Hội Thánh đầu tiên giữ ngày Sa-bát hay Chủ Nhật?

Trần Đình Tâm

 

Giữ ngày Sa-bát (Thứ Bảy) làm ngày nghỉ và thờ phượng Chúa là điều răn thứ 4 trong 10 điều răn Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên như là giao ước giữa Ngài với họ. Có hệ phái Tin Lành hay một số nhà thần học quả quyết rằng con cái Chúa ngày nay vẫn phải tiếp tục tuân giữ 10 điều răn, trong đó có điều răn thứ tư. Ngược lại, nhiều hệ phái Tin Lành khác tin rằng Hội Thánh ngày nay dù vẫn tiếp tục giữ 10 Điều Răn nhưng không bị buộc phải giữ ngày Thứ Bảy, họ chọn ngày Chủ Nhật làm ngày nghỉ để thờ phượng Chúa.

Trong bài khảo luận nầy, chúng ta hãy tìm hiểu Hội Thánh đầu tiên đối với ngày Thứ Bảy và ngày Chủ Nhật như thế nào. Đó cũng là một cách giúp chúng ta biết rõ ý muốn của Chúa cho vấn đề gây nhiều tranh cãi nầy. Hơn nữa, chúng ta biết rằng sự sinh hoạt thờ phượng Chúa của Hội Thánh đầu tiên được ký thuật trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chắc chắn không mâu thuẫn nhưng hòa hợp với sự dạy dỗ của cả Tân Ước.

[Phạm vi của bài viết nầy chỉ giới hạn trong sách Công Vụ Các Sứ đồ với Hội Thánh đầu tiên. Sẽ bổ sung vào chủ đề nầy ở các bài viết khác]

Nghiên cứu cẩn thận toàn bộ sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta nghi nhận những bài học sau đây:

1. Tất cả mọi ngày trong tuần đều ngang nhau.

    Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui
   vẻ thật thà.”
(2:46)

Ngày nào cũng vậy (day by day, every day, daily), sau ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh nhóm lại mỗi ngày,không có sự phân biệt, không có sự xem trọng ngày Thứ Bảy hơn những ngày khác trong tuần.

Xin chú ý văn mạch của câu trên: Hội Thánh đầu tiên nhóm lại theo sự truyền dạy của các Sứ Đồ (lúc ấy chưa hoàn tất Kinh Thánh Tân Ước), câu trước đó cho biết: “những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” (2:42). Các Sứ Đồ là những người có thẩm quyền (do Chúa Jesus ban cho) trong giai đoạn Hội Thánh mới hình thành để truyền đạt Lời Chúa cho người khác. Nếu các Sứ Đồ truyền dạy phải giữ ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát vì tầm quan trọng của ngày Sa-bát, chắc chắc sự kiện Hội Thánh nhóm thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy đã phải được nêu lên. Nhưng chúng ta không thấy điều ấy xãy ra, thay vào đó, Kinh Thánh chép tín đồ thờ phượng Chúa mỗi ngày.

Trong Giao Ước Mới, mọi ngày đều như nhau, chúng ta có thể nhóm họp chung để thờ phượng Chúa bất cứ ngày nào trong tuần, từ Chủ Nhật đến Thứ Bảy. Sự xem một ngày nào đó trong tuần quan trọng hơn ngày khác và thiết lập một luật lệ bắt buộc cho một ngày đó để thờ phượng Chúa, đó không phải là sự dạy dỗ trong Giao Ước mới. Rô-ma 14:5,6 chép: “Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.”

2. Ngày Lễ Ngũ Tuần là ngày Chủ Nhật.

Nhiều Cơ-cốc nhân ngày nay không để ý rằng, ngày Lễ Ngũ Tuần trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 2 mà các môn đồ nhóm lại để nhận Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, đánh dấu cho ngày khai sinh Hội Thánh đầu tiên, là ngày Chủ Nhật. (Làm sao biết chắc Lễ Ngũ Tuần là ngày Chủ Nhật? Xin đọc bài viết “Cách tính ngày Lễ Ngũ Tuần” của cùng tác giả)

Lễ Ngũ Tuần được nhắc đến 2 lần trong Công Vụ Các Sứ Đồ: Trong 2:1, các môn đồ nhóm lại trong ngày Lễ Ngũ Tuần; trong 20:16, Phao-lô trong chuyến truyền giáo thứ ba, đã cố gắng đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Ngũ Tuần: “Người (Phao-lô) vội đi đặng có thể đến thành Giê-ru-sa-lem kịp ngày lễ Ngũ Tuần.”

