LINH HỒN CON NGƯỜI ĐI ĐÂU SAU KHI CHẾT?

Trần Đình Tâm

 

“Hơi thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi đất mình” (Thi Thiên 146:4)

“Và bụi tro trở về đất như nguyên thủy, còn thần linh trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo 12:7)

Con người sau khi qua đời, phần thân xác (body) sẽ được chôn trong mồ mả, hỏa táng, thủy táng…, có những thân xác bị tan vỡ hoàn toàn do bom đạn không thu hồi lại được, dù bằng cách nào đi nữa, thân xác sẽ trở về bụi đất. Phần linh hồn của con người sẽ không chết nhưng đi về một nơi cư trú mà Đức Chúa Trời định sẳn cho họ.

Một số vấn đề liên quan đến nơi ở của những người qua đời được nhiều người quan tâm và thắc mắc như: Người tin nhận Chúa Jesus sau khi chết sẽ ở đâu? Người khước từ Chúa Jesus sau khi chết sẽ đi về đâu? Các thánh đồ trong thời Cựu Ước khi qua đời họ đi đâu? Chúa Jesus ở đâu trong khoảng thời gian từ lúc Chúa chết trên thập giá đến lúc Chúa sống lại? Bằng cách nghiên cứu tất cả các câu chuyện có liên quan đến sự qua đời của các nhân vật trong Kinh Thánh, chúng ta có cái nhìn tổng quát về nơi cư trú của linh hồn con người sau khi chết.

A. Âm phủ.

1) Nguyên ngữ của “âm phủ”

Âm phủ theo nguyên ngữ  Hê-bơ-rơ là Sheol, được dùng trong Cựu Ước, âm phủ theo tiếng Hy-lạp là Hades, được dùng trong Tân Ước.

Từ ngữ Sheol được dịch thành “âm phủ” trong các bản Kinh Thánh Việt ngữ. Tuy nhiên, trong các bản Kinh Thánh Anh ngữ phần Cựu Ước, từ Sheol được dịch thành grave (mồ mả) 30 lần, Hell (địa ngục) 31 lần, và pit (địa ngục) 3 lần tùy theo ý nghĩa của văn cảnh (contex).

Hades cũng được dịch thành “âm phủ” trong bản Kinh Thánh Việt ngữ. Trong Kinh Thánh Anh ngữ phần Tân Ước, Hades được dịch thành grave 1 lần (I Cô-rinh-tô 15:55) và hell 9 lần.

Sheol (trong Cựu Ước) hay Hades (trong Tân Ước) đều chỉ về một nơi duy nhất mà Kinh Thánh tiếng Việt gọi là âm phủ, sau đây là bằng chứng: Thi Thiên 16:10 là lời tiên tri về Chúa Jesus sau khi chết, Ngài ở trong âm phủ 3 ngày, sau đó Chúa sống lại:

“Vì Chúa (Đức Chúa Trời) chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ (sheol), cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát.”

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn Thi Thiên 16:10 trong bài giảng của ông cho dân Do Thái để giới thiệu về Chúa Jesus cho họ:

“Vì Chúa sẽ chẳng để linh hồn tôi trong âm phủ (Hades), và chẳng cho Đấng Thánh của Ngài hư nát đâu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:27)

Cùng một câu Kinh Thánh nhưng được viết bằng hai ngôn ngữ khác nhau, chúng ta có thể kết luận rằng Sheol hay Hades đều cùng chỉ về một chổ duy nhất.

2) Kinh Thánh mô tả Âm phủ:

Lu-ca 16:19-31 là phân đoạn Kinh Thánh kể câu chuyện về một người nhà giàu ích kỷ và một người nghèo khó tên là La-xa-rơ. Chính Chúa Jesus đã thuật câu chuyện nầy và qua câu chuyện, Chúa Jesus đã tiết lộ cho chúng ta biết một vài chi tiết đặc biệt quan trọng về âm phủ.

“Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn. Người giàu ở nơi Âm phủ (Hades) đang bị đau đớn, ngước mắt lên thấy Áp-ra-ham ở xa xa, và La-xa-rơ trong lòng người.” (câu 22,23)

“Người giàu kêu lên: “Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi. Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình.”  (câu 24,25)

“Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.” (câu 26)

Cả người giàu và La-xa-rơ đều qua đời, thân thể (body) họ được đem chôn, linh hồn của cả hai đều đi vào âm phủ. Tuy nhiên, âm phủ gồm có hai khu vực riêng biệt, giữa hai khu vực có một vực sâu ngăn cách.

a. Khu vực dành cho người ác:

Linh hồn của những người không công bình sẽ ở nơi nầy, họ phải chịu khổ sở vì bị lửa đốt nóng. Tuy nhiên, đây chỉ là nơi khổ hình tạm thời mà thôi, vì linh hồn của những người nầy sẽ sống lại cùng với thân thể của họ để chịu sự phát xét chung thẩm của Đức Chúa Trời, rồi cả thân thể và linh hồn của họ sau đó sẽ chịu hình phạt vĩnh viễn trong hồ lửa.

Trái với quan niệm cho rằng sau khi chết, linh hồn con người sẽ ở trong trạng thái “ngủ”, tức là không có ý thức, không ở trong tình trạng đau khổ hay sung sướng; câu chuyên Chúa Jesus kể cho chúng ta thấy linh hồn con người là có ý thức, cảm nhận được đau khổ hay hạnh phúc. Người nhà giàu cảm nhận được sức nóng của lửa nên xin vài giọt nước làm mát lưỡi, ông cũng ý thức được sự đau khổ nên đã nhờ Áp-ra-ham sai La-xa-rơ (La-xa-rơ sống lại) đến gặp năm người anh em của ông còn sống trên trần gian, để thuật lại cho họ biết về sự khốn khổ trong âm phủ mà bản thân ông phải chịu (câu 27,28).

Những câu chuyện trong Cựu Ước cũng chứng minh những người ác khi chết sẽ vào âm phủ:

Cô-rê và gia quyến đi vào âm phủ vì phản nghịch chống lại Môi-se:

“Nhưng nếu Đức Giê-hô-va làm một sự thật mới, nếu đất hả miệng ra nuốt họ và mọi món chi thuộc về họ, nếu họ còn đang sống mà xuống âm phủ, thì các ngươi sẽ biết rằng những người nầy có khinh bỉ Đức Giê-hô-va. Vừa khi Môi-se nói dứt các lời nầy, đất ngay dưới chân họ bèn nứt ra; hả miệng nuốt họ, gia quyến và hết thảy phe Cô-rê cùng tài sản của chúng nó. Các người đó còn đang sống và mọi vật chi thuộc về họ đều xuống âm phủ; đất lấp lại và chúng nó bị diệt khỏi hội chúng. (Dân Số Ký 16:30-33)

Mô tả người dâm phụ:

     “Chân nó xuống chốn sự chết. Bước nó đụng đến âm phủ.” (Châm Ngôn 5:6)

“Những người chẳng biết rằng kẻ chết ở đó. Và những người khách của nàng đều ở dưới chốn sâu của âm phủ.” (Châm Ngôn 9:18)

Kẻ ác được chỉ định sẽ vào âm phủ:

     “Kẻ ác bị xô xuống âm phủ” (Thi Thiên 9:17)

     “Chúng nó (kẻ ác) bị định xuống âm phủ như một bầy chiên.” (Thi Thiên 49:14)

“Chúng nó may mắn trải qua các ngày đời mình. Rồi bỗng chốc sa xuống âm phủ." (Gióp 21:13)

b. Khu vực dành cho người công bình:

Kinh Thánh gọi là “lòng của Áp-ra-ham” (Abraham's bosom), đây là nơi mà linh hồn người công bình sẽ được yên ủi. Tuy nhiên, đây chưa phải là Thiên đàng (Heaven). Xin chú ý: Tại thời điểm Chúa Jesus kể câu chuyện nầy, Ngài chưa chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Tất cả những thánh đồ trong thời Cựu Ước khi chết, linh hồn của họ chưa được đi vào thiên đàng nhưng tạm thời ở trong âm phủ (vì Chúa Jesus chưa chết trên thập giá chuộc tội cho họ.)

Gia-cốp tin rằng Giô-sép ở trong âm phủ khi ông nghe tin Giô-sép chết:

“Ta để tang luôn xuống chốn âm phủ cùng con ta!”  (Sáng Thế Ký 37:35)

Vua Ê-xê-chia là vị vua kính sợ Chúa của vương quốc Miền Nam bị bệnh sắp chết, khi được Đức Chúa Trời gia hạn cho ông sống thêm mười lăm năm, ông nói:

“Tôi từng nói: Vậy thì, đương khi giữa trưa của đời tôi, tôi hầu vào cửa âm phủ, còn mấy năm thừa bị cất mất.” (Ê-sai 38:10)

c. Có một vực sâu ngăn cách:

Có một vực sâu ngăn cách giữa khu vực dành cho kẻ ác và khu vực dành cho người công bình, Chúa Jesus cho biết không ai có thể từ khu vực nầy đi qua khu vực kia được. Điều nầy cho chúng ta bài học quan trọng: sau khi qua đời, số phận của mỗi người đã được quyết định, không ai thể thay đổi số phận của mình được nữa, sẽ không có cơ hội thứ hai cho họ trong âm phủ. Tất cả những gì con người có thể làm để tránh vào nơi khổ hình là lúc họ còn sống!

