Xin lưu ý: Phần giải đáp thắc mắc được lập luận dựa trên nền tảng giáo lý Thánh Kinh xuyên suốt Cựu-Tân Ước, mà không chịu ảnh hưởng bởi một trường phái Thần Học hay hệ phái Tin Lành nào.

 

Giải đáp các câu hỏi về ngày Sa-bát (Phần 2)

 

Trần Đình Tâm
tamtran1561@yahoo.com

 

9. Áp-ra-ham có giữ ngày Sa-bát không?

Hệ phái CĐPL cho rằng Áp-ra-ham kể cả những tổ phụ như Y-sác, Gia-cốp … đã giữ ngày Sa-bát. Căn cứ vào Sáng Thế Ký 26:5: Vì Áp-ra-ham đã vâng lời Ta và đã giữ điều Ta phán dạy, lnh, luật(commandment) của ta.”, họ lý luận rằng mặc dù câu Kinh Thánh không nói về ngày Sa-bát, nhưng “luật” (commandment) phải bao gồm luật ngày Sa-bát, vì 10 Điều Răn tương đương Ten Commandments trong tiếng Anh.

Tuy nhiên, điều sai lầm ở chỗ người ta gán cho từ ngữ “điều răn” hay “luật lệ” phải chỉ về 10 Điều Răn. Thật ra, từ ngữ “commandment” có nghĩa là “điều răn”, “điều lệ”, “luật lệ”, “giới răn”, “mệnh lệnh” v.v... một cách tổng quát, chứ không nhất thiết phải là 10 Điều Răn, trừ khi Kinh Thánh nói rõ đó là “Mười Điều Răn” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:13), hay “hai bảng chứng bằng đá” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18), hay “hai bảng đá” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:9,10,11) thì lúc đó chúng ta mới khẳng định đó là 10 Điều Răn.

Hãy khảo sát Sáng Thế Ký 45:21: Các con trai của Y-sơ-ra-ên làm y như lời; Giô-sép vâng mệnh lệnh (commandment) của Pha-ra-ôn, đưa những xe cộ cho anh em mình và lương thực dùng trong lúc đi đường. Câu nầy cho thấy từ ngữ “mệnh lệnh” (commandment) đã được dùng nhưng rõ ràng không có nghĩa là “điều răn của Chúa” mà chỉ là mệnh lệnh của Pha-ra-ôn.

Chúng ta biết rõ luật về ngày Sa-bát chỉ được thiết lập khi dân Do Thái ra khỏi Ai-cập. Câu Sáng Thế Ký 26:5 cho biết Áp-ra-ham vâng theo “lệnh”, “luật” v.v... đơn giản là những gì Chúa đã truyền dạy cho ông từ trước chứ không phải ngày Sa-bát, ví dụ như ông đã vâng lời Chúa kêu ông ra khỏi quê hương của ông, về việc làm cắt bì cho các con, về việc ông dâng Y-sác làm tế lễ v.v...

Câu Kinh Thánh sau đây chứng minh rõ ràng Luật Pháp nói chung, hay 10 Điều Răn trong đó có Điều ăn Thứ Tư KHÔNG HỀ được ban cho loài người từ khi có A-đam cho đến khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập: “Vậy, Môi-se gọi cả Y-sơ-ra-ên mà nói rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe những luật lệ và mạng lịnh mà ngày nay ta rao truyền nơi lỗ tai các ngươi; các ngươi phải học tập và cẩn thận làm theo những điều đó. Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta có lập giao ước cùng chúng ta tại Hô-rếp. Chẳng phải cùng tổ phụ chúng ta mà Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nầy đâu, nhưng cùng hết thảy chúng ta hiện ngày nay còn sống đây.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:1-3)

Quá rõ ràng, từ khi dân sự của Chúa ra khỏi Ai-cập trở ngược thời gian cho đến A-đam, không có mệnh lệnh nào cho con người phải giữ ngày Sa-bát. Điều nầy mâu thuẫn với sự giảng dạy của Hệ Phái CĐPL.

