Hội Thánh ngày nay và ngày Sa-bát

Trần Đình Tâm
tamtran1561@yahoo.com

 

1. Tân Ước không truyền dạy con cái Chúa phải giữ Ngày Sa-bát.

Khi đọc toàn bộ Tân Ước, chúng ta ghi nhận những điểm đáng chú ý sau:

+ Chúa Jesus khi còn giảng dạy trên đất, Ngài không không hề phán dạy môn đồ của Ngài phải giữ Điều Răn Thứ Tư. Bài giảng trên núi của Chúa Jesus từ Ma-thi-ơ chương 5 đến 7 rất quan trọng, nhưng không một lời nào nói đến phải giữ ngày Sa-bát, các bài giảng dạy khác của Chúa Jesus cũng vậy.

+ Sau khi Chúa thăng thiên, các sứ đồ tiếp tục công tác truyền giảng và dạy dỗ môn đồ. Các sứ đồ không hề dạy phải giữ ngày Sa-bát (xin đọc bài viết “Hội Thánh đầu tiên và ngày Sa-bát”)

+ Nếu giữ ngày Sa-bát là một luật rất quan trọng như hệ phái CĐPL đã từng tuyên bố, thì điều luật nầy chắc hẳn phải được dạy trong các thư tín để tất cả người tin Chúa trong các thời đại về sau áp dụng. Nhưng trong các thư tín, không có một câu nào dạy con cái Chúa ngày nay phải giữ ngày Sa-bát.

Chúng ta biết luật giữ ngày Sa-bát là Điều Răn Thứ Tư trong 10 Điều Răn, và được kể là Luật Pháp của Chúa ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Vậy, tại sao Tân Ước không có mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát? Sau đây là lời giải đáp:

Dân Do Thái ở dưới Giao Ước cũ, là Giao Ước được lập bằng huyết của con sinh tế (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:4-8). Hội Thánh ngày nay ở dưới Giao Ước Mới, là Giao Ước được lập bởi huyết của Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 26:28).

Dân Do Thái ở dưới Giao Ước cũ, là Giao Ước về CHỮ. Hội Thánh ngày nay ở dưới Giao Ước mới, là Giao Ước về THÁNH LINH (II Cô-rinh-tô 3:6)

Dân Do Thái ở dưới Luật Pháp Cựu Ước, còn gọi là Luật Pháp của Môi-se; nhưng con cái Chúa ngày nay ở dưới Luật Pháp của Chúa Jesus (I Cô-rinh-tô 9:21 / Ga-la-ti 6:2). Phao-lô viết trong Ga-la-ti 5:18: “Nhưng, anh em nhờ Thánh Linh hướng dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.”

Dân Do Thái ở dưới Giao Ước Cũ, là Giao Ước chạm trên BẢNG ĐÁ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:9). Hội Thánh ngày nay ở dưới Giao Ước Mới, là Giao Ước khắc trên LÒNG (Giê-rê-mi 31:33 / II Cô-rinh-tô 3:3)

Hội Thánh ngày nay ở dưới Giao Ước Mới là Giao Ước TỐT HƠN Giao Ước Cũ (Hê-bơ-rơ 7:22)

Hội Thánh ngày nay chẳng những ở dưới Giao Ước TỐT HƠN, nhưng Giao Ước Mới còn được lập trên LỜI HỨA TỐT HƠN (Hê-bơ-rơ 6:6)

Hội Thánh ngày nay ở dưới Giao Ước Mới, đã kể đó là Giao Ước “MỚI”, thì Giao Ước “CŨ” sẽ không còn có hiệu lực nữa. Hê-bơ-rơ 8:13 chép: “Đã gọi là Giao Ước mới thì Ngài đã kể giao ước trước là ; điều gì lỗi thời, cũ kỹ chẳng bao lâu sẽ tiêu mất đi (what is obsolete and outdated will soon disappear).” [Theo Bản Kinh Thánh tiếng Anh NIV]

Chúa Jesus đến trần gian để lập một Giao Ước tốt hơn với những ai tin Ngài: “Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.” (Hê-bơ-rơ 8:6). Như vậy, khi chúng ta tin nhận Chúa Jesus, tức là chúng ta đã bước vào trong Giao Ước đó, sống trong Giao Ước đó, thế thì cớ sao con cái Chúa ngày nay lại quay trở lại Giao Ước Cũ để tự đặt mình vào cái ách mà chính dân Y-sơ-ra-ên khi xưa cũng không thể mang nổi! (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:10). Thật vậy, lịch sử chứng minh dân Y-sơ-ra-ên đã từng vi phạm luật ngày Sa-bát (Dân Số Ký 15:32 / Nê-hê-mi 13:15,18 / Ê-xê-chi-ên 20:13; 20:24; 22:8; 23:38).