Như vậy, Hội Thánh đầu tiên có nhóm lại vào ngày Chủ Nhật.

Ngày nay, mỗi lần Hội Thánh nhóm lại để kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm thành lập Hội Thánh, tức là phải nhóm vào ngày Lễ Ngũ Tuần, điều nầy đồng nghĩa với Hội Thánh nhóm lại vào ngày Chủ Nhật. Chúng ta đừng quên rằng tất cả các ngày Lễ Ngũ Tuần đều rơi vào ngày Chủ Nhật.

Tất cả những người giữ ngày Sa-bát (Thứ bảy) đều không chấp nhận sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật, như thế, những người giữ ngày Sa-bát sẽ không bao giờ nhóm họp đúng vào ngày Hội Thánh thành lập, là ngày Lễ Ngũ Tuần.

3. Hội Nghị tại Giê-ru-sa-lem.

Công Vụ Các Sứ Đồ chương 15 ghi lại sự kiện Hội Thánh tổ chức một buổi họp quan trọng tại thành Giê-ru-sa-lem để giải quyết sự xung đột quan điểm giữa những người Do Thái tin Chúa (Jew Christians) và người ngoại bang tin Chúa (Gentile Christians).

Người Do Thái tin Chúa buộc người ngoại bang tin Chúa phải chịu cắt bì thì mới được cứu:

    “Vả, có mấy người từ xứ Giu-đê đến, dạy các anh em rằng: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-
   se, thì không thể được cứu rỗi.”
(15:1).

Một số người Pha-ri-si tin Chúa đưa ra 2 yêu cầu:

    “Nhưng có mấy kẻ về đảng Pha-ri-si đã tin đạo, đứng dậy nói rằng phải làm phép cắt bì cho những người
   ngoại, (and) truyền họ phải tuân theo luật pháp Môi-se.”
(15:5)

Riêng về phần người Pha-ri-si tin Chúa, họ nêu ra 2 yêu cầu đối với người ngoại bang tin Chúa (vì cách nhau bởi từ “và” [and], phù hợp với các bản dịch Anh Ngữ NIV, KJV, NASB, ESV …)

     1/ Người ngoại bang tin Chúa phải chịu cắt bì (15:5a)

     2/ Người ngoại bang tin Chúa phải tuân giữ luật pháp Môi-se (15:5b)

Người Do Thái tin Chúa yêu cầu người ngoại bang tin Chúa phải giữ Luật Pháp Môi-se vì người Do Thái tuân giữ nghiêm nhặt Luật Pháp Môi-se (Do Thái Giáo), vì họ đã được nghe và được dạy vâng theo Luật Pháp hằng tuần vào ngày Sa-bát tại các Nhà Hội: “Vì trải bao nhiêu đời nay, trong mỗi thành vẫn có người giảng luật pháp Môi-se, bởi mọi ngày Sa-bát, trong các nhà hội người ta có đọc luật ấy.” (15:21)

Do đó, có cuộc họp thảo luận giữa các Sứ đồ, các trưởng lão để giải quyết vấn đề nêu trên. Sau cuộc bàn luận khá lâu, Phi-e-rơ nêu “Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi?” (câu 10). Kế đến, Gia-cơ nói: “Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời; song khá viết thơ dặn họ kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thị thú vật chết ngột và huyết.” (câu 19)

Cả Phi-e-rơ lẫn Gia-cơ đều không chấp nhận quan điểm gán cho người ngoại bang tin Chúa phải chịu dưới cái ách của Luật Pháp.

Một câu hỏi quan trọng cần được giải quyết: Tại sao giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem không nêu lên vấn đề Hội Thánh có cần phải giữ ngày Sa-bát theo luật pháp?