10. Hội Thánh ngày nay phải giữ ngày Sa-bát vì ngày Sa-bát là một “dấu” đời đời giữa Chúa và con người?

Hệ phái CĐPL viện dẫn Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13-17: Chúa phán với Môi-se: “Phần ngươi, hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nhất là các ngươi hãy giữ ngày Sa-bát ta, vì là một dấu (sign) giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh. Vậy, hãy giữ ngày sa-bát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời.  … Ấy là một dấu (sign) đời đời giữa Ta và dân Y-sơ-ra-ên”. Những người giữ ngày Sa-bát căn cứ vào câu trên để kết luận việc giữ ngày Sa-bát rất quan trọng cho tất cả con cái Chúa khắp mọi thời đại, vì là mệnh lệnh của Chúa, được kể là một “dấu” hay “giao ước” giữa Chúa và con người và có giá trị đời đời.

Hãy đọc cẩn thận mệnh lệnh của Chúa trong các câu trên, sẽ nhận thấy mệnh lệnh về giữ ngày Sa-bát là dành cho dân Y-sơ-ra-ên (Do Thái):

+ Câu 13: “Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng …”

+ Câu 16: “Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời.”

+ Câu 17: “Ấy là một dấu (sign) đời đời giữa Tadân Y-sơ-ra-ên.”

Nếu thật sự Đức Chúa Trời muốn con cái Chúa ngày nay giữ ngày Sa-bát, thì chắc chắn điều nầy phải được nhắc đến nhiều lần trong các thư tín trong Tân Ước vì tầm mức quan trọng của sự giữ ngày Sa-bát. Nhưng chúng ta biết Tân Ước tuyệt đối không có chỗ nào phán dạy ngày Sa-bát là một “dấu” hay “giao ước” giữa Chúa và Hội Thánh của Ngài.

Ngoài ra, bên cạnh việc giữ ngày Sa-bát, Đức Chúa Trời còn truyền dạy cho dân Y-sơ-ra-ên 2 mệnh lệnh khác cũng có giá trị đời đời, buộc dân Y-sơ-ra-ên áp dụng trải qua mọi thế hệ:

1. Phép cắt bì: Sáng Thế Ký 17:9-11: “Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu của sự giao ước (sign of the covenant) giữa ta cùng các ngươi.”

2. Lễ Vượt Qua: Xuất Ê-díp Tô Ký 12:14: “Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ niệm; trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Đức Giê-hô-va, tức là một lễ lập ra đời đời … Vậy, các ngươi hãy giữ lễ bánh không men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô; nên chi, trải các đời phải giữ ngày đó như một lễ lập ra đời đời.”

Những tín đồ và các lãnh đạo CĐPL tự cho mình là những người Y-sơ-ra-ên thuộc linh, tự hào đã giữ ngày Sa-bát. Nhưng xin thử hỏi họ: Tại sao họ không thực hành giữ lễ Vượt Qua? Tại sao họ không thực hành làm cắt bì?  Vốn cũng là 2 mệnh lệnh được Chúa truyền dạy phải vâng giữ đời đời?

Tương tự như mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát, mệnh lệnh về phép cắt bì và giữ Lễ Vượt Qua được Chúa chỉ định cho dân Y-sơ-ra-ên chứ không phải Hội Thánh ngày nay, đó là lý do tại sao tất cả 3 mệnh lệnh đó không hề được tìm thấy trong Tân Ước.

11. Luật giữ ngày Sa-bát có ý nghĩa gì?

10 Điều Răn trong đó có Điều Răn Thứ Tư được dẫn giải trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9-11 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:13-15. Mỗi phần Kinh Thánh trình bày một khía cạnh khác nhau, chúng ta cần phối hợp cả 2 phần Kinh Thánh với nhau để học được đầy đủ ý nghĩa của ngày Sa-bát.

1. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9-11: “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.”

2. Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:13-15: “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: chớ làm một công việc nào hết, hoặc ngươi, con trai con gái, tôi trai tớ gái của ngươi, hoặc bò, lừa, hoặc một trong các súc vật của ngươi, hay là khách ở trong nhà ngươi, hầu cho tôi trai và tớ gái ngươi cũng được nghỉ như ngươi. Khá nhớ rằng ngươi đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thẳng ra đem ngươi ra khỏi đó; BỞI CỚ ẤY cho nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ.”