2. Vài so sánh đơn giản giữa giáo huấn Cựu Ước và giáo huấn Tân Ước:

Sau đây là sự so sánh giữa Cựu Ước và Tân Ước dạy về nếp sống đạo. Quý vị hãy tự đánh giá xem giáo huấn thời nào tốt hơn.

1. Cựu Ước: “Hãy yêu người lân cận như mình” (Lê-vi Ký 19:18)

   Tân Ước: Ta (Chúa Jesus) ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã
                   yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.”
(Giăng 13:34); Hãy yêu kẻ thù
                   nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”
(Ma-thi-ơ 5:44)

2. Cựu Ước: “Chớ phạm tội tà dâm” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14)

   Tân Ước: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” (Ma-
                   thi-ơ 5:28)

3. Cựu Ước: Ngươi chớ giết người.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13)

    Tân Ước: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người.” (I giăng 3:15)

4. Cựu Ước: Mắt đền mắt, răng đền răng.” (Lê-vi Ký 24:20)

   Tân Ước: Đừng lấy ác trả ác cho ai.” (Rô-ma 12:17); “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót,
                   tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.”
(Ê-phê-sô 4:32)

5. Cựu Ước: “Các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước lập giữa Ta và các ngươi.” (Sáng Thế Ký 17:10)

   Tân Ước: “Nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng
                   liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật.”
(Rô-ma 2:29); “Anh em cũng chịu cắt bì
                   trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là
                 lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta.”
(Cô-lô-se 2:11)

6. Cựu Ước: “Hãy giữ ngày Sa-bát ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13)

   Tân Ước: Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc
                   ở trí mình.”
(Rô-ma 14:5); “Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ
                   2:46); “Chớ có ai đoán xét anh em về … ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát.”
                   (Cô-lô-se 2:16).

Sự so sánh giữa Cựu Ước và Tân Ước trên cùng một bài học cho thấy sự thực hành theo Tân Ước khó hơn Cựu Ước nhưng Tân Ước tốt hơn, cao đẹp hơn Cựu Ước. Cựu Ước nhấn mạnh đến hành động bên ngoài, nhưng Tân Ước nhấn mạnh đến tấm lòng bên trong. Trên đây chỉ nêu ra một số câu để so sánh mà thôi, ngoài ra Tân Ước còn chứa đựng rất nhiều những lẽ thật cao đẹp, mầu nhiệm mà không thể tìm thấy trong Cựu Ước. Một khi con cái Chúa đang sống dưới Giao Ước Mới tốt hơn, thì lẽ nào còn quay trở lại Giao Ước Cũ!

3. Hoàn cảnh của Hội Thánh tại xứ Ga-la-ti là bài học cho chúng ta ngày nay:

Những người tại Ga-la-ti trước khi tin Chúa Jesus là những người ngoại bang, do đó lẽ đương nhiên họ không giữ ngày Sa-bát. Khi Phao-lô đến Ga-la-ti giảng Tin Lành, người Ga-la-ti tiếp nhận Chúa Jesus, tất nhiên họ sống dưới Giao Ước Mới và không giữ Luật Pháp nào của Môi-se (họ cũng không giữ ngày Sa-bát). Tuy nhiên, sau khi Phao-lô rời họ ra đi, có một vài giáo sư Do Thái tin Chúa Jesus đến Hội Thánh Ga-la-ti, truyền dạy tín đồ phải giữ Luật Pháp Môi-se (10 Điều Răn, phép cắt bì …). Con cái Chúa tại Ga-la-ti liền chấp nhận lời dạy của những giáo sư nầy. Phao-lô biết được điều đó nên ông viết thư tín Ga-la-ti để cảnh cáo những giáo sư Do Thái cũng như cảnh cáo con cái Chúa Hội Thánh Ga-la-ti:

+ Cảnh cáo người giảng dạy: Những giáo sư Do Thái tin Chúa là những người đánh đổ Tin Lành của Chúa Jesus (1:7), họ làm rối trí (confusion, trouble ) con cái Chúa (1:7)

+ Cảnh cáo con cái Chúa: Nếu nghe theo sự giảng dạy sai lạc, làm theo Luật Pháp là đi theo Tin Lành khác, không phải là Tin Lành mà Phao-lô đã giảng cho họ (1:6).

Phao-lô giảng dạy: “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa. Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết. Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ bị buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp. Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.” (Ga-la-ti 5:1-4). Các giáo sư Do Thái chẳng những buộc các tín đồ Ga-la-ti phải chịu cắt bì mà còn buộc họ giữ Luật Pháp Môi-se (tất nhiên bao gồm giữ ngày Sa-bát).