Chúng ta nhận thấy vấn đề giữ ngày Thứ Bảy đã không được nêu ra để thảo luận trong Hội Nghị Giê-ru-sa-lem. Nếu việc tuân giữ ngày Sa-bát là quan trọng trong Giao Ước mới đối với người ngoại bang tin Chúa (chúng ta ngày nay thuộc về nhóm nầy), chắc chắc vấn đề nầy đã được đem ra thỏa luận trong Hội Nghị.

Ngày hôm nay, những người theo quan điểm giữ ngày Sa-bát, hay Hệ Phái giữ ngày Sa-bát (Sabbatarian) lý luận rằng sỡ dĩ Hội Nghị Giê-ru-sa-lem không đề cập gì đến việc giữ ngày Sa-bát là vì trước đó Hội Thánh đương nhiên đang giữ ngày Sa-bát rồi, điều nầy không phải thay đổi nên không cần phải nêu ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét cẩn thận bối cảnh của Hội Thánh và mục đích của Hội nghị tại Giê-ra-sa-lem, chúng ta sẽ không thể chấp nhận cách suy luận như thế. Như đã nên trên, Hội Nghị Giê-ra-sa-lem họp lại để giải quyết 2 vấn đề: 1/ Người ngoại bang tin Chúa có phải làm phép cắt bì không? và 2/ Họ có phải tuân theo Luật Pháp Môi-se không? Thật rõ ràng! Người ngoại bang trước khi tin Chúa, họ không phải là nười Do Thái, họ cũng không theo Do Thái Giáo, họ không biết gì về Luật Pháp Môi-se, cũng không biết gì về 10 Điều Răn hay ngày Sa-bát, nên đương nhiên họ không giữ ngày Sa-bát. Do đó, kết luận của Hội Nghị Giê-ru-sa-lem không đề cập gì đến giữ ngày Sa-bát đã cho chúng ta thấy rõ rằng việc giữ ngày Sa-bát đã không còn bị bắt buộc dưới Giao Ước Mới, Hội Thánh đầu tiên không cần phải giữ Điều Răn Thứ 4.

Phần kết luận của Hội Nghị trong câu 18 và 29: “ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an.”

Dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, Hội Nghị đi đến quyết định không gán một gánh nặng nào khác cho những người ngoại bang tin Chúa ngoài những vấn đề được nêu trên. Đó là ý muốn của Đức Thánh Linh. Sự tuân giữ ngày Sa-bát không nằm trong mệnh lệnh của Đức Thánh Linh, là Đấng thành lập Hội Thánh.

Căn cứ trên Công Vụ Các Sứ Đồ 21:25, quyết định của Hội Nghị Giê-ru-sa-lem đã được đem áp dụng rộng rãi cho những người ngoại bang tin Chúa Jesus sau đó, họ vốn là những người không biết đến 10 Điều Răn hay việc giữ ngày Sa-bát: “Còn người ngoại đã tin, chúng tôi có viết thơ cho họ về điều chúng tôi đã định: là chỉ phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết và thú vật chết ngột, cùng chớ gian dâm.” Chúng ta thấy rõ, những người ngoại tin Chúa Hội Thánh, được khuyên bảo tuân theo các điều khoản của Hội Nghị, trong đó không đề cập đến ngày Sa-bát. Nếu 10 Điều Răn là mệnh lệnh Đức Thánh Linh truyền phải giữ, hoặc nếu Điều Răn thứ 4 là mệnh lệnh Đức Thánh Linh truyền phải giữ, chắc chắn sẽ được nêu lên trong phần kết luận của Hội Nghị.

4. Phao-lô và ngày Sa-bát.

Nhiều người theo quan điểm tuân giữ ngày Sa-bát cho rằng Phao-lô là người tuân giữ nghiêm nhặt ngày Sa-bát.

Ngày Sa-bát (Thứ Bảy) được đề cập đến khá nhiều lần trong sách Công Vụ Các sứ đồ. Tất cả những trường hợp nói đến ngày Sa-bát, đều có liên quan đến công tác truyền giảng Tin Lành của Phao-lô.