Phần in chữ đậm trong 2 phần Kinh Thánh trên cho thấy ngày Sa-bát gồm 2 ý nghĩa sau:

1. Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời đã hoàn tất việc sáng tạo trong 6 ngày, mọi công trình sáng tạo thật rất tốt đẹp và hoàn hảo trong 6 ngày và hoàn toàn chấm dứt, sau đó Chúa không cần phải sáng tạo thêm bất cứ điều gì nữa. Và Chúa đặt ngày Thứ bảy là ngày “nghỉ” của Ngài. Xin chú ý là Chúa không hề nói đến ngày “Sa-bát” nào trong ngày Thứ Bảy nầy, và Chúa cũng không ban mệnh lệnh nào cho loài người phải nghỉ ngày Thứ Bảy. Đến khi dân Do Thái ra khỏi Ai-cập vào đồng vắng, Chúa mới thiết lập ngày Sa-bát cho dân sự dựa trên nền tảng Chúa sáng tạo mọi vật trong 6 ngày và nghỉ ngày Thứ Bảy. Ngài muốn dân sự nhớ lại cuộc sáng tạo và lấy đó làm mẩu mực.

2. Phần Kinh Thánh trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký ít được mọi người chú ý đến và những người chủ trương giữ ngày Sa-bát càng tránh né dẫn chứng câu nầy. Vì câu nầy chứng minh rõ ràng mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát được ban cho dân Y-sơ-ra-ên (tất nhiên bao gồm một thiểu số người ngoại bang gia nhập cộng đồng dân Y-sơ-ra-ên vào thời đó) chứ không ban cho bất cứ một dân tộc nào khác và cũng không ban cho Hội Thánh ngày nay. Trải qua suốt 400 năm làm nô lệ cho dân Ai-cập, dân Do Thái lao động cực nhọc và không hề có ngày nào nghỉ ngơi. Bây giờ Chúa ban cho họ ngày Sa-bát để nghỉ ngơi, ngày chọn ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát. Điều nầy một lần nữa chứng minh cho lẽ thật nầy: Luật nghỉ ngày Sa-bát không hề được Chúa thiết lập cho loài người ngay sau 6 ngày sáng tạo, vì đơn giản là lúc ấy chưa có chuyện dân Do Thái nô lệ tại Ai-cập!!

Nên nhớ: Chúa chọn ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát cho dân Do Thái, chứ không phải chọn ngày Sa-bát làm ngày Thứ Bảy, vì ngày Thứ Bảy có trước ngày Sa-bát.

Đến đây, chúng ta hiểu được lời phán của Chúa Jesus về ngày Sa-bát: “Vì loài người mà lập nên ngày Sa-bát chứ không phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” (Mác 2:27)

Ê-xê-chi-ên 20:10-12 cũng là phân đoạn xác định rõ Đức Chúa Chúa lập ngày Sa-bát như là một dấu (sign) giữa Ngài và dân Y-sơ-ra-ên: “Vậy ta đã làm cho chúng nó ra khỏi đất Ê-díp-tô, và đem chúng nó đến nơi đồng vắng. Ta ban cho chúng nó luật lệ ta, và làm cho chúng nó biết mạng lịnh ta, là điều nếu người ta làm theo thì được sống bởi nó. Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát ta làm một dấu GIỮA Tachúng nó, đặng chúng nó biết rằng ta là Đức Giê-hô-va biệt chúng nó ra thánh.”

12. Ngày Sa-bát được Chúa chỉ định cho người Do Thái và người ngoại bang trong Điều Răn Thứ Tư?

Hệ phái CĐPL căn cứ vào cụm từ “khách ngoại bang” trong Điều Răn Thứ Tư để kết luận luật giữ ngày Sa-bát được ban cho dân Y-sơ-ra-ên và dân ngoại bang, có nghĩa là cũng áp dụng cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới.

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9: “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết.”

Từ ngữ “khách ngoại bang” trong Điều Răn Thứ Tư có thể khiến chúng ta nghĩ rằng ngày Sa-bát không những dành cho dân Y-sơ-ra-ên nhưng cũng được chỉ định cho người ngoại bang. Tuy nhiên “khách ngoại bang” (foreigner residing, or the sojourner who is within your gates) chỉ về những người ngoại bang (không phải Do Thái) gia nhập vào cộng đồng người Do Thái, họ hòa nhập vào xã hội Do Thái, họ là những người ngoại bang mang quốc tịch Do Thái, do đó họ cũng phải tuân theo luật pháp Chúa ban cho dân Do Thái. Ê-xê-chi-ên 47:22 giải thích rõ: “Các ngươi khá bắt thăm mà chia cho các ngươi (dân Y-sơ-ra-ên) và cho những người ngoại trú ngụ giữa các ngươi và sanh con cái giữa các ngươi. Các ngươi sẽ coi chúng nó như là kẻ bổn tộc(native-born) giữa con cái Y-sơ-ra-ên. Chúng nó sẽ được sản nghiệp với các ngươi ở giữa chi phái Y-sơ-ra-ên.”