Vực sâu ngăn cách giữa hai khu vực trong âm phủ có thể cũng là vực sâu mà các thiên sứ phạm tội đang bị giam cầm. (Xem phần C bên dưới)

3. Chúa Jesus ở đâu trong khoảng thời gian giữa sự chết và sự sống lại của Ngài?

Khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, Chúa nói với tên tội phạm biết ăn năn tội như sau:

      “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43)

Sau khi Chúa chết, Chúa đi vào một nơi gọi là “Ba-ra-đi” (tiếng Anh: Paradise; tiếng Hy-lạp: Paradeisos), có nghĩa là “vườn phước hạnh”, vào thời điểm Chúa phán với tên cướp, Pa-ra-đi chưa phải là thiên đàng ở trên trời (Heaven) như nhiều người đã hiểu sai. Vậy, Ba-ra-đi ở đâu? Hãy nghiên cứu một lời tuyên bố khác của Chúa Jesus:

Chúa Jesus đã từng báo trước về sự chết của Ngài như sau:

“Vì Giô-na đã ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất (the heart of the earth) ba ngày ba đêm.” (Ma-thi-ơ 12:40)

Chúa nói Ngài sẽ ở “trong lòng” đất ba ngày ba đêm (từ ngữ “trong lòng” theo tiếng Hy-lạp: Kardia, từ tương đương trong Anh ngữ: Heart), “trong lòng” đất là ở đâu và có ý nghĩa gì? Chắc chắn “trong lòng” đất phải ám chỉ về một địa điểm nào đó khác hơn là ngôi mộ bình thường, nói cách khác, lời tuyên bố của Chúa Jesus không có ý nói thân xác của Ngài sẽ ở trong mộ ba ngày ba đêm, nhưng có ý nói Ngài sẽ ở trong âm phủ ba ngày ba đêm.

Điều lạ lùng là Chúa Jesus mượn câu chuyên Giô-na ở trong bụng cá để nói về sự chết của Ngài, chúng ta đọc trong Giô-na đoạn 2, ông đang ở trong bụng cá và ông đã từng trãi như thể ông đang ở trong âm phủ:

     “Từ trong bụng âm phủ (sheol), tôi kêu la, thì Ngài đã nghe tiếng tôi.” (Giô-na 2:3)

So sánh hai lời tuyên bố của Chúa Jesus trên, chúng ta có thể khẳng định hai điểm sau:

+ Chúa Jesus đã ở trong âm phủ trong khoảng thời gian giữa sự chết và sự sống lại của Ngài.

+ Ba-ra-đi mà Chúa Jesus đi đến cũng chính là nơi mà người nghèo tên La-xa-rơ đang ở, cũng được gọi là “lòng của Áp-ra-ham”, chỉ khác nhau về tên gọi mà thôi.

Ngoài ra, Thi Thiên 16:10 mà Phi-e-rơ trưng dẫn, chứng minh rằng sau khi chết, linh hồn của Chúa Jesus đi vào âm phủ:

 “Vì Chúa chẳng bỏ (leave) linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát.”

Động từ  “không bỏ” (not leave) cho thấy Chúa Jesus đã có hiện diện trong âm phủ nhưng không ở đó luôn mà rời khỏi nơi đó.

4. Chúa Jesus vào trong âm phủ với mục đích gì?

Trước khi Chúa Jesus trút linh hồn trên thập giá, Chúa tuyên phán “mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30), Chúa Jesus muốn nói rằng sự chuộc tội của Ngài cho nhân loại đã hoàn tất, sự chết của Ngài như là một sinh tế chuộc tội cho nhân loại. Phao-lô nói “Vì Đấng Christ là sinh tế của lễ Vượt qua của chúng ta đã bị giết.” (I Cô-rinh-tô 5:7). Sau khi chịu chết, Chúa Jesus đi vào âm phủ làm gì?

“Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, và ban các ơn cho loài người. Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì?, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự.”  (Ê-phê-sô 4:8-10)

Cụm từ “trong các miền thấp ở dưới đất” (the lower parts of the earth), cũng được dùng trong Thi Thiên 63:9 “Những kẻ nào tìm hại mạng sống tôi, sẽ sa xuống nơi thấp của đất (the lower parts of the earth)”.  Chúng ta hiểu ngay Đa-vít muốn nói những kẻ hại ông sẽ sa xuống âm phủ, thêm một bằng chứng nữa cho thấy Chúa Jesus có hiện diện trong âm phủ.

Cụm từ “Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù” ám chỉ khi Chúa Jesus sống lại, Ngài dẫn đem những linh hồn của những thánh đồ tạm trú trong âm phủ ra khỏi âm phủ.

Sau khi hoàn tất sự chuộc tội, Chúa Jesus đi vào âm phủ, khu vực có Áp-ra-ham (còn gọi là Pa-ra-đi) để dẫn tất cả những linh hồn của các thánh đồ thời Cựu Ước (là những người công bình) ra khỏi âm phủ (là nơi ở tạm thời) mà đem họ lên trời (Heaven) cùng với Ngài lúc Ngài sống lại.

Như vậy, kể từ thời điểm Chúa Jesus sống lại, tất cả những người tin nhận Chúa Jesus mà qua đời, linh hồn họ sẽ không đi vào âm phủ nữa nhưng sẽ lên trời và ở với Chúa Jesus:

“Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn.”  (II Cô-rinh-tô 5:8)

“Tôi bị ép giữa hai bề: muốn đi ở với Đấng Christ là điều tốt hơn, nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em.”  (Phi-líp 1:24)

Những người chối bỏ Chúa Jesus khi qua đời, linh hồn của họ sẽ phải đi vào âm phủ để chịu khổ và chờ ngày sống lại để chịu sự phán xét.

5. Ý nghĩa của Ba-ra-đi trong II Cô-rinh-tô 12:4

Sứ đồ Phao-lô kể lại kinh ghiệm của ông về việc ông được Chúa đem lên Ba-ra-đi:

“Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến tầng trời thứ ba. Tôi biết người đó được đem lên đến chốn Ba-ra-đi (paradise), ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói.” (II Cô-rinh-tô 12:2-4)

Phần Kinh Thánh trên cho thấy Ba-ra-đi ở trên trời, nhưng Ba-ra-đi ở Lu-ca 23:43 lại ở trong âm phủ. Chúng ta giải thích như thế nào?

Như đã dẫn giải bên trên (Lu-ca 23:43), Ba-ra-đi chỉ về nơi mà linh hồn con người hưởng hạnh phúc, từ ngữ “Ba-ra-đi” nói đến tâm trạng của con người chứ không hướng về một địa điểm duy nhất nào. Do đó, Khi Chúa Jesus nói với tên cướp bị đóng đinh “… ngươi sẽ ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” thì địa điểm của Ba-ra-đi trong trường hợp nầy là âm phủ (trong lòng Áp-ra-ham). Tuy nhiên, sau khi Chúa Jesus sống lại và dẫn theo các thánh đồ Cựu Ước lên trời thì địa điểm của Ba-ra-đi lúc nầy không ở trong âm phủ nữa nhưng ở tầng trời thứ ba.

6. Địa điểm của Âm phủ:

Âm phủ ở đâu? Khác với ngôi mộ, là địa điểm chôn cất thân xác người chết nên chúng ta có thể nhìn thấy được (visible); nhưng âm phủ là nơi cư trú của linh hồn người chết, chúng ta không thể nhìn thấy được (unvisible) âm phủ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết vị trí của âm phủ như sau:

a) Ở trong lòng (heart) trái đất:

Vì Giô-na đã ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất (the heart of the earth) ba ngày ba đêm.” (Ma-thi-ơ 12:40)

b) Ở bên dưới của mặt đất (under the earth):

“Hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất  (under the earth) , thảy đều quỳ xuống.” (Phi-líp 2:10)

“Tôi lại nghe mọi vật trên trời, dưới đất, bên dưới dất (under the earth), trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quý, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời.” (Khải Huyền 5:13)

Qua hai câu trên, chúng ta ghi nhận có 3 vị trí được xác định: ở trên trời (heaven) là nơi ngự của Đức Chúa Trời Ba Ngôi cùng với muôn vàn thiên sứ phục vụ Ngài; ở dưới đất, dịch đúng hơn là trên mặt đất (in earth) là nơi loài người sinh sống; và bên dưới đất (under the earth) là vị trí của âm phủ.