Có 3 điều chúng ta cần ghi nhớ khi đọc đến những phần Kinh Thánh nói đến ngày Sa-bát:

1/ Người Do Thái (Giu-đa) luôn tuân giữ ngày Sa-bát.

2/ Những nơi có cộng đồng người Do Thái sinh sống ở bất cứ quốc gia nào, người Do Thái xây dựng nhà hội (synagogue) làm
  nơi hội họp và sinh hoạt tôn giáo.

3/ Người Do Thái nhóm họp tại nhà hội vào ngày Sa-bát để sinh hoạt tôn giáo: Nghe đọc sách Luật Pháp.

Như vậy, cơ hội tốt nhất để Phao-lô rao giảng về Tin Lành của Chúa Jesus cho người Do Thái là đến tại nhà hội vào ngày Sa-bát. Mục đích của Phao-lô và các Sứ đồ đến các nhà hội trong ngày Sa-bát là để tiếp xúc với người Do Thái và rao giảng Tin Lành cho họ, chứ không phải để giữ điều răn Thứ Tư như những người tuân giữ ngày Sa-bát đã gán cho.

Chúng ta hãy khảo sát một số trường hợp sau:

a) Phao-lô và Ba-na-ba tại thành An-ti-ốt:

Phao-lô và Ba-na-ba đến nhà hội vào ngày sa-bát: “Về phần hai người, thì lìa thành Bẹt-giê, cứ đi đường đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi; rồi nhằm ngày Sa-bát, vào trong nhà hội mà ngồi.” (13:14). Chúng ta thấy Phao-lô đã nắm bắt cơ hội rao giảng Phúc Âm như thế nào trong các câu kế tiếp: “Vừa đọc sách luật và sách các tiên tri xong, các chủ nhà hội sai sứ nói cùng hai người rằng: Hỡi anh em, nếu có mấy lời khuyên bảo dân chúng, hãy giảng đi. Phao-lô bèn đứng dậy, lấy tay làm hiệu, rồi nói rằng: Hỡi người Y-sơ-ra-ên và các người kính sợ Đức Chúa Trời, hãy nghe: …” (13:15,6)

“Khi hai người bước ra, chúng xin đến ngày Sa-bát sau cũng giảng luận các lời đó. Ngày Sa-bát sau, gần hết cả thành đều nhóm lại để nghe đạo Chúa.” (13:42,44). Những người nhóm lại vào ngày Sa-bát để nghe Tin Lành nên lúc đó họ không phải là những người đã tin Chúa.

b) Phao-lô và Ti-mô-thê tại thành Phi-líp:

“Đến ngày Sa-bát, chúng ta ra ngoài cửa thành, đến gần bên sông, là nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu nguyện; chúng ta ngồi xong, giảng cho những đàn bà đã nhóm lại.” (16:13). Có thể tại Phi-líp, chưa xây dựng nhà hội nên người ta nhóm lại ngoài cửa thành, bên bờ sông. Chúng ta cần đọc 16:10 là văn mạch đi trước câu 13 để thấy rằng Phao-lô đến thành Phi-líp là để giảng Tin Lành cho những người chưa tin Chúa: “Phao-lô vừa thấy sự hiện thấy đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Ma-xê-đoan (thành Phi-líp thuộc xứ ma-xê-đoan), vì đã định rằng Đức Chúa Trời gọi chúng ta rao truyền Tin Lành ở đó” (16:10). Những người nhóm lại gần bên sông vào ngày Sa-bát là những người chưa tiếp nhận Tin Lành, vì họ đến để nghe Tin Lành, họ không phải là Hội Thánh.

c) Phao-lô tại thành Tê-sa-lô-ni-ca:

“Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát biện luận với họ.” (17:2). Phao-lô thường xuyên đến nhà hội vào ngày Sa-bát không phải để giữ ngày Sa-bát nhưng để giảng Tin Lành, chúng ta thấy bằng chứng trong câu tiếp theo, Phao-lô “Lấy Kinh Thánh cắt nghĩa và giải tỏ tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại.” (17:3)

d) Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô:

“Hễ đến ngày Sa-bát, thì Phao-lô giảng luận trong nhà hội, khuyên dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc.” (18:4). Tương tự như các trường hợp trên, Phao-lô đến nhà hội vào ngày Sa-bát để giảng Tin lành cho người Do Thái và người ngoại bang theo Do Thái giáo (người Gờ-réc) vì họ cũng nhóm tại nhà hội với người Do Thái.

