chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa luật đó một cách riêng biệt. Điều Răn Thứ Tư dù có trong bảng 10 Điều răn không có nghĩa là Điều Răn đó thuộc về luật đạo đức. Bằng sự suy luận qua việc áp dụng luật giữ ngày Sa-bát mỗi Thứ Bảy trong thực tế cuộc sống, chúng ta hãy thành thật với chính mình mà nhận ra rằng: rất khó có thể chấp nhận luật giữ ngày Sa-bát cũng là luật đạo đức giống như các luật đạo đức khác: “ngươi chớ trộm cắp”, “ngươi chớ giết người”; “ngươi chớ phạm tội tà dâm” v.v…

Các phần Kinh Thánh sau đây chứng minh rõ ràng sự giữ ngày Sa-bát không thuộc lãnh vực đạo đức nhưng thuộc về lãnh vực nghi lễ:

Lê-vi Ký 23:1-3: “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nầy là những ngày lễ (festival) của Đức Giê-hô-va các ngươi hãy rao truyền ra là các hội thánh. Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảyngày sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì.”

Ngoài ra, Lê-vi-ký chương 23 là luật về các ngày lễ mà Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Do Thái phải giữ, trong đó có ngày Sa-bát. Xin tóm tắt như sau:

+ Câu 1-3: Ngày Sa-bát

+ câu 4-8: Lễ Vượt Qua.

+ Câu 9-14: Lễ dâng bó lúa đầu mùa.

+ Câu 15-22: Lễ Ngũ Tuần.

+ Câu 23-25: Lễ thổi kèn.

+ Câu 26-32: Lễ Chuộc tội.

+ Câu 33-43: Lễ Lều tạm.

Phần dẫn chứng trên cho thấy giữ ngày Sa-bát không thuộc về lãnh vực đạo đức, nhưng thuộc lãnh vực nghi lễ.

Ô-sê 2:11: “Ta sẽ dứt cả sự vui của nó, những ngày lễ, ngày trăng mới, ngày Sa-bát và hết thảy những ngày lễ trọng thể của nó.” Câu nầy cho thấy 2 bài học về ngày Sa-bát:

1) Được xếp chung nhóm với các ngày lễ khác của dân Do Thái, sự sắp xếp nầy chỉ rõ ngày Sa-bát không thể thuộc loại “đạo đức” nhưng thuộc về “nghi thức”.

2) Đặt câu nầy trong văn mạch của Ô-sê chương 2, dân Y-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời sửa phạt vì họ thờ hạy hình tượng: Chúa lấy đi sự vui mừng của họ trong những ngày lễ và ngày Sa-bát mà họ đã giữ, có nghĩa là dù họ có giữ ngày Sa-bát đi nữa, thì cũng vô ích trước mặt Chúa nếu họ vẫn miệt mài trong tội. Điều nầy chứng minh rõ việc giữ ngày Sa-bát thuộc hình thức bên ngoài.

Cô-lô-se 2:16: “Vì vậy, đừng để ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát”. Trong thời Tân Ước của chúng ta, ngày Sa-bát được xếp ngang hàng với các ngày lễ. Phao-lô không cho phép xét đoán lẫn nhau về ngày Sa-bát.

8. Vi phạm ngày Sa-bát sẽ bị tử hình?

Xuất Ê-díp-tô Ký 31:14: “Vậy, hãy giữ ngày sa-bát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Kẻ nào phạm đến ngày đó, phải bị xử tử; kẻ nào làm một việc chi trong ngày đó, cũng sẽ bị truất khỏi vòng dân sự.”

Hệ phái CĐPL căn cứ vào câu trên để lý luận rằng theo mệnh lệnh của Chúa, ngày Sa-bát là ngày thánh, những ai không giữ ngày Sa-bát sẽ bị xử tử, điều ấy cho thấy sự tuân giữ ngày Sa-bát là quan trọng dường nào! Vậy cớ sao nhiều con cái Chúa ngày nay đã cố ý vi phạm ngày Sa-bát?

Xin giải đáp: Đúng là có án phạt tử hình cho người vi phạm ngày Sa-bát, nhưng hãy nhớ rõ đó là mệnh lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên. Bằng chứng là tất cả mọi người thuộc các dân tộc khác trên thế giới không hề bị kết tội tử hình dù họ không bao giờ giữ ngày Sa-bát.

 

[Xin đọc “Giải đáp các câu hỏi về ngày Sa-bát (Phần 2)”, sẽ giải đáp các câu hỏi số 9 đến 15]