c) Là nơi sâu thẳm:

“Dù chúng nó đào đến âm phủ, tay ta cũng sẽ móc chúng nó ra; dù chúng có trèo lên trên trời, ta cũng sẽ làm cho chúng nó từ đó xuống.” (A-mốt 9:2)

“Nếu ông dò xét, há có thể biết được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, và thấu rõ Đấng toàn năng sao? Sự ấy vốn cao bằng các từng trời: vây ông sẽ làm gì? Sâu hơn âm phủ: ông hiểu biết sao đặng?” (Gióp 11:7,8)

“Vì có lửa nổi phừng trong cơn giận ta, cháy cho đến đáy sâu âm phủ.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:22)

“Nơi âm phủ sâu thăm thẳm…”  (Ê-sai 14:9)

B. Địa ngục.

Theo nguyên ngữ  Hy-lạp, địa ngục là "gehenna", được dùng trong Tân Ước, chỉ về nơi mà cả linh hồn và thể xác của những kẻ ác sẽ chịu hình phạt đau khổ đời đời.  “Gehenna” được dịch là “địa ngục” trong Kinh Thánh tiếng Việt và "hell" trong Kinh Thánh tiếng Anh.

“Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục.” (Ma-thi-ơ 5:29)

“Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồnthân thể trong địa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28)

Nhận xét: Vài bản Kinh Thánh tiếng Anh dịch Sheol hay Hades thành hell (địa ngục) có thể làm một số người lẫn lộn, khó hiểu khi nghiên cứu Kinh Thánh Anh ngữ, vì từ Gehenna cũng được dịch ra hell, trong khi chúng ta biết rằng Sheol (Hy-lạp: Hades) và Gehenna chỉ về hai chổ khác nhau.

C. Vực sâu:

Tiếng Hy-lạp là Tartaroo, nếu căn cứ vào tiếng Hy-lạp, thì từ nầy chỉ được dùng một lần trong II Phi-e-rơ 2:4:

“Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ khi họ phạm tội, nhưng quăng vào vực sâu (Tartaroo), tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng trong nơi tối tăm để chờ ngày phán xét.”  (Bản Kinh Thánh Truyền Thống)

Dịch là “vực sâu” như trên thì chính xác hơn dịch là “hỏa ngục” như trong bản Hiệu Đính 2010.

Bản Kinh Thánh Anh ngữ (KJV, NIV) dịch là "hell" cũng không chính xác.

Vực sâu không phải là nơi cư trú của linh hồn những người chết, nhưng là một nơi đặc biệt giam giữ các thiên sứ phạm tội đặc biệt, Đức Chúa Trời trói họ lại bằng xiềng, nhốt họ vào đó để chờ ngày phán xét. Các thiên sứ nầy phạm một loại tội đặc biệt đến nỗi phải bị Chúa giam cầm trong vực sâu, trong khi Sa-tan và các quỷ sứ của nó phạm tội nhưng không bị giam cầm (Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan hoạt động cho đến thời đại vương quốc của Chúa Jesus, Sa-tan sẽ bị giam cầm trong một ngàn năm, sau đó Sa-tan lại được tạm thời thả ra, và cuối cùng nó sẽ bị quăng vào hồ lửa (Khải Huyền 20:1-3,7-10). Số phận của các thiên sứ phạm tội nầy sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời trong ngày phán xét: “Ngài phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ của nó (Ma-thi-ơ 24:41). Ngày phán xét là ngày nào thì chỉ có Đức Chúa Trời biết, ngày đó sẽ đến trong tương lai.

Chúng ta biết câu chuyện người bị quỷ ám trong Ma-thi-ơ 8:28-34 hay Luca 8:26-33, có rất nhiều quỷ ám vào người nầy. Khi gặp Chúa Jesus, các quỷ sợ hãi nói với Chúa “Lạy Con Đức Chúa Trời … có phải Ngài đến đây để làm khổ tôi trước kỳ hạn không?” Ma quỷ biết số phận của nó sẽ bị quăng vào hồ lửa theo kỳ hạn mà Đức Chúa Trời ấn định, nó sợ Chúa Jesus sẽ đuổi nó vào hồ lửa trước kỳ hạn. Sau đó các quỷ xin Chúa Jesus đừng đuổi nó xuống vực sâu, nhưng xin cho được nhập vào bầy heo. Chúa cho phép chúng nhập vào bầy heo. Các quỷ đó sợ Chúa Jesus đuổi nó xuống vực sâu để cùng phải chịu chung cảnh xiềng xích như các thiên sứ phạm tội đặc biệt. Chúng ta biết Chúa Jesus không đuổi chúng xuống vực sâu, vì theo ý định của Đức Chúa Trời, vực sâu là để giam giữ các thiên sứ phạm tội đặc biệt.