Những vị lãnh đạo Hệ phái CĐPL ngày nay giảng dạy con cái Chúa phải giữ ngày Sa-bát chẳng khác gì những vị giáo sư Do Thái tin Chúa khi xưa, đã khuấy rối niềm tin của con cái Chúa tại xứ Ga-la-ti! Họ cũng tương tự như những người Pha-ri-si tin Chúa Jesus trong sách Công Vụ Các Sứ đồ chương 15, họ đã khuấy rối (trouble) và biến loạn (disturbed)(Công Vụ 15:24)những người ngoại bang tin Chúa, vốn là những người chưa bao giờ giữ 10 Điều Răn.

Phao-lô dùng hình ảnh “người thầy giáo” để dạy tín hữu Ga-la-ti: “Ấy vậy, luật pháp như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa.” (3:24-25)

Ngày hôm nay, người tin Chúa Jesus mà còn giữ ngày Sa-bát là tự đặt mình dưới ách tôi mọi cho luật pháp và phục dưới luật pháp như Phao-lô đã nói. Phao-lô cảnh cáo tín hữu Ga-la-ti: Anh em hãy còn giữ ngày tháng, mùa, năm ư! Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em.” (4:10,11)

4. Lý do Hội Thánh của Chúa ngày nay nhóm thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật

Hội Thánh ngày nay thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Nhất trong tuần vì các lý do sau đây:

1. Không có mệnh lệnh nào trong Tân Ước buộc Hội Thánh phải thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy.

2. Hội Thánh đầu tiên không giữ ngày Sa-bát. Các Sứ Đồ không hề truyền dạy tín đồ phải giữ ngày Sa-bát.

3. Hội Thánh đầu tiên có nhóm họp vào ngày Chủ Nhật (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1 / 20:7)

4. I Cô-rinh-tô 16:2 cho thấy một trong những sinh hoạt của Hội Thánh đầu tiên: “Cứ ngày thứ nhất trong mỗi tuần lễ (first day of every week), mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.”

Mặc dù câu trên không khẳng định Hội Thánh Cô-rinh-tô đã nhóm lại thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật hàng tuần hay không, nhưng không có gì sai khi cho rằng họ thường xuyên nhóm họp vào ngày Chủ Nhật mỗi tuần, họ gặp nhau để nhận và ban phát của dâng. Có thể ngày Chủ Nhật hàng tuần cũng là ngày họ nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa chung với nhau.

5. Ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là ngày rất đặc biệt đối với những ai đặt niềm tin nơi Chúa Jesus Christ. Đó là ngày Chúa Jesus sống lại. Tất cả Cơ-đốc nhân đều biết rõ đức tin của chúng ta đặt nền tảng trên sự sống lại của Chúa Jesus, Phao-lô đã dẫn giải điều nầy trong I Cô-rinh-tô 15:17,18 như sau: “Nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. Vậy, những kẻ ngủ trong Đấng Christ cũng phải hư mất đời đời.” Do đó, con cái Chúa nhóm lại vào ngày Thứ Nhất rất thích hợp với nền tảng đức tin.

6. Ngày Thứ Nhất trong tuần, Chúa Jesus sống lại và hiện ra nhiều lần cho các môn đồ và Sứ đồ để an ủi họ, khích lệ họ, đem sự vui mừng đến cho chọ. Chúng ta ghi nhận những sự kiện xãy ra trong ngày Chủ Nhật Chúa sống lại, có liên quan đến sự nhóm họp của các môn đồ:

+ Chúa hiện ra cho 2 người phụ nữ, hai bà đã ôm chân Chúa và thờ lạy Ngài (Ma-thi-ơ 28:9).

+ Chúa hiện ra cho 2 môn đồ ở Em-ma-út đang đi đến Giê-ru-sa-lem. Cũng trong ngày Thứ Nhất đó, có nhiều môn đồ đang nhóm họp với nhau (Lu-ca 24:33), họ nhận tin vui Chúa sống lại từ hai môn đồ.

+ Cũng trong ngày Thứ Nhất, Chúa hiện ra cho 10 Sứ đồ đang nhóm trong phòng (không có Thô-ma) và Chúa chúc bình an cho họ (Giăng 20:19-21).

+ Đúng 1 tuần sau, cũng nhằm ngày Thứ Nhất, 10 sứ đồ và Thô-ma có buổi nhóm lại, Chúa hiện ra trò chuyện với họ (Giăng 20:26-28).

Tóm lại, chúng ta thấy rõ sự nhóm lại vào ngày Thứ Nhất có liên quan với lẽ đạo sống lại của Chúa Jesus ngay từ ngày đầu tiên Chúa sống lại, và kể từ thời điểm đó, con cái Chúa tiếp tục giữ ngày Thứ Nhất làm ngày nghỉ và thờ phượng Chúa như là một kỷ niệm sống động về sự sống lại của Chúa Jesus.