Luật về cắt bì cũng vậy, những người ngoại bang sống chung với người Do Thái cũng phải chịu cắt bì: Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.” (Sáng Thế Ký 17:12)

Luật giữ Lễ Vượt Qua cũng được áp dụng cho khách ngoại bang như trên: “Cũng đồng một luật cho người sanh trong xứ cùng khách ngoại bang nào đến kiều ngụ giữa các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô-Ký 12:49)

Như vậy, ngày Sa-bát được chỉ định cho dân Do Thái và những người ngoại bang mang quốc tịch Do Thái, chứ không được chỉ định cho những dân tộc hay quốc gia đứng độc lập khác.

Xin nêu bằng chứng trong Rô-ma 2:14, Phao-lô gián tiếp cho thấy sự khác biệt giữa người Y-sơ-ra-ên và các dân tộc khác trên thế giới: “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp …”. Phao-lô đã mặc nhiên công nhận Đức Chúa Trời không hề ban luật pháp cho dân ngoại bang, trong đó có luật ngày Sa-bát.

13. Ê-sai 56:1-6 cho thấy các dân tộc khác cũng giữ ngày Sa-bát?

Ê-sai 56:1-6: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy giữ điều chánh trực, và làm sự công bình; vì sự cứu rỗi của ta gần đến, sự công bình của ta sắp được bày tỏ. Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sa-bát đặng đừng làm ô uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào! Người dân ngoại liên hiệp cùng Đức Giê-hô-va chớ nên nói rằng: Đức Giê-hô-va chắc sẽ biệt ta ra khỏi dân Ngài. Kẻ hoạn cũng chớ nên nói rằng: Nầy, ta là cây khô. Vì Đức Giê-hô-va phán như vầy: Những kẻ hoạn hay giữ các ngày Sa-bát ta, lựa điều đẹp lòng ta, giữ vững lời giao ước ta, thì ta sẽ ban cho họ tại trong nhà tatrong tường ta một chỗ, và một danh tốt hơn danh của con trai con gái; ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi. Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô uế, và giữ vững lời giao ước ta.”

Phân đoạn Kinh Thánh trên có những cụm từ như sau: “Người dân ngoại liên hiệp cùng Đức Giê-hô-va”“Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va”  khiến chúng ta cho rằng ngày Sa-bát cũng được chỉ dịnh cho các dân tộc ngoại bang.

Tuy nhiên, cũng tương tự như câu hỏi số 11 đã giải thích bên trên, nếu chúng ta đọc cẩn thận nội dung của phân đoạn, sẽ nhận thấy những dân tộc ngoại bang nầy gia nhập vào cộng đồng Do Thái, do đó họ đương nhiên ở dưới Luật Pháp Môi-se. Ngày nay chúng ta gọi họ là những người ngoại bang theo Do Thái Giáo. Bằng chứng là các cụm từ “cầm vững lời giao ước ta” được lặp lại 2 lần; ngoài ra, những người ngoại bang còn được Chúa hứa ban cho một chỗ trong “nhà” (house) của Chúa và trong “tường” (wall) của Chúa, “nhà” và “tường” chỉ về Đền Thờ. Như vậy, rõ ràng những người ngoại bang nầy gia nhập vào xã hội Do Thái, họ không còn là những dân tộc độc lập, nhưng họ tuân theo Luật Pháp Cựu Ước như dân Do Thái, họ vâng giữ Giao Ước như chính người Do Thái vâng giữ.

14. “Ngày thứ nhất trong tuần lễ” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 là ngày Sa-bát?

Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 kể sự kiện Phao-lô nhóm lại với các môn đồ vào ngày thứ nhất trong tuần để dự tiệc thánh: Ngày thứ nhất trong tuần lễ (the first day of the week), chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nửa đêm.”