Ngày hôm nay, khi con cái Chúa phải đối diện với công việc đuổi quỷ, chúng ta được Chúa ban cho uy quyền trên ma quỷ, nhân danh Chúa để đuổi ma quỷ ra khỏi một người nào. Còn việc buộc nó phải đi vào hồ lửa là công việc của Đức Chúa Trời chứ không phải việc của chúng ta, vì chỉ khi đến kỳ hạn ấn định, Đức Chúa Trời sẽ quăng ma quỷ vào hồ lửa. Chúng ta cũng không thể buộc chúng phải đi xuống vực sâu, vì đó không phải là quyền của chúng ta. Chính Chúa Jesus cũng không làm như thế.

Ngoài ra, trong sách Khải Huyền đặc biệt có nói nhiều đến vực sâu (Abyss, bottomless):

“Vị thiên sứ thứ năm thổi loa, thì tôi thấy một ngôi sao từ trời rơi xuống đất, và được ban cho chìa khóa của vực sâu không đáy. Ngôi sao ấy mở vực sâu không đáy ra, có một luồng khói dưới vực bay lên …” (Khải Huyền 9:1,2)

“Nó có vua đứng đầu, là sứ giả của vực sâu, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là A-ba-đôn, tiếng Hy- lạp gọi là A-bô-ly-ôn.”  (Khải Huyền 9:11)

“Con thú mà ngươi đã thấy, trước có mà bây giờ không còn nữa, nó sẽ từ dưới vực sâu lên và đi đến chốn hư mất…”  (Khải Huyền 17:8)

“Đoạn tôi thấy một vị thiên sứ từ trên trời xuống, tay cầm chìa khóa của vực sâu và một cái xiềng lớn. Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma quỷ, là Sa-tan, mà xiềng nó lại đến ngàn năm. Người quăng nó xuống vực, đóng cửa vực và niêm phong lại, hầu cho nó không đi lừa dối các dân nữa, cho đến chừng hạn một ngàn năm đã mãn” (Khải Huyền 20:1-3)

D. Hồ lửa (lake of fire): Chúng ta tìm thấy “hồ lửa” trong Khải Huyền 20:11-15, là phần Kinh Thánh mô tả sự phán xét của Đức Chúa Trời vào thời kỳ sau cùng của thế giới:

“Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.”

Các sự kiện nêu trên xãy ra sau thời đại một ngàn năm vương quốc của Đấng Christ. Lúc ấy, linh hồn những người gian ác ở trong âm phủ sẽ phối hợp với thân xác của họ (đã thành tro bụi) để sống lại và chịu phán xét trước tòa án của Chúa. Sau đó, họ sẽ bị quăng vào hồ lửa.

Khi so sánh “hồ lửa” và “địa ngục” (Gehenna, đã nói bên trên), chúng ta dễ thấy rằng chúng chỉ về một chổ mà thôi, “hồ lửa” chỉ là một tên gọi khác của “địa ngục”, cho thấy nơi tội nhân phải chịu hình phạt đau đớn khổ sở vô cùng cho đến đời đời. Khải Huyền 21:8 cũng cho biết “Hồ lửa là sự chết thứ hai” và là nơi diêm cháy bừng bừng chẳng hề tắt.

Như vậy, hồ lửa là nơi khổ hình đời đời dành cho kẻ ác (cả thân thể lẫn linh hồn), Sa-tan, các quỷ sứ cũng như tất cả các thiên sứ phạm tội khác.

So sánh giữa âm phủ và địa ngục (hay hồ lửa):

Âm phủ không phải là địa ngục hay hồ lửa, âm phủ là nơi cư trú tạm thời của linh hồn những người chết mà thân xác của họ đã thành tro bụi trong mồ mã hay bất cứ nơi nào trên đất hay dưới biển.

Địa ngục là nơi hình phạt vĩnh viễn của cả thân thể và linh hồn con người ngay sau khi con người sống lại và chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Tháng 8, 2012