Tóm lại, Phao-lô không giữ ngày Sa-bát sau khi tin nhận Chúa Jesus.

5. Hội Thánh nhóm thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật.

Một người với quan điểm giữ ngày Sa-bát đã nói như sau: “Người ta có thể tra xem Tân Ước một ngàn năm cũng chẳng tìm thấy một câu nào nói Đức Chúa Trời đã hủy bỏ một chấm hay một phết trong điều răn thứ tư”. Chúng ta có thể đáp lại nhận định đó như sau: “Người ta cũng có thể tra xem Tân Ước một ngàn năm cũng chẳng tìm thấy một câu nào Đức Chúa Trời truyền lệnh phải tiếp tục tuân giữ điều răn thứ tư.”

Thật ra, Hội Thánh đầu tiên đã có nhóm lại vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, là ngày Chủ Nhật:

     “Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh.” (20:7)

Chúng ta không biết rõ Hội Thánh đầu tiên có thường xuyên nhóm họp vào ngày Chủ Nhật hay không, nhưng điều chắc chắn là con cái Chúa đã có nhóm lại vào ngày Chủ Nhật, vì Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 ghi rõ như vậy. Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, Hội Thánh đầu tiên nhóm họp vào ngày Lễ Ngũ Tuần (tất cả các Lễ Ngũ Tuần hàng năm) tức là nhóm vào ngày Chủ Nhật vậy.

Thế nhưng, các con cái Chúa giữ ngày Sa-bát vẫn tìm mọi lý luận để chứng minh Hội Thánh đầu tiên không nhóm họp vào Chủ Nhật!

Cách lý giải thứ nhất, họ cho rằng đó là lần duy nhất Hội Thánh nhóm vào Chủ Nhật chứ không phải là thông lệ, dựa vào sự kiện Phao-lô phải ra đi ngày kế tiếp nên buộc phải nhóm ngày Chủ Nhật. Chương 20:7b,8 chép: “Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nửa đêm, có nhiều đèn trong phòng cao mà chúng ta đang nhóm lại.” Tuy nhiên, khi đọc kỹ văn mạch, chúng ta nhận thấy không phải vì Phao-lô phải ra đi vào ngày kế tiếp mà Hội Thánh buộc phải nhóm ngày Chủ Nhật. Vì Phao-lô phải ra đi ngày kế tiếp (Thứ Hai), ông không còn có cơ hội ở với họ nữa, nên Phao-lô lợi dụng cơ hội còn ở lại để nói chuyện với các môn đồ rất lâu cho đến đêm khuya.

Một cách lý giải khác, cho rằng Hội Thánh không thật sự nhóm lại vào ngày Chủ Nhật, họ cho rằng người ta đã sửa đổi Kinh Thánh trong các bản dịch tiếng Anh bằng cách thêm chữ “ngày” (day) vào 20:7, nên phải dịch là “nhằm vào đầu tuần” (the first of the week), chứ không phải “ngày thứ nhất trong tuần” (the first day of the week), tức là thêm chữ “day”. Cách lý luận nầy nhằm mục đích chứng minh Hội Thánh có thể đã không nhóm vào ngày Chủ Nhật, nhưng có thể là ngày Thứ Hai, hay Thứ Ba!

Cách lý giải trên thật vô lý và vô căn cứ, nếu chúng ta kiểm tra các bản Kinh Thánh Anh Ngữ như NIV, KJV, NRSV, NASB, HCSB, CSB, ESV, NLT, NCV, Amplified … tất cả đều ghi “first day of the week” tức là “ngày thứ nhất trong tuần”. Không lẽ nào tất cả các bản Anh Ngữ (dịch từ bản Hy-lạp) đều cố ý thêm vào chữ “day” vào câu 7.

Ngày 14 tháng 3, 2015