Kinh Thánh ghi rõ Hội Thánh nhóm lại với Phao-lô vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, tức là ngày Chủ Nhật. Thế mà một số tín đồ hệ phái CĐPL vẫn ngoan cố không công nhận đó là ngày Chủ Nhật, nhưng là ngày Sa-bát!! Họ lý luận như sau: “Ngày giờ của người Do Thái bắt đầu lúc mặt trời lặn. Ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật) bắt đầu vào chiều tối Thứ Bảy lúc mặt trời lặn, Phao-lô và Hội Thánh nhóm lại đến nửa đêm, điều nầy có nghĩa là Hội Thánh đã nhóm lại trước khi mặt trời lặn, tức là đã nhóm lại vào ngày Sa-bát rồi mới kéo dài qua ngày Chủ Nhật.”

Chúng ta rất khó có thể chấp nhận lối giải thích nhập nhằng, không có cơ sở như thế. Vì rõ ràng Kinh Thánh đã nghi Phao-lô và các môn đồ nhóm lại vào ngày Thứ Nhất (ngày Chủ Nhật), tức là họ đã nhóm lại bất cứ lúc nào đó sau khi ngày Sa-bát đã chấm dứt, và đã bước qua ngày Chủ Nhật. Lúc mặt trời lặn là 6 giờ chiều, ngày Sa-bát (Thứ Bảy) đã chấm dứt lúc 6 giờ chiều; sau 6 giờ chiều là bước qua ngày Chủ Nhật. Như Vậy, Hội Thánh nhóm lại vào lúc nào đó sau 6 giờ chiều ngày Thứ Bảy, tức là đã qua ngày Chủ Nhật rồi (giờ Do Thái). Phao-lô giảng đến nửa đêm, cho dù lúc đó đã nửa đêm, thì không còn trong ngày Thứ Bảy nữa nhưng đã qua ngày Chủ Nhật (giờ Do Thái). Những người theo CĐPL đã giải thích Kinh Thánh theo ý muốn của mình.

15. Có phải sự vâng giữ Ngày Sa-bát vẫn tiếp tục trong thời đại nạn?

Chúa Jesus nói tiên tri về thời kỳ đại nạn như sau: “Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát; vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.” (Ma-thi-ơ 24:20,21).

Trong chương 24 của sách Ma-thi-ơ, Chúa Jesus nói tiên tri về thời kỳ đại nạn trong ngày sau cùng (Thời kỳ đại nạn nầy kéo dài 7 năm, được mô tả trong sách Khải Huyền từ chương 6 đến chương 19). Trong câu 20, Chúa Jesus có nhắc đến ngày Sa-bát. Những người lãnh đạo và tín hữu hệ phái CĐPL đã căn cứ vào câu 20 để khẳng định việc tuân giữ ngày Sa-bát vẫn kéo dài cho đến thời kỳ sau cùng, trong thời kỳ đại nạn, thật sai lầm nếu chúng ta loại bỏ ngày Sa-bát (!)

Chúng ta cần phải biết lẽ thật quan trọng trong thời kỳ đại nạn sau đây: Tất cả con cái chân thật của Chúa, là những người tin nhận Chúa Jesus sẽ được Chúa tiếp rước ra khỏi thế giới nầy trước cơn đại nạn (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; Giăng 14:1-3; I Cô-rinh-tô 15:50-54; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9; Lu-ca 21:36); dân Do Thái và những người chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa sẽ bị ở lại để chịu cơn đại nạn. Như vậy, Ma-thi-ơ 24:20,21 Chúa Jesus nói tiên tri về dân Do Thái trong cơn đại nạn (đọc thêm các câu Kinh Thánh nói về dân Do Thái trong thời đại nạn: Giê-rê-mi 30:7; Ê-xê-chi-ên 22:20-22; Xa-cha-ri 13:8,9; A-mốt 5:18-20; Lu-ca 21:23 v.v…) Luật giữ ngày Sa-bát là luật dành riêng cho dân Do Thái, do đó thật dễ hiểu khi ngày Sa-bát được Chúa Jesus nhắc đến trong thời đại nạn: Dân Do Thái sẽ ở lại trên đất trong 7 năm đại nạn. Hội Thánh của Chúa sẽ không có mặt trong thời kỳ nầy! Ngày Sa-bát nầy không liên quan gì đến Hội Thánh chân thật của Chúa.

 

[Xin đọc “Giải đáp các câu hỏi về ngày Sa-bát - Phần 3]