Những vị giảng dạy phải thờ phượng Chúa vào ngày Sa-bát Thứ Bảy thường thách thức các tín hữu thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật bằng câu hỏi sau:

“Bạn hãy trưng dẫn một câu trong Tân Ước chứng minh sự thờ phượng Chúa trong ngày Thứ Bảy đã chuyển sang ngày Chủ Nhật”

Câu hỏi nêu trên thật ra đã sai lầm trong cách đặt câu hỏi: Đầu tiên, câu hỏi đã cố ý cho rằng từ ban đầu Hội Thánh đã có sự thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy, hay nói cách khác, Tân Ước đã có truyền dạy tín hữu phải thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy. Kế đến, câu hỏi đã cố ý gán cho Hội Thánh ngày nay đã không vâng lời Chúa, đã chuyển đổi ngày Sa-bát thành ngày Chủ Nhật.

Thật ra, Hội Thánh đầu tiên mới thành lập không hề có sự thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy, và cũng không có lời dạy bảo từ các Sứ Đồ phải giữ ngày Thứ Bảy để thờ phượng Chúa. Hội Thánh ngày nay thờ phượng Chúa vào ngày Chủ Nhật là vì các lý do đã trình bày trong bài viết nầy, chứ không phải vì cố ý chuyển đổi hay hủy bỏ sự thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy.

Như vậy, câu hỏi thách thức nêu trên buộc người khác phải tìm ra câu Kinh Thánh là loại câu hỏi rất vô lý.

5. Có phải Hội Thánh ngày nay đã hủy bỏ Điều Răn Thứ Tư?

Hệ phái CĐPL cho rằng những hệ phái Tin Lành ngày nay giữ ngày Chủ Nhật tức là đã mặc nhiên hủy bỏ Điều Răn Thứ Tư. Chúng ta nhận thấy họ đã cố ý sử dụng từ ngữ “hủy bỏ” Điều Răn Thứ Tư nhằm buộc tội và lên án những ai giữ ngày Chủ Nhật. Hãy suy xét về khía cạnh tín lý (doctrine) một cách thấu đáo, sẽ nhận thấy sự nhóm họp thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi vào ngày Chủ Nhật không có ý “hủy bỏ” Điều Răn Thứ Tư như đã bị gán cho. Phao-lô nói rõ luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” (Rô-ma 7:12)

Luật pháp được kể là tốt lành và thánh vì do Chúa thiết lập, Chúa thiết lập Luật Pháp để chỉ cho con người biết con người là tội nhân trước mặt Chúa: “Nhưng tôi bởi luật pháp mà biết tội lỗi; vì nếu luật pháp không nói: Người chớ tham lam, thì tôi đã không biết sự tham lam.” (Rô-ma 7:7); tuy nhiên Luật Pháp (hay Giao Ước Cũ) không cứu được con người. Do đó, có sự ra đời của Giao Ước Mới, là Giao Ước tốt hơn Giao Ước trước. Giao Ước Mới được thành lập bởi huyết của Chúa Jesus, tốt hơn Giao Ước trước được thành lập bởi huyết của con sinh tế. Luật Pháp như vị thầy giáo dẫn đường chúng ta đến với Chúa Jesus, khi chúng ta tin Chúa Jesus, thì chúng ta không còn phục dưới thầy giáo đó nữa (Ga-la-ti 3:24,25).

Thư Hê-bơ-rơ cho thấy sự khác biệt giữa 2 giao ước:

“Vì thế, Đức Chúa Jêsus đã trở nên Đấng bảo lãnh cho một cái giao ước rất tôn trọng hơn cái trước.” (Hê-bơ-rơ 7:22)

“Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.” (Hê-bơ-rơ 8:6)

Như vậy, dù Điều Răn thứ Tư là tốt lành, là đáng tôn tọng vì nằm trong Giao Ước của Chúa, nhưng đến lúc hoàn tất nhiệm vụ thì nhường cho Giao Ước Mới vượt trội hơn. Bởi đức tin nơi Chúa Jesus, chúng ta nhận được sự tha tội, được tái sanh, được nên thánh, được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, mà Giao Ước Cũ không thể làm được cho chúng ta.

Chúng ta ngày nay không không giữ ngày Sa-bát, không có nghĩa là chúng ta hủy bỏ Điều Răn Thứ Tư (từ ngữ “hủy bỏ” hiểu theo cách của con người), nhưng chúng ta bước đi trong một Giao Ước tốt lành hơn. “Vả, luật pháp chỉ là bóng (shadow) của sự tốt lành ngày sau …” (Hê-bơ-rơ 10:1)

 

Tháng 12/2017
Tháng 2/2021